Một cách tiếp cận mới về hình tượng người phụ nữ

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 56)

3.2.1.1. Phụ nữ – chủ thể chủ động, tích cực trong cuộc sống hiện đại

Xét theo truyền thống, Việt Nam và các quốc gia Đông Á nói chung không có truyền thống coi trọng tính chủ thể, bởi vì cá nhân con người thường bị che khuất sau gia đình, dòng tộc, quốc gia. Đối với người phụ nữ, họ còn đứng sau cả một nền văn hóa nam quyền nên trải qua ngàn năm phong kiến, người phụ nữ luôn nằm trong thế “tòng thuộc”, thậm chí bị coi là đồ vật thuộc quyền sai khiến, quyết định của nam giới. Ngay cả thời hiện đại, tuy đã được pháp luật bảo hộ, được công nhận quyền bình đẳng so với nam giới nhưng người phụ nữ vẫn còn là những nạn nhân phụ thuộc. Họ không có quyền chủ động (hay không muốn chủ động) trong hành động, thậm chí cả trong cách nghĩ, cách cảm. Thói quen lệ thuộc, “vâng lời” đã ăn sâu vào trong hành động, nếp nghĩ, tạo nên một thứ “vô thức văn hóa” ở người phụ nữ.

Trước đây, văn học hiện thực và văn học cách mạng thường tiếp cận nhân vật người phụ nữ ở hai góc độ: là nhân vật lý tưởng (nơi tập trung, kết tinh mọi vẻ đẹp lí tưởng) hoặc nạn nhân (bị áp chế, tước đoạt quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc). Tuy

nhiên, cả hai cách nhìn nhận ấy đều mới chỉ xem người phụ nữ như một “sản phẩm” khách quan của xã hội mà chưa thấy được tính chủ thể ở họ. Sau 1986, các nhà văn nữ có xu hướng tiếp cận người phụ nữ như một chủ thể, là “con người với tư cách là một sinh vật có ý thức và ý chí, trong quan hệ đối lập với thế giới bên ngoài, gọi là khách thể” [88; 173].

Thoát khỏi bóng dáng của người đàn bà “tùng thuận”, bị động, yếu đuối trong truyền thống, người phụ nữ hiện đại trong tác phẩm nhà văn nữ là chủ thể trong gia đình và trong đời sống xã hội. Xuất hiện phổ biến trong sáng tác của các chị là những người phụ nữ phải bươn chải mưu sinh để gánh vác gia đình (Xuân Từ Chiều, Ước mơ

của chị Tũn, Ước mơ chị bán hàng rong của Y Ban)… Không chỉ “dấn thân” trong

việc gánh vác trách nhiệm gia đình, họ còn chủ động khẳng định mình trong xã hội. Nhân vật nữ của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan… thường xuất hiện rất cá tính, rất nổi bật. Họ không những không mờ nhạt, bị cuốn đi trong đám đông mà ngược lại, luôn chủ động để mình trở nên nổi bật, được mọi người nhìn nhận, coi trọng và ngưỡng mộ. Để làm nổi bật tính chủ thể này, các nhà văn nữ thường đặt nhân vật nữ trong thế đối trọng với nhân vật nam: nếu trong gia đình và trong công việc xã hội, người đàn ông yếu đuối, thụ động, kém cỏi, thậm chí vô dụng bao nhiêu thì người phụ nữ lại mạnh mẽ, tích cực, chủ động bấy nhiêu trong việc khẳng định vai trò của mình. Điều này cho thấy một sự thay đổi vị trí đáng kể của người đàn bà trong xã hội hiện đại: họ không chỉ có một chỗ đứng trong xã hội mà với tư cách một cá thể chủ động, thông minh, họ đã chinh phục xã hội và làm thay đổi căn bản cách đánh giá về mình.

Tiếp cận người phụ nữ như một chủ thể độc lập, tích cực, các nhà văn nữ nhận ra rằng trong tình yêu, người phụ nữ hiện đại đã chủ động kiếm tìm, lựa chọn, bộc lộ cảm xúc chứ không ngồi chờ đợi và đón nhận như người phụ nữ truyền thống. Hiện lên trên các trang văn của các chị, hình ảnh những người phụ nữ đầy nhiệt tình, mạnh mẽ, khát khao về một tình yêu đích thực và chủ động bằng mọi cách để có được tình yêu. Thậm chí, có những lúc, người phụ nữ đã chủ động dùng cả mánh khóe để đạt được tình yêu như nhân vật trong Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ: “trong tình yêu có những lúc phải dành lấy cái để gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi, nhưng cứ phải cướp cái” (Cát đợi – Nguyễn Thị Thu Huệ). Lụa trong truyện ngắn Bảy ngày

