Ngôn ngữ nhân vật thể hiện tinh thần nữ quyền

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 128)

Theo Phan Ngọc: “Ta chỉ có ngôn ngữ nhân vật với tính cách là một kiểu lựa chọn khi qua lời nói của nhân vật ta biết được tâm lí, giáo dục, thân phận, giai cấp,

nghề nghiệp, động cơ, những khuyết điểm và những ưu điểm của anh ta, không kể cái nội dung của thông báo. Chỉ đến lúc đó mới có ngôn ngữ nhân vật như một phạm trù mĩ học” [76; 122]. Như vậy, có thể thấy, ngôn ngữ nhân vật là lời nói của tất cả các nhân vật trong các tác phẩm thuộc loại hình kịch và tự sự (đối thoại, độc thoại nội tâm) nhưng không phải bất cứ lời nói nào phát ra từ nhân vật cũng được chú ý. Chỉ khi ngôn ngữ nhân vật là phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng để thể hiện cá tính, kiểu tư duy của nhân vật thì nó mới được chú trọng như một tín hiệu nghệ thuật.

Trong văn xuôi tự sự, ngôn ngữ nhân vật tồn tại chủ yếu ở ba dạng: dạng đối thoại, dạng độc thoại nội tâm, dạng lai ghép khó phân biệt giữa ngôn ngữ nhân vật với ngôn ngữ tác giả. Trong đó, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn xuôi tự sự chủ yếu được thể hiện qua lời thoại và ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng kết hợp hài hòa giữa tính cá thể hóa và tính khái quát, tức là ngôn ngữ vừa phản ánh được cá tính, đặc điểm riêng, độc đáo của nhân vật vừa mang những nét đặc trưng chung cho một lớp, một nhóm người có quan hệ gần gũi. Có thể nói, các nhà văn nữ sau 1986 đã sáng tạo nên lớp ngôn ngữ nhân vật vừa độc đáo, cá tính, thể hiện một cách sinh động, không lặp lại chân dung nhân vật nhưng lại cũng mang những đặc điểm chung của ngôn ngữ giới nữ. Không chỉ tái hiện chân dung nhân vật, ngôn ngữ nhân vật trong văn xuôi tự sự sau 1986 còn góp phần hiệu quả trong việc thể hiện tinh thần nữ quyền.

Trước hết, để khắc họa hình tượng nhân vật người phụ nữ, các nhà văn đều sử dụng lớp ngôn ngữ đặc trưng cho giới chính là ngôn ngữ giàu màu sắc nữ tính. Khi yêu, ngôn ngữ của họ đầy lãng mạn, dịu dàng, tha thiết: “Em nhớ anh nói với em rằng, một thời gian thích hợp nào đó mình sẽ gặp nhau. Và em cũng nhớ câu thơ cuối anh đọc cho em, anh không phải là anh bây giờ. Em biết. Và em cũng không phải là em bây giờ” (Hai bảy bước chân là lên thiên đường – Y Ban) hoặc khao khát, say mê: “Có phải anh đấy không? Có phải anh đến để hôn vào môi em và mang em đi không?” (Làn môi đồng trinh – Võ Thị Hảo). Khi đau khổ, người phụ nữ vẫn đối thoại với một lớp ngôn ngữ dịu dàng, đằm thắm, đau đớn nhưng vẫn da diết khôn cùng: “Tái sinh ư? Em chẳng muốn, bởi vì nếu trở lại H’Điêu bằng xương bằng thịt, em lại vẫn là cô gái ngây thơ của núi rừng thuở xưa. Em sẽ lại gặp chàng Y Nhớt thứ một ngàn lẻ một. Em sẽ lại bị chàng nghi ngờ, dằn vặt và phụ bạc…cuối cùng lại biến thành cây chanh bên bờ suối cạn mà thôi” (Khát của muôn đời – Võ Thị Hảo). Ngay cả khi giận giữ, căm thù, ngôn ngữ của họ vẫn mang những nét đặc trưng giới tính, đó là kiểu ghen tuông

“rất đàn bà”: “Có bao nhiêu tiền, lão ta chu cấp cho con đĩ trăm thằng ấy hết. Mà tại sao cái ngữ ấy lại không chịu lấy chồng đi cho rảnh mắt nhỉ? Cứ để một lũ một lĩ đàn ông vây quanh. Cái lão Tần nhà này cứ say mụ ta như phải bùa. Cái con qủy ấy ám hại đời ta không biết đến ngày nào…Mà ta, con cái chẳng có, chỉ có mình lão…” (Khăn

choàng sương – Võ Thị Hảo). Sắc thái nữ tính đặc biệt thể hiện rõ trong ngôn ngữ của

các nhân vật nữ trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ. Lan trong Một nửa cuộc

