Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nhà văn nữ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 41)

Sau 1986, các nhà văn nữ xuất hiện ngày càng phổ biến và họ đã sớm khẳng định được tài năng của mình trong sáng tác. Chưa bao giờ người ta thấy trong văn học Việt Nam xuất hiện một đội ngũ sáng tác đông đảo, hùng hậu các nhà văn nữ như lúc này. Chính họ đã đóng vai trò trung tâm trong việc tạo nên một nền văn học mang “gương mặt nữ” với sắc thái đa dạng, độc đáo, mới lạ.

Văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế

hệ nhà văn. Thế hệ đầu tiên vẫn chủ yếu là những nhà văn nam giới, thế hệ những

“người mở đường tinh anh” như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu… Chúng tôi cho rằng, vị trí của các nhà văn nam thời gian này là do “quán tính” văn học của những năm chiến tranh cách mạng, khi có một lớp nhà văn nam trưởng thành trong chiến tranh và sau đổi mới, họ vẫn tiếp tục những đề tài về chiến tranh, thế sự thời hậu chiến. Thế hệ kế tiếp bắt đầu chứng kiến sự trưởng thành và khẳng định tài năng một cách mạnh mẽ của các nhà văn nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Thuỳ Dương, Trần Thuỳ Mai, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh … sóng đôi bên cạnh các nhà văn nam giới như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Bình Phương,

Nguyễn Việt Hà. Anatoli A.Sokolov đã đánh giá: “Văn xuôi nữ dám trình diện mình, thực gây niềm lạc quan, trở thành một hiện tượng thực thụ của văn học Việt Nam hiện thời” [1]. Và ở thời điểm hiện tại trong khoảng 15 năm trở lại đây là sự lấn át của đội ngũ những cây viết nữ trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Cấn Vân Khánh, Trang Hạ, Di Li… bên cạnh những nhà văn nữ trước đó vẫn dồi dào sức sáng tạo như Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà… Nhà lý luận Văn học Hoàng Ngọc Hiến gọi đây là hiện tượng “âm thịnh dương suy”. Còn nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng qua khảo sát tỉ lệ giữa văn chương nữ giới và nam giới hiện nay đã thấy rằng: “Đã hình thành một tỷ lệ giữa phái yếu và phái mày râu là 2/3 - một tỷ lệ đáng gờm bởi nhìn vào đó sẽ thấy truyện ngắn trẻ hôm nay (và văn chương nói chung) mang gương mặt nữ”[101; 206].

Bên cạnh số lượng, đội ngũ nhà văn nữ cũng chứng tỏ vị thế, khả năng sáng tạo của mình trên văn đàn qua số lượng và chất lượng tác phẩm. Nhiều tác giả đã đạt được những giải cao trong các cuộc thi sáng tác như: Nguyễn Thị Thu Huệ đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 1992 - 1994; Dạ Ngân với giải Nhì truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987, giải Nhì truyện ngắn báo Tuổi trẻ năm 1989 và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 và 2005; Y Ban với giải Nhì cuộc thi viết về Hà Nội do Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức năm 1993, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ năm 2006, giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết lần thứ 3 (2006 - 2010) của Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyễn Ngọc Tư với giải Nhất cuộc thi

Văn học Tuổi hai mươi (lần 2) do Nhà xuất bản Trẻ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và

báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức…

Trong sáng tác, các tác giả nữ đã thử sức ở thể loại tiểu thuyết và đạt được một số thành công nhất định như: Võ Thị Hảo với Giàn thiêu, Y Ban với Xuân Từ Chiều, Lý Lan với Tiểu thuyết đàn bà, Dạ Ngân với Gia đình bé mọn, Võ Thị Xuân Hà với

Trong nước giá lạnh, Tường thành… Tuy nhiên, thể loại có thể xem là sở trường và là

nơi ghi dấu ấn tài năng, sự sáng tạo của các nhà văn nữ là truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của họ đã gây được tiếng vang, được bạn đọc đặc biệt yêu thích như Hậu thiên

đường, Nào, ta cùng lãng quên, Giai nhân, Xin hãy tin em, Rồi cũng tới nơi thôi, Tân cảng (Nguyễn Thị Thu Huệ); Hồn trinh nữ, Goá phụ đen, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Làn môi đồng trinh, Khát của muôn đời (Võ Thị Hảo); Chị ấy lấy chồng chưa?, Đêm sao, Diễn viên hạng ba, Đêm thảo nguyên, Ngựa ô (Lý Lan), Người đàn bà có ma lực, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, I am đàn bà, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Tự,

Gà ấp bóng (Y Ban); Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Lúa hát, Cà phê yêu dấu, Bay lên miền xa thẳm, Nhà có ba chị em (Võ Thị Xuân Hà)… Các tác giả nữ trẻ cũng gây ấn

tượng khi trình làng những tập truyện ngắn rất mới lạ. Với những tác phẩm này, truyện ngắn Việt Nam đương đại được đánh giá là “tập trung được nhiều nhất yếu tố có tính cách tân trong văn xuôi thời kì đổi mới và có nhiều kết tinh hơn hẳn các thể loại khác” [11; 217].

