Đi sâu thể hiện thế giới nội tâm phức tạp của người phụ nữ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 123 - 128)

Hình tượng nhân vật được tạo nên từ sự tổng hòa đặc điểm thân phận, ngoại hình, hành động, tính cách, ngôn ngữ… Tùy theo mục đích sáng tạo mà nhà văn tập trung đi sâu khai thác các phương diện khác nhau của nhân vật. Một trong những đặc trưng của giới nữ chính là xu hướng hướng nội (nam giới ưa hướng ngoại) và duy cảm

(nam giới thiên về duy lý). Vì vậy, khi thể hiện hình tượng nhân vật nữ, như một điều tất yếu, các nhà văn sau 1986 đều đi sâu thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Nội tâm, hiểu một cách chung nhất, là đời sống bên trong. Nói đến nội tâm là nói đến các cung bậc tình cảm, các trạng thái cảm xúc, các diễn biến tinh thần. Nội tâm không chỉ hé mở thế giới tinh thần mà thông qua đó, nó còn thể hiện thân phận, tính cách, suy nghĩ của nhân vật.

Giống như một thiên kiến, khi xây dựng hình tượng người phụ nữ, các tác giả từ xưa đến nay đều chỉ chú trọng khai thác thế giới nội tâm nhân vật (người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc, người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm) còn với nhân vật nam giới thường tập trung miêu tả hành động, lời nói. Văn chương sau 1986 khi miêu tả về nhân vật nữ dù đã đi sâu hơn vào việc miêu tả ngoại hình (cụ thể, chi tiết và táo bạo hơn) nhưng nội tâm nhân vật vẫn được xem là yếu tố quan trọng nhất tạo nên diện mạo nhân vật.

Có thể nói, hầu hết thế giới nội tâm của các nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn sau 1986 đều rất phong phú, phức tạp, không đơn giản mà chứa đầy mâu thuẫn. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ nguyên nhân khi thể hiện nội tâm nhân vật, các tác giả nữ cũng đều gửi gắm vào đó một phần tâm trạng, nỗi lòng của chính mình (ví như mối quan hệ giữa nhân vật nhà văn Mỹ Tiệp trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn và tác giả Dạ Ngân; nhân vật trong truyện của Y Ban và tác giả). Mặt khác, cuộc sống hiện đại bộn bề những lo toan đã tác động vào tâm hồn người phụ nữ, cùng với bản tính nhạy cảm cố hữu đã tạo nên những tâm hồn đầy phong phú, phức tạp, mâu thuẫn.

Trước hết, các nhà văn nữ đều đi sâu thể hiện những trăn trở, suy tư, vướng bận kiểu “đàn bà”, xoay quanh những vấn đề thường nhật như hôn nhân, tình yêu, con cái, nhan sắc, những ham muốn vật chất và tinh thần muôn thuở của con người trong cuộc đời…Trong đó, có những “nỗi buồn lớn” - nỗi buồn của những người có ý thức phản tỉnh như những trăn trở lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn thường ngày, do không thể hoà nhập “em” và “anh” nhưng cũng có khi chỉ là những vướng bận, những sợi tơ lòng, những trạng thái khó lòng định nghĩa… Nhân vật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo luôn có sự suy tư, day dứt, luôn phán xét, nhận thức về chính mình. Trong truyện ngắn

Tiếng vạc đêm, Hạnh luôn có sự day dứt, giằng xé bởi vì cô đã từng có chồng cô khao

khát được một người đàn ông che chở nhưng trong cô luôn có sự ám ảnh về mình vì trái tim tật nguyền - vì dòng họ có người đàn bà chửa thắt cổ chết vì đàn ông. Hay nhân vật Sải trong Con dại của đá, luôn day dứt về sự không chung thuỷ của mình

ngây thơ, nhẹ dạ cả tin đã yêu Cáo Tờ Quẩy mà phản bội lại Hùng De. Trong truyện ngắn Biển cứu rỗi, cô gái điếm đã hết thời, trước cái nhìn khinh miệt của người đàn ông, thị thấy “nhục và quờ tay tìm cái nón” (Biển cứu rỗi – Võ Thị Hảo). Trong khi miêu tả tâm lí, Y Ban thường làm nổi bật những cung bậc cảm xúc trái chiều nhưng rất phổ biến ở người đàn bà như: niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, hi vọng và thất vọng, đam mê và tiếc nuối, sẵn sàng “tận hiến” nhưng lại lo sợ (Tôi, anh, thằng bé

