Sự lựa chọn thể loại văn xuôi tự sự

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 114 - 117)

Thể loại là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển lịch sử của văn học, thể hiện ở sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối bới các hiện tượng đời sống ấy” [25; 245]. Nhà nghiên cứu M. Baktin đã chỉ rõ: “Mỗi thể loại thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người” [68; 67].

Sự phát triển của một giai đoạn hay một nền văn học thường có gì khác hơn là sự vận động và phát triển của các thể loại gắn với các tác phẩm cụ thể. Sự vận động ấy có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: từ yêu cầu khách quan của đời sống, từ sự đổi mới tư duy, tư tưởng của đội ngũ sáng tác, từ một thị hiếu tiếp nhận mới của công chúng hay từ sự vận động nội tại của bản thân thể loại… Thể loại vừa “phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững của văn học” (Mikhail Bakhtin) vừa là sự hồi sinh và đổi mới liên tục qua từng chặng đường phát triển. Trong quan hệ với nội dung biểu hiện, thể loại tồn tại tương đối độc lập, khách quan. Tuy nhiên, sự lựa chọn và cách ứng xử của nhà văn với thể loại lại là sự lựa chọn có ý thức. Chính sự lựa chọn này sẽ góp phần quyết định nhà văn sẽ hướng theo nội dung gì, cách viết như thế nào, để làm gì? Do vậy, thể loại không đơn thuần là “hình thức” mà tự bản thân nó, đã có sự biểu đạt nội dung ở mức độ nhất định.

Nằm trong mạch nguồn chung của văn học Đổi mới sau 1986, các thể loại trữ tình cũng có những vận động đổi mới. Không khó khăn lắm để nhận thấy thơ ca sau 1975, mặc dù chưa có những tác phẩm xuất sắc như mong đợi nhưng đã có nhiều đổi khác so với thơ ca các giai đoạn trước đó về tư duy nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu. Tiêu biểu trong thơ Việt Nam đương đại có những gương mặt đã xuất hiện và nổi tiếng từ lâu như Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Giáng… và cả một thế hệ các nhà thơ nữ trẻ, đầy cá tính như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Tú Trinh, Trần Lê Sơn Ý, Trương Quế

Chi… Thơ có thể xem là thể loại phù hợp với khả năng “thiên bẩm” của nữ giới khi thiên về bộc lộ, giãi bày cảm xúc, đề cao cái “tôi” nội cảm, trực giác. Tuy nhiên, dù có cố gắng vượt thoát khỏi những quan niệm cổ điển về thơ và những giới hạn về thể loại nhưng thơ nói chung và thơ đương đại cũng vậy, vẫn hạn chế trong việc phản ánh hiện thực khách quan và hiện thực tinh thần của con người một cách chi tiết, cụ thể, chân thực, bao quát trên cả bề sâu và bề rộng. Những giới hạn của thơ đã tạo cơ hội thuận lợi cho văn xuôi tự sự phát huy hết sở trường của mình ở khả năng bao quát hiện thực ở cả chiều rộng và chiều sâu, với thế mạnh giàu chi tiết và khả năng biểu hiện tự do bằng ngôn từ.

Trong các thể loại văn xuôi tự sự được các tác giả nữ sau 1986 lựa chọn sáng tác, chúng tôi thấy nổi lên 3 thể loại chính: tiểu thuyết, truyện ngắn và tạp văn. Tiểu thuyết là “tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian” [25; 268]. Ở thể loại tiểu thuyết các nhà văn nữ cũng có nhiều tác phẩm gây dấu ấn như: Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan), Xuân Từ Chiều (Y Ban),

Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Thức giấc, Ngụ cư, Nhân gian (Thùy Dương), Tường thành, Trong nước giá lạnh (Võ

Thị Xuân Hà)… Bên cạnh đó, gần đây cũng xuất hiện một số tiểu thuyết đáng lưu ý của các cây viết trẻ 8x như Cấn Vân Khánh, Trang Hạ, Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Kin… Tiểu thuyết của các nhà văn nữ vẫn tập trung khai thác mảng đề tài truyền thống của văn chương nữ giới là tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình với nhiều sự khám phá sâu sắc, mới mẻ và cũng nhức nhối hơn. Nhiều tác phẩm có sự cách tân về hình thức như kết cấu linh hoạt, đổi mới lối trần thuật hay khuynh hướng cộng sinh thể loại, sử dụng các thủ pháp cắt dán, đồng hiện… Tuy nhiên, tiểu thuyết không phải là sở trường của các nhà văn nữ. Về cơ bản, tiểu thuyết của các chị vẫn mang dáng vẻ của thể loại truyện ngắn nhưng được đầu tư hơn về dung lượng câu chữ, số lượng nhân vật và phạm vi hiện thực được phản ánh. Có nhiều tác phẩm có sự nhập nhằng ranh giới giữa một tiểu thuyết với truyện vừa (Xuân Từ Chiều, Đàn bà xấu thì

không có quà của Y Ban, Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, tiểu thuyết của Thùy

Dương). Trong văn học Việt Nam từ sau 1986, những tác phẩm tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ nhất, cách tân táo bạo, có giá trị nội dung và nghệ thuật vẫn là những sáng tác của các tác giả nam giới. Sáng tác của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh… đang tạo nên

những dòng chủ lưu của tiểu thuyết Việt Nam, thể hiện rõ rệt nhất diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Có thể thấy, trong văn xuôi tự sự, thể loại gây nhiều dấu ấn trong phong cách văn chương của các tác giả nữ là truyện ngắn. Nhưng gần đây, do nhu cầu đọc của công chúng và sự thúc bách từ đời sống, tạp văn “lên ngôi”, trở thành một trong những thể loại của đời sống văn học bên cạnh thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Các nhà văn nữ cũng đã bắt kịp được xu hướng để cho ra đời nhiều tác phẩm viết trên thể loại này như: Phan Thị Vàng Anh có Nhân trường hợp chị thỏ bông, Nguyễn Ngọc Tư với Ngày

mai của những ngày mai, Dạ Ngân với Phố của làng, Gánh đàn bà, tạp văn Lý Lan, Y

Ban… Tạp văn là thể loại vừa thỏa mãn nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống vừa thỏa mãn nhu cầu bộc lộ một cách trực tiếp suy nghĩ và cảm xúc của nhà văn. Tạp văn có sự kết hợp khéo léo giữa xu hướng hướng ngoại với khuynh hướng “tự truyện”, vừa là sự phản ánh khách quan, vừa là sự giãi bày chủ quan của chủ thể trước vấn đề phản ánh. Tạp văn thời gian này có cái hàm súc của truyện ngắn, bay bổng của thơ và chất thời sự nóng hổi của phóng sự nhưng nó vẫn giữ được linh hồn Việt trong cách suy tư và trong từng câu chữ. Tuy nhiên, đây là thể loại mới xuất hiện, tuy đã tạo được dấu ấn riêng nhưng nó chưa tập trung thể hiện tinh thần nữ quyền. Chủ yếu đó vẫn là sự ghi chép của tác giả về thế sự, cảnh vật quê hương, đất nước.

Trong văn xuôi tự sự, có lẽ chỉ có truyện ngắn là thể loại ghi dấu ấn rõ nét về tài năng, tư tưởng của các nhà văn nữ. Các nhà văn nữ thời gian này cũng khẳng định mình trên thể loại truyện ngắn với những tác phẩm gây được tiếng vang, được bạn đọc đặc biệt yêu thích như Hậu thiên đường, Nào, ta cùng lãng quên, Giai nhân, Xin hãy

tin em, Rồi cũng tới nơi thôi, Tân cảng… (Nguyễn Thị Thu Huệ); Hồn trinh nữ, Goá phụ đen (Võ Thị Hảo), Nơi bình yên chim hót, Chiêm bao thấy núi, Đất khách, Người đàn bà kể chuyện (Lý Lan), Người đàn bà có ma lực, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, I am đàn bà, Cưới chợ, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ (Y Ban)… Với những tác phẩm

này, truyện ngắn Việt Nam đương đại được đánh giá là “tập trung được nhiều nhất yếu tố có tính cách tân trong văn xuôi thời kì đổi mới và có nhiều kết tinh hơn hẳn các thể loại khác” [11; 217].

Như vậy, có thể thấy, sau 1986, các nhà văn nữ đã thử sức và khẳng định khả năng sáng tạo ở thể loại văn xuôi tự sự, đặc biệt là truyện ngắn. Để tạo nên tác phẩm văn xuôi tự sự thực sự có giá trị, nhà văn cần có khả năng quan sát tinh tế, phân tích, mổ xẻ hiện thực sắc sảo cùng với sự kết hợp tư duy phân tích và tổng hợp cao. Điều

này có vẻ như phù hợp hơn với sở trường của các nhà văn nam. Vì vậy, xét từ phương diện sáng tạo, sự lựa chọn văn xuôi là thể loại trung tâm trong sáng tác cho thấy các nhà văn nữ đang cố gắng chứng tỏ khả năng của mình trong một “lãnh địa” vốn chỉ được coi là sở trường của các nhà văn nam. Nó cho thấy tinh thần nữ quyền đã tác động một cách tự nhiên đến ý thức sáng tạo của các nhà văn nữ, khiến họ có thể tự tin thể hiện bản thân và ghi dấu ấn giới tính trên thể loại. Có thể mạnh dạn khẳng định diện mạo truyện ngắn Việt Nam sau 1986 được hình thành từ những đóng góp không nhỏ của các nhà văn nữ.

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w