trong đời (Nguyễn Thị Thu Huệ) dám trốn bố mẹ đến với Sanh – người mà cô rất yêu

thương mặc dù chưa hiểu rõ về Sanh. Và kết quả của mối tình ấy là cái thai đã tám tháng nhưng vẫn không có tin tức của Sanh. Và cô quả quyết rằng mình “dám làm thì dám chịu” để “giữ tình yêu ấy trong lòng”. Không tự ti, mặc cảm bởi thân phận người phụ nữ chửa hoang như trong truyền thống, Lụa đã trở thành chủ thể lựa chọn, vượt

qua định kiến để đấu tranh bảo vệ tình yêu. Truyện Người đàn bà có ma lực, Đôi găng

tay da màu nâu, Cuộc tình silicon của Y Ban lại kể về những người phụ nữ xem việc

chinh phục đàn ông là một cách thể hiện sức mạnh, quyền lực của bản thân mình. Nhân vật nữ trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo tuy không mạnh mẽ, quyết liệt trong việc khởi đầu hay giành giữ tình yêu nhưng họ lại hoàn toàn chủ động trong cách kết thúc cuộc tình. H’Điêu trong Khát của muôn đời cũng yêu si mê, không quản cái chết để đi tìm người yêu và nguyện không trở về kiếp trước để “ai đó ăn trái chanh H’Điêu người đó sẽ biết quên mình vậy là người đó biết yêu” (Khát của muôn đời – Võ Thị Hảo). Người con gái trong Hồn trinh nữ hi sinh cả tuổi thanh xuân để chờ đợi người yêu đi chiến trận nhưng nàng cũng dũng cảm từ bỏ khi nhận thấy chàng trở về đã trở thành một kẻ bạo ngược, vô cảm. Nhân vật nữ trong Tim vỡ đã giải quyết cuộc tranh giành giữa ba người đàn ông cha, anh và chồng bằng cách tự hủy hoại nhan sắc của mình để mong giữ lại một tình yêu đích thực không vì thân xác… Rõ ràng, dù phải chịu thiệt thòi, hy sinh nhưng họ đã dũng cảm chấp nhận để thoát khỏi bóng dáng thụ động, cam chịu ngồi chờ của người phụ nữ truyền thống, dù bằng những cách thức cực đoan nhất… nhưng chính khát khao được sống thật là mình đã khiến họ chạy trốn hoặc nổi loạn để thể hiện bản ngã. Như vậy, trong tình yêu, người phụ nữ không còn bị động đợi chờ, đón nhận nữa. Họ khát khao mãnh liệt, sẵn sàng đi tìm, dùng mọi cách để có và níu giữ tình yêu dù biết đó có thể là một tình yêu ngang trái, vô vọng.

Không chỉ là chủ thể trong tình yêu, nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ còn được tái hiện như là chủ thể mạnh bạo, quyết liệt trong tình dục – lĩnh vực nhạy cảm vốn thể hiện rõ nhất sự thụ động, cam chịu của giới họ. Trong các sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu như Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi, Bốn người đàn bà và một đám

tang… nhân vật nữ bao giờ cũng mang trong mình một bản năng, khát vọng tính dục

ghê gớm, đóng vai trò chủ động dẫn dắt, buộc người đàn ông bị cuốn vào guồng xoáy của mình. Trong truyện Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu ưa dùng các cấu trúc câu tôi hay, tôi

ưa, tôi bắt, tôi muốn để thể hiện hình ảnh người phụ nữ chủ động, nhiều ham muốn, ưa

đòi hỏi trong tình dục. Thậm chí, có lúc, sự chủ động ấy đã đẩy người đàn ông vào thế thụ động, khiếp sợ: “Thụ cứ hay van xin tôi đừng hực lên như hổ cái… Đôi lúc thấy anh kinh khiếp tôi lại phải dè dặt” (Bóng đè – Đỗ Hoàng Diệu). Các truyện ngắn Tự,

