Sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con ngườ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 39 - 41)

Quan niệm nghệ thuật về con người là “sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó [98; 59]. Quan niệm nghệ thuật về con người phản ánh cái nhìn của xã hội, của nhà văn đối với con người và nó chi phối đến việc thể hiện hình tượng con người trong tác phẩm. Bởi con người chính là hạt nhân cơ bản, là đối tượng chủ yếu, là đích đến, là mục tiêu cuối cùng của các lĩnh vực nghệ thuật (trong có có văn học).

Mỗi thời đại chi phối khác nhau đến quan niệm nghệ thuật về con người. Từ xa xưa, văn học đã là nơi phản ánh sinh động nhất, hấp dẫn nhất, đầy đủ nhất những quan niệm về con người trong một thời đại lịch sử nhất định. Thời trung đại, con người phải chịu những chế định rất khắt khe của quan niệm Nho giáo: sống, suy nghĩ, hành động nhất nhất phải theo lẽ của trời đất, theo chí, theo đạo của người quân tử. Đến văn học hiện đại, đặc biệt là văn học sau 1986, cá tính con người được đề cao, bản ngã được xem trọng. Văn chương thời kỳ này, bởi thế, đã xây dựng được những cá nhân, những tính cách, những con người dám sống, dám nghĩ, dám chống lại những gì bó buộc, gông cùm mình bấy lâu.

Sau 1986, hiện thực xã hội đã thay đổi, đời sống tinh thần của con người cũng thay đổi. Không khí đổi mới sau 1986 đã cởi bỏ nhiều những định kiến, ràng buộc trước kia về con người, trả lại cho văn chương và nhà văn tư thế tự do trong việc phản ánh con người trong tác phẩm. Con người đã được nhìn nhận trong sự phức tạp, đa chiều, trong các mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn. Khái niệm con người đã được bổ sung thêm những nét nghĩa mới và hình tượng con người trong giai đoạn văn học thời kỳ này trở nên hấp dẫn cũng chính ở góc độ đời thường của nó. Từ 1986 đến nay, quan niệm về con người thậm chí đã có những bước đột phá. Đó thực sự là những cuộc cách mạng về quan niệm, về cách nhìn nhận về con người. Bởi thế, nó đã tạo ra những cú shock trong nhận thức và trong nghệ thuật.

Đặc biệt là hiện nay, con người không còn gì là “riêng tư” nữa, mọi ngóc ngách sâu kín nhất, những vấn đề tế nhị, thiêng liêng của con người bằng hình thức này hoặc hình thức khác, văn học đều chạm tới và xới tung lên như một vấn đề của hiện thực. Bên cạnh đó, con người trong văn học được tái hiện với tất cả sự phức tạp, chân thực và “trần thế” với cả tốt đẹp - xấu xa, thiện - ác, ánh sáng - bóng tối, cao thượng - thấp hèn… đan xen lẫn lộn, khó phân định rạch ròi. Điều này đã tạo cơ hội cho các nhà văn nữ đi sâu khám phá và thể hiện những góc khuất ẩn mật, những mảng màu sáng – tối khác nhau trong đời sống của người phụ nữ. Đọc tác phẩm của họ, ta nhận ra một thế giới riêng, phong phú, đa dạng, phức tạp, khó nắm bắt của đầy đủ kiểu đàn bà. Mỗi người là mỗi thân phận, mỗi cá tính, đều nổi bật, tiêu biểu và tạo nên ấn tượng mạnh với người đọc, như “một cái chợ đầu mối đủ loại, đủ màu, cái nào cũng mơn mởn như rau buổi sáng mới hái, cá dưới sông lên, thịt mới đưa từ lò mổ tới vẫn còn hơi ấm” [77].

Đặc biệt, văn chương sau 1986 không né tránh, ngại ngần bất cứ vấn đề gì liên quan đến con người, từ thế giới hữu thức đến vô thức, từ hiện thực đến siêu thực. Trong đó, tình dục nổi lên như là một vấn đề trung tâm của sự khám phá của nhà văn. Sự đổi mới táo bạo trong quan niệm về dục tính của con người đã mở cánh cửa cho nhà văn thỏa sức sáng tạo. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Lý Lan, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Lê Thị Thấm Vân... sẽ thấy yêu đương không chỉ còn là chuyện thương thầm nhớ trộm, mà đã là những cuộc cách mạng tình dục. Họ đã nhìn nhận vấn đề này với ý thức về sự giải thoát con người khỏi những trói buộc và những ẩn ức kiềm toả, những định kiến đã nhốt kín, giam hãm, cầm tù con người trong một khoảng thời gian rất dài.

Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người dẫn đến việc thể hiện hình tượng người phụ nữ trong văn chương có phần tự do, chân thực nhưng cũng phức tạp, khó “đoán” hơn. Người đọc nhận ra những nhân vật phụ nữ vừa quen vừa lạ, vừa dịu dàng, đằm thắm vừa cá tính, táo bạo, tuy hết lòng vì tha nhân nhưng cũng luôn biết yêu chiều bản thân mình... Tinh thần nữ quyền, vì thế, hướng đến thể hiện những vấn đề riêng tư nhưng nhân bản, nhân văn, gần gũi hơn với cuộc sống của người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 39 - 41)