Ngôn từ giàu màu sắc suy tưởng và triết lý

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật ký Hoàng Phủ Ngọc Tường (Trang 83 - 86)

2.1.3.1 .Thiên nhiên hòa hợp với con người

3.1.2.Ngôn từ giàu màu sắc suy tưởng và triết lý

3.1. Ngôn từ nghệ thuật

3.1.2.Ngôn từ giàu màu sắc suy tưởng và triết lý

Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn luôn trăn trở, nghĩ suy, chiêm nghiệm trước những vấn đề mà cuộc sống và con người đặt ra. Đi nhiều, biết rộng, đặc biệt với nền tảng kiến thức triết học, lịch sử, văn hóa xã hội vững chắc cộng với cái tâm của một người nghệ sỹ mà tấm lòng hướng rộng về đời, ông có cái nhìn tư duy, tư biện sắc sảo, thể hiện trí tuệ uyên bác, cái tâm trong sáng và cái nhìn nhân bản đối với cuộc sống và con người. Suy tưởng, triết lý đã trở thành một nét đặc trưng nổi bật ở con người và ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngôn từ ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vì thế cũng rất đậm đà màu sắc suy tưởng và triết lý.

Nhìn vào bất cứ sự vật, hiện tượng nào, soi chiếu vào mảnh nào của cuộc sống và con người, nhà văn không chỉ miêu tả, ghi chép lại mà ông luôn cố gắng để khám phá tìm kiếm những giá trị tiềm ẩn, những chiều sâu tâm linh ẩn giấu đằng sau lớp vỏ hình thức. Và từ đó lại gợi cho ông những suy ngẫm về vấn đề nhân sinh, xã hội, để rồi đúc rút ra những triết luận của riêng ông. Suy tưởng,

triết lí đã nằm trong cái mạch sáng tạo của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông luôn hoài niệm về quá khứ, trở về với những ký ức để chiêm nghiệm về dòng chảy của thời gian, về sự sống, cái chết, sự mất – còn, lẽ vô thường, trăn trở về nghề, về thế sự để kiếm tìm chân lý, lẽ sống…, từ đó có cái nhìn thấu suốt, minh triết hơn về cuộc sống và con người. Nhìn loài hoa ngũ sắc nhưng lại chỉ nở đỏ một màu ở vùng đất đã trải qua một thời khói lửa chiến tranh với bao mất mát, hi sinh, nay quá khứ ấy đã dần bị chìm vào quên lãng, ông đã có những suy nghĩ rất

sâu sắc: “Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây nở hoa

màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi nên cây cỏ nhắc lại” [97, tr.187]. Quan sát thiên nhiên cây cỏ, ông nhận ra: “Hình như cỏ cây cũng có một linh hồn để biết trở giấc nửa chừng đêm. Cái gì đánh bạn lâu dài với con người cũng hóa nên có linh tính, cây gì sống lâu trăm tuổi cũng có dược tính” [97, tr.31]. Nhìn cái giếng sâu trong vắt giữa đám cỏ

dại, ông cũng có những suy tưởng đầy nhân văn: “hình như một mảnh bí ẩn nào

đó của sự sống vẫn còn được thiên nhiên ấp ủ che giấu giữa cái cõi hủy diệt từ lâu đã vắng bặt con người” [87, tr.58]… Nhất là những tác phẩm viết về văn

hóa, lịch sử, về nghề, về thế sự, cho thấy rất rõ nét tính triết lý, suy tưởng của ngôn ngữ ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Viết về lịch sử, ông có những suy nghiệm

rất hay: “Lịch sử cũng sẽ có những cánh tay vươn đến tận mỗi tâm hồn và gõ

cửa. Miễn rằng người ta đừng nhắm mắt lại, và đừng để cho trái tim tắt hết lửa trước cuộc sống. Những cơn mưa trên nguồn dù rất xa, sẽ quyết định phương hướng của dòng sông ở cửa biển, và đất bồi của nó sẽ làm nảy sinh mùa màng của thảo mộc hai bên bờ [87, tr.22]. Viết về văn hóa Huế, ông đã có những đúc

rút rất tinh nhạy về tính cách Huế: “Xu hướng tâm linh là một dòng chảy tiềm ẩn

nhưng sâu bền trong tính cách Huế” [94, tr.29]. Hay khi viết về Nguyễn Trãi với

lựa chọn sáng suốt trước những “ngã ba thời đại”: “Có thể nói rằng, ở trường

hợp của Nguyễn Trãi, sự lựa chọn là một quá trình tự phá vỡ bản thân và rốt cuộc sự có mặt của ông vẫn mới mãi đến ngày sau, làm cho ông trở thành một con người mạnh hơn cái chết” [94, tr.208]. Suy tưởng, triết lí đã đem lại cho

ngôn ngữ ký Hoàng Phủ Ngọc Tường sức nặng của những trải nghiệm, chiêm cảm và vẻ đẹp của trí tuệ thâm sâu.

