Sự thay đổi về hình mẫu người phụ nữ Việt Nam thời đại mớ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 35)

Từ sau 1986, công cuộc Đổi mới đất nước đã dẫn đến hàng loạt sự thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Một “bầu khí quyển” mới đã bao phủ khắp các lĩnh vực, tất yếu khiến con người phải “sống khác đi”. Những khuôn mẫu, công thức cũ một thời vốn được đề cao như những chuẩn mực trở thành lạc lõng. Những hình mẫu con người trong thời đại mới được xây dựng hiện đại và toàn diện hơn.

Hình mẫu người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới là những con người phát triển toàn diện, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Sau Đổi mới, vai trò quan trọng không thể thiếu của người phụ nữ trong gia đình tiếp tục được củng cố một cách vững chắc: không chỉ sinh nở, nuôi dậy con cái, coi sóc mọi chuyện trong gia đình mà họ còn đi làm, xây dựng kinh tế, tham gia vào mọi hoạt động trong gia đình, dòng tộc. Bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Hiện nay, phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp trên 20 %.

Bên cạnh đó, người phụ nữ lý tưởng không chỉ là người có phẩm hạnh mà còn phải có trí tuệ, trình độ học vấn. Hiện nay, hơn 90.0 % phụ nữ biết đọc, biết viết. Hiểu biết của người phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc “trong làng ngoài ngõ” mà còn mở rộng ra các lĩnh vực xã hội và khoa học. Nhiều người có học hàm, học vị cao như Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư, Giáo sư. Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành như giáo dục, y tế, và dịch vụ.

Những phẩm chất truyền thống như “công, dung, ngôn, hạnh”, “tam tòng”, “tứ đức” tuy vẫn được đề cao, tôn trọng nhưng đó không còn là chuẩn mực, khuôn thước duy nhất để đánh giá giá trị của một người phụ nữ nữa. Những giá trị mới như: trình độ học vấn, sự thành đạt, ảnh hưởng trong gia đình và ngoài xã hội, khả năng giao

tiếp, gu thẩm mĩ – thời trang… được bổ sung thêm vào hệ thống phẩm chất của người phụ nữ thời đại. Rất nhiều trường hợp yêu cầu người phụ nữ phải trang bị cho mình những phẩm chất của nam giới như sự mạnh mẽ, cứng rắn, cá tính để phù hợp với công việc… Rõ ràng, mẫu hình phụ nữ lý tưởng hiện nay tuy vẫn tiếp nối mẫu phụ nữ truyền thống ở vai trò quan trọng trong gia đình nhưng họ không còn giới hạn bản thân trong không gian nhỏ hẹp là gia đình nữa mà đã vươn ra để khẳng định mình trong đời sống xã hội.

Sự thay đổi hình mẫu người phụ nữ trong thời đại mới về vai trò, vị trí, phẩm chất, năng lực… kéo theo sự xuất hiện những quyền lợi mới của người phụ nữ. Bên cạnh những quyền lợi được luật pháp bảo hộ, người phụ nữ ngày càng có nhiều hơn những nhu cầu mang tính cá nhân như sự thụ hưởng cuộc sống, nhu cầu được tôn trọng, thấu hiểu; được tự do trong tình yêu, tình dục; được thể hiện cá tính, năng lực…

Đời sống tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam hiện đại cũng có nhiều biểu hiện phức tạp hơn. Thế giới tâm hồn ấy có cả những điều bình dị lẫn những biểu hiện phức tạp, đầy mâu thuẫn, có những “thiên tính nữ” cao đẹp và cả những thói tật đời thường. Họ khao khát tự do, hạnh phúc; mong muốn được trân trọng, thấu hiểu; muốn được chủ động trong cuộc sống, tình yêu, tình dục. Nỗi bất hạnh, bi kịch của người phụ nữ không hẳn là sự nghèo đói, bị cư xử bất công, bị bạo hành như thế hệ các mẹ, các chị trong truyền thống mà đôi khi, một khát vọng hạnh phúc “ngoài tầm”, ý muốn được sống là chính mình không thành, những biểu hiện vô tâm, thô lỗ của người đàn ông, sự tàn phai của nhan sắc… cũng có thể khái quát nên bi kịch thân phận của người phụ nữ.

Như vậy, theo sự tiến bộ của xã hội, trong điều kiện kinh tế phát triển, đặc biệt là tác động của cơ chế thị trường, phụ nữ đã tự nâng cao trình độ nhận thức, tự chủ trong kinh tế, thoát khỏi sự áp lực về việc làm, dần có sự độc lập tương đối với đàn ông. Đối với phụ nữ là trí thức, họ nhận thấy khoảng trống bất công của quá khứ đối với giới mình, thậm chí họ còn xem quá khứ của nhân loại như một “mối thâm thù” vĩnh viễn. Chính vì vậy, sau 1986, hình mẫu người phụ nữ lý tưởng là người dám sống như một chủ thể tích cực, độc lập so với đàn ông; có trí tuệ, tâm hồn, cá tính; biết sống vì người và nâng niu bản thân mình… Hình mẫu người phụ nữ lý tưởng trong thời đại mới là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo của các nhà văn sau 1986. Hàng loạt những mẫu hình phụ nữ có nhan sắc, tài năng, bản lĩnh, dám thể hiện và khẳng định mình… đã được biểu dương trong đời sống và trong văn chương. Để thực sự có tiếng nói nữ quyền, các tác phẩm văn học không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ,

đấu tranh bênh vực quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của họ mà hơn hết, phải thấu hiểu, phản ánh chân thực những “góc khuất” trong số phận và tâm hồn, để họ được làm một người phụ nữ đích thực như giới tính của mình.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 35)