Vận dụng ưu thế của thể loại để biểu đạt tinh thần nữ quyền

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 117 - 120)

Cần phải khẳng định không phải chỉ có văn xuôi tự sự mới có khả năng biểu đạt tinh thần nữ quyền. Sau 1986, chúng ta đã có những gương mặt nhà thơ nữ tiêu biểu như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư với những tác phẩm ít nhiều mang âm hưởng nữ quyền. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên khi các tác giả của văn học nữ quyền thế giới chủ yếu sáng tác ở thể loại văn xuôi tự sự và những tác phẩm kinh điển nhất của văn học nữ quyền thế giới đều thuộc thể loại này. Điều đó cho thấy thể loại văn xuôi tự sự có những ưu thế đặc biệt phù hợp với việc biểu đạt một nội dung rộng lớn, phức tạp như tinh thần nữ quyền.

Trước hết, nếu thể loại trữ tình có khả năng diễn tả tinh tế thế giới nội tâm con người thì văn xuôi tự sự lại giành ưu ái cho việc phản ánh hiện thực khách quan. Do không bị hạn chế về dung lượng và khá tự do trong hình thức biểu đạt nên văn xuôi tự sự có sở trường bao quát hiện thực ở cả chiều rộng và chiều sâu, với thế mạnh giàu chi tiết và khả năng biểu hiện tự do bằng ngôn từ. Điều này đặc biệt phù hợp với việc tái hiện cuộc sống hiện đại với tất cả sự bộn bề, phức tạp, những vấn đề thời sự nhức nhối và cả những phần khuất lấp khó cắt nghĩa ngọn ngành. Truyện ngắn tỏ ra là thể loại đáp ứng được những yêu cầu biểu hiện trên vì đây “là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng mang tính chất thể loại… Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” [25, 304]. Lựa chọn sáng tác trên thể loại truyện ngắn, các nhà văn nữ như Y Ban, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ… đã biết phát huy tối đa những ưu thế của thể loại để thể hiện những xung đột gay gắt, dữ dội mà các nhân vật phải đối diện, kết hợp thể hiện nhân vật đồng thời từ ngoại hình, nội tâm, tính cách, ngôn ngữ và hành động, gửi

gắm những quan niệm mới mẻ về con người, đặc biệt là cách nhìn mới về số phận người phụ nữ.

Tạp văn có hình thức nhỏ gọn, nội dung hướng vào phản ánh những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi hoặc đề cập đến mảng văn hóa, phong tục nên gần gũi với phóng sự, bản tin, tiểu phẩm báo chí. Có thể nói, tạp văn và báo chí “cộng sinh” với nhau. Vì vậy, dường như mọi lĩnh vực của hiện thực đều có thể trở thành đề tài của tạp văn.

Ưu điểm tiếp theo của văn xuôi tự sự, đặc biệt là truyện ngắn chính là phản ánh những vấn đề thời sự nóng hổi. Truyện ngắn luôn mang vào trong tác phẩm hơi thở nóng rẫy của cuộc sống thường ngày. Khi tinh thần nữ quyền được thể hiện trong truyện ngắn, nó mặc nhiên trở thành vấn đề nóng bỏng, được đặt ra cấp thiết, hàng ngày, hàng giờ. Với khả năng len lỏi tận các ngõ ngách của đời sống, truyện ngắn đã cho ta thấy, ở bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu, quyền lợi, danh dự, giá trị của phụ nữ có thể bị coi thường, bị xúc phạm. Nữ quyền không chỉ là vấn đề cấp bách trong xã hội phong kiến khi người phụ nữ bị chà đạp mà ngay trong thời hiện đại, khi nam nữ đã được bình quyền thì người phụ nữ vẫn chưa thực sự được đảm bảo quyền lợi, được trân trọng, thấu hiểu. Đặc biệt, truyện ngắn khám phá hiện thực ở tính cụ thể, sinh động, chiều sâu nhân văn nên nó có khả năng chuyển tải những thông điệp vốn dĩ không to tát nhưng rất ý nghĩa về nữ quyền như: vấn đề tự do tình dục, sự thể hiện con người cá nhân, khao khát về một tình yêu lý tưởng… của người phụ nữ thời hiện đại.

Cũng do không giới hạn về dung lượng và khá tự do trong biểu đạt nên văn xuôi tự sự có thể vừa phản ánh đời sống ở khía cạnh trần trụi, gai góc nhất nhưng lại cũng có khả năng chuyển tải chất thơ trữ tình trong cuộc sống và tâm trạng nhân vật. Điều này có tác dụng đặc biệt trong việc thể hiện hình tượng người phụ nữ với bi kịch thân phận khác nhau, những mảng đối lập nhau trong tính cách và tâm hồn: mạnh mẽ, quyết liệt, ưa đòi hỏi nhưng cũng dịu dàng, nữ tính, khao khát hạnh phúc, tình yêu… Trong sáng tác của Y Ban, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu, ta thấy nhân vật nữ hiện lên với phong phú dáng vẻ. Mỗi người một cảnh ngộ, một mảnh đời, một kiểu tính cách nhưng phần lớn họ đều không giản đơn. Trong nhân vật luôn tồn tại sự đối lập, mâu thuẫn: hướng nội và hướng ngoại, mạnh mẽ và yếu đuối, chủ động và cần che chở, bất cần đàn ông nhưng lại khao khát hạnh phúc tình yêu…Chỉ trong văn xuôi tự sự, hình tượng người phụ nữ mới được thể hiện một cách toàn vẹn, sinh động, cụ thể và sâu sắc đến như vậy.