và con rắn, Gà ấp bóng, Sau chớp là giông bão, Hai bảy bước chân là lên thiên đường), kiêu hãnh và tự ti, tự hào và ghét bỏ, đề cao và hạ thấp, tự sỉ nhục mình (Tự, Người đàn bà đứng trước gương, Người đàn bà có ma lực, Đôi găng tay da màu nâu, Cuộc tình silicon, Nhân tình). Nguyễn Thị Thu Huệ khi đặt nhân vật nữ trong tình

huống gia đình tan vỡ (Tân cảng, Chỉ còn một ngày) đã làm bật sự giằng xé phức tạp trong nội tâm nhân vật: tiếc nuối, ân hận, hạnh phúc và đau khổ, vừa muốn chấm dứt vừa không sẵn sàng cho cuộc sống mới… Nguyễn Thị Thu Huệ lại thể hiện cảm xúc rất đời thường của người phụ nữ là tâm trạng xốn xang khi yêu. Nhân vật trong Biển

ấm sau bao nhiêu năm trở về bến phà xưa với ký ức về mối tình đầu vẫn còn xốn xang

kỷ niệm: “Anh ở đâu? Sao tôi nhớ anh thế này. Bao nhiêu năm. Tôi sống và hiểu rằng chẳng bao giờ tôi gặp được người đàn ông thay thế được anh trong tâm linh”, “Người con gái đến tuổi dậy thì có những đụng chạm đầu tiên với một người đàn ông, thường bị xúc phạm ghê gớm và không bao giờ quên” (Biển ấm – Lê Minh Khuê). Nhân vật trong Còn lại một vầng trăng thì: “tình yêu đầu tiên, những va chạm đầu tiên luôn làm tôi run rẩy, hồi hộp. Anh gần tôi, khuôn mặt thân yêu như chính máu thịt của mình” (Còn lại một vầng trăng – Lê Minh Khuê). Chính sự tổng hợp hài hoà của những trạng thái tâm lí phổ biến và dị biệt nên đời sống tâm hồn của người đàn bà hiện lên toàn diện, sống động hơn, gây cho người đọc cảm giác vừa thân thuộc, gần gũi, vừa lạ lẫm, tò mò, thích thú.

Thế giới nội tâm nhân vật nữ phức tạp các cảm xúc, trạng huống khác nhau nhưng phần lớn các tác giả không tham vọng bao chứa bức tranh tâm lí ấy với tất cả cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Các nhà văn thường có xu hướng dừng lại, xoáy sâu vào những khoảnh khắc tâm lí nhất định, để làm bật lên những trạng huống tâm lí cả điển hình và dị biệt của những nhân vật nữ. Trong đó, có những nỗi trăn trở, suy tư của những người có ý thức phản tỉnh (trong sáng tác của Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư), có những trăn trở lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn thường ngày (sáng tác của Y Ban, Dạ Ngân), có những nỗi buồn do không thể hoà nhập “em” và “anh” trong đời sống vợ

chồng, nhưng cũng có khi chỉ là những vướng bận, những sợi tơ lòng, những trạng thái khó lòng định nghĩa (sáng tác của Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ)… Với Y Ban, trong bức tranh tâm lí luôn chất chứa những trạng thái phong phú và phức tạp của nhân vật, chị vẫn “nhặt” ra được những trạng thái điển hình nhất của cái gọi là “tâm lí đàn bà”: chán chồng, chán nản với cuộc sống tầm thường hàng ngày, cảm thấy gia đình là gánh nặng, dằn vặt, tủi hổ sau những cuộc ngoại tình, tiếc nuối về nhan sắc tuổi trẻ… Với Nguyễn Thị Thu Huệ, chị thường ưa thích tập trung miêu tả trạng thái tâm lý của người phụ nữ trong những cuộc ngoại tình: chán nản với sự nhạt nhẽo trong mối quan hệ vợ chồng, khao khát có được tình yêu thuần khiết, cuồng nhiệt với tình nhân nhưng lương tâm và trách nhiệm với gia đình lại luôn giằng xé dữ dội… Lý Lan lại “bắt” tâm lí nhân vật trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, thoáng qua. Đó là cảm giác của Liên khi người chồng hờn ghen, hất quăng những cái ly mà chị đã dày công lựa chọn: “Ánh mắt của Liên khiến Trí chợt hoang mang (…) Liên chỉ đứng lặng như bị giam giữ tứ bề những mảnh vụn pha lê. Vẻ sửng sốt nhường cho sự hiểu ra, biến dần thành nét buồn, đậm dần vị cay đắng” (Pha lê – Lý Lan). Đó cũng có thể là khoảnh khắc gặp lại những người xưa, trong khi tạo vật và con người đã chuyển dời, thay đổi: “Tôi tưởng như nghe sương rơi xuống vai rồi thấm dần vào xương sống. Lửa dần dần tắt mà không ai khều lại nhóm. Tôi chỉ còn nhìn thấy lờ mờ hình bóng của hai người bạn thuở ấu thơ. Mỗi người ngồi thu lu trong một cái giá lạnh triền miên không có lửa nào xua tan được” (Ngựa ô – Lý Lan). Hay tâm trạng của “tôi” trong Đường dài hạnh

