Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định Nhà nước phải có chính sách sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống; các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang và công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định của nhà nước; Nhà nước nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường [12, Điều 29]. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, pháp luật nước ta đã quy định mọi tổ chức, cá nhân có hành vi làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân và các chủ thể khác được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (các điều 4, 42, 49, 93, 127...). Trong hai Luật này đã quy định tương đối rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác khi có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.
Chủ thể phải bồi thường thiệt hại về môi trường là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại và có lỗi. Điều 604 Bộ luật Dấn ự năm 2005 đã quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền,lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó [18].
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: "Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi" [18].
Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng quy định một trong những nguyên tắc bảo vệ môi trường là: "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật" [20].
Ngoài nguyên tắc bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 4 nêu trên, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 còn có nhiều điều, khoản khác (các điều 42, 49, 93, 127…) quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ví dụ, khi quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, khoản 3 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
Khi máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này nhập khẩu thì chủ hàng hóa phải tái xuất hoặc tiêu hủy, thải bỏ theo quy định về quản lý chất thải; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật [20].
Theo điểm d khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định về xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường thì: "Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 2 Chương XIV của Luật này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự" [20]. Cũng liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường khoản 3 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định:
3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường quy định tại khoản 2 Điều này trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;
b) Tiến hành ngay các biện pháp để ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng;
c) Thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường [20].
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đều xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là các tổ chức, cá nhân và các chủ thể khác có hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường. Các quy định của pháp luật còn đề
cập đến trách nhiệm bồi thường trong trường hợp nhiều người cùng có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định mức độ, trách nhiệm của từng đối tượng gây thiệt hại trong trường hợp này lại chưa được quy định rõ. Sự thiếu hụt của pháp luật về vấn đề này sẽ gây khó khăn cho việc xác định mức bồi thường thiệt hại của từng người gây ô nhiễm.
Các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật môi trường mà có hành vi làm ô nhiễm môi trường dẫn tới gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Các tổ chức có thể là pháp nhân (chẳng hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu…) hoặc tổ chức khác không phải là pháp nhân như tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh...
Trong thực tế đời sống, các chủ thể gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình do không có thiết bị xử lý chất thải, hoặc không tuân thủ các quy định khác về bảo vệ môi trường… các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường hoặc gây ra sự cố môi trường làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết là các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đối với cá nhân thì không phải khi sinh ra đã có năng lực chịu trách nhiệm dân sự. Cá nhân gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự. Theo quy định tại Điều 606 Bộ luật Dân sự thì năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường của cá nhân được xác định như sau:
- Những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi đầy đủ thì tự mình phải bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ.
- Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị hại.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Tóm lại, chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là các tổ chức, cá nhân, chủ thể khác có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.