Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin pháp nhân

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 118 - 121)

"Thiếu thông tin và thiếu minh bạch" là nhận xét của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề.

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Luật Công ty năm 1990 ra đời, là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Năm 1991 Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đã khẳng định đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường và khu vực đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường đã được hình thành tại Việt Nam như Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Luật môi trường, Luật lao động và hàng trăm các văn bản pháp lệnh, nghị định của chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phân cấp quản lý hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương đối với pháp nhân với mục đích là quản lý nhà nước về hoạt động, tổ chức. Hệ quả của việc quản lý này là mỗi loại hình pháp nhân được quản lý theo một cách thức khác nhau với mục đích quản lý hành chính. Vậy nên thông tin về pháp nhân không được công khai, không có sự thống nhất trong quản lý. Mặt khác, các giấy tờ pháp lý của pháp nhân (trong đó có Điều lệ) cũng không được công khai có hệ thống từ khi thành lập, sửa đổi đến khi chấm dứt hoặc chuyển giao.

Yêu cầu là phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký pháp nhân (pháp nhân công, pháp nhân tư và pháp nhân Hội). Tất cả các cơ quan quản lý đều phải đăng tải và cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia và các phần mềm hỗ trợ theo một chuẩn duy nhất. Việc tra cứu về thông tin pháp nhân và hồ sơ pháp nhân của tất cả những ai muốn tìm hiểu.

Với sự cần thiết trong quản lý khoa học và hiệu quả của cơ quan nhà nước, đảm bảo thông tin cho người đầu tư và người thứ ba đối với pháp nhân,

các nhà làm luật và cơ quan quản lý cần thiết lập phương thức công khai và minh bạch thông tin pháp nhân. Giá trị của thông tin được tải qua internet từ Cơ sở dữ liệu này có giá trị pháp lý tương đương với giá trị thông tin gốc do pháp nhân đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tóm lại, thực tiễn áp dụng pháp luật về Điều lệ pháp nhân đặt ra một nhu cầu cần có hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh đồng bộ, thống nhất. Từ đó, Điều lệ pháp nhân phát huy hiệu lực trong quản lý, điều hành và giải quyết tranh chấp của pháp nhân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp nhân.

KẾT LUẬN

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta sau hơn 20 năm đổi mới là động lực để cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà làm luật tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình mới. Xây dựng hệ thống quy phạm điều chỉnh pháp nhân, đặc biệt là Điều lệ pháp nhân là một yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của pháp nhân, quản lý của Nhà nước và bảo vệ lợi ích của bên thứ ba khi giao dịch với pháp nhân.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật về Điều lệ pháp nhân thông qua lý luận và thực tiễn áp dụng là rất bổ ích và thiết thực, góp phần xác định giá trị pháp lý của Điều lệ pháp nhân và nâng cao khả năng áp dụng nó vào hoạt động của pháp nhân. Từ đó, Điều lệ pháp nhân mới thực sự là "xương sống" của việc quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm của pháp nhân. Thông qua 3 chương của luận văn, tác giả đã trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn xác lập, ban hành, thông qua và sửa đổi Điều lệ pháp nhân, nội dung và thực tiễn áp dụng Điều lệ pháp nhân công, pháp nhân tư và pháp nhân hội. Bên cạnh đó, tác giả đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và vướng mắc thực thi các quy định của pháp luật về Điều lệ pháp nhân. Từ đó, các giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu lực áp dụng Điều lệ pháp nhân trong thực tiễn xác lập, thông qua, sửa đổi Điều lệ pháp nhân.

Cũng phải thừa nhận rằng, tiếp cận mảng pháp luật về Điều lệ pháp nhân từ góc độ lý luận và thực tiễn là vấn đề rất khó khăn và hết sức rộng. Mặc dù, đã cố gắng nhưng do khả năng hạn chế về lý luận và thực tiễn nên tác giả luận văn không thể đi sâu phân tích, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan về Điều lệ pháp nhân. Do đó, tác giả hy vọng sẽ được tiếp cận và nghiên cứu các vấn đề còn lại ở các công trình khoa học khác. Thêm vào đó, luận văn cũng khó tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót về mặt nội dung và hình thức trình bày; vì vậy, tác giả rất mong nhận được các nhận xét, đóng góp của Hội đồng bảo vệ luận văn, của các thầy cô, đồng nghiệp và của bạn đọc để luận văn được hoàn thiện với tiêu chí và chất lượng cao hơn.

Một phần của tài liệu Điều lệ pháp nhân theo pháp luật Việt Nam (Trang 118 - 121)