Nhân vật cái tôi tác giả

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật ký Hoàng Phủ Ngọc Tường (Trang 55 - 61)

2.1.3.1 .Thiên nhiên hòa hợp với con người

2.2.1.Nhân vật cái tôi tác giả

2.2. Thế giới nhân vật

2.2.1.Nhân vật cái tôi tác giả

“Nếu đọc truyện thường là người ta quên sự có mặt của tác giả; thì khi đọc ký, người ta luôn luôn thấy vai trò của tác giả” [9, tr.36]. Phạm trù tác giả

gắn liền với ý thức về chủ thể sáng tạo, với phong cách cá nhân và sự độc đáo của cái thế giới nghệ thuật mà tác phẩm tạo ra trong sự cảm thụ của người đọc. Cái tôi tác giả hay còn gọi là hình tượng tác giả, theo lý thuyết thi pháp học hiện đại là “sự nhập thân của ý thức người sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật”. Với các thể loại khác như kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, người đọc muốn biết thái độ tác giả phải xuyên qua hệ thống nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm thì đối với ký, người đọc nắm bắt một cách trực tiếp. Với đặc trưng riêng của thể loại, ký bộc lộ trực tiếp cái tôi tác giả. Nếu cái tôi của nhà tiểu thuyết được ẩn vào trong những hình tượng nhân vật, vào cách đánh giá, cách nhìn đối với cuộc sống, được toát ra từ sự tương quan giữa nhiều cái nhìn, nhiều quan niệm, từ sự phức điệu đa thanh đặc trưng cho tiểu thuyết, và ở thơ cái tôi tác giả phải bộc lộ qua thao tác chuyển hóa thế giới nội tâm vào nhân vật trữ tình thì ở ký cái tôi tác giả là cái tôi tự biểu hiện. Bằng cái tôi đó, nhà văn đã trình bày những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống thực của nhà văn – những gì mà nhà văn đã sống, đã trải qua, đã thấy, đã cảm bằng đôi mắt, bằng trái tim, bằng sự suy nghiệm của chính bản thân mình.

Trong thể ký, cái tôi là hình thức trực tiếp của hình tượng tác giả, đồng thời vừa như một phương thức trần thuật quan trọng với tư cách chức năng nghệ thuật cái tôi đi – nghe – kể – tả – suy ngẫm – ngợi ca – phê phán – đề nghị… Chúng ta bắt gặp ở hầu như tất cả các bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường một nhân vật xưng “tôi”. “Nhân vật tôi” ấy chính là hóa thân của hình tượng tác giả, hay chính là cái tôi nhập vai của nhà văn. Thông qua đó, nhà văn bộc bạch xúc cảm, nghĩ suy của bản thân mình, đồng thời biểu lộ cá tính, cái nhìn, sự đánh giá và luận giải của ông về thế giới. Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta thấy hiện lên cuộc đời, con người của chính ông. Đó là những nơi bước chân ông đã đi qua, từ dốc cao của xứ Lạng Sơn – địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau; là mảnh đất mà ông gắn bó suốt đời – xứ Huế; là những mối quan hệ đặc biệt trong cuộc đời như tình bạn bè, tri kỷ, tình đồng chí; là những gương mặt danh nhân mà ông ngưỡng mộ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du… và bao nghệ sỹ tài danh khác; là những vấn đề lịch sử xã hội mà ông trăn trở như chiến tranh và hậu chiến tranh, thái độ đối với triều Nguyễn, văn hoá thời mở cửa, nạn tham nhũng...; là những vang động của cuộc sống thường nhật quanh ông như bão lụt, bóng đá, thi cử, những sự kiện quốc tế...; là những ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời về tuổi thơ, chuyện nghề... Con người hiện hữu bao giờ cũng có một lịch sử. Sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường hầu hết đều lấy chất liệu từ lịch sử cuộc sống của chính bản thân ông. Và nhờ thế “lịch sử tâm hồn” ở ông cũng hiện lên rõ nét qua những trang viết.

