Tự học của sinh viên sẽ khó đạt kết quả cao nếu không biết cách học, cách tìm kiếm kiến thức. Đọc để học, để nghiên cứu tài liệu là khâu quan trọng trong quá trình tự học.
Chỉ dự bài giảng trên lớp của giảng viên không đủ đáp ứng yêu cầu học tập, sinh viên cần phải đọc giáo trình, tài liệu. Tài liệu học tập của sinh viên
được tìm ở nhiều nguồn: trong các thư viện, ở các hiệu sách, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet… Các tài liệu này rất phong phú, đa dạng và cập nhật, vì vậy việc tìm kiếm, khai thác chúng đúng với yêu cầu học tập không dễ dàng, sinh viên sẽ mất nhiều thời gian, dễ mất định hướng khi “lạc” vào “biển” thông tin này. Việc hướng dẫn sinh viên tìm kiếm, khai thác, đọc giáo trình, tài liệu, hình thành tri thức là rất cần thiết.
Mỗi người có những hoàn cảnh và thói quen khác nhau nên năng suất đọc và năng lực đọc cũng khác nhau, nhưng nếu sinh viên có ý thức xây dựng cho mình một phương pháp khoa học khi đọc và nghiên cứu tài liệu tức là có kỹ thuật đọc thì năng suất và hiệu quả đọc sách nhất định sẽ tăng lên.
Một văn bản, một tài liệu, giáo trình không chỉ cung cấp thông tin mà nó còn chuyển tải nội dung thông điệp đến người đọc. Người đọc phải vận dụng tư duy, vốn ngôn ngữ, các kiến thức trước đây để tiếp nhận văn bản, từ đó thu nhận ý nghĩa và hiểu biết nội dung mới của thông tin. Người đọc cần biết vận dụng các kỹ năng tư duy, phát huy nỗ lực trong nhận thức, cố gắng hồi ức liên tưởng, tìm ra ý nghĩa đằng sau mỗi “con chữ”, tìm ra các mối liên quan logic để kết nối lại làm sáng tỏ các luận chứng trong tài liệu. Dần dần, khả năng “đọc hiểu” được nâng cao: biết cách đọc hiểu nội dung, biết chất vấn văn bản, bổ sung văn bản, suy luận văn bản, tổng quan văn bản.
Những lưu ý cho việc đọc có hiệu quả:
- Hãy cố gắng kiên trì theo 5 chiến lược đọc sau: + Gạch dưới những ý, những câu cần thiết nhất.
+ Ghi thật vắn tắt những điều quan trọng nhất (theo ý của mình). + Tự vẽ một sơ đồ logic sau khi đọc (theo ý của mình).
+ Tự tóm tắt bài đọc.
+ Phải tập trung tư tưởng và có chủ định khi đọc (đọc để học, không phải là chỉ đọc cho vui, cho biết, mà đọc để hiểu, để phân tích, tổng hợp, để ghi nhớ và vận dụng).
+ Biết “tìm” và “phát hiện” những ý tưởng chủ đạo, cốt lõi, những điều quan trọng của bài đọc.
+ Biết ghi chép, tóm tắt theo ý của mình.
+ Biết tự xác lập một hình ảnh trong tâm trí (dàn bài, sơ đồ, mô hình, mối liên hệ…) để ghi nhớ và vận dụng sau này.
Các giai đoạn đọc để học:
- Giai đoạn 1: Đọc bao quát một giáo trình.
+ Đọc lời mở đầu và những hướng dẫn chung của tác giả. + Đọc mục lục của giáo trình.
Đọc bao quát một giáo trình sẽ giúp sinh viên biết, hình dung sơ bộ được tổng quan mục đích của môn học, mục lục giáo trình, sơ bộ cấu trúc của môn học, khái quát cách viết của giáo trình và tác giả, nhận định sơ bộ các chương quan trọng.
- Giai đoạn 2: Đọc để học một chương mục. Đọc để học một chương mục có 3 giai đoạn:
+ Đọc lần thứ nhất: Đọc một cách hữu ích.
- Tìm xem vấn đề được đề cập là vấn đề gì. Phát hiện ra điều gì là quan trọng và mấu chốt. Từ đó, tập trung vào thông tin quan trọng này.
- Ghi chép thật tóm tắt những điều quan trọng và những câu hỏi có liên quan đến nội dung.
- Xác định kế hoạch, cách đọc, cách làm để học chương mục đó trong giai đoạn sau.
+ Đọc lần thứ hai: Đọc để hiểu.
- Tìm được ý nghĩa của các từ, các câu, các khái niệm, các công thức, diễn trình của chương mục đang đọc.
- Tổng hợp lại để thấy rõ cơ cấu, mối liên hệ giữa các nội dung kiến thức.
- Đọc lại, làm lại cho bản thân theo cách của mình. + Đọc lần thứ ba: Đọc để ghi nhớ.
- Sắp xếp các dữ liệu có thứ tự và tổ chức.
- Xác lập các điểm mấu chốt, các mối liên hệ chủ yếu giữa các dữ liệu.
- Xác lập một hình ảnh toàn cục trong tâm trí - Lặp đi lặp lại nhiều lần và tự kiểm tra.