Trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng ở các trường thpt huyện cẩm mỹ, tỉnh đồng nai (Trang 26 - 31)

1.2.2.1. Vị trí chức năng của trường THPT

Trường THPT có một vị trí chức năng vô cùng quan trọng là cấp học cuối cùng của giáo dục phổ thông, nối tiếp cấp THCS và có trách nhiệm hoàn thành việc đào tạo tiếp thế hệ học sinh đã qua các cấp học trước đó của nhà trường phổ thông, đồng thời liên thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Giáo dục THPT là cấp học “bản lề” có nhiệm vụ tạo nguồn quan trọng cho đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ cao hơn, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. [12]

Ngoài ra trường THPT còn “giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. [19]

1.2.2.2. Nhiệm vụ của trường THPT

“Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông dành cho cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Công khai mục tiêu, nội dung các hoạt động giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục.

Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên theo quy định của pháp luật.

Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh; vận động học sinh đến trường; quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục.

Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Nhà nước.

Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia hoạt động xã hội. Thực hiện các hoạt động về kiểm định chất lượng giáo dục.

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”. [3]

1.2.2.3. Hiệu trưởng và nhiệm vụ của hiệu trưởng trường THPT

- Hiệu trưởng trường THPT là người được tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường tín nhiệm. Hiệu trưởng là người phải có trình độ, phẩm chất chính trị, nắm vững mục tiêu và nhiệm vụ của ngành. Hiệu trưởng phải giỏi về chuyên môn, am hiểu nội dung giáo dục, nắm vững phương pháp giáo dục, các nguyên tắc tổ chức các quá trình giáo dục, nắm vững khoa học và nghệ thuật quản lý. Hiệu trưởng nhà trường là thủ trưởng - người tổng chỉ huy một trường cụ thể. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm và có quyền quyết định về mọi mặt hoạt động của trường theo qui định của cấp trên.

- Nhiệm vụ của Hiệu trưởng trường THPT

Tại khoản 1 của điều 19, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, nhiệm vụ của Hiệu trưởng được quy định rõ như sau:

“a) Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

b) Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường được quy định tại khoản 3 Điều 20 của Điều lệ này;

c) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

d) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

đ) Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của nhà nước;

e) Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

g) Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;

h) Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;

i) Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;

k) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”. [2]

1.2.2.4. Giáo viên chủ nhiệm trường THPT

- Giáo viên

Giáo viên là công chức nhà nước được đào tạo chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy và giáo dục ở trường sư phạm. Giáo viên là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường.

“Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”. [19]

“Giáo viên trường trung học là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên bộ môn, giáo viên làm công tác Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (bí thư, phó bí thư hoặc trợ lý thanh niên, cố vấn Đoàn), giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (đối với trường trung học có cấp tiểu học hoặc cấp THCS), giáo viên làm công tác tư vấn cho học sinh”. [2]

Theo định nghĩa trên, thì giáo viên trường Trung học bao gồm cả CBQL giáo dục và các giáo viên phụ trách công tác đoàn thể hoặc công tác khác trong mọi hoạt động của nhà trường. Ở phạm vi đề tài nghiên cứu này, khi đề cập khái niệm giáo viên THPT là chủ yếu chỉ nói đến các đối tượng nhà giáo là giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy các bộ môn (giáo viên bộ môn) và giáo dục học sinh cấp THPT.

-Giáo viên chủ nhiệm

Theo Đại từ điển tiếng việt: “Giáo viên là người dạy học ở bậc phổ thông hoặc tương đương”, “Chủ nhiệm là người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính một số tổ chức” [37]. Thuật ngữ “giáo viên chủ nhiệm” là một từ ghép được hình thành từ hai từ “giáo viên” và “chủ nhiệm”. Như vậy có thể hiểu rằng: giáo viên chủ nhiệm là một trong những người dạy học của lớp, là người quản lý và chịu trách nhiệm chính về lớp đó.

Theo tác giả Phạm Viết Vượng: “Trong nhà trường, đơn vị tổ chức cơ bản để giảng dạy và học tập là lớp học. Để quản lý trực tiếp một lớp học nhà trường cử ra những giáo viên giỏi, giàu nhiệt tình để làm chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm ở trường phổ thông là người thay mặt Hiệu trưởng quản lý toàn diện một lớp học”. [40]

Theo tác giả Trần Thị Hương cho rằng: “Giáo viên chủ nhiệm ở trường phổ thông nói chung và trường THPT có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường. Họ là người thay mặt hiệu trưởng quản lý, giáo dục toàn diện học sinh một lớp học, là cố vấn cho các hoạt động tập thể học sinh, người tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường”. [12]

Ngoài ra, các văn bản, điều lệ, quy chế của ngành giáo dục tuy không nêu rõ khái niệm GVCN nhưng với cách diễn đạt trong các văn bản đó, ta có thể hiểu: GVCN là giáo viên bộ môn dạy lớp đó, được HT chỉ định làm nhiệm vụ quản lý, cộng tác, phối hợp với các lực lượng trong nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của tập thể lớp, của các thành viên trong lớp.

1.2.2.5. Đặc điểm tâm lý cơ bản của học sinh THPT

Lứa tuổi học sinh THPT là giai đoạn đầu của tuổi thanh niên, là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Đây là lứa tuổi có cơ thể phát triển cân đối, khỏe đẹp. Tuy học sinh THPT bắt đầu thời kỳ phát triển tương đối êm ả về mặt sinh lý, nhưng vẫn còn tính dễ bị kích động và sự thể hiện của nó giống như ở tuổi thiếu niên. Ở tuổi này, tính dễ bị kích động không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý, mà còn do cách sống của cá nhân dẫn đến có những suy nghĩ bồng bột khờ dại dễ bị cái xấu lôi kéo. Những mặt trái của xã hội, cơ chế thị trường thường xuyên tác động gây ảnh hưởng xấu đến các em rất dễ nảy sinh hiện tượng đua đòi, buông thả trong sinh hoạt, không chú ý học tập, lơ là các hoạt động của tập thể cùng nhiều biến tướng khác.

Học sinh THPT mang nhiều nét tâm lý của người lớn mặc dù vẫn còn một vài đặc điểm của tuổi thiếu niên. Nhiều công trình nghiên cứu tâm lý đã cho rằng ở lứa tuổi này đã trưởng thành về mặt thể lực. Các em có khả năng tri giác rõ ràng, có những rung cảm mãnh liệt, đặc biệt là tính tích cực cao thể

hiện sự nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ, luôn có khuynh hướng sáng tạo.

Học sinh THPT là lứa tuổi luôn khao khát được tìm hiểu, được tiếp nhận những thông tin mới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và xã hội. Sự nhận thức của tuổi trẻ là nhận thức có phê phán. Các em mong muốn không những hiểu biết bản thân mình, mà còn quan tâm đến thế giới nội tâm của con người. Các em luôn muốn thể hiện mình, muốn được lập công.

Như vậy, học sinh THPT là lứa tuổi của những ước mơ, nhiệt tình hưởng ứng những gì cao đẹp nhất và hết lòng làm mọi việc. Giáo viên chủ nhiệm cần hiểu rõ những đặc điểm này của học sinh THPT để có những biện pháp, hình thức giáo dục thích hợp nhất, mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng ở các trường thpt huyện cẩm mỹ, tỉnh đồng nai (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)