phúc khi đã cố gắng mang lại niềm vui cho chồng nhưng chồng không thoả mãn: “Rồi

tự hỏi, con người mình đó ư? Sao có thể mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì một người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghệ sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng nghe qua rồi bỏ, cứ kiểu mình thích mình làm. Mắc gì mình cặm cụi cả ngày làm mứt?”, dầu vậy, “tôi” lại vẫn tiếp tục lừa dối bản thân mình, vẫn yêu anh … Những trạng thái này phổ biến với tâm lí của người đàn bà, đặc biệt là người đàn bà hiện đại. Sở trường của các nhà văn nữ trong việc miêu tả tâm lí nhân vật là từ những khoảnh khắc nhanh, đột ngột, tưởng chừng “chẳng có gì” nhưng nhà văn lại xoáy sâu, “quay chậm” để lột tả tất cả diễn biến cảm xúc, sự dồn đuổi của tâm lí. Chính vì vậy, nó đã tạo cho hình tượng người đàn bà có chiều sâu hơn (thay vì triền miên kể về các cảm xúc) và khiến cho người đọc cảm nhận được sự phong phú, phức tạp trong đời sống tâm hồn của người đàn bà.

Ngoài những trạng thái tâm lý điển hình, bằng sự nhạy cảm của giới nữ, các nhà văn đã đi sâu miêu tả tâm lý, đào sâu nhiều ngõ ghách tình cảm phức tạp trong nội

tâm nhân vật. Phan Thị Vàng Anh đã thấu hiểu và phản ánh đúng trạng thái tâm lý của người phụ nữ khi tưởng mình có con: “Tuyền thấy mình quan trọng hẳn lên và tự nhiên thành mong manh … Tuyền thấy mình bước đi có hơi chậm lại, và mắt nhìn có dịu đi … Tuyền thắc mắc, có con rồi Khang có yêu con không?” (Có con – Phan Thị Vàng Anh). Đó là tâm trạng phức hợp những cảm xúc lẫn lộn: mừng vui và lo âu, mong manh và trở nên cứng cỏi, băn khoăn, hồi hộp và nôn nóng đón đợi… Chỉ những nhà văn nữ mới có thể lột tả đúng trạng thái tâm lý rất nữ tính, làm nổi bật dáng vẻ rất đặc trưng của người phụ nữ. Y Ban đã nắm bắt và thể hiện những trạng huống tâm lí rất tinh tế, khó nói, “dị biệt” của người đàn bà. Ví như những phút xao lòng với người đàn ông lạ (Gà ấp bóng, Sau chớp là dông bão, Thượng đế bảo rằng: mỗi người

đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà…), những phút giây đột nhiên chán ghét

chồng, đến mức có thể lấy đá đập vỡ gáy chồng (Từ trong Xuân Từ Chiều), muốn giũ bỏ gia đình để sống cho chính bản thân (Người đàn bà đứng trước gương), mong muốn được làm một “cô bé” (Gà ấp bóng, Sau chớp là dông bão)… Nguyễn Thị Thu Huệ thường khéo léo lách sâu ngòi bút của mình vào miền thẳm sâu tâm linh con người để khám phá và phát hiện những vận động tinh tế nhất. Đến với truyện Cát

đợi Nguyễn Thị Thu Huệ cũng đưa ta đến bắt gặp một trạng thái tâm lí như thế của

nhân vật : "Đêm nay. Dù biết chỉ là một mình. Sẽ cô đơn và tràn mi nước mắt. Nhưng

tôi vẫn ra biển. Cả một ngày tôi lang thang kiếm tìm trên bãi vắng dấu vết hôm qua.

