Phong trào đấu tranh của các dân tộc thiểu số dâng cao

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 134 - 167)

7. Bố cục luận văn

3.1.4. Phong trào đấu tranh của các dân tộc thiểu số dâng cao

Bên cạnh những tác động tích cực, chính sách dân tộc của vua Minh Mạng còn đưa đến những kết quả không như mong đợi, ngược với ý muốn của người đề ra nó. Đó chính là sự phản kháng của các dân tộc thiểu số đối với triều đình nhà Nguyễn. Tùy vào tính chất, mức độ của các chính sách mà các sắc dân thiểu số có những phản ứng khác nhau. Nhẹ thì bỏ trốn vào rừng, không chịu đóng thuế, không chịu sự cai trị của lưu quan. Nghiêm trọng hơn là họ nổi dậy đấu tranh chống lại triều Nguyễn.

Sử triều Nguyễn cũng ghi nhận có rất nhiều cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung chống lại triều đình (triều Nguyễn thường gọi những cuộc đấu tranh này là “nổi loạn”). Trong đó, có các cuộc đấu tranh nổi tiếng như: cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương ở Thanh Hóa, cuộc đấu tranh của nhân dân Đá Vách (Tây Quảng Ngãi), sự tham gia của người Chăm (Bình Thuận) trong cuộc khởi nghĩa

Lê Văn Khôi, sự tham gia của người Mường trong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành… Có thể điểm qua các cuộc đấu tranh này để hiểu thêm hoàn cảnh và ý nghĩa của chúng.

Khởi nghĩa Lê Duy Lương (1833 - 1838)

Khởi nghĩa Lê Duy Lương vào bùng nổ năm 1833 nhưng đã có mầm mống từ năm 1816, sau cái chết của Lê Duy Hoán (là cha của Lê Duy Lương. Theo Thực lục: “khi Hoán bị giết, Lê Duy Lương mới lên 3 tuổi, được các thủ hạ cất giấu, cùng với anh em họ Quách ở Sơn Âm chứa chấp nuôi nấng”) [46, tr.186].

Khoảng đầu năm 1832, Lê Duy Lương - bấy giờ đã 20 tuổi - cùng các lang đạo họ Quách lôi kéo binh lính đóng ở đồn Ninh Thiện nổi dậy. Đầu năm 1833, các thủ lĩnh họ Quách và nghĩa quân tôn Lê Duy Lương làm minh chủ.

Lực lượng tham gia đông đảo nhất trong khởi nghĩa Lê Duy Lương là đồng bào Mường ở Thanh Hóa và Hòa Bình. Sử triều Nguyễn ghi lại: “bọn giặc ấy 10 phần thì 8 phần mặc quần áo xanh, nói tiếng y (Đỗ Đình Nguyễn - 1 nghĩa quân bị triều đình bắt) không hiểu là tiếng gì, có lẽ là người mán Sơn Âm, Lạc Thổ, tay cầm súng điểu thương, lưng đeo dao ngắn; một phần mặc quần áo xanh trắng lẫn lộn, có lúc nói tiếng Mán, có lúc nói tiếng Kinh, mặt gầy đen, có lẽ là người Thổ thượng bạn, huyện Mỹ Lương đều cầm gươm súng” [46, tr.187]. Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương còn có sự tham gia của những nông dân nghèo đói lưu vong từ các tỉnh đồng bằng kéo đến và tù phạm vượt ngục. Bộ phận này chiếm khoảng 1/3 lực lượng nghĩa quân.

Nghĩa quân Lê Duy Lương liên kết với nhiều cuộc khởi nghĩa khác ở trung du, ở Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và vùng Nghệ - Tĩnh. Trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, nhiều thủ lĩnh ở các tỉnh đồng bằng đã ngầm liên lạc với các thủ lĩnh họ Quách, họ Đinh, thậm chí đã chuẩn bị một kế hoạch khởi sự đồng loạt vào ngày 23 tháng 2 âm lịch (năm 1833). Nhiều bản tâu đã sớm phát hiện kế hoạch này.