Những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có sức hấp dẫn thật đặc biệt đối với người đọc, đó là những trang ký đẹp được dẫn dắt bởi một cái tôi mê đắm, tài hoa. Nhà văn đã đi dọc chiều dài của đất nước, để lòng mình say mê với vẻ đẹp của hoa cỏ, núi sông, đất trời và con người ở những nơi ấy. Vì thế, người đọc mới được “chiêm ngưỡng” những hình ảnh nên thơ của sông Hương trong

Ai đã đặt tên cho dòng sông; vẻ đẹp của ngọn Bạch Mã mang trong mình những

dấu ấn của thời gian và sức mạnh hoang dã của tự nhiên trong Ngọn núi ảo ảnh; vẻ đẹp ảo diệu như huyền thoại của Côn Sơn trong Côn Sơn; hay có khi chỉ là vẻ

đẹp giản dị của những bông hoa ẩn mình trong tán lá vườn nhà bà An Hiên trong

sống hết mình vì lý tưởng, không sợ hiểm nguy, gian khổ trong Đánh giặc trên

hàng rào điện tử, Chế ngự cát, Vành đai trong lửa, Rất nhiều ánh lửa… Vẻ

đẹp của đất nước và con người ấy được nhìn qua “đôi mắt xanh” của Hoàng Phủ Ngọc Tường – đôi mắt của một con người yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc và dân tộc bằng một tình yêu máu thịt sâu sắc. Sự tài hoa của nhà văn còn thể hiện trên cách chọn chữ, đặt câu và xây dựng hình ảnh tài tình. Có thể nói, ông đã bằng tấm lòng và tài năng thiên phú để viết nên những trang ký đặc sắc.

Đọc ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nhận ra ông là con người có bản lĩnh văn hóa dày dặn, vốn hiểu biết xã hội sâu rộng, am hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như lịch sử, địa lý, triết học, thơ văn, âm nhạc, hội hoạ, tự nhiên học, văn hoá học. Bất cứ khi đề cập đến một vấn đề gì, ông cũng khảo cứu công phu và đưa ra những cứ liệu xác thực. Khi đề cập đến những vấn đề như lịch sử triều Nguyễn, lịch sử một vùng đất Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng… hay thậm chí những chuyện đơn giản, bình thường như cách làm cơm hến, các gia vị cho món ăn Huế… đều được ông nêu lên rất cặn kẽ, sâu sắc. Với vốn hiểu biết sâu sắc về Hán học và triết học, ông đã vận dụng để bàn về những vấn đề

như về Kinh Dịch (Quẻ Vị tế, Quẻ càn, Qua bài thơ Vịnh Tam Tài của Trần

Cao Vân thử tìm quẻ Nhân trong Kinh Dịch), thơ văn trung đại (Lý tưởng anh hùng trong thơ Việt Nam thời Nguyễn sơ), lịch sử và tư tưởng (Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế, Nguyễn Huệ với chiến lược con người, Thành kính tưởng niệm Trần Cao Vân…), về nghệ thuật hiện đại và đương đại (7 chữ cái Điềm Phùng Thị, Bùi Giáng trong tôi, Đồng dao Nguyễn Trọng Tạo, Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé…), về việc dạy và học từ xưa

tới nay (Thầy Đào Duy Từ, Bài học vỡ lòng...)… Chính vốn tri thức uyên bác

và bản lĩnh văn hóa đã giúp nhà văn có những tiếp cận mới và bất ngờ về thế giới, nhiều khi đã phá vỡ những lối mòn trong nhận thức. Ông không chỉ đưa đến cho người đọc lượng thông tin phong phú và tri thức khoa học về đối tượng phản ánh, ông còn biết cách sử dụng những lý giải, tiếp cận mới mẻ để tạo nên

sự cuốn hút, hấp dẫn. Trong Mượn đá để ngồi, ông đã có những lý giải khác biệt

nhưng hay và sâu sắc về tư tưởng của Nguyễn Trãi khi lui về ở ẩn chốn rừng núi Côn Sơn, đó không phải để lánh xa quan trường, giữ mình tiết trong giá sạch như

lí giải của nhiều người mà là để “trở về với căn nhà vũ trụ”, nơi đưa đến cho ông “một tầm nhìn mới khi đối diện với lịch sử, với cuộc sống và với bản thân

mình” [94, tr.185], để ông có thể “sống cái quyền tối ưu mà không một quyền lực vua chúa nào có thể ban cho hoặc tước đi của người dân: quyền được chia đều giữa con người và một vầng trời lồng lộng đội trên đầu” [94, tr.187]. Trong

rất nhiều quẻ của Kinh Dịch, ông đã lựa chọn quẻ Vị Tế để giúp người đọc mường tượng được cuộc hành trình nhân gian đầy bất trắc, con người luôn phải nỗ lực hết mình để vượt lên. Hay, từ văn hóa “chơi”, ông cho người đọc hiểu về một cách sống đạt đạo của con người Việt; từ chuyện cơm hến để tôn vinh những con người bình dị, vô danh nhưng lặng lẽ và nhẫn nại trong việc giữ gìn nét bản sắc của văn hóa Huế; từ hình ảnh núi Dục Thúy để liên hệ đến việc lưu danh kim cổ của con người… Có thể nói, đằng sau những hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học… thể hiện trên trang viết là sự tinh nhạy trong việc nắm bắt, phát hiện vấn đề, nêu ý tưởng. Đằng sau tri thức đưa đến cho người đọc là tư tưởng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của nhà văn, là một bản lĩnh văn hóa và một cách sống đạt đạo của chủ thể sáng tạo.

Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể nhận thấy một cái tôi nhập thế sôi nổi và đầy trách nhiệm. Trước khi ngã bệnh, ông hăm hở đi và viết về những gì ông đã gặp, đã thấy, đã trải nghiệm. Sau khi ngã bệnh, ông vẫn không quỵ ngã, tiếp tục những “cuộc du lịch nội tâm”, lắng nghe từng hơi thở của cuộc sống đương đại để tiếp tục viết và cống hiến cho đời những trang ký đặc sắc. Đặc biệt ở những bài viết về thế sự chúng ta thấy một Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn trăn trở với đời. Ông băn khoăn, lo lắng cho văn hóa dân tộc trong thời mở cửa, cho bài toán giáo dục thế hệ trẻ của đất nước, đau đáu với những vấn nạn như tham nhũng, phá hoại môi trường, môi sinh, không yên trước mỗi cơn lũ tràn về… Những bài viết về thế sự của ông đã đem lại cho người đọc cái nhìn tỉnh táo và khách quan về hiện thực cuộc sống đương đại, đồng thời qua đó, hiểu rõ hơn về một con người luôn yêu đời, lạc quan với ngòi bút “trẻ mãi”.

Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc còn nhận ra một cái tôi mang nhiều nỗi niềm, nhiều khi đắm chìm trong thế giới riêng của hoài niệm và nỗi buồn, cô đơn. Là một nghệ sĩ luôn hướng về cuộc đời, nhưng ông cũng là con

người hướng nội, không tránh khỏi những lúc rơi vào nỗi sầu buồn, cô đơn. Chính những giây phút ấy lại cho người đọc hiểu đúng hơn về con người thực của nhà văn. Con người nếu không trải qua nỗi buồn, cô đơn thì có lẽ sẽ không viết nổi những trang ký thấm thía vị đời đến thế. Nhà văn hay vẽ mình bằng thơ hơn là bằng văn xuôi:

Vẽ tôi một nét môi cười

Một dòng nước mắt, một đời phù du

Trong ký, “nét môi cười” và “nước mắt” của nhà văn không bộc lộ nhiều và trực tiếp như thơ nhưng đủ để người đọc nhận diện “khuôn mặt tâm hồn” của nhà văn. Thi thoảng ta lại bắt gặp trên trang ký một hình ảnh Hoàng Phủ Ngọc

Tường lặng lẽ, ưu tư: “tôi trải qua một mùa đông xứ Huế rất dài, suốt ngày lặng

lẽ trước bàn viết, với vầng sáng đèn vàng trên trang giấy, bên ngoài triền miên mưa dầm gió bấc. Mùa đông ở Huế, tôi thấy dường như mình không còn tương quan gì với thế giới” [92, tr.165]. Có những lúc nhà văn cô đơn đến độ thèm một

tiếng gõ cửa nhưng đáp lại chỉ là tiếng gió: “tôi ngồi viết ở phòng sau, cứ nghe

tiếng người ta gọi tên mình ở trước cửa. Giờ này hai đứa bé đều đi học, căn nhà trở nên hiu quạnh lạ lùng, tôi thường mong có bạn đến chơi. Nghe tiếng gọi ngoài cửa tôi mừng quá, đặt bút chạy ra mở cửa. Hóa ra chỉ là tiếng gió thổi, mấy chiếc lá khô theo cơn gió chạy dài dọc hành lang” [96, tr.55]. Trước dòng

sử thi buồn – sông Hương, ông cảm nhận thật sâu nỗi buồn tận đáy linh hồn mình, quằn quại trong một cơn mê để thấy lại những bóng hình của quá khứ như

tìm niềm an ủi cho tâm hồn: “tôi sục sạo khắp rừng, tìm ăn những bọt nước

trắng như tuyết nơi những ghềnh đá, gặp lại những tiên nữ của sông A Pàng trong huyền niệm của già Kon Lai và tôi quỳ hôn những bông hoa thạch thảo hồng tươi như tuổi trẻ kiêu hãnh của Hát” và nhận ra “con người rồi ai cũng như ai, phải đi hết buồn vui của cuộc đời, chỉ khác nhau một chữ thôi, chữ Hoài” [89, tr.249]. Chữ “hoài” đã xuyên suốt trong những tập ký của ông. Hoài