Tuyệt nhiên không có" (Cát đợi – Nguyễn Thị Thu Huệ). Vẫn biết hi vọng chỉ là ảo vọng, chỉ để thất vọng nhưng lí trí không thể chiến thắng sự thổn thức của con tim. Dù mù quáng, trái tim người phụ nữ khi yêu vẫn tuân theo những lí lẽ riêng của nó mà tư duy duy lý không thể lý giải. Đó là nỗi đau buồn, sự ân hận sám hối muộn màng của người mẹ trong Hậu thiên đường. Người mẹ ấy sau những hoan lạc nơi thiên đường giờ đây phải đối mặt với sự thực tối tăm nơi địa ngục. Sống trong sự cô đơn, trống trải, cùng với sự dày vò, dằn vặt lương tâm, lòng người mẹ trở nên buốt giá như hóa đá. Cả một tâm hồn vật vã ấy vẫn cồn lên dữ dội sau khuôn mặt đầy ám ảnh của người đàn bà. Trúc trong Biển ấm, khi người yêu không đến đón cô, niềm hi vọng đã bắt đầu rạn vỡ “mắt tôi bắt đầu cay”, nỗi ân hận đã bắt đầu len lỏi trong từng suy nghĩ. Cho đến lúc đối diện với “khuôn mặt anh mờ mịt như người vừa ở trong hang hàng thế kỉ chui ra”, “tôi lại khóc rấm rứt”. Nhưng người con gái với tình yêu đầu tiên trong sáng, hồn nhiên ấy đã lấy được niềm vui trở lại và xua tan mọi hờn giận khi có một cử chỉ âu yếm dịu dàng của người yêu. Đó là những biểu hiện rất đời thường nhưng lại vô cùng

tinh tế, nữ tính. Nếu không thực sự thấu hiểu người phụ nữ (như thấu hiểu chính bản thân mình), các nhà văn nữ sẽ không thể diễn tả những trạng thái, cung bậc tình cảm biến diễn trong nội tâm nhân vật như vậy.

Để khắc họa thế giới nội tâm nhân vật, các nhà văn nữ đã lựa chọn những cách khác nhau qua: miêu tả trực tiếp, độc thoại nội tâm, hành động, ngoại cảnh… Thế nhưng, điều đặc biệt là nếu như các nhà văn trước 1986 có xu hướng miêu tả tâm lý nhân vật một cách kín đáo, gián tiếp thì các nhà văn sau 1986 lại thiên về bộc lộ trực tiếp tâm trạng nhân vật bằng việc gọi thẳng tên trạng thái tâm lý đó. Truyện Bức thư

gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban chỉ hai trang đầu của truyện đã xuất hiện mười lần những từ

“ nỗi đau”, “ con đau”, “nỗi đau của con”. Ngoài ra, nỗi đau tột cùng được biểu hiện qua các hình ảnh như: “con trơ ra. Con ráo hoảnh nhìn mọi người”, “Đôi mắt long lanh như điên dại, một mắt ráo hoảnh, một mắt ngấn nước. Miệng méo xệch. Một bên cười, một bên mếu. Gương mặt méo mó thật dễ sợ” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ). Các từ xao

xuyến, lâng lâng, đê mê dịu dàng, thèm muốn, thất vọng tràn trề…(trong tình yêu), tê bì, nóng bừng, xấu hổ, nhục nhã ê chề…(khi xấu hổ) xuất hiện phổ biến trong sáng tác

của chị. Điều này có tác dụng lớn trong việc thể hiện hình tượng người phụ nữ như một chủ thể, tự bộc lộ tâm lý của mình một cách mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết liệt nhưng cũng nữ tính, yếu đuối, dễ tổn thương, cần được bao bọc, che chở như chính tâm hồn nhạy cảm của người đàn bà Việt.

Với sự nhạy cảm của giới mình, các nhà văn nữ có lợi thế trong việc diễn đạt sâu sắc nội tâm của nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ. Sự khám phá thế giới tâm hồn người phụ nữ được các chị thể hiện ở mọi phương diện, từ trạng thái tình cảm, đến những cung bậc của cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn, những khao khát và đam mê. Từ đó, nhà văn đã làm nổi bật những cung bậc cảm xúc trái chiều nhưng rất phổ biến ở người đàn bà như: hạnh phúc và khổ đau; hi vọng và thất vọng; đam mê và tiếc nuối; sẵn sàng “tận hiến” nhưng lại lo sợ, mặc cảm; cả khao khát và chán ghét tình dục; kiêu hãnh và tự ti, tự sỉ nhục mình… Điều này có tác dụng lớn trong việc thể hiện người phụ nữ là những con người mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết liệt trong việc đấu tranh đòi nữ quyền nhưng cũng nữ tính, yếu đuối, dễ tổn thương, cần được bao bọc, che chở như chính tâm hồn nhạy cảm của người đàn bà Việt.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 123 - 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w