Vấn đề bình đẳng giới và thái độ của xã hội với người phụ nữ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 33 - 35)

Bên cạnh những đổi mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sau 1986, vấn đề bình đẳng giới và thái độ của xã hội với người phụ nữ cũng có nhiều thay đổi. Những điều này đã tạo nên “bầu khí quyển” mang hơi thở tinh thần nữ quyền cho sự phát triển của văn học.

Trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1946), quan điểm bình đẳng giới đã được thể hiện bằng nguyên tắc “không phân biệt giống nòi, gái trai”; “Tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội” (Điều 6) và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Quan điểm đó tiếp tục được kế thừa và phát triển phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại qua các lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, vấn đề bình đẳng giới được thể chế hoá trong hầu hết các văn bản pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Người phụ nữ được tham gia vào tất cả các cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp trong bộ máy Nhà nước. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là quốc gia đạt được sự thay đổi đổi nhanh chóng nhất về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Á (mục tiêu thứ 3 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ). Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình

hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Những bước tiến lớn trong việc thực hiện vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ ở nước ta đã giúp thay đổi căn bản, toàn diện cái nhìn của xã hội đối với người phụ nữ, giúp người phụ nữ có điều kiện khẳng định tài năng, giá trị của mình trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, dù đã có một hệ thống pháp luật về bình đẳng giới tương đối hoàn thiện nhưng là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nên việc thực hiện công tác bình đẳng giới vẫn còn những hạn chế bất cập. Tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Hầu hết các gia đình đều thích sinh con trai hơn con gái; coi công việc gia đình, chăm sóc con cái, người già, người ốm là công việc của phụ nữ; thời gian làm việc của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới khoảng 4 giờ trong ngày (chủ yếu là công việc nội trợ trong gia đình). Phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ hơn nam giới, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ ở các địa phương vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị kinh tế thậm chí không muốn nhận lao động nữ vì ngại thực hiện chế độ thai sản và những lý do khác. Trong lao động việc làm, mặc dù chênh lệch về tỷ lệ không nhiều, nhưng thu nhập thực tế của nam giới vẫn cao hơn nữ giới. Trong gia đình, hiện tượng phụ nữ bị bạo hành thể xác, tinh thần vẫn còn phổ biến. Ngoài xã hội, người phụ nữ vẫn bị coi là “thứ yếu” bên cạnh vai trò, vị trí của nam giới.

Đặc biệt, đời sống tinh thần của người phụ nữ chưa được chăm sóc đúng mức. Những nhu cầu tình cảm, tình dục của họ bị xem là thứ yếu, thậm chí bị quy kết về phẩm hạnh. Những chuẩn mực công, dung, ngôn, hạnh, tam tòng, tứ đức tuy không trói buộc người phụ nữ như xưa nhưng vẫn khiến họ e ngại, không dám cất tiếng nói cá nhân… Điều đáng nói là chính bản thân người phụ nữ, chứ không phải là ai khác, vẫn duy trì thói quen “tòng thuộc”, tự nguyện chấp nhận địa vị thấp kém của mình trong xã hội và gia đình, tự nhận về mình sự thiệt thòi khi đặt nặng vấn đề trách nhiệm, thiên chức… mà chưa thực sự ý thức sâu sắc về quyền lợi của chính mình.

Có thể nói, sau năm 1986, công cuộc bình đẳng giới trên khắp các lĩnh vực đã tạo điều kiện cho người phụ nữ khẳng định khả năng của mình. Tuy nhiên, ở đâu đó, tình trạng phụ nữ bị bạo hành, bị xâm phạm thể xác, xúc phạm tinh thần… vẫn còn tồn tại. Những quyền lợi cơ bản về giới tuy đã được xác lập nhưng đó vẫn mới chỉ là chủ trương, chính sách bởi khi triển khai cụ thể vào quyền cá nhân thì người phụ nữ vẫn

còn nhiều lắm những thiệt thòi, bi kịch. Bên cạnh những nỗi đau khổ, bất hạnh “truyền thống”, thân phận người phụ nữ hiện đại còn có thêm những ẩn ức, những nỗi đau khó giãi bày, không thể giải quyết bằng quy định pháp luật. Hiện thực ấy đã đặt ra bao vấn đề nhức nhối, nghĩ suy cho các nhà văn, đặc biệt là với bản thân nhà văn nữ. Đây có thể được xem là một trong những tiền đề dẫn đến sự biểu hiện mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền trong văn học Việt Nam sau 1986.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 33 - 35)