Công cuộc Đổi mới 1986 và những thay đổi lớn trong đời sống xã hộ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 31 - 33)

Trải qua gần một thế kỷ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đại thắng mùa xuân 1975 đã mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, do di chứng chiến tranh để lại quá nặng nề cùng với nhiều ảnh hưởng chủ quan và khách nên đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy cồng kềnh, quan liêu, bao cấp, kinh tế trì trệ, văn hóa lạc hậu, đời sống nhân dân chậm được cải thiện. Trước sự trì trệ của một số lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, Đại hội VI (12/1986) của Đảng họp và chỉ ra con đường đổi mới là nhu cầu bức thiết, sống còn của dân tộc. Điều này dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng và đáng ngạc nhiên của bộ mặt xã hội Việt Nam thời kì mở cửa.

Công cuộc Đổi mới đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho đất nước ta trên các lĩnh vực. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài nhiều năm, khắc phục được nạn lạm phát, nạn thiếu lương thực trước đây và thúc đẩy kinh tế phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực. Kinh tế phát triển kéo theo bộ mặt xã hội thay đổi nhanh chóng: các công sở hiện đại, nhà cao tầng, trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi, phố xá sầm uất... Thậm chí ở nhiều nơi, đời sống vật chất đã dư thừa, kéo theo một số người trở nên “bội thực” vì những khoái lạc vật chất.

Khi đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế đã làm thay đổi bộ mặt văn hóa xã hội của nước ta. Những trào lưu tư tưởng hiện đại được tích cực truyền bá. Nhiều xu hướng âm nhạc, mĩ thuật, văn học hiện đại được xã hội tiếp thu cởi mở hơn. Giá trị văn hóa không còn đóng băng trong khuôn khổ thế giới quan, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa mà đã mở rộng theo nhiều chiều hướng khác nhau, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa đa dạng của con người. Tuy nhiên, cơ chế thị trường thừa nhận cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng đồng thời dẫn tới sự chênh lệch, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Đằng sau sự hào nhoáng vật chất vẫn còn những

mảnh đời bất hạnh, sống cuộc sống bần cùng chạm đáy xã hội. Người phụ nữ truyền thống vốn dĩ “tùng thuận”, an phận với sự chở che của người chồng bị quăng quất ra ngoài xã hội, lao mình vào cuộc sống để mưu sinh. Thân phận những người phụ nữ nông dân quê mùa tần tảo, lam lũ, những người phụ nữ chạy chợ phải lừa lọc, mánh lới để kiếm cơm từng bữa cho gia đình, thậm chí những cô gái điếm bán thân để mưu sinh... gợi bao nhức nhối về sự rẻ rúng của thân phận con người trong thời buổi đồng tiền lên ngôi. Bên cạnh một nền văn hóa cởi mở, phóng khoáng hơn thì những giá trị văn hóa truyền thống cũng đối diện với nguy cơ bị mai một, thay thế cho những giá trị văn hóa mới có cả tích cực lẫn tiêu cực. Hơn lúc nào hết, những giá trị về tinh thần như hôn nhân, hạnh phúc, tình yêu, gia đình bị xoay chuyển dữ dội. Phẩm giá con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Những hệ lụy của văn hóa hưởng thụ đã bắt đầu tàn phá suy nghĩ, tâm hồn của thế hệ trẻ. Cùng với đó là lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, học đòi hưởng thụ... thách thức những truyền thống văn hóa dân tộc. Những mặt trái này đã tác động khá sâu sắc đến tâm hồn vốn dĩ nhạy cảm, dễ bị tổn thương của các nhà văn nữ, giúp những trang văn về thế sự - đời tư, về thân phận người phụ nữ hiện thực hơn nhưng cũng nhức nhối, ám ảnh hơn.

Trong đời sống văn học, vào tháng 10 năm 1987, cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các anh em văn nghệ sĩ đã mở cánh cửa lớn cho văn học nghệ thuật. Nhà văn bấy giờ cũng xác định “không thể viết như trước nữa”. Đường lối đổi mới cùng các sự kiện chính trị, văn hóa sau đổi mới đã tạo đà và thổi một luồng sinh khí mới cho văn nghệ. Tinh thần “cởi trói”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, “tự do sáng tạo phải đi đôi với tự do phê bình” đã dần hình thành nếp trong đời sống văn nghệ. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho các nhà văn nói chung, các cây viết nữ nói riêng vượt qua những rào cản về thể loại, đề tài, kiểu nhân vật, ngôn ngữ… để khẳng định cá tính và tài năng.

Như vậy, có thể thấy, trước hết, công cuộc Đổi mới sau 1986 mang lại cơ hội “cởi trói” cho các nhà văn nói chung và nhà văn nữ nói riêng trong sáng tác. Các nhà văn nữ được tự do sáng tạo, tự do khẳng định năng lực, sở trường và tự do cả trong cuộc “đua tranh” với các nhà văn nam giới. Không còn những giới hạn về đề tài, thể loại, ngôn ngữ, phương thức phản ánh trói buộc nhà văn trong vòng khuôn khổ. Những kĩ thuật mới, những thử nghiệm táo bạo của văn học thế giới được đón nhận tích cực đã tạo động lực cho thế hệ nhà văn sau 1986 sáng tạo.

Kinh tế phát triển, cuộc sống trở nên tiện nghi, đầy đủ hơn đã giúp các nhà văn nữ có thể chuyên tâm hơn với việc sáng tác thay vì những lo lắng thường nhật về cơm áo. Nhu cầu thưởng thức rất phong phú, đa dạng của độc giả thôi thúc họ tìm tòi, không ngại dấn thân vào bất cứ đề tài, lĩnh vực nào của hiện thực, thử nghiệm mọi thể loại và ngôn ngữ. Điều ấy giúp các nhà văn nữ thỏa sức thể hiện tài năng và cá tính của mình, tạo nên những giá trị “bản sắc” của văn chương nữ giới.

Có thể nói, chưa bao giờ sự đổi thay trong cuộc sống lại tạo nên những mảnh đất màu mỡ để văn học phản ánh như lúc này. Cuộc sống mới lạ thôi thúc nhà văn nữ đi tìm, khám phá nhưng bằng sự nhạy cảm đặc biệt, họ cũng nhận thấy chiều sâu thực tại với rất nhiều khuất lấp, cần được lật tung trong từng trang viết. Các nhà văn, rõ ràng đã nhìn nhận về xã hội rất khác so với mấy chục năm trước đây. Hiện thực đời sống và hiện thực tinh thần được “giải phẫu” trên trang viết. Chính cái nhìn cởi mở đã khiến họ tạo được đột phá trong các sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w