Các qui định về nhập cảnh, cư trú và chuyển đổi quốc tịch

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 98 - 100)

7. Bố cục luận văn

2.3.3.1. Các qui định về nhập cảnh, cư trú và chuyển đổi quốc tịch

Tiếp tục các chính sách đã có từ thời Gia Long, trong hơn mười năm đầu thời

Minh Mạng, người Hoa ở miền Trung được tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhập cảnh,

cư trú. Có thể thấy rõ điều này qua hai chỉ dụ sau:

- Minh Mạng năm thứ 10 (1829), vua chuẩn y lời nghị của các đình thần rằng: “Đến như người Thanh thấy nước ta đất tốt, đều muốn làm dân thì sao lại một mực cấm chỉ”. Miễn là họ có “Minh Hương và bang trưởng bảo kết vào sổ chịu sai dịch để cho có chỗ cai quản” [54, tr.884].

- Một chỉ dụ khác cũng được vua Minh Mạng ban hành nhân dịp một đoàn người Thanh trên dưới 800 người đến khai mỏ vàng ở trấn Quảng Nam, các quan địa phương xin đuổi về nước để trừ hậu họa. Nhà vua không những không chuẩn y mà còn phê rằng: “xét cái lợi nhỏ mọn về vàng mỏ, triều đình không phải không cần đến, có điều là dân nước ngoài đã nhờ đấy mà nuôi bố mẹ, vợ con, nếu họ có làm bậy thì đã có pháp luật trừng trị, có lẽ nào vì quá phòng xa mà đuổi họ đi” [18, tr.110].

Như vậy, đối với người những người Hoa mới đến, nhà vua không cấm đoán việc cư trú cũng như việc làm ăn sinh sống của họ, miễn họ có người bảo lãnh, chịu nộp thuế khóa và tuân theo pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, triều đình cũng đưa ra những qui định riêng về việc cư trú của họ.

Người Hoa dưới triều Nguyễn được chia làm hai nhóm chính: người Minh Hương và người Thanh. Người Minh Hương là những người Hoa đã sinh sống từ lâu ở Việt Nam, người Thanh là những người mới đến định cư. Để phân biệt hai nhóm dân cư này, ngay từ thời Gia Long, triều đình đã qui định tổ chức của người Minh

Hương được gọi là Minh Hương xã, và tổ chức “bang, hội” dành cho những người Thanh.

So với người Thanh, người Minh Hương được hưởng ưu đãi nhiều hơn. Họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như người Việt, được ứng tuyển các kì thi văn, thi võ và được miễn đi lính. Nhờ vậy, nhiều vị quan xuất thân từ người Minh Hương được trọng dụng và đem hết tài năng phục vụ cho đất nước. Có thể kể đến những tên tuổi như Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức, Trần Tiễn Thành, Lê Quang Định… [18, tr.109-110].

Năm 1827, để giữ gìn quan hệ hòa hảo với nhà Thanh (Trung Quốc), vua Minh Mạng đã cho đổi ý nghĩa của từ “Minh Hương”. Lịch sử cho biết, giữa thế kỉ XVII, ở Trung Quốc, nhà Thanh lên thay nhà Minh, một số cựu thần nhà Minh đã chạy sang Việt Nam lánh nạn, chờ cơ hội “phản Thanh, phục Minh”. Nhưng việc không thành, họ đã ở lại trên đất Việt Nam, trong đó có miền Trung. Do đó từ “Minh Hương” ban đầu dùng để chỉ “những người giữ gìn hương hỏa nhà Minh”[16, tr.103]. Từ năm 1827 trở đi, nó có thêm nghĩa mới là “những người Hoa đến Việt Nam từ thời Minh” [16, tr.103]. Từ đây, tất cả những văn bản hành chính dưới triều Nguyễn đều viết từ Minh Hương theo nghĩa này.

Ngoài ra, vua Minh Mạng còn qui định những người Minh Hương lấy vợ Việt thì con cái họ đẻ ra là người Việt và cấm những người này chở vợ con về nước. Ở đây cho thấy có một quá trình biến đổi: từ người Hoa thành người Minh Hương và từ người Minh Hương thành người Việt.

Như vậy, từ chỗ tạo điều kiện cho người Hoa nhập cảnh, cư trú, triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng đã từng bước thu phục, đồng hóa người Hoa, biến họ thành thành thần dân của nước Việt Nam. Đó chính là điều kiện để tiến tới thực hiện các chính sách kinh tế và các chính sách khác đối với người Hoa.

Nếu như hơn mười năm đầu trị vì, vua Minh Mạng tỏ ra ưu đãi đối với người Hoa thì gần mười năm sau, chính sách của nhà vua đối với người Hoa trở nên cứng rắn hơn. Đặc biệt từ khi cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi nổ ra có sự tham gia đông đảo của người Hoa, vua Minh Mạng đã ra lệnh xử lý nghiêm minh, kể cả các biện pháp lưu đày, quản thúc để ngăn ngừa hậu họa. Cũng từ lúc này, vua Minh Mạng có thái độ

dè dặt hơn trong việc cho người Hoa nhập cảnh cũng như đối với hoạt động thương mại của họ.

Tóm lại, đối với người Hoa ở miền Trung, vua Minh Mạng tỏ ra ưu đãi đối với những người muốn thật lòng làm ăn sinh sống ở Việt Nam và kiên quyết chống lại những phần tử làm nguy hại đến an ninh quốc gia, chống lại vương triều Nguyễn.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)