Quản lý, quản lý giáo dục và cơ chế quản lý 1 Quản lý

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 27 - 29)

1.2.2.1. Quản lý

Quản lý là một hoạt động đặc trưng bao trùm lên mọi mặt đời sống xã hội, là công việc vô cùng quan trọng, nhưng rất khó khăn và phức tạp. Sở dĩ như vậy, vì công tác quản lý liên quan đến nhân cách của nhiều cá nhân trong tập thể xã hội, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm và cuộc sống của mỗi một con người.

Thực tế khái niệm quản lý được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Do đối tượng quản lý rất đa dạng, phong phú, phức tạp, tùy thuộc từng lĩnh vực hoạt động cụ thể và ở mỗi giai đoạn phát triển xã hội khác nhau cũng có quan niệm khác nhau, nên định nghĩa về quản lý cũng có sự khác nhau:

- Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam “ Quản lý là chức năng và hoạt động của hệ thống có tổ chức thuộc các giới khác nhau (sinh học, kỹ thuật, xã hội), bảo đảm giữ gìn một cơ cấu ổn định, duy trì sự hoạt động tối ưu và bảo đảm thực hiện những chương trình và mục tiêu của hệ thống đó” [49; tr 580].

- Còn theo Mary Parker Follet, “quản lý là nghệ thuật khiến công việc được thực hiện thông qua người khác” [ 4 ] .

- Tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: “Quản lý là tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến

khách thể quản lý ( người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức đó vận hành và đạt được mục đích của mình” [3; tr 6 ].

- Theo Bách khoa toàn thư Liên Xô (cũ): Quản lý là chức năng của hệ thống có tổ chức với những bản chất khác nhau ( Kĩ thuật, sinh vật, xã hội); Nó bảo toàn cấu trúc xác định của chúng, duy trì chế độ hoạt động.

- Định nghĩa kinh điển nhất : Quản lý là tác động có định hướng , có chủ định của chủ thể quản lý ( người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một số chức năng nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích tổ chức.

- Theo quan điểm hệ thống: Quản lý là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục tiêu đề ra trong điều kiện biến đổi của môi trường.

- Lao động quản lý là một dạng lao động đặc biệt gắn với lao động tập thể và kết quả của sự phân công lao động xã hội, nhưng lao động quản lý lại có thể phân chia thành hệ thống các dạng lao động xác định mà theo đó chủ thể quản lý có thể tác động đối tượng quản lý. Các dạng hoạt động xác định này được gọi là các chức năng quản lý. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong mọi quá trình quản lý, người cán bộ quản lý phải thực hiện một loạt chức năng quản lý kế tiếp nhau một cách logic bắt đầu từ lập kế hoạch tổ chức, chỉ đạo thực hiện và cuối cùng là kiểm tra đánh giá. Quá trình này được tiếp diễn một cách tuần hoàn . Chu trình quản lý bao gồm các chức năng cơ bản sau:

+ Lập kế hoạch;

+ Xây dựng tổ chức thực hiện kế hoạch; + Chỉ đạo thực hiện kế hoạch;

+ Kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

Tuy nhiên các chức năng trên kế tiếp nhau nhưng chúng thực hiện đan xen nhau, hỗ trợ bổ sung cho nhau. Ngoài ra, chu trình quản lý thông tin chiếm một vai trò quan trọng, nó là phương tiện không thể thiếu được trong quá trình hoạt động của quản lý.

Quản lý vừa là một khoa học, dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật phát triển (quy luật tự nhiên hay xã hội) của các đối tượng khác nhau, vừa là một nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự tác động thích hợp với từng khách thể quản lý.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 27 - 29)