Quản lý công tác thẩm định trong dự án đầu tư

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ GIAI ĐOẠN 2007 – 2011 (Trang 34 - 38)

“Thẩm định là việc tổ chức xem xét đánh giá một cách khách quan, khoa học và toàn diện các nội dung cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện và hiệu quả của dự án đầu tư để từ đó rút ra quyết định đầu tưu, cho phép đầu tư hoặc tài trợ vốn cho dự án” [24, Tr.215].

Mục đích của công tác thẩm định là nhằm chọn ra được những dự án có tính khả thi cao. Do đó, công tác thẩm định phải đảm bảo các nội dung về tính hợp lý, tính hiệu quả và đánh giá khả năng thực hiện của dự án. Nội dung thẩm định phải thực hiện toàn diện trên các khía cạnh:

Về thẩm định tính pháp lý : Thẩm định tính hợp pháp của bản thân dự án và năng lực của đơn vị tham gia thực hiện dự án. Cụ thể là thẩm định sự phù hợp của dự án đối với các văn bản quy định của nhà nước; với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng; thẩm định tư cách pháp nhân, năng lực của chủ đầu tư; thẩm định nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Về khía cạnh kỹ thuật của dự án: Tính kỹ thuật của dự án thể hiện ở các nội dung: xác định công suất, mức độ phù hợp các thiết bị công nghệ; nguồn cung cấp đầu vào; lựa chọn mặt bằng xây dựng; giải pháp xây dựng; tác động đến môi trường. Khi thực hiện thẩm định đảm bảo đầy đủ các nội dung, đánh giá được sự phù hợp của từng nội dung cần thẩm định với yêu cầu cần thiết để đánh giá đúng chất lượng của dự án.

Về khía cạnh tổ chức, quản lý dự án: Nội dung này chủ yếu đánh giá năng lực về nhân sự trong công tác quản lý dự án. Yêu cầu công tác thẩm định phải đánh

giá tính phù hợp của cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý dự án, chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến triển khai thực hiện dự án.

Về khía cạnh tài chính dự án: Nội dung thẩm định khía cạnh tài chính là đánh giá, xem xét tính hợp lý về nguồn vốn (nguồn vốn, cách thức huy động, tiến độ bỏ vốn, cơ cấu nguồn vốn), các chi phí (chi phí nguyên vật liệu, nhân công, ca máy; định mức của các loại vật liệu; các khoản thuế), cách tính toán chỉ tiêu tài chính (mức hợp lý của tỷ suất lợi nhuận, cách tính dòng tiền...). Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, phải xác định đối tượng cấp vốn (do cấp nào đảm bảo nguồn vốn: cấp tỉnh, huyện, xã hay nguồn vốn hỗn hợp của các cấp), thẩm định khả năng đảm bảo nguồn vốn của các chủ thể cấp vốn đối với dự án, tiến độ cấp vốn; nguồn vốn sử dụng...đảm bảo tính hợp pháp theo các quy định của Nhà nước.

Về khía cạnh kinh tế xã hội: Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách là các dự án đầu tư có tính chất công cộng, do đó, phải thẩm định tác động tới các yếu tố xã hội như: số lao động có việc làm, sự tác động đến kinh tế ngành, địa phương...Những yếu tố này cũng có vai trò quan trọng trong việc quyết định dự án có nên được thực thi hay không.

Theo phân cấp quản lý đầu tư, UBND các cấp được phân quyền thẩm định dự án phụ thuộc vào tính chất, quy mô nguồn vốn. Trong phạm vi quản lý của UBND cấp thị xã, UBND cấp thị xã có quyền thẩm định đối với các dự án thuộc ngân sách địa phương cấp mình. Đối với ngân sách từ cấp trên bổ sung (các dự án do UBND tỉnh phê duyệt, thuộc ngân sách của tỉnh) thì UBND cấp thị xã được UBND tỉnh ủy quyền thẩm định dự án theo quy định về phân cấp quản lý. Đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn ngân sách (tỉnh, huyện (thị xã), xã) thì do cơ quan có thẩm quyền cao nhất quyết định thẩm định. Công tác thẩm định do cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ tổ chức thực hiện. Tại cấp thị xã giao cho phòng Tài chính – Kế hoạch làm cơ quan đầu mối thẩm định.