đời, khi ở bên cạnh người tình đã đầy mơ mộng, lãng mạn: “Em có thể sống cả đời ở

đây với anh. Yêu và được chăm sóc, phục vụ anh là một hạnh phúc. Sáng dậy tắm biển và chạy, cùng ngắm mặt trời nhô trên biển. Trưa nắng, nằm bên nhau dưới những rặng dừa. Em sẽ vẽ tranh và anh hát” (Một nửa cuộc đời – Nguyễn Thị Thu Huệ). Cách xưng hô em, anh cùng lớp từ bộc lộ trạng thái cảm xúc một cách trực tiếp như yêu, hạnh phúc, được chăm sóc, phục vụ… được nhân vật sử dụng liên tiếp để bộc lộ tình

cảm nồng nhiệt của mình với người tình. Ngay cả những người con gái cá tính, nổi loạn, gai góc như Hoài, khi yêu cũng trở nên nữ tính, mềm yếu: “Đừng đi anh. Hãy tin em. Hãy tha lỗi cho em. Em yêu anh!” (Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ). Ngôn ngữ của nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ bao giờ cũng bộc lộ rõ nét trạng thái tình cảm, đặc điểm tính cách giới nữ: đa sầu, đa cảm, dịu dàng nhưng cũng đầy khao khát mạnh mẽ.

Với cảm quan sáng tác, các cây bút nữ này đã thực sự làm xúc động lòng người bằng những trang viết về tình mẫu tử. Họ đã diễn tả được những cảm xúc xác thực của người đàn bà “thèm có con, thèm được làm mẹ” (Người đàn bà ám khói – Nguyễn Thị Thu Huệ); diễn tả được nỗi đau của một người mẹ phải xa đứa con mình mang nặng đẻ đau, “phải xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm tho như một chiếc bánh ga tô vừa mới ra lò” vì sự tan vỡ hạnh phúc gia đình (Tân

cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ); thể hiện sự trăn trở, lo lắng của người phụ nữ về những

bất trắc cuộc đời có thể xảy đến với con mình và quyết tâm hy sinh hết thảy cho hạnh phúc của con: “Liệu với chỉ tấm lòng mẹ có chở che được cho con không. Ngay cả bố mẹ của con đây, cũng không như những bố mẹ khác, khi trong lòng mỗi người đều đau đáu về những hoài vọng lớn lao khác của cuộc đời, để có lúc không còn nghĩ đến con, chứ đừng nói là hy sinh vì con cái như như những bậc sinh thành ngày trước, liệu con có hiểu được cho nỗi lòng của bố mẹ không. Bống ơi con cố hiểu cho tấm lòng của mẹ nhé. Mẹ sẽ cố gắng làm việc con ạ. Mẹ sẽ làm đây.” (Xuân Từ Chiều – Y Ban).

Tính chất nữ tính trong ngôn ngữ thậm chí thể hiện ngay cả trong những chủ đề không hề mơ mộng, lãng mạn như chợ búa, bữa ăn hàng ngày. Với Nguyễn Thị Thu Huệ, bằng trực giác và những cảm nhận sâu sắc, chị đã viết nên những dòng tâm sự của cả giới đàn bà, viết những điều bình dị và không xa lạ với hầu hết những người phụ nữ: “Tôi trở về chính tôi với ước mơ nho nhỏ. Một bữa cơm nóng, món canh chua quyến rũ. Mơ ước một ngày nắng to để phơi quần áo cho thơm tho, đong được một mẻ gạo ít thóc sạn” (Hình bóng cuộc đời); “Bữa cơm chiều. Có đĩa rau luộc lẫn rau rút. Đậu phụ rán tẩm hành và con cá thơm khô rán, bát muối vừng…Nước rau đánh me trong trong vàng vàng anh chan hết vèo” (108 cây bằng lăng). “Nếu như mình là người chủ căn nhà bên kia nhỉ. Mình sẽ băm thịt thật nhuyễn” (Người đàn bà có ma

lực- Y Ban). Ngôn ngữ độc thoại giản dị, mộc mạc như chính tâm hồn người phụ nữ,

đã soi chiếu khát khao hạnh phúc bình dị, đời thường đến cháy bỏng, da diết. Trong

Xuân Từ Chiều, Y Ban cũng sử dụng phổ biến lớp ngôn ngữ này để khắc họa nhân vật

Từ, qua cả ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm. Nó cho thấy một khía cạnh khác của phẩm chất thiên tính nữ: sự chăm lo, quan tâm đến gia đình. Với người phụ nữ này, cuộc sống cơm áo cho chồng và con luôn là mối bận tâm lớn nhất. Vì nó mà Từ có thể gác lại những giấc mơ lãng mạn về sự nghiệp để bươn chải mưu sinh.

