Ngày nay, nhận thức của xã hội về hậu quả của ô nhiễm môi trường ngày càng được nâng cao, yêu cầu luật pháp phải có những chế tài mạnh hơn
đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Một loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua (như những vi phạm về xả thải của các công ty Vedan vào năm 2008, công ty Miwon năm 2009, công ty Tung kuang năm 2010 và gần đây là Vinamit) cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức kể cả các cơ quan nhà nước còn chưa tốt, còn đặt lợi ích kinh tế của tổ chức lên trên lợi ích chung của cộng đồng. Sở dĩ có tình trạng này cũng là do pháp luật còn quy định chung chung, chưa cụ thể về vấn đề bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường nói chung, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác có hành vi gây ô nhiễm môi trường nói riêng và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước thực hiện chưa tốt, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh.
Những thiệt hại không hoặc chưa được bù đắp do sự thiếu hụt của các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc ngày càng gia tăng trong cộng đồng đối với các vi phạm về bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là động lực xã hội thúc đẩy việc nghiên cứu, hoàn thiện những quy định về trách nhiệm phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Trong đó việc hoàn thiện thêm một bước các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về dân sự với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, đảm bảo cho người bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường có cơ sở đầy đủ, hợp pháp để yêu cầu bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của mình là rất cần thiết.