Nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh công ty cổ phần may meko tp cần thơ (Trang 76 - 78)

Ban Giám đốc và lãnh đạo công ty có năng lực trình độ quản lý khá cao. Công ty đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may. Công ty đã mạnh dạn đi đầu trong công tác cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất, áp dụng phương pháp quản lý khoa học hiện đại để đạt được hiệu quả ngày càng cao. Vì công ty hiểu rằng một cơ cấu nhân sự được bố trí linh hoạt, hợp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Công ty luôn tuyển dụng, đào tạo, đề bạt các cán bộ công nhân viên có năng lực, điều chuyển thay thế kịp thời các cán bộ không theo kịp với yêu cầu và bổ sung cán bộ trẻ, có năng lực, có bản lĩnh. Công ty thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tay nghề và các khóa huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên. Lao động làm việc tại công ty được xếp lương theo ngạch, bậc, mức lương căn cứ vào trình độ, tính chất công việc và mức độ hoàn thiện nhiệm vụ. Đi kèm với chính sách tiền lương là chế độ khen thưởng kịp thời dựa vào mức độ hoàn thành công việc.

Có 2 loại lao động mà công ty đang có:

- Lao động gián tiếp: là những người làm việc ở các bộ phận thuộc các phòng ban như: các cấp quản lý, nhân viên văn phòng, nhân viên thu mua nguyên liệu…

- Lao động trực tiếp: đối với lao động trực tiếp thì công ty trả lương theo sản phẩm làm ra.

Bảng 4.3: Tình hình lao động của Công ty CP May Meko đến tháng 6/2014

Chỉ tiêu Người % Giới tính Nam 384 13,99 Nữ 2.361 86,01 Trình độ Đai học 119 4,30 Cao đẳng 128 4,70 Trung cấp 155 5,60 Phổ thông 2.343 85,40 Tổng 2.745 100,0

Nguồn: Phòng nhân sự hành chính Công ty CP May Meko

Về cơ cấu lao động

Tính đến tháng 6/2014 công ty có 2.745 lao động, trong đó lao động nữ là 2.361 người, chiếm khoảng 86,01% và số lao động nam là 384 người, chiếm khoảng 13,99%. Sự chênh lệch lớn giữa số lượng nhân viên nam và nữ là do đặc thù tính chất của ngành may mặc nên đòi hỏi cần có sự khéo léo và tỉ mỉ trong công việc. Ngoài mặt tích cực thì sử dụng lao động nữ cũng bất lợi là do lao động nữ có thể nghỉ trong giai đoạn thai sản nên ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và kết quả kinh doanh.

Về trình độ trình độ học vấn

Trình độ nhân lực của công ty phân bổ không đồng đều, lao động phổ thông chiếm số lượng nhiều hơn là nhân viên có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong tổng số 2.745 nhân viên có 119 nhân viên tốt nghiệp đại học, chiếm 4,30% nhân viên công ty. Đây là số lao động có trình độ cao, được đào tạo tại các trường đại học nên họ sẽ có được chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt do đó các nhân viên này được bố trí làm việc tại các vị trí quản trị cấp trung chủ chốt trong công ty. Số nhân viên tốt nghiệp cao đẳng có 128 người chiếm 4,43% trong tổng số nhân viên, có 155 nhân viên tốt nghiệp trung cấp chiếm 5,60% tổng số nhân viên. Các nhân viên này có những kiến thức cơ bản từ quá trình đào tạo tại nhà trường nhưng không được đào tạo chuyên sâu về tầm nhìn chiến lược nên họ sẽ đảm nhận vai trò quản trị cấp cơ sở như: tổ trưởng, đội trưởng với nhiệm vụ quản lý, thúc đẩy quá trình sản xuất, động viên nhân viên cấp dưới làm việc nhanh chóng và hiệu quả. Còn lại 85,40% tương ứng với 2.343 lao động có trình độ lao động phổ thông. Đây là lực lượng có trình độ thấp, họ chủ yếu là những công nhân làm việc ở các phân xưởng, xử lý nguyên vật liệu hay bộ phận lao động trực tiếp của công ty. Do đặc điểm của ngành may chủ yếu chỉ chú trọng vào tay nghề nên trình độ lao động không cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh vì hầu hết các công nhân trong công ty đều là những người có tay nghề cao. Tuy nhiên, để có thể sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị với khoa học công nghệ hiện đại thì công ty phải đào tạo công nhân có trình độ cao hơn.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh công ty cổ phần may meko tp cần thơ (Trang 76 - 78)