Tái hiện hiện thực đời sống tâm lí của con người bằng ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm giàu nữ tính, các cây bút nữ đã bộc lộ khả năng nắm bắt những biến thái trong tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đọc truyện ngắn của các cây bút nữ, người đọc có cảm nhận được đó là tiếng lòng của những người phụ nữ được viết nên từ những trải nghiệm. Chính vì vậy, ngôn ngữ ấy nó mang những nét đặc trưng không thể trộn lẫn của giới nữ: đằm thắm, đa sầu, đa cảm, luôn dịu dàng, nhẫn nại, đầy vị tha và thể hiện khao khát mãnh liệt về hạnh phúc, tình yêu…

Như một hệ quả tất yếu, bình đẳng về nữ quyền tất yếu phải đi liền với bình đẳng về ngôn ngữ. Dù ngôn ngữ chịu ảnh hưởng bởi những đặc điểm giới tính nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phân biệt lớp ngôn ngữ nào là độc quyền của nam giới hoặc nữ giới. Tự bản thân ngôn ngữ là bình đẳng, chỉ có điều, chính quá trình con người lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ theo thói quen đã làm mất đi sự bình đẳng ấy. Và như một thiên kiến, mọi người cho rằng là phụ nữ thì ăn nói phải dịu dàng, ý tứ, nền nã và nam giới thì phải “ăn to nói lớn”, gai góc (thậm chí nói tục cũng được xem như một …đặc quyền của các quý ông). Sau 1986, cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt trong văn học, các nhà văn nữ cũng đã có xu hướng sử dụng lớp ngôn ngữ đời thường,

thô tục, gai góc trong lời thoại của các nhân vật nữ, trả ngôn ngữ về thế bình đẳng vốn có. Khi đả phá trật tự phụ quyền, ngôn ngữ của họ thẳng thắn, ngoa ngoắt: “Chẳng có sự thật nào ở đây cả. Chỉ có sự ích kỉ của bọn đàn ông quê mùa các anh. Người ta nói mà tôi chẳng chịu tin, rằng lũ các anh có học mà vô văn hoá. Đồ vô văn hoá” (Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá – Y Ban). Trong đối thoại hàng ngày, các nhà văn

thường sử dụng ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ, ngôn ngữ lấy từ cuộc sống đời thường, ít mang màu sắc ước lệ, sách vở. Điều này thể hiện rõ trong sáng tác của Y Ban. Ngôn ngữ đối thoại được cá tính hoá cao độ để phù hợp với từng nhân vật (trong Xuân Từ

Chiều, ngôn ngữ của Từ mang vẻ táo bạo, quyết liệt; Xuân nhẹ nhàng, từ tốn; Chiều

