Tích cực đấu tranh và bênh vực quyền lợi của người phụ nữ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 86 - 102)

3.2.3.1. Quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực

Theo Kinh thánh, Thượng Đế tạo ra người đàn ông đầu tiên Adam, để tránh cho Adam khỏi buồn bã nơi vườn Địa Đàng, Thượng Đế đã dùng “cái xương sườn thừa của ông Adam” để tạo nên người nữ Eva để làm bạn đồng hành. Chính vì là “phần phụ”, “phần thừa ra” từ thân thể Adam nên các Eva luôn ở thế lệ thuộc, phải phục tùng đàn ông, trở thành “phái yếu” (the weaker sex). Trải qua một thời gian dài của lịch sử, phụ nữ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi, bị chèn ép, khinh miệt và bị bóc lột.

Ở phương Đông, Nho giáo đã góp phần củng cố vững chắc vai trò của nam quyền khi đầu độc xã hội bằng quan niệm “nữ nhân nan hóa”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Họ cho rằng “đàn bà thật khó dạy” quan niệm người phụ nữ không có khả năng tiếp thu cái hay, cái mới và mặt khác rất khó bỏ tính nết xấu. Chính vì vậy, nên dù ở phương Đông hay phương Tây, người phụ nữ vẫn luôn bị xem là phái yếu, kẻ phụ thuộc. Quyền lợi của người phụ nữ vì thế, luôn là thứ quyền lợi thứ yếu, được ban phát bởi người đàn ông và trật tự nam quyền.

Xuất phát từ những tư tưởng truyền thống như vậy, trong lịch sử văn hóa nhân loại, người phụ nữ luôn là đối tượng bị phân biệt đối xử trên tất cả các lĩnh vực: họ không được học hành, không được tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, không được làm chủ gia đình (và không cả làm chủ thân phận mình), không được tự do hôn

nhân, luyến ái… Hành động phản kháng đòi quyền bình đẳng bị xem như một cái “tội” và bị lên án không thương tiếc. Chính vì vậy, trong suốt một thời gian dài, họ không được cất tiếng nói về quyền lợi của mình, chưa nói đến quyền bình đẳng như nam giới.

Dù thời hiện đại, quyền bình đẳng nam nữ đã được pháp luật công nhận nhưng sâu trong tiềm thức mỗi người, trong văn hóa, người phụ nữ vẫn bị hành xử bất công. Ý thức được điều đó, cả văn học thế giới và văn học Việt Nam khi thể hiện cảm hứng nữ quyền đều tập trung vào việc xác lập vị trí bình đẳng của người phụ nữ so với nam giới, đòi quyền bình đẳng, tự quyết của người phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Đấu tranh cho nữ quyền trước hết là đấu tranh để giành sự bình đẳng, vị trí độc lập của người phụ nữ so với nam giới bởi một khi người phụ nữ chưa được bình đẳng so với nam giới, họ sẽ mãi là kẻ “tòng thuộc” không thể nói tiếng nói của chính mình. Ý thức được điều ấy, các nhà văn nữ sau 1986 bằng nhiều cách đã đặt vấn đề về quyền bình đẳng của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khác với văn học nữ quyền thế giới, nhà văn nữ Việt Nam và nhân vật nữ của các chị quan tâm không phải là quyền bình đẳng nam – nữ ở những việc quốc gia đại sự về chính trị, kinh tế, công việc xã hội. Dù sự bất bình đẳng giữa nam – nữ trong những lĩnh vực này vẫn còn tồn tại nhưng người phụ nữ dường như chưa khi nào “ấm ức” về điều ấy bởi như một truyền thống, người phụ nữ Việt vẫn có xu hướng “hướng nội” - tức là họ chỉ quan tâm đến những lĩnh vực gắn bó mật thiết với mình như hôn nhân, gia đình, tình yêu, tình dục, sự thể hiện cái “tôi” cá nhân… Hơn thế, mục đích của sự đấu tranh không hẳn là tranh giành về việc đặt giới nào cao hơn giới nào mà chính là tìm sự cân xứng giữa hai giới để tiến đến sự hòa hợp, bình quyền của người nam - nữ trong cuộc sống.

