- Thông qua Điều lệ pháp nhân công
Pháp nhân công được thành lập bởi quyết định của cơ quan nhà nước chủ quản. Nguồn tài chính của pháp nhân được cho cấp từ Nhà nước, hoạt động vì mục đích công. Do vậy, Điều lệ pháp nhân được cơ quan chủ quản thông qua bằng văn bản phê chuẩn, phê duyệt Điều lệ pháp nhân công khi thành lập pháp nhân.
Các nội dung Điều lệ pháp nhân công phải tuân thủ quy định pháp luật chung và quy định pháp luật chuyên ngành. Điều lệ có hiệu lực kể từ khi được
cơ quan chủ quản phê chuẩn thông qua. Pháp nhân được tổ chức và hoạt động tuân thủ theo điều lệ đã được cơ quan chủ quản phê chuẩn như: tên gọi. trụ sở, mục tiêu hoạt động, tổ chức bộ máy, tài chính, cách thức thông qua quyết định...
- Thông qua Điều lệ pháp nhân tư
Điều lệ pháp nhân tư xây dựng trên cơ sở tự do ý chí, tự do thỏa thuận nhằm thiết lập một pháp nhân hoạt động tuân thủ giao kết giữa các thành viên và pháp luật. Điều lệ này được thông qua tại cuộc họp các thành viên sáng lập trước khi dự thảo điều lệ được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Xuất phát từ bản chất của quan hệ thành viên pháp nhân là hợp đồng nên hình thức thông qua điều lệ cũng là một phương thức giao kết hợp đồng. Các thành viên căn cứa vào lợi ích của mình và lợi ích thành viên để thiết lập cơ chế điều hành, quản lý và hoạt động của pháp nhân. Điều lệ chính là cách thức để các bên kiểm soát việc thực hiện hợp đồng đầu tư và xác lập "tính đối kháng" với bên thứ ba trong quan hệ với pháp nhân.
Sự nhất trí thông qua Điều lệ pháp nhân của các thành viên sáng lập được thể hiện thông qua biểu quyết và ký vào các văn bản như: Biên bản thông qua điều lệ, ký vào bản điều lệ, Bản cam kết tuân thủ điều lệ…
- Thông qua Điều lệ pháp nhân hội
Xuất phát từ mục đích của pháp nhân hội là tập hợp những thể nhân, pháp nhân có cùng một đặc điểm hoặc một số đặc điểm nhất định, hoạt động theo phương thức tự nguyện, dân chủ nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng thành viên. Bản chất của điều lệ là khế ước lập hội. Do vậy, thông qua điều lệ hội được thực hiện tại cuộc họp thành viên. Điều lệ được thông qua trên cơ sở biểu quyết tán thành và thông qua.
Xuất phát từ quản lý nhà nước, điều lệ hội hợp pháp phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước. Điều lệ hội phải được pháp luật công nhận và không trái với lợi ích chung của xã hội và Nhà nước.
Điều lệ hội có hiệu lực kể từ khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt điều lệ hội. Kể từ khi được phê duyệt, điều lệ điều chỉnh mọi hoạt động của hội, các thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.
Giá trị pháp lý của việc phê duyệt Điều lệ pháp nhân từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện như sau:
+ Đối với pháp nhân mà pháp luật quy định phải có điều lệ hoạt động, thì Điều lệ pháp nhân là một tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ thành lập, hoặc hồ sơ thay đổi hoạt động của pháp nhân. Điều lệ cũng chi phối quá trình hoạt động đối với một số loại hình pháp nhân. Điều lệ có thể coi như "hiến pháp" của pháp nhân, là bộ quy tắc ứng xử của pháp nhân. Sau khi được thành viên thông qua, điều lệ được gửi kèm theo hồ sơ thành lập pháp nhân. Tùy thuộc vào loại pháp nhân, điều lệ được phê duyệt, công nhận, cho phép đăng ký.
+ Hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên có ý nghĩa quan trọng về giá trị pháp lý của Điều lệ. Thông qua việc phê duyệt, chuẩn y, đăng ký hay công nhận, cơ quan nhà nước kiểm duyệt cả về nội dung của Điều lệ có tuân thủ quy định của pháp luật, có xâm phạm lợi ích của bên thứ ba, có trái pháp luật…
+ Điều lệ khi được phê duyệt sẽ bảo đảm cho việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với pháp nhân hiệu quả hơn, kiểm soát được hoạt động của pháp nhân.