quê mùa, nhẫn nhục). Đặc biệt, Y Ban đã mang vào trong đối thoại tất cả chất liệu của cuộc sống hàng ngày từ chuyện nạo phá thai, chậm kinh nguyệt (Xuân Từ Chiều) đến chuyện quan hệ giường chiếu (Tự), thói quen thịt chó mắm tôm hay sở thích thời trang cạp trễ (Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá)… Điều đó tạo cho nhân vật của chị có dáng vẻ bụi bặm, gần gụi với cuộc đời. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nó thể hiện nhu cầu bộc lộ của người phụ nữ. Họ không ngại ngần thể hiện những suy tư, cảm xúc của mình về mọi người, cuộc đời mà không cần giấu giếm, che đậy. Bích trong Khăn choàng sương (Võ Thị Hảo) dẫu là người phụ nữ đa sầu, đa cảm, yêu chồng hết mực nhưng khi nguyền rủa người chồng của mình đã không ngần ngại tung hê bằng lớp từ tục tĩu với giọng điệu đay nghiến, cay độc nhất: “Lại ở chỗ con đĩ ấy chán chê rồi lần về đây. Sao không ngóp hẳn đi cho khuất mắt, hở cái đồ dở ma, dở người”. Với Nguyễn Thị Thu Huệ, không hiếm trường hợp, nhân vật nữ của chị trở nên gai góc khi nhà văn sử dụng ngôn ngữ đời thường trong lời đối thoại của nhân vật. Hoài “thớt trơ” trong Xin hãy tin em là nhân vật nữ cá tính, nổi loạn. Ngôn ngữ của Hoài gai góc, “chợ búa” cả trong từ ngữ lẫn giọng điệu: “Thôi, thằng Toản cụt này đọ được thế nào với chị. Nói một câu xin, chị khao cả hội nhòe nước trắng và nem chua. Hôm nay chị vừa có mầu” (Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ). Nếu không dùng lớp ngôn ngữ trần trụi thì giọng điệu nhân vật có lúc lại lạnh lùng, vô cảm, sắc lạnh. Vang trong truyện Người đàn bà ám khói nhận xét về đồng tiền rất thực dụng, tỉnh táo: “Tiền nào chả giống nhau. Người ta kiếm tiền bằng nhiều cách nhưng tiêu tiền thì na ná giống nhau”. Thậm chí, Vang nói về cái nghề khóc thuê đám ma cũng với giọng vô cảm, tưng tửng: “Chẳng cố định. Họ thường thuê người đến khóc thuê khi không có nước mắt để khóc cho người chết. Lắm đám ma, em đến khóc mà còn thấy thích nữa.” (Người đàn bà ám khói – Nguyễn Thị Thu Huệ). Đó cũng là kiểu ngôn ngữ của My

khi đề nghị chị gái “nhường chồng” cho mình: “Thôi đi, chuyện sau này chị đừng bàn ra đây, biết đâu tôi không nhằn được chồng chị trước. Thời của tôi khác thời của chị rồi. Sống như các mẹ, các chị mà ngớ ngẩn à? Giời ơi, biết có sống đến lúc ấy mà ân với chả hận” (Thiếu phụ chưa chồng – Nguyễn Thị Thu Huệ). Nhân vật dường như đã lãng quên “thiên tính” cao đẹp của giới mình, bỏ qua cả quan hệ huyết thống chị - em, ngang nhiên chà đạp chuẩn mực đạo đức… để phát ngôn rất táo tợn, vô tình, vô nghĩa. Dù lớp từ có thể vẫn mang đặc trưng giới nữ nhưng cái cách nhân vật nhận định về mọi vấn đề trong cuộc sống lại đầy sắc lạnh, tỉnh táo, tàn nhẫn. Dường như không còn có sự phân chia ngôn ngữ nữ tính dành cho phái nữ, ngôn ngữ xù xì, gai góc dành cho nam giới nữa mà ngôn ngữ - cũng như giới tính, đã được dân chủ hóa, bình đẳng hóa để được sử dụng một cách tự do trong đời sống, trở thành phương tiện biểu hiện chính xác và toàn vẹn bản chất nhân vật.

Như vậy, ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương diện khắc họa nhân vật một cách trực tiếp. Ngôn ngữ nhân vật vừa gần gũi với ngôn ngữ đời thường vừa được lựa chọn, tổ chức để thể hiện ý đồ sáng tạo của tác giả. Có thể thấy, ngôn ngữ mang sắc thái nữ tính vẫn là lớp ngôn ngữ đặc trưng của nhân vật nữ. Nó giúp bộc lộ sâu sắc những vẻ đẹp truyền thống, vốn là đặc trưng của người phụ nữ như dịu dàng, đa sầu, đa cảm, khao khát được bày tỏ cảm xúc với người yêu… Bên cạnh đó, để thể hiện hình tượng người phụ nữ gai góc, quyết liệt, táo bạo (một biểu hiện của nhân vật nữ quyền), các nhà văn cũng có xu hướng sử dụng lớp từ tục, lớp ngôn ngữ sắc lạnh, tỉnh táo vốn gần gũi hơn với nam giới. Ngôn ngữ nhân vật đã thể hiện rất chân thực, sinh động, toàn diện về chân dung nhân vật nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986: không còn xu hướng lý tưởng hóa hoặc phán xét bởi tư tưởng giới tính cực đoan, người phụ nữ đã được trả lại dáng điệu đời thường, gần gũi với cuộc sống hiện thực, mạnh mẽ, bản lĩnh nhưng vẫn đằm thắm “thiên tính nữ”.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w