Để khẳng định vị trí của người phụ nữ so với nam giới, Lý Lan đã mạnh dạn xem nữ giới là “giới thứ nhất”, đẩy người đàn ông thành “giới thứ hai”. Bà Tổ Mọi trong Tiểu thuyết đàn bà với vẻ đẹp nguyên sơ, pha chút hoang dại của núi rừng, không chỉ khiến người đàn ông (ông Tổ) bị kích động mạnh, bị cuốn hút theo, mà còn khiến người đàn ông này trở thành bị động. Người đàn ông từ chỗ mất hết tất cả đến chỗ gặp người đàn bà và trở thành ông Tổ, gây dựng nên họ hàng. Kế tiếp bước chân của bà Tổ Mọi, Thoa ở thời hiện đại trong các cuộc đụng độ với đàn ông để bảo vệ lẽ phải luôn là người thắng cuộc. Hơn hết, Thoa đã chứng minh cho người khác thấy được vị trí không thể xếp sau nam giới của nữ giới, công lao của người phụ nữ khi tìm về lịch sử dòng tộc. Xác lập vị trí “giới thứ nhất” của người phụ nữ là hệ quả tất yếu của sự nhận thức sâu sắc của các nhà văn về tình trạng người phụ nữ bị tước đoạt quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực.

Trong truyện Những người đàn bà (Ma Văn Kháng), những người đàn bà đã nhận thức được thực tế hôn nhân, gia đình chính là phạm vi người phụ nữ chịu sự phân biệt bất bình đẳng nhất: “Bọn đàn ông cực kỳ khôn ngoan, chính họ đã chế tạo ra hôn nhân để hạ người phụ nữ xuống địa vị thứ hai trong cuộc sống. Trong hôn nhân giống đực được hưởng nhiều hơn. Trời cho họ cái ưu thế có được cái công năng chủ động” [47; 497]. Chính vì vậy, nhiều nhà văn nữ sau 1986 đã cất tiếng nói đấu tranh cho quyền bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình. Dạ Ngân là một trong số những nhà văn đề cập đến sự bất bình đẳng nam nữ trong gia đình. Trong Gia đình bé mọn, nữ văn sĩ Mỹ Tiệp dù tài năng, có nhân phẩm nhưng vẫn e ngại không dám đi theo tiếng gọi của tình yêu bởi: “Vòng vây của nàng là những bà goá, cô goá, má goá, chị goá, cô em út cũng goá, bốn bức tường gương mà nếu nàng soi vào thì nàng phải ngay lập tức quên tuổi trẻ và khát vọng của mình đi để nhớ rằng không thể so sánh nỗi bất hạnh nào với nỗi bất hạnh của những người goá bụa” [72; 280-281]. Là phụ nữ, có nghĩa là quyền lợi cá nhân của họ bị bủa vây bởi bao ràng buộc, nghĩa vụ, định kiến. Họ không thể sống cho riêng bản thân mình như người nam. Chính vì vậy, sự bất bình đẳng nam – nữ dù không thể hiện bề ngoài nhưng lại ẩn sâu trong tâm thức vô cùng nhức nhối. Trong tác phẩm Nhà không có đàn ông, nữ văn sĩ đã phát biểu rất hay về sức mạnh nam quyền ẩn mình trong văn hóa: “Những người thân của chị đã thành công khi họ nhân danh đủ thứ truyền thống và tiêu chuẩn, tình thương và sự hy sinh nhưng không ai để lộ một lẽ nhân danh khác, ấy là tính đàn bà” (Nhà không có đàn ông – Dạ Ngân). Nhân danh “tính đàn bà” chính là nhân danh bản thân cất lên tiếng nói của chính mình, thực chất chính là sự đòi hỏi quyền bình đẳng, quyền tự xác quyết như một chủ thể độc lập, tránh phụ thuộc vào thế giới đàn ông.

Nhà văn Võ Thị Hảo, trong tiểu thuyết Giàn thiêu đã dùng chính tiếng nói của những người phụ nữ (Lê Thị Đoan, cung nữ Ngạn La) để lên án tục lệ hà khắc của triều đình phong kiến, của nam quyền với người phụ nữ. Khi nhà vua băng hà, tất cả phi tần và cung nữ đều bị thiêu sống để hầu mong đức vua có kẻ hầu hạ ở chốn tiên giới. Điều này hoàn toàn xuất phát từ sự ích kỷ của nam quyền, nấp dưới danh nghĩa “trung với vua”. Tính mạng của bao nhiêu người phụ nữ tài sắc lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự sống còn của một vị vua – người chồng mà có khi cả đời họ không gặp mặt. Lời phê phán của Lê Thị Đoan: “Xưa kia nước Nam ta không có thói coi đàn bà như cỏ rác. Chỉ từ khi du nhập phong tục của Bắc phương mới sinh thói hư này (…) Từ thời đức Lạc Long Quân tổ tiên ta xưa, chưa từng có lệ bắt vợ chết theo chồng. Vậy mà nay triều Lý sửa sang điển lệ, lại lấy việc thiêu sống cung nữ làm phép nước, khiến bao mạng nữ nhân đẹp đẽ, tài giỏi vô tội phải chết oan” [28; 48] cũng chính là tiếng nói đòi