Trong mối tương quan với tinh thần nữ quyền, văn xuôi tự sự tỏ ra là thể loại thể hiện tinh thần nữ quyền một cách toàn vẹn nhất trên nhiều phương diện: trong việc lựa chọn ngôn ngữ (có thể cùng lúc dung hợp ngôn ngữ trần thuật trung tính, ngôn ngữ chao chát, chợ búa, ngôn ngữ giễu nhại, ngôn ngữ trữ tình…), qua giọng điệu, trong việc xây dựng nhân vật… Đặc biệt, tinh thần nữ quyền có thể thể hiện gián tiếp thông qua hình tượng, giọng điệu nhưng cũng có thể được phát biểu một cách trực tiếp, tương đối rõ ràng (qua lời trần thuật hoặc phát ngôn của nhân vật). Các nhà văn nữ có thể tận dụng ưu thế này để thể hiện quan niệm của chính bản thân mình về vấn đề nữ quyền (Võ Thị Hảo đã sử dụng ưu thế này rất hiệu quả trong các truyện ngắn Tim vỡ,

Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Hồn trinh nữ, Làn môi đồng trinh)…

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các nhà văn nữ có sở trường phát huy ưu thế của thể loại truyện ngắn hơn là tiểu thuyết và tạp văn trong việc biểu đạt tinh thần nữ quyền. Điều này có thể do một số nguyên nhân sau:

1. Sự chi phối của hoàn cảnh sáng tác: Nhà văn nữ là người viết nhưng trước hết, họ cũng là phụ nữ. So với nhà văn nam, họ phải dành thời gian lớn chăm lo gia đình và cả những mối quan hệ xã hội. Vì thế, họ không có những điều kiện thuận lợi để đầu tư cho những thể loại dài hơi, cần sự tập trung lớn như tiểu thuyết.

2. Về kiểu tư duy: nếu nhà văn nam có thế mạnh ở kiểu tư duy duy lý, tỉnh táo, logic trong việc xâu chuỗi những chi tiết phức tạp thì nhà văn nữ lại có ưu thế ở sự nhạy cảm, tinh tế, nhanh nhạy trong quan sát và phát hiện vấn đề. Nói cách khác, nhà văn nam có khả năng tư duy duy lý một cách “dài hơi” thì nhà văn nữ lại thường tư duy “ngắn hạn” hơn. Vì vậy, điều nhà văn nam hướng đến là tái hiện hiện thực trong tính chỉnh thể đầy đặn và phức tạp thì nhà văn nữ lại thiên về tái hiện những khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống và tâm hồn người phụ nữ. Chính vì thế, nhà văn nam có những thế mạnh đặc biệt ở tiểu thuyết còn nhà văn nữ lại có khả năng thiên bẩm phù hợp với truyện ngắn.

Mặt khác, nếu nhà văn nam thường quan tâm đến những vấn đề “vĩ mô”, khám phá nhân sinh, thế sự ở những vấn đề có tính tư tưởng lớn thì nhà văn nữ lại hướng về cái thường nhật, đời thường diễn ra xung quanh. Bằng cái nhìn linh hoạt, họ bị hấp dẫn bởi tính muôn mặt của đời sống thường nhật. Bất cứ khoảnh khắc nào trôi qua trong cuộc sống: một cử chỉ, ánh mắt, một hành động, một hình ảnh, một câu nói…đều có thể gây ấn tượng với nhà văn nữ. Hơn nữa, nhà văn nữ dẫu sao cũng vẫn là một người phụ nữ mà bản tính của phụ nữ thường không thích thú với những điều vĩ mô, quốc

gia đại sự. Họ vẫn quan niệm lãnh địa của họ là gia đình, chợ búa. Vì thế, như một điều rất tự nhiên, nhà văn nam khẳng định sở trường của mình với tiểu thuyết và nhà văn nữ tìm đến với truyện ngắn.

Tất nhiên, chúng tôi không loại trừ trường hợp nhà văn nam vẫn thành công với thể loại truyện ngắn (ví như Nguyễn Huy Thiệp) và nhà văn nữ vẫn có những cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng (như Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Lý Lan). Nhìn từ góc độ sáng tác, có thể thấy truyện ngắn đặc biệt phù hợp với đặc điểm của nhà văn nữ và thực sự, họ đã phát huy được những điểm mạnh của giới để ghi dấu ấn trên thể loại, góp phần chủ đạo tạo nên diện mạo của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Hơn thế, họ đã biết phát huy thế mạnh thể loại để chuyển tải tinh thần nữ quyền một cách hiệu quả.

Như vậy, có thể thấy văn xuôi tự sự có khả năng lớn trong việc miêu tả cuộc sống và con người trong tính phức tạp của nó. Hơn thế, các nhà văn nữ đã biết phát huy thế mạnh của thể loại, cụ thể đó là khả năng bao quát hiện thực ở phạm vi rộng lớn nhất, thể hiện cuộc sống trên diện rộng với tất cả sự ngổn ngang, bề bộn và miêu tả cuộc sống ở góc độ đời tư với sự thể hiện cụ thể, sinh động, tinh tế. Nhờ đó, tinh thần nữ quyền có được những cơ hội biểu hiện toàn diện, trên cả bề rộng lẫn bề sâu với tất cả sự cụ thể, phức tạp của nó.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 117 - 120)