Đối với công tác thẩm định thiết kế: Do quy định về phân cấp quản lý đầu tư và do giới hạn về khả năng huy động ngân sách nên thông thường, tại cấp thị xã, các dự án đầu tư phát triển thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư có tổng mức đầu tư

tương đối thấp, thuộc danh mục các dự án nhóm B,C. Do đó, đối với công tác thẩm định thiết kế, chủ yếu thẩm định thiết kế một bước, thiết kế hai bước: Thẩm định thiết kế hai bước đối với công trình phải lập dự án đầu tư, thiết kế một bước được lập với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Đối với công tác thẩm định thiết kế cơ sở của dự án nhóm B,C, do các sở chuyên ngành chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ của các chủ đầu tư đối với các lĩnh vực quản lý. Sở Xây dựng thẩm định các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, vật liệu xây dựng, hạ tầng đô thị; Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, thiết kế cơ sở các công trình thuộc dự án đầu tư công trình giao thông; Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tổ chức thẩm định các dự án thủy lợi, thủy sản, nước sạch và vệ sinh nông thôn; Sở Công thương tổ chức thẩm định các công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện...

Đối với công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của báo cáo kinh tế kỹ thuật:chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định hoặc có thể thuê tổ chức tư vấn, tự thẩm định hoặc thuê các sở ban ngành cho phù hợp thực tiễn.

Việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế dự án có vai trò quan trọng trong công tác quản lý dự án, quản lý hoạt động đầu tư phát triển. Thẩm định tốt là cơ sở để triển khai dự án tốt; Thẩm định là phương pháp, cách thức để quản lý vốn đầu tư có hiệu quả, là cơ sở để cắt giảm chi phí đầu tư không hợp lý. Đặc biệt trong trường hợp dự án sử dụng ngân sách nhà nước, thẩm định tốt dự án, thiết kế có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, tránh tình trạng phải chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi các nội dung dự án khi đã thi công, gây chậm tiến độ, lãng phí thời gian, ngân sách. Trong công tác thẩm định, để tránh xảy ra các thất thoát, lãng phí cần quan tâm các nội dung:

- Tính phù hợp với quy hoạch: Dự án bố trí không phù hợp quy hoạch, không phù hợp với định hướng phát triển, có tác động không tốt tới môi trường kinh tế, chính trị, xã hội; dự án chưa cần thiết phải thực hiện

- Về năng lực, chất lượng của thiết kế: Khảo sát không đảm bảo chất lượng, chưa đủ mẫu, chưa sát với thực tế hoặc không đúng với những tiêu chuẩn,

quy chuẩn dẫn đến việc phải khảo sát lại hoặc phải phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh thiết kế, phương án thi công nhiều lần, kéo theo là làm thay đổi dự toán, làm chậm tiến độ thi công,... gây lãng phí thời gian, tiền của của dự án; thiết kế không đảm bảo chất lượng, không đồng bộ gây lún, nứt phải phá đi làm lại; phương án thiết kế không hợp lý, sử dụng vật tư, vật liệu không phù hợp với loại công trình (sử dụng vật liệu quá đắt tiền cho công trình cấp thấp); việc chọn hệ số an toàn quá cao, tính toán không chặt chẽ gây lãng phí vật liệu xây dựng...

- Năng lực nhà thầu: Về năng lực pháp lý của nhà thầu, năng lực về đội ngũ cán bộ, năng lực thi công các công trình tương tự; các loại máy móc, phương tiện đảm bảo thực hiện dự án; khả năng bỏ vốn để hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn. Đánh giá năng lực nhà thầu có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thực hiện công trình đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, tránh các trường hợp không đủ năng lực thi công gây ra sự cố công trình.

- Thẩm định tài chính dự án: Đối với từng dự án riêng lẻ, đánh giá tính hợp lý của dự toán so với phương án thiết kế; việc áp dụng các đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật. Đồng thời, phải đánh giá mối quan hệ giữa từng dự án với tổng thể thông qua xem xét từng khía cạnh: phương án bố trí vốn, việc huy động vốn, tính hợp lý của các nguồn vốn.

- Thẩm định khía cạnh kinh tế xã hội: Xem xét, đánh giá tác động của dự án trong mối quan hệ với đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương. Nếu dự án có tác động xấu, gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sản xuất, sinh hoạt...thì phải có các giải pháp kỹ thuật tương thích để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Thẩm định dự án là một nội dung đánh giá nhiều khía cạnh. Trong điều kiện dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, việc áp dụng các chỉ tiêu tài chính, kinh tế để tính lợi ích, chi phí là khó khăn. Vì vậy, công tác thẩm định phải đánh giá được một cách tổng quan, từ khía cạnh kinh tế cho tới khía cạnh chính trị, xã hội để đưa ra một phương án lựa chọn tối ưu.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ GIAI ĐOẠN 2007 – 2011 (Trang 34 - 38)