Nhân vật được khắc họa trong sự mâu thuẫn, xung đột giới tính

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 120 - 123)

Đời sống tâm hồn, tính cách của người phụ nữ vốn dĩ bị khuất lấp nhưng chỉ khi thân phận đặt cho họ những tình huống bức bách cần giải quyết thì những tố chất tiềm ẩn mới được bộc phát rõ ràng và mạnh mẽ. Tình huống “có vấn đề” mà các nhà văn tạo dựng để nhân vật nữ trong tác phẩm của mình đối diện phong phú và phức tạp như chính bản thân cuộc sống của họ. Đó có thể là những tình huống khó khăn về vật chất, về công việc xã hội, về hôn nhân, tình yêu, tình dục… Tuy nhiên, để thể hiện rõ nét hình tượng nhân vật nữ quyền, nhà văn như Lý Lan, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu và một số nhà văn nam như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương… luôn có xu hướng đặt người phụ nữ trong tình huống chứa đựng sự mâu thuẫn, xung đột giới tính.

Sự mâu thuẫn, xung đột giới tính ấy trước hết diễn ra giữa bản tính nam và nữ. Tất nhiên, ứng với mỗi giới tính luôn là một số đặc trưng khu biệt, thậm chí đối lập. Thế nhưng, sự đối lập này luôn có xu hướng bị đẩy lên gay gắt, trở thành những xung đột khó có thể hòa giải giữa giới tính nam và nữ. Trong sáng tác của Lý Lan, Y Ban,

Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu, nhân vật nữ luôn được tái hiện trong trạng thái đối lập, xung đột với người chồng hoặc người tình. Đó có thể là những xung đột ở tầm “vĩ mô” về văn hóa, nhân quyền như giữa Không Bé và Ted trong

Tiểu thuyết Đàn bà của Lý Lan, về chính trị như trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, về

tư tưởng, quan niệm giữa Từ và chồng trong tiểu thuyết Xuân Từ Chiều của Y Ban. Đó cũng có thể là những xung đột về bản tính khi: thiên tính nữ ưa mơ mộng, lãng mạn, họ không thể hòa hợp với những người đàn ông quá ư tính toán, thực dụng (truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban). Đó cũng có thể là những xung đột “vi mô” thường xuyên xảy ra trong đời sống, ví như: trong tình yêu, họ luôn tìm kiếm một tình yêu lý tưởng, một người tình hoàn mĩ thế nhưng họ lại gặp chỉ toàn kẻ phản bội, lọc lừa. Người phụ nữ mong muốn được thấu hiểu, trân trọng, yêu thương thì người đàn ông lại vô tâm, vô tình, đối xử với họ như vật sở hữu. Họ mong muốn hướng đến sự hòa hợp giữa tình yêu và tình dục thì cái mà họ nhận được từ người đàn ông thường chỉ hoặc là thân xác, hoặc là tình yêu (truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu, Y Ban)… Sự xung đột giới tính giữa nhân vật nam và nữ bộc lộ chủ yếu trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình ở cả tính cách, hành động, tâm hồn, ý thức và sex. Họ mong muốn hòa hợp bản thể nam – nữ nhưng sự khác biệt giới tính là điều rất khó để vượt qua. Mặt khác, trong sự đối sánh với nhân vật nam, nhân vật nữ có điều kiện bộc lộ vẻ đẹp thiên tính nữ cùng thế giới nội tâm sâu sắc, phong phú nhiều chiều.

Không chỉ đặt nhân vật trong sự xung đột giới tính nam – nữ, các tác giả nữ thời gian này còn thể hiện nhân vật trong sự xung đột, mâu thuẫn với chính bản thân mình. Đó là xung đột nội tại. Chính vì thế, nó gay gắt, quyết liệt, khó giải quyết hơn. Trong cuộc sống, người phụ nữ một mặt muốn khẳng định vị thế, bản lĩnh cứng rắn, mạnh mẽ, sự bình đẳng (thậm chí là sự vượt trội) trong mối quan hệ với đàn ông. Mặt khác, họ lại vẫn quẩn quanh bởi bản tính nữ: sự yếu đuối, nhu cầu được che chở, sự nhẫn nhịn, chịu đựng, đức hy sinh… Họ nhận thức được tất cả sự hạn chế đáng thất vọng của người đàn ông, căm ghét, thậm chí khinh thường đàn ông nhưng lại không thể sống thiếu họ, luôn đau khổ vì họ. Với đời sống tình dục, họ nhận thức được những khao khát bản năng của bản thân nhưng lại chán nản với thứ tình dục thuần túy thân xác… Trong các truyện ngắn của Lý Lan, nhân vật thường xuyên được khắc họa trong sự mâu thuẫn, nghịch lý như vậy. Quyên trong Mẹ và con xung đột mạnh mẽ với mẹ vì mẹ không thể biết được trật tự riêng của mỗi người, muốn đấu tranh, lên án mẹ; mặt khác, Quyên lại yêu thương, tôn trọng mẹ, không muốn mẹ phải đau khổ vì mình, vì

thế mà cuối tác phẩm: “Quyên buông thõng câu nói và buông thõng mình xuống chiếc ghế mây. Chị ngồi đó nhìn nắng chiều tắt dần trên bức tường, trong khi bà mẹ áy náy khổ sở ra sân quét mận rụng và khắc khoải trông chờ cô Tư bán ve chai.”. “Con” trong

Cô con gái cũng đặt trong tâm trạng tương tự. Nhân vật “tôi” trong Đường dài hạnh phúc vừa muốn khẳng định cái tôi thi sĩ của mình (không vì chồng, vì người khác),

trong khi vẫn còn yêu chồng, vẫn còn mong muốn hạnh phúc … Người đàn bà trong các truyện ngắn của Y Ban dẫu vẫn biết người chồng, nhân tình chỉ là những kẻ nhẫn tâm, bội bạc nhưng vẫn luôn sống hết mình cho tình yêu. Kết thúc các tác phẩm, đa phần, nhân vật rơi vào trạng thái chỉ suy tư mà không thể hành động để giải thoát khỏi suy tư đó. Truyện ngắn của Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Đỗ Hoàng Diệu, nhân vật cũng luôn đấu tranh gay gắt giữa một bên là nhu cầu của cái “tôi” với một bên là lý trí, ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức, nỗi sợ hãi dư luận…Theo chúng tôi, đó là những trạng thái rất chân thực, bởi con người - như quan niệm của Murakami - là “đa ngã”. Hơn thế, trong quan hệ với người khác, cái “tôi” ít khi có được sự hoà nhập, ăn ý. Chính sự mâu thuẫn, xung đột nội tại này đã làm cho hình tượng người phụ nữ dù trở thành nhân vật trung tâm của nhiều tác phẩm nhưng lại không đơn điệu, lặp lại mà luôn có chiều sâu, sự mới mẻ, hấp dẫn riêng.

Đặc biệt, trong việc khai thác các xung đột nội tại, các nhà văn nữ sau 1986 đã phát hiện ra những bi kịch, xung đột trong đời sống sinh lý khó có thể giãi bày. Để giải quyết những ức chế bản năng của mình, người đàn bà trong truyện Y Ban có thể lựa chọn cách khắc nghiệt nhất là “ép xác” như người đàn bà trong truyện Biển và người

