Cẩm Mỹ là một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Nai, được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Cẩm Mỹ nằm ở Đông Nam tỉnh Đồng Nai, ranh giới tiếp giáp với các đơn vị hành chính như sau: phía Bắc giáp thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Đông giáp huyện Xuân Lộc và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; phía Tây giáp huyện Long Thành. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 46.855 km2
, chiếm 7,99% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê năm 2010, dân số của huyện khoảng 158.000 người, ở 13 xã (Xuân Quế, Sông Nhạn, Xuân Đường, Thừa Đức, Nhân Nghĩa, Long Giao, Xuân Mỹ, Xuân Bảo, Bảo Bình, Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, Lâm San). Dân cư phân bổ không đồng đều, tập trung nhiều phía Đông trong khi phía Tây khá thưa thớt vì phần lớn là các nông trường cao su. Huyện Cẩm Mỹ có nhiều dân tộc sinh sống xen kẽ, gồm: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Châu Ro, Chăm,...
Trên địa bàn có Quốc lộ 56 chạy qua, nối kết Huyện với Thị xã Long Khánh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm huyện nằm ở xã Long Giao (ngã ba giao giữa Quốc Lộ 56 và Hương Lộ 10), nên có lợi thế về không gian phát triển, kết nối giao lưu kinh tế với các huyện lân cận và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, một bộ phận là công nhân cao su, ngoài ra còn có các nghề thương mại, dịch vụ và một số nghề phụ khác. Do đó, thu nhập người dân thấp, không đồng đều, đặc biệt là những xã giáp ranh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Giáo dục và đào tạo từng bước được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng về quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chất lượng dạy và học ngày được nâng lên; số cơ sở trường hàng năm đều tăng, từ 58 trường năm 2005 lên 63 trường năm 2011; hiện đã thành lập Trung tâm giáo dục thường xuyên, 13 Trung tâm học tập công đồng và 05 cơ sở tin học và ngoại ngữ. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 32%, không còn phòng tranh tre tạm bợ, đã xoá tình trạng học ca 3. Đội ngũ GV ngày càng được chuẩn hóa, tỷ lệ giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ HS lên lớp và tốt nghiệp các cấp học được duy trì với chất lượng ổn định; tỷ lệ HS khá, giỏi, học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp tăng đều qua các năm. 13/13 xã thực hiện đạt mục tiêu về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học
cơ sở và phổ cập bậc trung học phổ thông. Huyện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo ngoài huyện mở nhiều lớp đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương. Công tác Đảng, Đoàn, Đội trong nhà trường được quan tâm, từ 17 trường có chi bộ năm 2005 lên 47 trường năm 2011 (chiếm 81%), tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành chiếm 27,4%.