Theo Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, đến ngày 1-7 sẽ còn khoảng 51 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty một thành viên để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 theo quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP.
Vậy các doanh nghiệp chưa chuyển đổi sẽ do khung pháp lý nào điều chỉnh. Luật nào điều chỉnh doanh nghiệp khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực mà Luật Doanh nghiệp 2005 chưa được áp dụng khi doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện pháp lý.
Nếu cứ tiếp tục hoạt động với tư cách cũ thì sẽ mang đến rất nhiều rủi ro cho các đối tác vì các doanh nghiệp chưa chuyển đổi không có năng lực
pháp luật để tham gia vào các giao dịch. Nếu có tranh chấp xảy ra các giao dịch sẽ bị vô hiệu. Các doanh nghiệp của tư nhân tốn nhiều thời gian, tiền bạc mà không thu được gì, trái lại còn phải đi khắc phục hậu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, Điều lệ sẽ không còn hiệu lực pháp luật khi chưa thực hiện chuyển đổi. Hệ quả của nó là người đại diện của doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu xác lập các giao dịch có là vi phạm pháp luật về thẩm quyền. Điều lệ doanh nghiệp sẽ được phê chuẩn hay không cần sự phê chuẩn theo quy định Luật Doanh nghiệp 2005. Ngoài ra, đại diện quản lý vốn nhà nước là ai…
Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty Một thành viên phải đảm bảo nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DN, đã được nêu trong Điều 168 của Luật Doanh nghiệp năm 2005; Đó là những nguyên tắc: Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò là người đầu tư vốn; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của DN; tôn trọng quyền kinh doanh của DN; thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn.
Để bảo đảm thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp nhà nước, phải quy định những vấn đề quan trọng như: chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước; cách thức và tiêu chí đánh giá hiệu quả và thực trạng bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; cơ chế phối hợp, kiểm tra và đánh giá đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; các chủ trương, biện pháp sắp xếp, có cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.
Vậy nên, nhà làm luật, cơ quan quản lý nhà nước cần có thẩm quyền về hướng giải quyết giải quyết triệt của việc chuyển đổi hoặc có chính sách
sáp nhập hoặc giải thể doanh nghiệp chưa chuyển đổi. Có như vậy, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động đúng luật, tạo sự công bằng giữa các thành phần doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người thứ ba giao dịch với pháp nhân trên. Cụ thể:
Thứ nhất, bảo đảm sự đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật
khác với Nghị định số 25/2010/NĐ-CP và vị thế của công ty một thành viên sau chuyển đổi. Sau ngày 1-7-2010, hàng loạt các văn bản liên quan không còn hiệu lực thi hành với công ty nhà nước nhưng chưa được ban hành mới để áp dụng đối với công ty một thành viên sau chuyển đổi. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải gấp rút rà soát lại hệ thống văn bản, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với những đổi mới của Nghị định 25/2010/NĐ-CP. Lấy ví dụ như Quy chế tài chính đối với công ty một thành viên ban hành theo thông tư số 24/2007/TT-BTC (27-3-2007), Nghị định số 86/2007/NĐ-CP, ngày 28-5-2007, quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, các Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, 206/2004/NĐ-CP, 207/2004/NĐ-CP... Việc rà soát, bảo đảm sự đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật là rất cấp bách để tránh sự vênh váo và khó xử của công ty một thành viên, hoặc tránh để cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải rơi vào tình trạng rủi ro hoặc nguy hiểm của "khoảng trống pháp lý".
Thứ hai, giải quyết vướng mắc về chọn mô hình Hội đồng thành viên
hay Chủ tịch Công ty, kiêm nhiệm hay tách bạch giữa Chủ tịch Công ty và Tổng Giám đốc. Trong vấn đề này rất cần thay đổi thói quen trong quản lý, điều hành, hoặc viện lý do tránh chồng chéo dễ gây mâu thuẫn, mất đoàn kết, để thiên về áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc như trước đây, làm cho quyền lực tập trung vào một người nhưng không chú trọng giám sát, dẫn đến vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường và khi rủi ro mới xử lý trong khi lại thiếu cơ chế giám sát, phòng ngừa. Ngoài ra, điều lệ của công ty một thành viên cũng cần quy định
cụ thể, chi tiết và tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty với Tổng Giám đốc.
Thứ ba, về tên gọi của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế sau chuyển
đổi. Vấn đề này chỉ phát sinh đối với tên gọi của tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Có những ý kiến khác nhau: hoặc thực hiện theo Luật Doanh nghiệp (đều gọi tên tổng công ty và tên của doanh nghiệp thành viên là công ty một thành viên và kèm theo thành tố tên riêng của doanh nghiệp); hoặc gọi tên của tổng công ty là Tổng công ty một thành viên và vì thế cần sửa lại quy định về việc đặt tên của Luật Doanh nghiệp.
Thứ tư, về vấn đề tái cấu trúc và tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và
trách nhiệm của chủ sở hữu. Địa vị pháp lý của công ty một thành viên yêu cầu tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm của chủ sở hữu, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối chủ sở hữu. Vì vậy, các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay phải thực sự cơ cấu lại thành một tổ chức, một đầu mối làm chủ sở hữu và cần tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, tách hoặc tổ chức thành cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu độc lập với cơ quan quản lý hành chính nhà nước, có bộ máy và cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp.
Thứ năm, vấn đề giám sát, kiểm soát đối với công ty một thành viên.
Việc tăng tính chủ động, tăng quyền của công ty một thành viên, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn sau chuyển đổi không thể thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát hữu hiệu của chủ sở hữu. Nền tảng của cơ chế giám sát, kiểm soát là xây dựng, duy trì:
(1) hệ thống thông tin đầy đủ, tin cậy, cập nhật về công ty một thành viên (và các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác);
(2) có hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp giám sát, kiểm soát, đánh giá của chủ sở hữu đối với công ty một thành viên (và các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác);
(3) có đội ngũ cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp đại diện cho chủ sở hữu;
(4) có hệ thống quy định rõ ràng, minh bạch về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm, mối quan hệ trong công việc của các đối tượng có liên quan (là tổ chức hoặc cá nhân).
Thứ sáu, về kiểm soát viên. Kiểm soát viên là một chức danh mới, có
vai trò quan trọng và gắn với chủ sở hữu, giúp chủ sở hữu kiểm soát được tình hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý, điều hành công ty. Việc lựa chọn, bổ nhiệm, thực thi nhiệm vụ, tăng cường năng lực của các kiểm soát viên, tách riêng nguồn trả lương, thưởng; cơ chế động lực, trách nhiệm là các vấn đề hiện nay và lâu dài của công ty một thành viên. Điều này có ảnh hưởng đến tính đổi mới, khác biệt, sức sống của mô hình công ty một thành viên so với công ty nhà nước.