đàn bà xấu xí hoặc họ phải giải quyết nhu cầu bản năng mạnh mẽ của mình bằng một

phương thức nhuốm màu sắc suy đồi: “Đêm đến, màn đêm bao phủ sự bí mật của con. Con thao thức, con hồi tưởng và con khát khao. Lý trí đôi lúc chẳng làm được việc gì, con bèn hồi tưởng lại và với bàn tay mình, con tự vuốt ve thân hình thiếu nữ để thoả mãn cơn đàn bà” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ). Cũng tương tự, Nấm trong Đàn bà xấu thì

không có quà, dầu tật nguyền ngoại hình thì vẫn luôn có những khao khát sinh lý bình

thường của một người đàn bà. Nấm phải lựa chọn cách như cô gái trong Bức thư gửi

mẹ Âu Cơ để thoả mãn mình. Để thoả mãn nhu cầu bản năng trong một thế giới tính

dục thiếu bóng dáng người đàn ông, người đàn bà trong Tự còn có sự lựa chọn dữ dội hơn: bế tắc trong việc giải quyết khát vọng bản năng đẩy người đàn bà vào một lối thoát bi kịch khác: người đàn bà đã lựa chọn dùng cái chim giả để thay thế thế giới đàn ông trong việc đáp ứng nhu cầu thân xác của mình. Nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ

Hoàng Diệu cũng luôn tồn tại nhu cầu bản năng rất mạnh mẽ, thậm chí dữ dội. Tuy nhiên, họ luôn bị đặt trong tình thế mâu thuẫn giữa khao khát và không được thỏa mãn. “Tôi” trong Bóng đè dù nhận thấy rằng mình đã bị cả dòng họ nhà chồng cưỡng ép, dù ghê sợ nhưng thân thể cô vẫn “ưỡn căng rát đón chờ” một cách “đĩ thoã”. Cô đồng tình, thậm chí bồn chồn, mong chờ khát thèm cảm giác “bóng đè” ấy. Cô gái trong truyện ngắn Vu quy trong mối quan hệ với người đàn ông Tàu luôn mâu thuẫn giữa trạng thái muốn vùng dậy, quẫy đạp, thoát khỏi sự phục tùng nô lệ nhưng rốt cuộc lại không thể trốn chạy bởi những đòi hỏi bản năng của chính mình: “Tôi thỏa mãn, tôi lạ lùng, tôi mê man và tôi mang cảm giác nhục nhã. Cảm giác ấy đã giúp tôi sáng hôm sau đi khỏi ngôi nhà. Nhưng rồi chính nó cũng chết trong cơn khát nước sâm của tôi những ngày sau và đẩy bước chân tôi quay trở lại biển” (Vu quy – Đỗ Hoàng Diệu). Người vợ trong Dòng sông hủi, trốn chạy sự vây hãm của chồng bằng những cuộc tình vụng trộm trong trạng thái vừa sợ hãi, vừa thách thức… Những thèm khát bản năng, những ức chế tình dục của người đàn bà là một lẽ rất thông thường nhưng cách các nhân vật nữ đối diện với bản năng tình dục của mình thì thật bất thường: người thì cố gắng triệt tiêu nó bằng phương thức ép xác khổ hạnh, người thì tự thoả mãn, người thì dùng chim giả, người thì tìm đến với các cuộc tình trong trạng thái vừa thích thú, vừa sợ hãi, vừa ghê tởm vừa khao khát… Những cách thức này một mặt cho thấy đời sống bản năng rất mạnh mẽ của người đàn bà nhưng phần nhiều nó hé lộ tính chất bi kịch, tuyệt vọng trong thân phận của họ: bởi thiếu vắng bóng dáng đàn ông nên trong những nhu cầu đời thường nhất, người đàn bà phải tìm đến những cách thức “bất thường”, cực đoan, đáng thương và đôi khi là lụy tình.

Như vậy, để thể hiện hình tượng người phụ nữ, các nhà văn thường có xu hướng đặt nhân vật trong tình huống phức tạp mà ở đó có sự mâu thuẫn, xung đột giới tính. Có thể xung đột ấy diễn ra giữa hai giới tính nam và nữ, cũng có thể đó là xung đột nội tại trong bản thân người phụ nữ. Chính những xung đột ấy đã khiến nhân vật bộc lộ tất cả thân phận, tính cách, bản chất… làm cho hình tượng trở nên chân thật, sinh động, toàn vẹn và có sức hấp dẫn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 120 - 123)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w