Về danh nghĩa, cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương do con cháu nhà Lê đứng đầu với khẩu hiệu “phù Lê”, nhưng về thực chất đây là “một cuộc đấu tranh rộng lớn của đồng bào Mường liên kết với nông dân nghèo đói và các tầng lớp khác ở miền xuôi chống lại ách thống trị và bóc lột hà khắc của triều Nguyễn” [46, tr.193]. Trên thực tế, cuộc khởi nghĩa này diễn ra dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các lang đạo họ Quách, họ

Đinh. Chúng ta có thể thấy rõ hơn điều này qua diễn biến của cuộc khởi nghĩa. Về diễn biến, cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương gồm hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (1832 - 1833): Trải qua một thời gian dài chuẩn bị, cuộc khởi nghĩa được mở đầu với cuộc binh biến ở đồn Ninh Thiện (thuộc Nghệ An) vào tháng 2 năm Nhâm Thìn (1832). Khoảng thời gian ấy, ở phủ Trấn Ninh có hai viên chỉ huy là Trần Tứ và Đỗ Bảo cũng theo tờ thư của Lê Duy Lương, hô hào quân các đội giết chết chánh đội Đỗ Trọng Thai và 8 người lính, đoạt khí giới, rồi theo đường núi Kỳ Sơn, Hội Nguyên mà đi ra Bắc. Dọc đường bị tổng đốc An Tĩnh Tạ Quang Cự sai quân chặn bắt được và cả hai đều phải tội lăng trì.

Sau hai vụ khởi binh này, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho các địa phương gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn Tây phải “phòng triệt cho nghiêm” [61, tr.194]. Vì bị theo dõi nghiêm ngặt nên mãi đến tháng 3 năm sau (năm 1833), cuộc nổi dậy mới chính thức bùng nổ với trận đánh chiếm đồn Chi Nê (nay thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Nhờ Lê Duy Nhiên đi liên hệ từ trước nên cùng thời gian này, các lang đạo họ Đinh (Đinh Thế Giáp, Đinh Thế Đức, Đinh Công Trịnh…) ở Thạch Bi (thuộc Hòa Bình) cùng Ba Nhàn - Tiền Bột ở Sơn Tây, mang khoảng 3000 quân đến hiệp lực, rồi chia nhau đi đánh phá các nơi. Sau đó, quân nổi dậy (đa phần là người Mường ở ba huyện là Lạc Hóa, Phụng Hóa, An Hóa cùng lưu dân nghèo đến từ vùng đồng bằng Bắc Bộ), đã chiếm giữ được ba châu huyện là Lạc Thổ, Phụng Hóa, Yên Hóa, và bao vây thành trấn Hưng Hóa.

Việc tâu lên, vua Minh Mạng liền phái tổng đốc An Tĩnh Tạ Quang Cự cùng tham tán Hoàng Đăng Thận mang 2.000 biền binh, 5 con voi đến Ninh Bình. Nhà vua lại cử thêm các tướng gồm: hộ phủ Thanh Hóa Nguyễn Đăng Giai, lãnh binh Hưng Hóa Phạm Văn Điển, phó lãnh binh Nam Định Lương Văn Liễu, thủy sư Hà Nội Nguyễn Văn Quyền, tức tốc mang quân thủy bộ do mình coi quản tới hội tiễu, rồi cùng tiến đánh giải vây và chiếm lại các nơi trên. Trước lực lượng hùng mạnh của triều đình, quân nổi dậy chống giữ không nổi đành phải bỏ các nơi chiếm được, rút về Xích Thổ và Sơn Âm.

