Điều lệ của pháp nhân tư

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 43 - 46)

Bản chất của pháp nhân tư là quan hệ mang tính hợp đồng, vì lợi ích tư. Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của loại pháp nhân này. Vậy nên, điều lệ là một hình thức để ghi nhận và truyền tải các thỏa thuận của thành viên. Vậy nên, tự do ý chí, tự do thỏa thuận nội dung điều lệ là điều rất quan trọng.

Tuy vậy, pháp nhân tư là một loại pháp nhân được pháp luật điều chỉnh. Nên điều lệ phải tuân thủ các điều kiện luật định để đảm bảo đó là điều lệ hợp pháp.

Pháp nhân tư được hiểu là các pháp nhân hoạt động dưới hình thức: các loại hình công ty, hợp tác xã. Pháp luật điều chỉnh chủ yếu là: Luật Doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật luật sư…

Ở nước ta, pháp nhân được hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Công ty 1990, Luật Đầu tư nước ngoài thì pháp nhân mới được điều chỉnh bằng pháp luật hoàn chỉnh. Kế tiếp đó, hàng loạt các văn bản luật được ban hành điều chỉnh pháp nhân và điều lệ được ra đời như: Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật hợp tác xã…

Pháp luật về Điều lệ pháp nhân tư quy định theo hướng chỉ quy định những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc về nhiều nội dung trong quản trị nội bộ doanh nghiệp. Pháp luật cho phép điều lệ được quy định vấn đề cụ thể, đáp ứng yêu cầu điều hành, hoạt động của pháp nhân. Pháp nhân tư có quyền quy định trong điều lệ các quy định ứng xử nội bộ và cách thức quản lý, điều hành. Điều lệ pháp nhân tư phải là hình thức biểu đạt của tự do ý chí, tự do thỏa thuận, vì lợi ích của các thành viên trong quan hệ hợp đồng và bất cứ bên thứ ba nào khác.

Điều lệ pháp nhân ngoài vai trò mang tính quy định, còn mang tính "đối kháng" đối với bất cứ bên thứ ba nào quan hệ với pháp nhân. Một điều lệ tốt phải đảm bảo sự thống nhất ý chí và lợi ích của các thành viên pháp nhân. Ngoài ra, nội dung điều lệ chứa đựng nội dung cơ bản do luật định. Cụ thể:

+ Đối với pháp nhân tư chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2005 gồm các điều khoản cơ bản quy định tại Điều 22 như: Tên, địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ; họ tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên

hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần; quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; cơ cấu tổ chức quản lý; người đại diện theo pháp luật; thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần; nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty; thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; các nội dung khác do thành viên, cổ đông thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

+ Đối với pháp nhân tư chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã 2003, nội dung cơ bản của điều lệ quy định tại Điều 12 gồm: Tên hợp tác xã, biểu tượng của hợp tác xã (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề sản xuất, kinh doanh; các quy định về đối tượng, điều kiện, thủ tục gia nhập hợp tác xã và ra hợp tác xã của xã viên; các quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của xã viên; vốn điều lệ của hợp tác xã; vốn góp, hình thức góp, thời hạn góp và điều kiện trả lại vốn góp của xã viên; thẩm quyền và phương thức huy động vốn; nguyên tắc trả công, xử lý các khoản lỗ; chia lãi theo vốn góp, theo công sức đóng góp của xã viên và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; trích lập, quản lý và sử dụng các quỹ của hợp tác xã; thể thức quản lý, sử dụng, bảo toàn và xử lý phần tài sản chung, vốn tích lũy của hợp tác xã khi hợp tác xã đang hoạt động và khi hợp tác xã giải thể; cơ cấu tổ chức quản lý

hợp tác xã; chức năng, quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban quản trị, Trưởng Ban quản trị, Chủ nhiệm hợp tác xã, Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát và các bộ phận giúp việc cho hợp tác xã; người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã; thể thức tiến hành Đại hội và thông qua quyết định của Đại hội xã viên; chế độ xử lý vi phạm Điều lệ hợp tác xã và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; thể thức sửa đổi Điều lệ hợp tác xã; các quy định khác do Đại hội xã viên tự quyết định nhưng không trái với quy định của pháp luật.

Như vậy, Điều lệ pháp nhân tư được điều chỉnh của rất nhiều văn bản luật khác nhau. Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, yêu cầu về nội dung điều lệ cũng có điểm khác nhau. Ngoài các chế định điều chỉnh sự hình thành, hoạt động, chấm dứt pháp nhân, pháp nhân còn chịu điều chỉnh của các chế định pháp luật khác như: Luật Thuế, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ môi trường...

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 43 - 46)