Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 133)

Nếu như một tác phẩm trữ tình cần đến vai trò của một chủ thể trữ tình để bộc lộ trực tiếp cảm xúc trước sự vật, hiện tượng thì một tác phẩm tự sự cũng không thể thiếu nhân vật người trần thuật - người cung cấp nội dung thông tin và dẫn dắt câu chuyện đến với độc giả. Có thể nói, người trần thuật chính là linh hồn dẫn dắt và xâu chuỗi các chi tiết, sự kiện, hệ thống nhân vật, hướng câu chuyện đi theo một chiều hướng nhất định, nhằm chuyển tải ý đồ nghệ thuật của chủ thể sáng tạo.

Người kể có thể là chính tác giả (hoá thân thành nhân vật “tôi”) hoặc là một nhân vật do tác giả tạo nên: người kể chuyện (ngôi thứ ba). Tuy nhiên, dù người kể là tác giả hay nhân vật (người kể chuyện) được sáng tạo thì câu chuyện cũng phải được kể dưới sự bao quát của một điểm nhìn trần thuật nhất định, nói như Gucốpxki: “Người ta không thể miêu tả nếu không có người miêu tả và không bắt đầu từ một điểm nhìn nào” [94; 149]. Khái niệm “điểm nhìn” mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, thụ cảm của chủ thể đối với thế giới. Nói cách khác, nó là cái vị trí (vật lí, tâm lí, văn hoá) chủ thể dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá và kể lại cho độc giả. Điểm nhìn trần thuật, theo đó, chính là điểm nhìn được người trần thuật xác lập và lựa chọn để kể nên câu chuyện trong tác phẩm.

Với một tác phẩm tự sự, điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố đầu tiên mà tác giả phải cân nhắc và lựa chọn bởi nó chính là sự khởi đầu cho một câu chuyện, một tác phẩm. Sự lựa chọn xác lập điểm nhìn như thế nào (điểm nhìn của tác giả hay nhân vật, bên trong hay bên ngoài, không gian vật lí hay điểm nhìn văn hoá, tư tưởng...) sẽ quyết định nhiều đến giọng điệu, khuynh hướng câu chuyện và ý đồ tư tưởng mà tác giả muốn chuyển đạt. Bên cạnh đó, điểm nhìn trần thuật không chỉ hé lộ thái độ cảm xúc của chủ thể về câu chuyện mà nó còn cho ta biết quan niệm của nhà văn về thế giới và nhân sinh như thế nào.

Tóm lại, điểm nhìn trần thuật tham gia vào một tác phẩm tự sự không chỉ với tư cách là một yếu tố hình thức mà nó còn giúp hé lộ nhiều thông tin, hỗ trợ đắc lực cho việc thể hiện ý đồ sáng tạo của tác giả lẫn định hướng tiếp nhận cho người đọc. Các nhà văn nữ sau 1986 cũng đã triệt để vận dụng hiệu quả của điểm nhìn trần thuật để thể hiện tinh thần nữ quyền.

Trong các tác phẩm của nhà văn nữ, thường nhân vật trung tâm là người phụ nữ đóng luôn vai trò người trần thuật với hình thức tự xưng từ ngôi thứ nhất số ít: tôi,

em, con…, đa số là cái “tôi” trải nghiệm - tự tin kể về mình (khác với cái “tôi” chứng

kiến - kể chuyện người khác). Điểm nhìn trần thuật này đã “nhuộm” “chất nữ” lên toàn bộ cấu trúc truyện kể, từ cấu trúc sự kiện đến cấu trúc lời văn. Lối trần thuật từ ngôi một số ít biến chủ thể trần thuật trở thành nhân vật trung tâm của câu chuyện. Tương ứng với nó là điểm nhìn từ bên trong, dưới góc độ quan sát của người phụ nữ được sử dụng. Nói cách khác, đây là hình thức nhân vật tự bộc lộ, tự trình bày câu chuyện của chính mình với độc giả. Điều này đã đặt nhân vật ở vị trí chủ thể nhìn nhận, cảm thụ, miêu tả, trình bày thế giới và chính mình. Trong truyện ngắn, Trần Thùy Mai cũng

thường xuyên lựa chọn cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất “tôi” mang hình bóng của người phụ nữ. Trăng soi đáy giếng, Hoa sứ trắng, Gió thiên đường, Dịu dàng như cỏ... thể hiện sự biến hóa linh hoạt của điểm nhìn kiểu này. Dù phản ánh thế giới bên ngoài hay kể câu chuyện về chính mình, “tôi” đều sử dụng cái nhìn nữ tính, mẫn cảm và đầy bản năng để quan sát, cảm nhận thế giới, để dễ dàng hóa thân đồng cảm cùng nhân vật. Rất nhiều truyện ngắn của Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Ai chọn giùm tôi, Gà ấp

bóng, Con mang cuộc đời của mẹ, Bây giờ thì con mới hiểu, Tôi và anh; thằng bé và con rắn, Cưới chợ, Tự, Hai bảy bước chân là lên thiên đường, Và anh, một phần ba của cuộc đời em, Cõi thù hận, Con quỷ nhỏ trong tôi…), Đỗ Hoàng Diệu (Vu quy, Dòng sông hủi, Căn bệnh), Lý Lan (Ngựa ô, Romeo và juliet, Tình chỉ đẹp…, Bông vạn thọ, Đường dài hạnh phúc, Kết thúc có hậu, Phương pháp hiện thực, Hồi xuân)…

đã trần thuật từ điểm nhìn bên trong. Điểm nhìn này giúp cho nhân vật người phụ nữ tự bộc lộ đời sống nội tâm, suy nghĩ một cách cụ thể, sinh động, giàu cảm xúc và đậm màu sắc chủ quan. Vì thế, đa phần những câu chuyện được kể bởi ngôi và điểm nhìn như thế này bao giờ cũng tràn đầy xúc cảm, nghiêng nhiều về giãi bày nội tâm hơn là kể lể về hiện thực khách quan. Nó cũng hé mở nhu cầu chính của người đàn bà trong sáng tác của nhà văn chính là được giãi bày, chia sẻ và thấu hiểu. Có những điều chủ thể khách quan ở bên ngoài không thể cảm nhận, lí giải thấu đáo được. Do vậy, thông qua lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất số ít, những uẩn khúc khó nói trong tâm hồn người đàn bà dần đựơc khai mở, giúp ta tiếp cận với thế giới tâm hồn của họ một cách thấu đáo và có tình người hơn.

Bên cạnh việc trần thuật từ ngôi thứ nhất (tôi, em, con), rất nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ xuất hiện người kể chuyện từ ngôi thứ ba “vô danh”, kể về những đối tượng chính trong câu chuyện của mình là “thị”, “nàng”, “người đàn bà”, “chị”…hoặc gọi trực tiếp tên nhân vật (Nguyễn Thị Thu Huệ hay sử dụng hình thức trần thuật này). Người kể chuyện ở ngôi thứ ba là người kể chuyện khách quan, kể câu chuyện mà mình đóng vai trò là người chứng kiến, người ngoài cuộc. Ứng với ngôi trần thuật này là việc sử dụng điểm nhìn bên ngoài kết hợp với bên trong. Có lúc, người kể chuyện đóng vai trò là người quan sát đứng bên ngoài, khách quan, “biết tuốt”. Có lúc, người kể lại nhập thân vào nhân vật, sử dụng điểm nhìn của nhân vật để quan sát, cảm nhận. Ở trường hợp này, điểm nhìn trần thuật đã hé lộ cách cảm nhận và phản ánh thế giới của các nhà văn nữ. Nói cách khác, đó là cách các chị kể câu chuyện về chính cuộc đời, về người phụ nữ bằng những trải nghiệm, cảm nhận của chính bản thân mình.

Như vậy, có thể thấy, so với các tác giả nam, các nhà văn nữ thường chọn điểm nhìn trần thuật từ điểm nhìn của người phụ nữ. Đặc biệt, các nhà văn thường xuyên sử dụng điểm nhìn từ bên trong, dù kể ở ngôi thứ nhất hoặc thứ ba. Điểm nhìn bên trong đã giúp nhà văn đào sâu tâm lí nhân vật, tạo điều kiện cho nhân vật nữ quyền tự bộc lộ và gia tăng tính chất trữ tình cho câu chuyện (điều này làm nên chất trữ tình đầy nữ tính trong sáng tác của các nhà văn nữ so với các nhà văn nam).

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 133)