Để tận diệt quân khởi nghĩa, tháng 4 (âm lịch) năm 1833, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Tạ Quang Cự dẫn quân đánh thẳng vào Sơn Âm. Lại bổ thống chế Nguyễn Văn Trọng lãnh chức tổng trấn Thanh Hóa, phó đô ngự sử Hà Duy Phiên

sung làm than tán quân vụ, dẫn thêm quân đến phối hợp, rồi chia ra làm nhiều mũi cùng kéo đến vây đánh Sơn Âm, nơi đặt đại bản doanh của quân nổi dậy. Trong đạo dụ của nhà vua có đoạn chỉ thị các tướng: “Bọn ngươi, Tạ Quang Cự, nên nhân đà thế thắng lợi này huy động quân tinh nhuệ của ta đến thẳng sào giặc ở Sơn Âm, cốt bắt sống bọn thủ nghịch Lê Duy Lương, Lê Duy Nhiên, Quách Tất Công, Quách Tất Tại và Quách Tất Tế, đóng củi giải về kinh hoặc giết chết, cũng cắt đầu bỏ hòm, mang về của cung khuyết, để bêu các chợ. Bè đảng, tộc thuộc của giặc cũng giết hết, không để sót lại một mống. Vợ con, của cải người xã Sơn Âm, theo như dụ trước, đều tịch thu hết để làm của thưởng” [55, tr.550].

Trước hàng vạn quân triều đình cùng voi và đại bác, các căn cứ chính của quân nổi dậy lần lượt bị phá vỡ. Sau nhiều ngày giáp chiến ác liệt, đến khoảng tháng 6 (âm lịch) cùng năm (1833), Lê Duy Lương và Lê Duy Nhiên đều bị tham tán Hoàng Đăng Thuận bắt sống. Ngay sau đó, Lê Duy Lương và Lê Duy Nhiên bị đóng cũi đưa về Huế xử lăng trì.

- Giai đoạn 2 (1836 - 1828): Mặc dù Lê Duy Lương không còn nữa, nhưng cuộc nổi dậy do ông làm “minh chủ” vẫn chưa chấm dứt. Khoảng ba năm sau (1836), các thủ lĩnh họ Quách, họ Đinh chạy thoát, lại suy tôn một người họ Lê khác tên là Lê Duy Hiển làm “minh chủ”, liên kết với các lang đạo Mường ở Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh (vùng thượng du Thanh Hóa), để tiếp tục công cuộc đang dở dang. Cuối năm đó, quân nổi dậy đánh chiếm được châu lỵ Quan Hóa là Hồi Xuân. Nhờ vậy, thế lực của quân nổi dậy nhanh chóng lan đến các vùng Lôi Dương, Thủy Nguyên, Nông Cống (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An) ở phía Nam, và Ninh Bình ở phía Bắc.

Nhận được tin đó, tháng 2 năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng phong tướng Tạ Quang Cự làm Ninh Bình kinh lược đại thần, phong tham tán Hà Duy Phiên làm phó, để cùng đem quân đến đàn áp. Cùng lúc ấy, Hà Công Kim và Đinh Kim Bảng chỉ huy một đạo quân nổi dậy đánh chiếm được châu Lang Chánh, giết chết viên tri châu là Hồ Tố Thiện. Lập tức nhà vua điều động thêm hai tướng nữa, đó là đại thần Trương Đăng Quế làm kinh lược đại sứ Thanh Hóa, để hiệp với tổng đốc mới của An Tĩnh là Phạm Văn Điển cùng mang quân đi phối hợp. Bị các đạo quân triều đình tấn công dữ dội và dồn dập ở khắp nơi, lực lượng nổi dậy phải lui dần. Ở mặt trận Ninh Bình, tướng Tạ Quang Cự phái lãnh binh Trần Hữu Lễ đem quân chặn

đường núi Thạch Bi, rồi tự mình đốc quân tiến đánh Quỳnh Côi. Vì địa hình hiểm trở, quan quân trải bao khó nhọc mới bắt được Quách Tất Công ở Thượng Lũng, Công bị tướng Cự lôi ra chém chết.

