Hệ thống các trường ĐH,CĐ tại thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 46 - 49)

- Cơ chế quản lý giáo dục

2.2.1.Hệ thống các trường ĐH,CĐ tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2011, trên địa bàn thành phố có 50 cơ sở đào tạo ĐH (45 trường ĐH và 5 cơ sở đào tạo của trường ĐH ở Hà Nội), 25 trường CĐ (không tính các trường thuộc khối Công an, Quốc phòng) và 61 trường TCCN. Trong đó có 46 trường ngoài công lập (ĐH: 12, CĐ: 9, TCCN: 25) với tổng số 480.000 học sinh-sinh viên. Mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy năm 2011 là: 163.480 HS-SV, gồm: ĐH: 72.540, CĐ: 51.840 (trong đó hệ CĐ trong trường ĐH là 18.120) và trung cấp chuyên nghiệp là 39.100 (tại trường ĐH: 18.820 và trường CĐ: 20.280).

Đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ không ngừng lớn mạnh. Đến năm học 2009-2010, toàn bộ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 16.578 giảng viên, trong đó có 66 giáo sư, 469 phó giáo sư, 1.917 tiến sĩ và TSKH, 6.829 thạc sĩ và 7.430 ĐH. Tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 3,23%, tiến sĩ đạt 11,56%, thạc sĩ đạt 41,19% tổng số giảng viên.

Hệ thống các trường ĐH, CĐ ở thành phố Hồ Chí Minh là nguồn đào tạo và cung cấp chủ yếu lao động có trình độ cao cho nền kinh tế và bộ máy quản lý nhà nước không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả khu vực phía Nam và cả nước. Các trường đào tạo nhiều ngành nghề đa dạng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; có cơ sở vật chất khá, địa bàn tuyển sinh rộng nên chất lượng đào tạo tương đối ổn định, về cơ bản đáp ứng yêu cầu cần thiết của nền kinh tế và thị trường lao động. Trong đó có nhiều trường công lập là cơ sở đào tạo trọng yếu cho phía Nam từ sau ngày thống nhất đất nước, được Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất và là nơi tập hợp đội ngũ trí thức hàng đầu của thành phố, hàng năm cung cấp một số lượng nhân lực có trình độ ĐH, sau ĐH có chất lượng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, một số trường mới thành lập gần đây, nhất là các trường ngoài công lập, chất lượng còn có những hạn chế nhất định. Nhiều trường đào tạo đa cấp (ĐH, CĐ và TCCN) với quy mô rất lớn, nhưng không có các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và phương tiện giảng dạy tương xứng với quy mô, nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Mặc dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao (khoảng 90%), song số sinh viên mới ra trường, khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế công việc vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là yếu tố đầu vào của GDĐH chậm được cải tiến và phương pháp quản lý chất lượng vẫn còn lạc hậu, trình độ quản lý và nhất là thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với xã hội chưa ngang tầm với sự phát triển của kinh tế và xã hội, trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm gần đây, cùng với cả nước, tốc độ phát triển các trường đại học trong cả nước rất nhanh cả về quy mô lẫn tốc độ, gần như đầy đủ tất cả các ngành: cơ khí, xây dựng, điện tử, công nghệ thông tin…; đầy đủ

các dạng, các hình thức đào tạo: công lập, tư thục, cộng đồng, chính quy, tại chức, chuyên tu, từ xa, đại học quốc tế; đào tạo đủ các trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…; thời gian đào tạo linh hoạt: tập trung theo đợt, học liên tục, học theo ca. Trách nhiệm đào đạo, thuộc về đội ngũ trí thức được đào tạo bài bản ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây (chủ yếu là Liên Xô cũ), gần đây bổ sung đội ngũ trí thức đào tạo ở các nước tiên tiến như: Hoa Kì, Đức, Pháp… và các cơ sở đào tạo trong nước.

Những năm trở lại đây, hình thức liên thông, liên kết phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp. Liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học, sau đại học; liên kết giữa các trường trong nước với nhau, giữa trong nước và quốc tế; giữa các trường và công ty, cho phép người học, học tập suốt đời phù hợp mọi hoàn cảnh, mang lại cơ hội cho nhiều người tiến tới hình thành “xã hội học tập”. Việc liên thông có điểm rất hay là những người chỉ tốt nghiệp THCS, vì một lý do nào đó không có điều kiện học tiếp lên cấp 3 thì họ có thể vào trường trung cấp, cao đẳng vừa học nghề vừa bổ túc kiến thức cấp 3 rồi liên thông đại học hay tiếp tục học cao hơn nữa. Việc liên kết với các trường nước ngoài giúp Nhà nước giảm gánh nặng kinh phí đào tạo, người học bớt tốn kém và tạo thuận lợi hơn vì họ chỉ cần học trong nước nhưng cũng có được bằng cấp đạt đẳng cấp quốc tế, đồng thời giải quyết một phần nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu trầm trọng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất của nước ta hiện nay.

Là một trong 2 trung tâm đào tạo lớn nhất nước, do vậy nơi đây quy tụ số lượng lớn đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà khoa học và những chuyên gia hàng đầu trong các ngành đào tạo (chiếm khoảng 1/5 cả nước, năm 2009 cả nước có 61.190 cán bộ, giảng viên). Điều đáng nhấn mạnh là, hiện nay rất nhiều giáo sư thành danh ở nước ngoài trở về nước công tác dưới dạng cơ hữu hoặc thỉnh giảng. Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho đào tạo khá tốt, có các

hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện đa dạng phục phụ cho mọi hình thức, trình độ đào tạo. Hiện nay, mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm đã giải quyết được phần nào bài toán ngân sách cho giáo dục.

Đặc biệt, bên cạnh hệ thống giáo dục trong nước hiện nay đã có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới đó là hệ thống các trường đại học cao đẳng quốc tế có vốn đầu tư 100% của nước ngoài như: Đại học RMIT Việt Nam (Úc - đại diện cho châu Á), Apollo (Vương quốc Anh); Ngoài ra, hình thức liên kết trao đổi, đào tạo với các trường đại học nổi tiếng nước ngoài ngày một phát triển như: ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP. HCM) có chương trình hợp tác Việt - Pháp; ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP. HCM) liên kết đào tạo với ĐH Oklahomas State (Hoa Kì). ĐH West England (Anh); Đại học Sư phạm TP. HCM liên kết đào tạo ThS, TS với các trường đại học hàng đầu của Úc như Melbourne, Sydney, RMIT…

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh thì giáo dục đại học TP. HCM cũng có những tồn tại như chất lượng cán bộ, giảng viên còn nhiều hạn chế, nhiều giảng viên chưa đáp ứng được công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trình độ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, ….

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 46 - 49)