2.1.3.1 .Thiên nhiên hòa hợp với con người
2.1.3.2. Thiên nhiên mang màu sắc triết lý
Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng sự trải nghiệm của một người đi nhiều, xúc cảm của một nghệ sỹ và sự sắc sảo, thông minh của một học giả. Ký của ông vừa có chất trữ tình đằm thắm, lại vừa có tính triết lý, suy nghiệm. Viết về thiên nhiên, nhà văn không chỉ phát hiện vẻ đẹp và chất thơ, ông còn khám phá ra những triết lý sâu sắc về cuộc sống và con người.
Mỗi hình ảnh của thiên nhiên đều đưa đến cho nhà văn những liên tưởng
khác nhau. Viết về ngọn núi Bạch Mã, ông nhìn thấy ở đó “khuôn mặt nhìn
nghiêng của Tổ quốc”. Lịch sử của Bạch Mã là một phần lịch sử của đất nước,
những phế hưng, chìm nổi của ngọn núi ấy là hình ảnh phản chiếu những biến thiên của lịch sử. Bạch Mã mang vẻ đẹp của một “ngọn núi ảo ảnh”, ảo ảnh của một thời huy hoàng trải qua những “biển dâu” trở thành phế tích, hoang tàn. Sự
hoang phế của Bạch Mã khiến nhà văn phải thốt lên: “Bạch Mã bây giờ không
phải là thiên nhiên, mà là cõi hỗn mang vô nghĩa, lúc sự sống mới bắt đầu ở một nơi nào đó trên trái đất” [90, tr.188]. Côn Sơn trong con mắt ông là nơi để “chiêm nghiệm về khát vọng của vũ trụ” và “trái núi u tịch” ấy đã ban cho nhà
văn bao nhiêu “lượng thông tin về cõi đời” [90, tr.21]. Côn Sơn đã giúp ông
nhận thức sâu sắc cái lẽ có – không trong triết lý của nhà Phật, hiểu cái “nét đạt đạo” của các bậc tiên hiền xưa là khi cần đến tiết tháo hoặc đã hoàn thành nhiệm
vụ với đời thì “nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của tâm thức giữa lòng vũ
trụ vĩnh hằng” [90, tr.31]. Nhà văn đã bằng Côn Sơn để lý giải vai trò của thiên
nhiên đối với tư tưởng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Côn Sơn chính là căn
nhà vũ trụ của Nguyễn Trãi, nơi đã nuôi dưỡng sâu bền “nỗi khát khao lẽ công
ngoằn ngoèo những đường mòn sỏi đá, tôi nghĩ đó cũng là con đường tơ trắng của kẻ sĩ đất Việt qua nhiều thời đại” [90, tr.28].
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từ những hình ảnh của thiên nhiên để chiêm nghiệm về cuộc sống. Ông nhìn thấy trong thẳm sâu rừng nước mặn Cà Mau cuộc sống với sức vươn mạnh mẽ, luôn tiến lên phía trước và niềm hi vọng không bao giờ tắt của con người. Khám phá trong dòng chảy của những con sông “từ nguồn ra biển”, dòng chảy của văn hóa, lịch sử. Cảm nhận trong cánh
hoa mai vừa rụng, vẫn tươi nguyên dưới mưa phùn “khoảnh khắc hóa thân nhẹ
nhàng để luân hồi vào một mùa xuân khác” [90, tr.33]. Phát hiện trong tâm hồn “nỗi xúc động vừa sâu thẳm, vừa rộng lớn, vượt khỏi bản thân” khi chứng kiến
bình minh huyền ảo đã “đưa tôi hòa nhập vào cuộc chơi linh diệu của ánh
sáng” [90, tr.63]. Hay lắng nghe tiếng chuông chùa vọng đến, nhà văn lại có
những liên tưởng sâu sắc về ý nghĩa của thiền: “nghe tiếng chuông thu không
của mấy chục ngôi chùa cổ quanh núi rơi thánh thót giống như một cơn mưa thiền nối tiếp nhau tròn một vòng rồi quay trở lại. Một buổi chiều ngồi nghe chuông chùa trên núi, tôi chợt hiểu ra cái lẽ có-và-không của những bông cỏ ma, điều mà trước đây tôi chưa từng ngờ tới” [89, tr.245]. Thiên nhiên đã giúp nhà
văn nhận thức những vấn đề nhiều khi thật khó lý giải về cuộc sống. Qua thiên nhiên, nhà văn cũng làm bật lên những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử, về cách sống, lý tưởng sống.