Triết lý trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không gây nên cảm giác khô khan, nặng nề bởi triết lý được đúc rút ra từ những trải nghiệm của nhà văn trước cuộc sống và con người và ngôn ngữ triết lý vừa chặt chẽ, trí tuệ, vừa mềm mại, giàu hình ảnh, do đó cuốn hút, dễ gây ấn tượng, dễ đi vào tâm trí người đọc. Triết lý về cuộc đời con người, ông lấy hình ảnh sân cỏ - cuộc đời để biểu đạt:

“Sân cỏ là môt hình thái của chính cuộc sống” [92, tr.281]. Mượn hình ảnh con chim nhạn và cây thông để bàn về động – tĩnh và cách hành xử ở đời: “Chim

nhạn động mà tĩnh, cây thông tĩnh mà động, biết len lỏi giữa động và tĩnh cả thế giới để tạo lập thế thăng bằng cho bản ngã chính là điều mà Nguyễn Trãi đã học và đã dạy” [92, tr.145]. Triết lý về ý nghĩa muôn đời của hi vọng, ông mượn

hình ảnh gió cuốn hạt giống bay đi để diễn tả: “Hy vọng là hạt giống gieo vãi

trong cơn gió; nó bị gió cuốn đi, nhưng một vài hạt đâu đó, dù ít thôi, cuối cùng vẫn rơi xuống mảnh đất của tâm hồn và sinh nở thành mùa màng” [90, tr.146].

Hay thông qua hình ảnh Bạch Mã một thời huy hoàng và một Bạch Mã phế tích, hoang tàn để ông triết lý về sự còn mất, sự đổi thay, thăng trầm của thời đại:

“Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này. Bạch Mã như là một thành phố ảo ảnh trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ” [90, tr.233].

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thông qua việc xây dựng một hệ thống từ ngữ có tính chặt chẽ, hàm súc, trí tuệ nhưng vẫn rất mềm mại để truyền tải những triết lý, suy nghiệm sâu sắc của mình. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống từ ngữ được ông sử dụng, chúng ta có thể thấy ông sử dụng với tần suất khá nhiều kiểu kết

cấu câu định nghĩa: A là B. Ví dụ như: “Ý thức cội nguồn, chân lý lịch sử và

lòng biết ơn tổ tiên đã truyền đạt qua những di tích, di vật nhìn thấy được là một niềm hạnh phúc vô hạn nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý nơi mỗi người”

[92, tr.20]; “Các di tích là trí nhớ của cộng đồng…” [92, tr.22]; “Ham chơi là

cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới…” [92, tr.63]; “Đồ chơi trẻ con, đó là nỗi vui mừng khi có được trong tay, và còn là nỗi tiếc nuối khi bỗng dưng bị mất nó; hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người” [92,

tr.116]… Kiểu câu văn dài cũng được sử dụng với mật độ cao (như chúng tôi đã khảo sát ở phần trên) đã giúp chuyên chở những ý tưởng phức hợp và biểu đạt nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Đồng thời, ông cũng phát huy việc sử dụng các biểu tượng để biểu đạt nhiều ý nghĩa sâu sắc như: lửa, tiếng chim, dòng sông… Hình ảnh ngọn lửa khi bùng cháy mạnh mẽ như ngọn lửa tự thiêu cháy mình của

người cán bộ cách mạng (Miếng trầu đỏ), khi ấm áp như bếp than hồng của mẹ E (Tại sao Tổ quốc là mẹ), khi điềm tĩnh như cây đèn nhỏ của người chiến sĩ trong rừng thẳm (Bản di chúc cỏ lau), khi nhỏ bé như cây đèn dầu của người mẹ làng Trà (Miếng trầu đỏ)… nhưng đều là biểu trưng cho lòng yêu nước cháy

bỏng và khát vọng sống mãnh liệt của con người Việt. Biểu tượng trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường thường gặp là những biểu tượng đa nghĩa. Cũng là tiếng chim đồng vọng, khắc khoải nhưng lại mang những ý nghĩa không giống

nhau. Tiếng chim gõ kiến tượng trưng cho dòng thời gian đều đều (Đời rừng);

chim bách thanh là hình ảnh của những thói học đòi đến mức đánh mất chính

mình (Chim bách thanh); chim cuốc là biểu tượng tình yêu chung tình (Bước

tới Đèo Ngang); tiếng chim ca cút như tiếng vọng hồn thiêng đất nước, biểu

tượng cho lòng yêu nước bất diệt (Châu thổ ngàn năm, Đất nước, Đánh giặc

trên hàng rào điện tử). Hay hình ảnh dòng sông trong ký Hoàng Phủ Ngọc

Tường có khi là biểu tượng cho “dòng sông – đời người”, có lúc lại hiện thân cho sự vô thường, biến dịch của cuộc đời... Việc sử dụng biểu tượng đã góp phần tạo nên tính triết lý, hàm súc cho ngôn từ ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật ký Hoàng Phủ Ngọc Tường (Trang 83 - 86)