Nhân tình, Người đàn bà đứng trước gương của Y Ban cũng tái hiện hình ảnh người

đàn bà với bản năng mãnh liệt, luôn chủ động bộc lộ khao khát tình dục của bản thân. Trong Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, ngoài việc tác giả giành nhiều trang viết về sự tự nhiên như “trái chín toả hương” của người đàn bà Mọi, người đàn bà khêu gợi, dụ dỗ người đàn ông để rồi hai người chung hợp trong một lùm cây bên hốc đá, tác giả

cũng đã giành một số trang nói về sự chủ động trong hoạt động tình dục của Không Bé: “Không Bé trườn tới trườn lui trên bụng chồng, hai đầu gối kẹp chặt hai bên hông anh. Từng câu đối thoại tác động như nhịp cho mỗi cái trườn, mỗi cái thúc” (Tiểu

thuyết đàn bà – Lý Lan). Tình dục không chỉ phản ánh góc khuất rất “đàn bà” cần

được thấu hiểu mà viết về tình dục chính là một trong những cách thức để nhà văn nữ xây dựng người phụ nữ như một chủ thể chủ động, tích cực. Người phụ nữ hiện đại dường như đã làm chủ trong một lãnh địa vốn dĩ bị “mất tự do”, bị kiềm tỏa, thậm chí là nô lệ trong suốt chiều dài lịch sử để bộc lộ nhu cầu, bản năng một cách thành thực, tự do, quyết liệt nhất.

Không chỉ là chủ thể trong gia đình, trong tình yêu, tình dục, người phụ nữ hiện đại còn có xu hướng “vượt rào” khỏi những khuôn mẫu, quy định, chân lý truyền thống để trở thành một chủ thể tư duy, chủ thể trải nghiệm cảm xúc. Họ dám vượt ra khỏi những chế định của xã hội và những e ngại của bản thân để được làm chủ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Nhân vật nữ trong Vũ điệu địa ngục của Võ Thị Hảo đã mạnh dạn đối thoại với mẹ về sự khác biệt trong quan điểm sống của những cô gái trẻ với thế hệ của các mẹ, các chị: “Thế hệ của chúng con khác thế hệ e dè của mẹ, chúng con đi đến tận cùng nên nhiều khi tàn nhẫn. Tàn nhẫn đến độ phải đổi chác sự trinh trắng của mình để có một công việc, để đàng hoàng nuôi mẹ. Tàn nhẫn để rồi tàn nhẫn hơn là chết bởi “Hà Nội không phải là của con”” (Vũ điệu địa ngục – Võ Thị Hảo). Tàn nhẫn thế dù cực đoan, xa xót nhưng đó là cách ứng xử của người phụ nữ hiện đại để tồn tại. Trong Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Võ Thị Hảo đã phê phán những triết lý, tôn giáo, đạo phu thê, công - dung – ngôn - hạnh từ bao đời nay đã chất nặng lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ và chỉ ra vấn đề, chính người phụ nữ chứ không phải ai khác phải tháo bỏ hành trang trĩu nặng trên vai mình bằng cách nghĩ khác và sống khác. Cũng như vậy, cô gái trẻ trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, dù lâm vào cảnh ngộ trớ trêu, bị bao ánh mắt kỳ thị của người đời nhưng đã rất táo bạo khi dám vượt lên định kiến xã hội, sự mặc cảm thân phận để đòi hỏi ở mẹ Âu Cơ sự quan tâm đến những cô gái lầm lỡ như mình: “Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên nên mẹ quan tâm tới những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không quan tâm đến những cô gái vốn đã dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng giờ thì con đòi hỏi: Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ” (Bức thư

gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban). Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan dù vẫn còn

đậm nét văn hoá phương Đông trong cách nghĩ, cách cảm nhưng đứng trước các lựa chọn, cô sẵn sàng chấp nhận xung đột để thực hiện ý muốn của cá nhân. Trong cuộc cãi vã với chồng, Không Bé sẵn sàng to tiếng: “Tại sao tôi phải câm miệng lại? Tại sao

tôi phải ra vẻ yêu kính một kẻ lang chạ, ích kỷ, dối trá”. Thậm chí cô đối đầu: “Xúc phạm cái đéo gì? Tôi ghê tởm anh.” (Tiểu thuyết đàn bà – Lý Lan). Do phải chung sống với người chồng ích kỷ và tự phụ, Không Bé đã nhận ra “nguy cơ” bị đánh mất bản ngã nên cô luôn nung nấu ý thức tìm lại bản ngã, tìm lại cái “tôi” đã bị mai một. Như vậy, có thể thấy người phụ nữ đã thực sự muốn làm một cuộc “đào thoát” khỏi những định chế, luật lệ, thói quen, truyền thống, sự kìm hãm của nam quyền để hành động độc lập, tích cực, mong muốn “dấn thân” để gánh vác công việc xã hội và gia đình. Hơn thế, chính họ đã cởi bỏ cho mình khỏi tư tưởng lệ thuộc phải “làm theo” để tự vạch một lối đi riêng cho bản thân trong suy nghĩ và biểu lộ cảm xúc.