quyền sống cho người phụ nữ, phủ định chế độ “tòng phu” khắc nghiệt, vô nhân tính. Tư tưởng này lại tiếp tục được Võ Thị Hảo gửi gắm trong truyện ngắn Hành trang

người đàn bà Âu Lạc. Dùng hình ảnh mang tính biểu tượng người phụ nữ một bên

quang gánh nặng chồng con, một bên nặng đạo lý công, dung, ngôn, hạnh, Võ Thị Hảo đã lên án tình trạng mất bình đẳng phổ biến từ bao đời nay trong gia đình Việt: người phụ nữ vừa phải lo lắng cho chồng con, phải gánh chồng con trên vai vừa bị trói buộc bởi những khuôn khổ, đạo lý mà nam quyền đặt ra trong khi người đàn ông chỉ ung dung ngồi một bên quang gánh cùng lời giục giã đi nhanh. Chính sự phân biệt, đối xử hà khắc về thân phận, giá trị và quyền sống của con người giữa nam – nữ đã tước đoạt tự do, giam hãm biết bao thế hệ người phụ nữ, biến họ trở thành nạn nhân trong chính ngôi nhà của mình.

Có lẽ cũng để khẳng định vị trí độc lập, không phụ thuộc của người phụ nữ vào đàn ông nên trong sáng tác của mình, Y Ban luôn có xu hướng khẳng định vị trí trụ cột, làm chủ của người phụ nữ trong gia đình. Từ trong Xuân Từ Chiều một mình nuôi sống cả gia đình và còn là chỗ dựa về tinh thần, nơi tập trung sức mạnh để người chồng yếu đuối và con nhỏ có thể dựa vào. Chị Tũn (Ước mơ của chị Tũn), cô bán hàng rong (Ước mơ chị bán hàng rong), những người đàn bà quê mùa lam lũ cũng một mình nuôi cả gia đình, thậm chí cả bố mẹ chồng. Người đàn bà làm gái điếm (Đàn bà

sinh ra từ bóng đêm) một mình nuôi dạy đứa con không cha. Sự tồn tại, phát triển của

con được đổi bằng chuỗi ngày hành xác triền miên của chị. Người đàn bà tật nguyền (Đứa con và người đàn bà tật nguyền) cũng nuôi con trong tình trạng cô độc. Đến những người mẹ (Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ, Con mang cuộc đời của mẹ), do sớm thiếu vắng bóng dáng của người chồng trong gia đình nên dấu ấn, ảnh hưởng của họ in rất rõ trong mối quan hệ với con cái… Hoàn cảnh đặc biệt ấy đã chứng tỏ vị trí bình đẳng, thậm chí có phần lấn sát của người phụ nữ so với nam giới trong gia đình: không còn là kẻ yếu đuối, bị đối xử, phân biệt, họ đã trở thành trụ cột không thể thiếu trong gia đình. Quyết liệt hơn, đặt ra vấn đề quyền bình đẳng của người phụ nữ, Y Ban đã nhân danh họ viết Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, chất vấn mẹ với bao điều băn khoăn, day dứt: “Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên nên mẹ quan tâm tới những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không quan tâm đến những cô gái vốn đã dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng giờ thì con đòi hỏi: Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban). Người con gái mang tiếng chửa hoang đã vượt lên nỗi ê chề nhân phẩm, nỗi e dè sự dị nghị của người đời để đòi hỏi sự bình đẳng so với những anh hùng, thi sĩ ở chỗ, dù thế nào, họ cũng là con người, là những số phận cần được quan tâm, nâng niu. Đòi hỏi với

mẹ Âu Cơ cũng chính là với xã hội: hãy xóa bỏ định kiến bủa vây người phụ nữ, hãy dành cho những số phận nhỏ bé, đáng thương sự tôn trọng.

