Trong con đường hội nhập kinh tế thế giới, muốn có pháp nhân mạnh về tiềm lực kinh tế, khả năng cạnh tranh cao thì ngoài việc nâng cao vị thế pháp nhân, quản trị nội bộ cũng rất quan trọng. Điều lệ pháp nhân Việt Nam hiện nay đang bị đánh giá là không có chất lượng tốt. Trong khi thi hành thì gặp rất nhiều vấn đề không giải quyết được và phát sinh nhiều tranh chấp mà không có phương hướng giải quyết.
Xuất phát từ bản chất của Điều lệ pháp nhân là một thỏa thuận hợp đồng để cùng hướng tới hình thành một pháp nhân để kiếm tìm lợi ích của từng thể nhân tham gia thành viên. Vậy nên, Điều lệ phải là "con đẻ" của các người sáng lập nên nó.
Hiện nay, với việc ban hành Điều lệ mẫu của cơ quan quản lý nhà nước làm cho pháp nhân trở lên thụ động trong xây dựng Điều lệ cho pháp nhân. Thêm vào đó, tư tưởng còn xem nhẹ của các thành viên sáng lập trong khi xây dựng pháp nhân. Chính vì vậy, nhiều pháp nhân có suy nghĩ có điều lệ cho đủ thủ tục.
Nhưng hậu quả của một cam kết tại Điều lệ không phù hợp, thiếu thực tế đã không thể là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên trong
công ty, vi phạm của người đại diện không thể kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và lòng tin của các nhà đầu tư và đối tác.
Từ thực trạng đó, xuất hiện một nhu cầu làm sao để các giám đốc vừa đủ quyền tự do thương thảo và hành xử một cách kín đáo, khôn ngoan; song cũng phải có trách nhiệm với công ty và không thể lạm dụng vị thế của mình để bóc lột công ty. Ở các nước khác, Hội đồng quản trị dành khá nhiều thời gian để thống nhất về Điều lệ, Quy chế quản lý nội bộ, các thỏa thuận cổ đông; trong khi cổ đông dành quyền chỉ định kiểm toán độc lập và quyền đề xuất các thành viên Hội đồng quản trị không điều hành và độc lập nhằm cân bằng và chế ước quyền lực trong công ty.
Ở Việt Nam đối với pháp nhân công thì có Ban lãnh đạo, Hội đồng quản trị do chủ sở hữu Nhà nước chỉ định và bổ nhiệm. Đối với pháp nhân tư thì các công ty đã có Thư ký công ty hoặc Thư ký Hội đồng quản trị, nhiều công ty có Ban pháp chế và thuê nhiều công ty luật tư vấn thường xuyên, song dường như quyền lực vẫn dồn khá lớn cho các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc công ty, văn bản ràng buộc và kiểm soát hoạt động chưa phát huy được nhiều tác dụng; mặc dù, có sự hiện diện của Điều lệ với tư cách là giám sát nội bộ đối với hai chức danh này chưa thật phổ biến. Ban kiểm soát, nếu là người làm công và hưởng lương trong công ty, thì khả năng giám sát Hội đồng quản trị rất thấp. Thật bất cập và nguy hại nếu các thỏa thuận của các thành viên pháp nhân chỉ là hình thức và không có tính khả thi.