Điều lệ pháp nhân xác lập thông qua một trình tự nhất định. Tùy thuộc vào loại hình pháp nhân khác nhau, điều lệ có cách thức xác lập khác nhau. Cụ thể:
- Xác lập điều lệ của pháp nhân công
Một số pháp nhân công hoạt động không có điều lệ mà tuân thủ theo quy chế, nội quy, điều lệnh…Cụ thể, pháp nhân là cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan an ninh, cơ quan vũ trang... có mục đích hoạt động là duy trì trật tự an ninh và trật tự xã hội. Loại pháp nhân công này duy trì xã hội bằng các thiết chế mệnh lệnh, được thành lập quyết định hành chính đặc thù.
Đối với pháp nhân công mà pháp luật đòi hỏi khi hoạt động phải có điều lệ hoạt động như: trường học, bệnh viện, cơ quan hoạt động công ích khác được thành lập bởi nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Pháp nhân thuộc loại này hoạt động phải tuân thủ điều lệ. Điều lệ của pháp nhân này được xác lập bởi cơ quan nhà nước, chủ thể ban hành và phê duyệt, chuẩn y điều lệ. Cơ quan chủ quản theo quy định của pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành để ban hành và phê chuẩn Điều lệ pháp nhân công.
Xác lập điều lệ của pháp nhân là sự xác lập quyền và nghĩa vụ của giữa Nhà nước và những người đại diện theo ủy quyền thay mặt Nhà nước quản lý, điều hành tại pháp nhân. Thông qua điều lệ, bất cứ tổ chức cá nhân
nào cũng có thể nắm được thông tin về pháp nhân được hình thành, mục đích hoạt động, nguồn tài chính, quyền và nghĩa của người đại diện nhà nước, phạm vi đại diện trong quan hệ với bên thứ ba.
Xác lập điều lệ công được tuân thủ theo trình tự luật định nhằm đảm bảo sự hợp pháp của Điều lệ pháp nhân.
- Xác lập điều lệ của pháp nhân tư
Bản chất của quan hệ của pháp nhân tư là quan hệ hợp đồng. Mục đích là kiếm tìm lợi nhuận (các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã). Chính vì thế, tính chất hợp đồng là gốc rễ của các nội dung thỏa thuận tại điều lệ. Do vậy, pháp luật điều chỉnh trong quan hệ này là pháp luật về hợp đồng.
Dựa vào các quy định của pháp luật về nội dung điều lệ, thành viên sáng lập pháp nhân xác lập các nội dung tại điều lệ như: Tên pháp nhân, trụ sở, lĩnh vực hoạt động, vốn điều lệ, đại diện, ủy quyền, cơ cấu tổ chức, cách thức thông qua quyết định, sửa đổi điều lệ, trình tự giải thể pháp nhân…
Điều lệ của pháp nhân tư chịu sự điều chỉnh của pháp luật tư (pháp luật hợp đồng, Luật Công ty, luật thương mại, luật lao động…). Dựa vào quy định pháp luật, thành viên pháp nhân ban hành điều lệ với những nội dung cơ bản pháp luật quy định và các nội dung thỏa thuận khác không trái luật. Là hình thức thể hiện thỏa thuận đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, điều lệ đóng vai trò quan trọng của pháp nhân tư. Đó là văn bản khởi đầu của quá trình đầu tư của pháp nhân, đóng vai trò "hiến pháp" của pháp nhân.
Điều lệ là một văn bản không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký cấp giấy thành lập pháp nhân tư. Vậy nên, xác lập điều lệ phải tuân thủ các nguyên tắc:
+ Không được trái pháp luật.
+ Không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba.
Ngoài ra, xuất phát từ bản chất Điều lệ pháp nhân tư là quan hệ hợp đồng nên sự tự do ý chí thỏa thuận tại điều lệ được đề cao như: nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận, đảm bảo lợi ích các bên…
Điều lệ pháp nhân tư là một trường hợp vận dụng tinh thần khế ước. Điều lệ công ty chính là khế ước xã hội giữa những người góp vốn. Xác lập Điều lệ pháp nhân được thể hiện qua từng bước thỏa thuận như: Hợp đồng, cam kết hoặc biên bản về việc hình thành pháp nhân, Biên bản tiếp nhận vốn của các thành viên, các hợp đồng, cam kết liên quan đến việc xác lập pháp nhân và Điều lệ pháp nhân.
- Xác lập điều lệ của pháp nhân hội
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của hầu hết các nước. Việc lập hội được xác lập bởi một khế ước lập hội hay còn gọi là khế ước xã hội.
Hội có nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: Hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân. Trong luận văn này, tác giả nghiên cứu ở phạm vi hội có tư cách pháp nhân.
Khế ước xã hội trong triết học và chính trị học là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt luật pháp, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau.
Lý thuyết về khế ước xã hội lần đầu tiên được Thomas Hobbes đưa ra khi ông cho rằng con người ban đầu vốn sống ở trạng thái tự nhiên, trong tình trạng vô chính phủ, khi chưa hề có sự cưỡng bức có tổ chức lên mỗi cá nhân. Con người qua khế ước xã hội từ bỏ những quyền tự do tự nhiên của mình để được hưởng sự an toàn và trật tự của xã hội văn minh. Lý thuyết về khế ước xã hội được John Locke kế thừa và phát triển. Khế ước xã hội chính là bản
thỏa hiệp của các thành viên cộng đồng, theo đó một con người sẽ từ bỏ quyền tự do tự nhiên - đổi lại anh ta trở thành một thành viên, được cộng đồng che chở và công nhận.
Điều lệ của pháp nhân hội được xác lập dựa trên quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và luật quy định về tổ chức hội. Các thành viên sáng lập tổ chức soạn thảo điều lệ hoạt động của tổ chức trên cơ sở mục tiêu, phương hướng của tổ chức, quy định của pháp luật để thiết lập các điều khoản quy định tại điều lệ.
Xác lập điều lệ của pháp nhân hội dựa trên cơ sở mục đích, tôn chỉ của hội, pháp luật của Nhà nước điều chỉnh về pháp nhân nói chung và pháp nhân hội nói riêng. Chính vì vậy, Điều lệ hội phải chứa đựng các nội dung như: Mục tiêu hoạt động, điều kiện và tư cách thành viên, đại diện tổ chức, quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên, cách thức sửa đổi, bổ sung điều lệ, chấm dứt hoạt động của tổ chức…
Tóm lại, với tính chất là một khế ước, việc xác lập điều lệ pháp nhân hội dựa trên cơ sở tự do ý chí, tự do thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Ngoài ra, dựa vào tính chất, mục đích của từng pháp nhân hội để các thành viên có thể xây dựng một điều lệ hoàn thiện cho pháp nhân mình.