Không chỉ đặt ra vấn đề bình đẳng nam – nữ trong phạm vi gia đình, các nhà văn nữ còn đấu tranh cho sự bình đẳng của người phụ nữ trong tình yêu và tình dục. Không hiện hữu thành những quy luật “thành văn” kiểu “Đàn ông trên nhà, đàn bà xó bếp” như trong phạm vi gia đình, tình yêu và tình dục là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Dù không có quy định, nguyên tắc nhưng từ xa xưa, người phụ nữ vẫn luôn ở vị trí kẻ yếu, thụ động trong tình yêu. Điều đó dường như đã trở thành một thứ vô thức văn hóa, ban phát cho người đàn ông đủ mọi quyền năng, ở thế chủ động trong khi người phụ nữ luôn thụ động chờ đợi. Chính vì vậy, trong tình yêu và tình dục, người phụ nữ luôn dễ trở thành nạn nhân khi có tình yêu, tình dục không như ý muốn. Võ Thị Hảo là nhà văn viết rất thấm thía về sự bất bình đẳng của người nam và nữ trong tình yêu. Trong tình yêu, người phụ nữ luôn ở vị trí phụ thuộc, họ không có quyền tự quyết, quyền chủ động. Khi tình yêu trắc trở, hơn ai hết, họ phải là người gánh chịu mọi hậu quả: Hồn trinh nữ, Khát của muôn đời, Tim vỡ, Phiên chợ người cùi... Khi lấy chồng, họ bị mất tên thời con gái. Do vậy, cái tên đẹp cũng chỉ là sự “phí phạm”: “Ôi dà! Con gái lớn rồi lấy chồng, đằng nào cũng mất tên. Đặt tên đẹp chi cho phí” (Giọt buồn

Giáng sinh). Đọng lại trong những trang viết của chị đó là nỗi đau âm thầm mà thấm

thía của những người đàn bà yếu đuối và "tòng thuộc": “Đàn bà là thế. Đã trót trao thân với một người đàn ông rồi sẽ theo hắn, dù muốn, dù không, dù trên thể xác hay trong tâm tưởng, như một con chó theo đuổi chủ” (Con dại của đá- Võ Thị Hảo).

Trong số những điều bất bình đẳng mà người phụ nữ phải chịu đựng, sự bất bình đẳng trong tình dục có lẽ là vấn đề “khó nói” hơn cả bởi đó là lĩnh vực riêng tư, tế nhị, khó có thể phanh phui, mổ xẻ cho tỏ ngọn ngành. Cũng chính vì lẽ “khó nói” đó nên đây cũng là lĩnh vực người phụ nữ bị đối xử bất công, bị phụ thuộc nhiều nhất. Các nhà văn nữ sau 1986 dường như đã cố gắng “lôi” người phụ nữ khỏi sự đối xử bất bình đẳng ấy bằng cách xây dựng những người phụ nữ chủ động, mạnh mẽ trong đời sống tình dục. Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan đã phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt sự áp chế của người đàn ông trong tình dục bằng cách muốn vùng “lên trên”, giành thế chủ động. Người đàn bà trong truyện ngắn Tự của Y Ban đã chủ động đi mua một cái chim giả với mong muốn sẽ “tự lực”, sẽ chấm dứt tình trạng lệ thuộc, “lụy” vào đàn ông trong việc giải quyết các nhu cầu ham muốn. Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu là một bản cáo trạng, chị đã sử dụng những hành vi tính dục, sử dụng thứ vũ khí mới của người phụ nữ là dùng chính thân xác mình, dùng sự thông minh khác thường, dùng thứ ngôn ngữ như lời nguyền rủa, xỉa xói vào

những góc cạnh che kín, những mặt trái suy đồi, giả dối của xã hội. Nếu trước đây thân phận người phụ nữ truyền kiếp chỉ là để phục vụ cho giống đực, để truyền giống, giải trí, cho đủ thứ mưu cầu chính trị, đạo đức, văn chương, tôn giáo, kinh tế và cuối cùng cho cả nhu cầu chiến tranh… thì đây là lần đầu tiên âm hộ trở thành người xử án, nó cất tiếng nói về quyền của chính mình.

Tuy nhiên, việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người phụ nữ bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì trong văn học Việt Nam sau 1986 vẫn còn tồn tại không ít quan niệm cực đoan, sai lầm trong quan niệm về quyền bình đẳng của người phụ nữ. Phần lớn nhà văn nữ đều nhận thức được một thực tế rằng khát vọng muôn đời của người phụ nữ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới là được tôn trọng với tư cách một nửa tồn tại của thế giới chứ không phải một “phần phụ”, một phần yếu đuối và lệ thuộc vào nam quyền. Tuy nhiên, bình đẳng giới không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn ranh giới phân biệt nam – nữ và đối xử với người phụ nữ y hệt người đàn ông. Bình đẳng giới cho phụ nữ cũng không thể tiến hành bằng con đường chủ quan

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 86 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w