Đến năm 1838, “minh chủ” Lê Duy Hiển cùng các tướng lĩnh nghĩa quân lần lượt bị bắt giải về Huế. Cuộc đấu tranh đến lúc này mới chấm dứt hẳn. Sau khi đánh dẹp khởi nghĩa Lê Duy Lương, vua Minh Mạng cho xóa sổ xã Sơn Âm, chia hết ruộng đất cho xã khác, đồng thời đày dân làng này ra ở các xã duyên hải của tỉnh Ninh Bình để quản thúc.

Vì có chuyện Lê Duy Lương dấy binh, nên nhà vua đã truyền bắt dòng dõi nhà Lê đem đày vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cứ chia cho 15 người ở một huyện và phát cho 10 qua tiền và 2 mẫu ruộng để làm ăn. Mãi đến Tự Đức năm thứ hai (1849), nhờ lời tâu của Thái bảo Tạ Quang Cự và Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, nhà vua mới chấp thuận cho sửa sang đền miếu nhà Lê, cấp tự điền và cử người coi sóc các nơi ấy. Con cháu nhà Lê đều được tùy tiện chọn nơi yên ở.

Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương đã gây nhiều tổn thất cho triều đình nhà Nguyễn, đánh một đòn nặng vào chủ trương tập trung quyền lực, thống nhất quốc gia thời Minh Mạng trị vì.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Đá Vách

Dưới thời Gia Long, nhân dân các dân tộc ở phía Tây Quảng Ngãi thường xuyên nổi lên cướp phá, gây khó khăn cho sự cai trị của triều Nguyễn. Nhà vua nhiều lần sai quân đi đánh dẹp nhưng không ngăn được cuộc đấu tranh liên tục của nhân dân Đá Vách. Cuối đời, vua Gia Long đã cho xây dựng công trình Trường lũy để ngăn chặn sự chống phá của các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không có tác dụng về lâu dài.

Sang thời Minh Mạng, các dân tộc ở Đá Vách lại nổi dậy đấu tranh, tổ chức nhiều cuộc vây đánh các đồn bảo. Như vậy là suốt thời Gia Long và hơn 10 năm đầu của thời Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn “bất lực trong việc bình định vùng Đá Vách” [46, tr.217]. Đến năm Minh Mạng thứ 12, quân triều Nguyễn mới dẹp được “loạn Đá Vách”. Bản triều bạn nghịch liệt truyện ghi lại: “Minh Mạng năm thứ 12 (1831), bọn Mọi dữ ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Nghĩa tức là Mọi Thạch Bích

(Đá Vách) tụ đảng cướp bóc dân ở biên cảnh. Vua phái binh ở kinh đô ra tiễu trừ, bọn mọi dữ nghe tin mới giải tán” [38, tr.59].

Năm 1833, hòa chung với các cuộc đấu tranh trên cả nước, quân Đá Vách lại tràn xuống nữa. Tức giận, nhà vua hạ lệnh cho quân truy lùng “tận sào huyệt của chúng”, nhưng càng tiến sâu vào rừng núi hiểm trở, quân triều đình càng tổn thất nặng nề hơn. Trong cuộc truy quét này, Quản cơ Tĩnh Man là Đoàn Văn Đáng tử trận. Cuộc đấu tranh của nhân dân Đá Vách chống triều Nguyễn không chỉ diễn ra vào thời Gia Long, Minh Mạng mà còn tiếp tục sang cả thời Thiệu Trị và Tự Đức. Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, triều Nguyễn vẫn tỏ ra “bất lực” trong việc đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân Đá Vách. Cuộc đấu tranh liên tục của nhân dân Đá Vách “mặc dù không làm nguy hại đến nền độc lập chủ quyền quốc gia, nhưng những vụ quấy rối ấy cũng tạo nên tâm lý bất an cho vua, quan triều Nguyễn trong giai đoạn có tính chất then chốt: thời gian cần phải dốc toàn bộ trí tuệ và sức lực cho việc xây dựng và kiến thiết đất nước” [70, tr.41].