Đặc biệt, tư cách chủ thể thể hiện rất rõ ở nhân vật nữ trong tác phẩm của các nhà văn nữ 8x. Nhiều nhân vật nữ trong Truyện ngắn 8X plus, rõ ràng đã thể hiện sự bất mãn công khai với cuộc sống. Nhân vật “nàng” trong truyện Hành trình di trú của Nguyễn Thị Yến Linh đã rất chủ động khi “Chính nàng đã bỏ rơi cái gia đình không ít người mơ ước bởi tấm áo khoác hạnh phúc diêm dúa giả tạo của nó”. Các cô gái trong truyện Giữa trùng khơi của Phương Trinh giống nhau ở cái tâm thế lo sợ bị cuộc sống nhàm chán thường nhật ăn mòn, phá hủy tâm hồn con người. Năm cô gái trong một chuyến đi nghỉ ở biển đều có chung cái cảm giác “Chúng tôi đã vất vào ngọn lửa này tất cả, tiền bạc, ý thức, thời gian, những nguyên tắc của xã hội”. Đó chính là sự chủ động chống lại cái cũ trì níu, chống lại tất cả những gì cản trở sự đi tới của đời sống, cản trở sự phát triển tự do của cá nhân. Nhân vật nữ trong truyện Con gái tuổi Dần của Văn Thành Lê là người hiện đại, xông xáo, bản lĩnh: “Tôi tự tin với cái đai đen Teakwondo của mình, cộng với một lô một lốc kinh nghiệm xem phim hành động Mỹ”. Đó là tinh thần dấn thân của người phụ nữ hiện đại, khác hẳn dáng vẻ rụt rè của người phụ nữ trong truyền thống. Thông qua hình tượng những nhân vật nữ, dường như các nhà văn nữ 8X muốn thể hiện cái nhìn kiêu hãnh về giới: người nữ không còn là “chiếc xương sườn thứ bảy” của Adam mà đã trở thành một chủ thể tự quyết, có hành động, suy nghĩ, tình cảm độc lập, không lệ thuộc vào xã hội và nam quyền.

Như vậy có thể thấy, sau 1986, các nhà văn nữ không còn tiếp cận người phụ nữ như một “sản phẩm khách quan” của xã hội, của văn hóa nam quyền nữa mà đã đặt họ dưới một cái nhìn hiện đại hơn: là những chủ thể trong đời sống, trong hành động, trong trải nghiệm, trong tư duy. Qua đó, dường như các cây viết nữ muốn khẳng định nữ giới là một chủ thể tích cực, chủ động, cần sống cho mình, thậm chí sống độc lập, tự chủ về mọi mặt và không cần đàn ông, chứ không phải sống vì người khác, cho người khác, theo người khác. Họ không phải là thánh nhân hoặc nạn nhân như văn hóa nam quyền đã nhào nặn mà là con người cá nhân có đời sống tự thân, độc đáo, cá tính.

Hướng tiếp cận này phản ánh bề sâu nhân bản trong tinh thần nữ quyền trong sáng tác của các nhà văn nữ sau 1986, là xuất phát điểm cho việc thay đổi căn bản lối ứng xử của xã hội với người phụ nữ.

3.2.1.2. Phụ nữ - những góc khuất “đàn bà” (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau 1986, văn học Việt Nam đã thay đổi căn bản quan niệm nghệ thuật về con người. Lúc này, con người trong văn học là con người đời thường, con người thế sự mà chuyện thế sự có lẽ chẳng đâu hay bằng chuyện về… đàn bà. Bởi vậy, người phụ nữ xuất hiện trong văn học với tất cả dáng vẻ đời thường nhất. Bên cạnh đó, để đấu tranh cho nữ quyền chống lại sự áp chế của đàn ông, nhà văn nữ cố gắng tạo ra một “mẫu đàn bà” khác trước để công khai chống lại sự nhào nặn hình ảnh người nữ trong nền văn minh của đàn ông. Người phụ nữ trong tác phẩm của nhà văn nữ phải là “chính họ” bất luận cái nhìn phán xét của xã hội. Không còn là “nữ thánh”, không còn mái tóc mà chiếc dao sắc chặt mãi chẳng đứt (chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức), người phụ nữ trong văn xuôi sau 1986 đã có đủ các mặt tốt, xấu, hiền lành, ngoa ngoắt, lý tính, bản năng… Nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ, bằng sự trải nghiệm, suy ngẫm và “mổ xẻ” về chính bản thân mình đã tiếp cận người phụ nữ ở những góc

Một phần của tài liệu Tinh thần nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 (Trang 56)