7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Lịch sử phát triển SCM
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, việc thiết kế và phát triển sản phẩm mới diễn ra chậm chạp và lệ thuộc chủ yếu vào nguồn lực nội bộ, công nghệ và công suất. Các công ty hoạt động nhờ vào chuỗi liên kết đơn giản, một chiều từ nhà sản xuất tới kho, tới nhà phân phối sỉ và lẻ và cuối cùng là tới người tiêu dùng. Chuỗi liên kết này hoạt động ở dạng sơ đẳng nhất nên sự đồng nhất của quy trình mua, dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho và vận chuyển không được rõ ràng.
Đến đầu năm 1960 - năm mà bùng nổ việc quản lý chi phí, từ đây xuất hiện sự chuyển đổi từ hoạt động đơn lẻ sang sự hợp nhất các hoạt động của hệ thống. Các công ty lớn trên thế giới tích cực áp dụng công nghệ sản xuất hàng loạt để cắt giảm chi phí và cải tiến năng suất. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng giai đoạn hầu như ít chú ý đến vai trò của nhà cung cấp hoặc cải thiện quy trình và chất lượng sản phẩm.
Năm 1970, hệ thống quản lý hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu (MRP - Material Requirements Planing) và hệ thống hoạch định nguồn lực sản xuất (MRPII - Manufacturing Resource Planning) được phát triển. Tầm quan trọng của quản trị hiệu quả nguồn nguyên vật liệu ngày càng được nhấn mạnh, mối quan tâm của các nhà sản xuất bây giờ tập trung vào khách hàng. Do đó Logistics cũng phát triển theo, bảo đảm phân phối tới người tiêu dùng đúng nơi và đúng lúc.
Thập niên 1980 được xem như là thời kỳ Logistics phát triển vượt bậc, trở thành chìa khóa để tạo ra sự khác biệt giữa các công ty. Đồng thời, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ngày càng trở nên khốc liệt. Các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường mức độ phục vụ khách hàng. Các doanh nghiệp sản xuất vận dụng kỹ thuật sản xuất đúng thời hạn (JIT – Just in time), quản trị chất lượng toàn diện (TQM - Total Quality Management) nhằm cải tiến chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng. Chính sự phát triển này đã đánh dấu sự ra đời của quản trị chuỗi cung ứng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nhận ra lợi ích của việc hợp tác giữa nhà cung cấp, người mua và khách hàng.
Đến năm 1990, Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu của quản trị chuỗi cung ứng và đánh dấu sự phát triển vượt bậc của quản trị chuỗi cung ứng. Thông qua hệ thống trao đổi thông tin điện tử (EDI - Electronic Data Interchange) và giải pháp quản trị tài nguyên cho doanh nghiệp, hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) đã cải tiến vượt bậc cho việc truyền thông trong quản trị chuỗi cung ứng, trong thương mại điện tử và mua hàng qua mạng.
Tới nay, quản trị chuỗi cung ứng hướng tới khách hàng trong các hoạt động, sự liền mạch trong dòng luân chuyển của nguyên vật liệu và thông suốt của dòng thông tin, nhưng quan trọng nhất vẫn là cung ứng và sự hợp nhất của các nhà cung ứng. Cùng với sự phát triển của sản xuất, thì dây chuyền cung ứng này càng phức tạp, vai trò của công nghệ thông tin trong quản trị dây truyền cung ứng ngày càng lớn. Nhất là trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng gay gắt thì các công ty đã và đang nỗ lực xây dựng các mô hình dây chuyền cung ứng nhằm đẩy mạnh sản xuất và quản lý nguồn cung ứng, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Có thể thấy rằng việc có một nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chất lượng là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh thành công. Không chỉ hiện tại mà trong tương lai, chuỗi cung ứng được xem là một tài sản chiến lược, là chìa khóa để quyết định sự thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp.