Sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý các trường đại học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 35 - 37)

- Cơ chế quản lý giáo dục

1.3.1.Sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý các trường đại học

- Cơ chế điều hành quản lý nhà nước theo kiểu tập trung, bao cấp không còn phù hợp với sự phát triển nhanh, phức tạp và đa dạng hiện nay của hệ thống đại học: Khi số lượng và loại hình các cơ sở giáo dục đại học gia tăng mạnh, đồng thời mô hình quản lý hệ thống chồng chéo, không thống nhất, nhiều cấp, nhiều bộ chủ quản thì cơ chế điều hành tập trung không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Hoạt động của các trường đại học bị hạn chế bởi hàng loạt các rào cản, sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức không thể phát huy.

- Cơ chế tài chính hiện nay chưa phù hợp để tạo đủ nguồn lực cần thiết cho đảm bảo chất lượng của các trường đại học công lập. Khi đầu tư của nhà nước còn hạn chế thì việc đưa ra khung học phí như hiện nay đối với các trường đại học công lập sẽ tạo sự cạnh tranh thiếu bình đẳng với các trường dân lập, các trường đại học công lập sẽ không có đủ nguồn lực về tài chính và mất dần nguồn lực về con người để có thể cam kết về chất lượng đào tạo với xã hội.

- Trong những năm qua giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của Giáo dục đại học trước yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Cơ chế quản lý mang nặng tính hành chính, tập trung, bao cấp, nặng về kiểm soát, chỉ huy; chưa gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tiễn hiện nay; chưa thấy hết được đặc thù địa lý, kinh tế, xã hội của các địa phương. Quản lý Nhà nước về giáo dục đại học phân tán, thiếu tính thống nhất, chưa tạo điều kiện để phát huy hết quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại

học, trường đại học. Đây là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh yếu kém, bất cập trong quá trình vận hành của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

- Cơ chế Bộ chủ quản dẫn tới việc quản lý giáo dục đại học bị chia cắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý 61 cơ sở giáo dục đại học, trường đại học trực thuộc. Các Bộ, ngành khác không có cơ quan chuyên trách quản lý về giáo dục đại học, nhưng lại trực tiếp quản lý nhiều trường đại học. Việc quản lý như vậy dẫn tới sự chồng chéo, làm phình bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục đại học từ Trung ương tới các địa phương, tạo ra nhiều bất cập khác nhau. Hai đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) không phân định rõ trách nhiệm pháp lý về quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục, nhưng thực chất không quản lý toàn diện hệ thống giáo dục đại học. Các địa phương cũng có tình trạng tương tự, mặc dù Chính phủ đã có Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, nhưng một số địa phương vẫn còn những quy định rất khác nhau về trách nhiệm trong quản lý giáo dục đại học, trường đại học không đúng với quy định của Chính phủ, dẫn tới làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Cơ chế quản lý giáo dục đại học không đồng bộ, thiếu tính thống nhất, chưa có tầm nhìn và giải pháp tổng thể. Chất lượng giáo dục đại học chưa đi đôi với quyền hạn, trách nhiệm; chưa đáp ứng được sự phát triển của giáo dục đại học và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý chưa được đào tạo bồi dưỡng bài bản; khoa học quản lý chưa dự báo và đề xuất được những vấn đề quan trọng trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục hạn chế, yếu kém trong quản lý giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học, trường đại học được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm,

nhưng trên thực tế Nhà nước vẫn “cầm tay chỉ việc”, thiếu cơ chế để thực hiện quyền tự chủ thực sự.

- Nhiều cơ sở giáo dục đại học, trường đại học chưa ý thức đầy đủ về tự chủ, chưa nhận thức rõ việc tự chủ phải đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm, bao gồm: Trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm trước xã hội, trách nhiệm trước người học; chưa công khai minh bạch các nguồn lực và hiệu quả đào tạo một cách thực chất, cơ chế cấp phát tài chính còn mang nặng tính bình quân bao cấp.

- Những hạn chế, bất cập nêu trên cần được giải quyết dứt điểm để bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý giáo dục đại học [37;tr.7].

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý các trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 35 - 37)