Điều lệ pháp nhân hộ

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 46 - 48)

Pháp nhân hội được chia thành hai nhóm: pháp nhân hội công và pháp nhân hội tư.

Pháp nhân hội công gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn… Các pháp nhân do Nhà nước thành lập, hoạt động từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, mục đích vì lợi ích giai cấp.

Pháp nhân hội tư gồm: các hội xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, mục đích hoạt động vì lợi ích của thành viên hội, nguồn kinh phí hoạt động là do thành viên đóng góp. Ví dụ: Hội kiến trúc sư, Đoàn luật sư, Hội làm vườn, Hội sinh vật cảnh, Hội người mù…

Pháp nhân Hội quy định tại Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội là:

Tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp,

đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước [19].

Pháp nhân hội nói chung hoạt động phải tuân thủ điều lệ. Điều lệ hội hợp pháp phải chứa đựng nội dung luật định và phải được sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân cấp tỉnh). Điều lệ hội phải có đủ nội dung cơ bản quy định tại Điều 8 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/04/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội gồm: Tên gọi của hội; tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội; nhiệm vụ, quyền hạn của hội; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội; thể thức vào hội, ra hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên; tiêu chuẩn hội viên; quyền, nghĩa vụ của hội viên; cơ cấu, tổ chức, thể thức bầu và miễn nhiệm; nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo, ban kiểm tra, các chức vụ lãnh đạo khác của hội; nguyên tắc, hình thức biểu quyết; tài sản, tài chính và phương thức quản lý tài sản, tài chính của hội; điều kiện giải thể và thanh quyết toán tài sản, tài chính; khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội; thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ; hiệu lực thi hành.

Như vậy, điều lệ hội được điều chỉnh về nội dung luật định. Ngoài ra, điều lệ hợp pháp và có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản.

2.2. XÁC LẬP, THÔNG QUA, SỬA ĐỔI VÀ CHẤM DỨT ĐIỀU LỆ PHÁP NHÂN

Pháp nhân tồn tại và phát triển trong sự vận động của hoàn cảnh xã hội, chính sách của Nhà nước. Đó là thực tế khách quan. Điều lệ cũng có lịch sử của nó: ra đời, thay đổi và chấm dứt. Đối với từng loại pháp nhân, từng tính chất quan hệ thành viên, điều lệ được xác lập, thông qua, sửa đổi và chấm dứt cũng khác nhau.

Với vai trò là đạo luật chung, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định vấn đề trên tại Điều 88 như sau: Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 46 - 48)