Về nội dung, sự trưởng thành của đội ngũ nhà văn nữ thể hiện ở khả năng sáng tác trên mọi phạm vi đề tài và ghi dấu ấn mạnh mẽ ở những đề tài sở trường (như đề tài hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc gia đình, tính dục). Nhà văn nữ, bằng sự nhạy cảm đặc biệt của giới mình đã có những phát hiện bất ngờ, độc đáo về cuộc sống và con người thời hiện đại với tất cả sự bộn bề, phức tạp, trái ngang của nó. Hơn thế, tác phẩm của họ đã có chiều sâu tư tưởng triết lý, thể hiện tư duy triết học sâu sắc (tiêu biểu như sáng tác của Võ Thị Hảo, Lý Lan). Bên cạnh đó, các nhà văn nữ luôn biết cách “không lặp lại mình” khi biến hóa đa dạng trong đề tài, cốt truyện, nhân vật… để ngay với những đề tài quen thuộc, mỗi trang viết vẫn luôn là một sự khám phá mới mẻ, độc đáo về cuộc sống.

Những khám phá, phát hiện ấy được thể hiện bằng lối viết tự nhiên, duy cảm đặc trưng của giới nữ và bằng cả sự vận dụng lĩnh hoạt các kỹ thuật văn chương hiện đại như trần thuật đa thanh, trần thuật phi trung tâm, thủ pháp lắp ghép, phân mảnh, đồng hiện với ngôn ngữ vừa nữ tính, vừa quyết liệt, mạnh bạo, gây shock… Thành công của các nhà văn nữ đã góp phần thay đổi hoàn toàn quan niệm về người nữ viết văn: họ không phải là nhà văn “cấp hai”, cũng không phải là “cái bóng” của nhà văn nam mà là một chủ thể sáng tạo độc đáo, độc lập. Sáng tác của họ không những không là “giấy vụn” mà còn tạo nên dòng chủ lưu, diện mạo riêng cho văn học đương đại. Sẽ thật tẻ nhạt, đơn điệu, thậm chí “què quặt” nếu như văn học Việt Nam sau 1986 thiếu đi gương mặt của các nhà văn nữ.

Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nhà văn nữ được xem là nhân tố quan trọng nhất, trực tiếp nhất thúc đẩy sự trở lại mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền trong văn học. Ý thức về giới một cách tự giác đã ăn sâu vào tâm thức của các nhà văn nữ, tạo nên âm hưởng nữ quyền trong sáng tác. Hình tượng người phụ nữ với những giá trị, phẩm chất vốn xưa nay thường được nhìn nhận, đánh giá dưới đôi mắt của nam quyền, thì giờ đây đã được nhìn nhận bằng đôi mắt của chính họ - những nhà văn nữ. Việc sáng tác với các chị, vừa như hoạt động “thể nghiệm” mình trên trang viết vừa như trải

nghiệm, khám phá, bộc lộ những cái “tôi” mới “khác mình”. Cũng vì thế, những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người phụ nữ như quyền lợi, “tiếng nói” của thân xác và tinh thần, cái nhìn về sự hy sinh và những “đòi hỏi” của người phụ nữ, nhìn nhận về thế giới đàn ông… trong trang viết của họ vừa quen, vừa lạ nhưng hơn hết, nó chân thực, gần gũi và thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân bản.

Tiểu kết chương 2

Như vậy, có thể thấy, sự xuất hiện của tinh thần nữ quyền trong văn xuôi tự sự Việt Nam sau 1986 không phải là sự ngẫu nhiên, nhất thời mà là kết quả của sự gặp gỡ những điều kiện khách quan và chủ quan, truyền thống và hiện đại. Ngoài ảnh hưởng của Chủ nghĩa nữ quyền và văn học nữ quyền thế giới, tinh thần nữ quyền trong văn học Việt Nam sau 1986 còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cội nguồn văn hóa dân tộc – một nền văn hóa thờ Mẫu và tôn trọng, đề cao người phụ nữ. Khi gặp gỡ bối cảnh khách quan thuận lợi như những biến đổi lớn trong đời sống dân tộc sau 1986, cụ thể là công cuộc bình đẳng giới, sự thay đổi cái nhìn, cách đánh giá của xã hội đối với người phụ nữ, những thay đổi về mẫu hình người phụ nữ lý tưởng trong thời đại mới…cùng với quá trình vận động nội tại trong đời sống văn học, đáng chú ý là sự xuất hiện và trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nhà văn nữ, tinh thần nữ quyền trở thành một trong những nhân tố chủ đạo chi phối nội dung sáng tác sau 1986.

Quan trọng hơn, vấn đề của hiện thực hôm nay, của thời đại đặt ra, buộc văn học phải cất tiếng nói. Cuộc sống lên tiếng, cuộc sống đòi hỏi đã dẫn đến nét đặc trưng riêng của tinh thần nữ quyền trong văn học Việt Nam sau 1986 so với văn học nữ quyền thế giới: đó chính là sự nhuần nhị Á Đông, nét nữ tính rất riêng trong cách cảm, cách nghĩ, lối biểu hiện… của các nhà văn nữ. Vì thế, tinh thần nữ quyền trong văn học trở thành một vấn đề vừa quen, vừa lạ, vừa truyền thống, vừa nóng rẫy hơi thở cuộc sống hiện đại.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 41)