niệm về chiến tranh, về tuổi ấu thơ, về những gì đã qua trong cuộc sống đã khiến nhà văn cầm bút để viết nên những trang ký hay và đẹp đến thế. Ta bắt gặp một cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy ưu tư và luyến tiếc hình bóng của quá khứ đẹp lung linh như một giấc mơ về thiên đường tuổi thơ đã mất đi, không bao giờ

trở lại trong: Con gà đất của tôi, Thời thơ ấu xanh biếc, Rừng tuổi dại, Những

thiên thể chiếu sáng trong tôi… Tuổi thơ để lại những ám ảnh khôn nguôi trong

lòng tác giả như “những con gà đất lần lượt vỡ dọc theo tuổi thơ mãi để lại

trong tôi một nỗi gì sâu thẳm, giống như một linh hồn” [92, tr.116]. Có lẽ vì thế,

trong nỗi nhớ tuổi ấu thơ, ông đã tự nhận mình là “một người hát dạo lẻ loi, bụi

bặm trên hè phố bây giờ, với cây đàn cũ trên tay, ngậm ngùi với điệu hát Lý Chuồn Chuồn” [90, tr.87]. Hay nỗi nhớ về một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết và lý

tưởng của nhà văn qua bức chân dung những sinh viên yêu nước xuống đường

chống Mỹ - ngụy trong Hành lang của người và gió, Tuyệt tình cốc… Hoài

niệm tạo nên một nét đẹp buồn nhưng lắng sâu trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Là người luôn hướng đến chiều sâu tâm linh, cái tôi tác giả nhiều khi đắm chìm trong những ưu tư về số phận, sự sống – chết. Dường như, trong tâm thức

của ông luôn ám ảnh bởi số phận mong manh của con người trong “sự tàn phá

lặng lẽ của số phận” [90, tr.134] và sự đổi thay phút chốc của cuộc đời “biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào” [90,

tr.233]. Vốn là người luôn hướng về cuộc đời, nhưng không khỏi có những lúc

ông rơi vào “cảm giác hư vô vẫn dằng dặc trong tôi suốt những ngày lang thang

cùng Bạch Mã” [90, tr.221] hay lạc bước trong “chân trời vô định” [97, tr.31].

Bởi trong ý niệm của ông, nơi trần thế là “cát bụi”, là “thế giới phù hư” mà nhà văn đã “lưu lạc quá lâu” [90, tr.32]. Chính vì vậy, ông hướng đến sự vĩnh hằng

như một cứu cánh. Với ông, khát vọng về sự vĩnh hằng đối lập với sự nghiệt ngã

của số phận trên trần gian: “qua cát bụi đi hoài mỏi chân, ý niệm kia đã đâm

chồi nảy lộc trong tâm thức tôi thành nỗi khát khao về Vĩnh hằng. Nó làm tôi quặn lòng, chừng nào cái nhìn buồn bã của tôi còn quay về phía những bãi biển – nương dâu mênh mông nơi trần thế” [90, tr.186]. Ở đây, có thể thấy ảnh

hưởng sâu sắc của tư tưởng Phật giáo đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông viết về những khoảnh khắc phiêu du của linh hồn trong một giấc mơ kỳ lạ nhưng đầy

ám ảnh: “con dế linh hồn của tôi đã lang thang trên những dòng suối Hi Lạp đã

cạn khô” [90, tr.35]. Niềm tin vào kiếp trước và sự tái sinh ẩn trong những hình

giấc mộng tiền thân, tuồng như con người đã quên đi từ lâu” [90, tr.191]; “chiếc hôn sâu thẳm tận tiền kiếp” [90, tr.230]; chim phượng hoàng đã “tái sinh trên tro xương của mình’” [97, tr.130]… Ở ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, không hiếm

những khi chúng ta bắt gặp nhà văn nhắc tới “cái tâm rỗng không” [97, tr.195] hay “lòng rỗng không vì đã quên hết chuyện đời” [95, tr.133]. Hình như, sau

những mệt mỏi của đường đời, ông muốn tìm kiếm sự an ủi trong sự thanh thản

của đạo Phật, nên mới có những phút giây lắng lại: “Từ ngôi nhà bước ra, bao

nhiêu ham muốn vật chất đã lắng xuống trong tôi, khiến tôi nhẹ thênh như biến thành một chiếc lá ngô đồng” [97, tr.33]. Ông tin vào quy luật biển dâu, nhưng

ông cũng luôn giữ cho mình một niềm tin lạc quan của đạo Phật khi “ngộ” được

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật ký Hoàng Phủ Ngọc Tường (Trang 55 - 61)