Quản lý công tác thi công công trình

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ GIAI ĐOẠN 2007 – 2011 (Trang 40 - 41)

Thi công là khâu quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, là công việc thường xuyên, trực tiếp của nhà thầu. Chất lượng thi công vai trò quyết định tới chất lượng công trình xây dựng. Quản lý thi công bao gồm các nội dung quản lý tiến độ xây dựng công trình, quản lý khối lượng, quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động, quản lý môi trường. Quản lý tốt công tác thi công là yêu cầu quan trọng để dự án đạt chất lượng cao, góp phần tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Ở cấp thị xã, chủ đầu tư thực hiện các dự án sử dụng ngân sách nhà nước có thể là UBND thị xã, UBND phường, các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn. Đối với các công trình do UBND thị xã trực tiếp làm chủ đầu tư, thì UBND thị xã giao cho Ban Quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư quyết định thực hiện các thủ tục trong quá trình đầu tư dự án theo thẩm quyền, báo cáo chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án là chủ thể trực tiếp quản lý về tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình. Để quản lý công tác thi công, Ban Quản lý thực hiện giám sát hoạt động thi công thông qua so sánh với thiết kế kinh tế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu hạng mục công trình, thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán theo khối lượng vốn đã cấp ứng cho nhà thầu thi công. Nhiệm vụ quản lý của Ban Quản lý dự án là thực hiện chức năng quản lý một dự án cụ thể.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, việc quản lý tiến độ, khối lượng thi công giao cho chủ đầu tư trực tiếp quản lý, người quyết định đầu tư ít có trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động thi công. Do đó, đối với hoạt động quản lý đầu tư phát triển nói chung, Ban Quản lý dự án không thể thay mặt UBND thị xã thực hiện. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc UBND thị xã chưa thể hiện vai trò giám sát của mình để có biện pháp điều hành, kiểm tra, đôn đốc về công tác thi công nói riêng và hoạt động đầu tư phát triển nói chung. Nói cách khác, việc lãnh đạo hoạt động đầu tư phát triển tại địa phương chưa chặt chẽ. Do vậy, UBND thị xã phải chủ động đề ra cơ chế, thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo chất lượng công tác thi công để có biện pháp xử lý phù hợp.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ CỬA LÒ GIAI ĐOẠN 2007 – 2011 (Trang 40 - 41)