Các cuộc đấu tranh khác

Ngoài 2 cuộc đấu tranh nêu trên, các dân tộc thiểu số ở khu vực này còn liên kết với các cuộc đấu tranh lớn như khởi nghĩa Phan Bá Vành ở miền bắc và khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở phía nam.

Khởi nghĩa Phan Bá Vành diễn ra từ năm 1821 đến năm 1827. Khởi phát từ Thái Bình, sau đó lan rộng ra các tỉnh Bắc kỳ và vùng Hoan Ái thuộc Tả trực kỳ. Ngay từ giai đoạn đầu, nghĩa quân của Bá Vành đã có hơn 5000 người. Về sau, khởi nghĩa đã thu hút được sự tham gia của “3000 nghĩa quân người Mường từ thượng du Thanh Hóa kéo xuống hạ lưu sông Hồng dưới sự chỉ huy của một tướng lĩnh người Mường là Ba Hùm” [48, tr.369].

Trong cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôiở Nam kỳ, Lê Văn Khôi đã bắt liên lạc với các đầu mục người Chăm ở Bình Thuận bàn kế hoạch phối hợp nổi dậy, “vừa để ngăn chặn đường hành quân vào Gia Định của binh triều, vừa tạo điều kiện cho nghĩa quân có thể từ Phiên An mở đường đánh thốc ra Huế”. Mặt khác, thông qua những thủ lĩnh người Chăm, Lê Văn Khôi còn muốn với tay tranh thủ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các đồn bảo, tạo thành một thế trận thuận lợi cho nghĩa quân phát triển ra các tỉnh Nam trung bộ [46].

Thực tế này cũng được sử triều Nguyễn ghi lại: khi ở trong ngục, Thừa và Nguyên (hai đầu mục Chăm có liên hệ với Lê Văn Khôi) lại tiếp tục “ngầm thông tin mật với bọn Nguyễn Văn Giảng”, liên kết với các tù trưởng Tây Nguyên cùng nổi dậy, “chúng hội họp Thổ dân đồng thời làm phản, lại lôi kéo bọn Mọi kết hợp thành đảng lớn đến 4000, 5000 người đánh phá ở hai huyện Tuy Định, Tuy Phong” [46, tr.247].

Cuộc nổi dậy của dân tộc Chăm phối hợp với các dân tộc ở Tây Nguyên

diễn ra quyết liệt trên địa bàn Nam Trung Bộ trong suốt thời gian nghĩa quân Lê Văn Khôi cầm cự trong thành Phiên An, nhiều lần cắt đứt giao thông từ Huế vào Gia Định, gây nhiều tổn thất cho quan binh khi phải tiến sâu vào miền núi hiểm trở.

Như vậy, trong suốt thời gian Minh Mạng trị vì, có rất nhiều cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số ở miền Trung chống lại triều Nguyễn. Có nhiều cuộc đấu tranh với quy mô lớn, kéo dài nhiều năm và đặc biệt là sự liên kết đấu tranh của các dân tộc thiểu số ở miền Trung với các cuộc đấu tranh ở miền Bắc cũng như miền Nam. Những cuộc đấu tranh này đã gây tổn thất lớn cho triều đình nhà Nguyễn và là trở ngại lớn cho công cuộc thống nhất đất nước, ổn định xã hội dưới triều Minh Mạng.

Mặc dù xuất phát từ những dân tộc khác nhau, ở nhiều địa bàn không giống nhau nhưng những cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số ở miền Trung diễn ra dưới thời Minh Mạng đều bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Về kinh tế, triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng đều áp dụng một mức thuế cao đối với các dân tộc thiểu số. Ngoài thuế thân, họ phải đóng nhiều loại thuế khác và phải chịu lao dịch hết sức nặng nề. Sử cũ còn ghi lại: dưới triều Nguyễn, “dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi”. Hậu quả là: “dân phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng” [46, tr.220-221].

- Về chính trị, việc cai trị Thổ dân thường được triều đình giao cho các

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 134 - 167)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)