Thiên nhiên và dân cư

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 60 - 62)

7. Bố cục luận văn

2.1.1. Thiên nhiên và dân cư

 Thiên nhiên

Thiên nhiên miền Trung khá đa dạng, ở phía Đông, tất cả các tỉnh miền Trung

đều giáp biển, đồng bằng nhỏ hẹp, ăn sát ra biển; ở phía Tây, các dãy núi chạy dài từ bắc xuống nam, ở miền thượng du Bình Định đến Bình Thuận là vùng cao nguyên rộng lớn, nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Khu vực miền Trung có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm này làm cho khu vực này mưa ít, nắng nhiều, thường bị ảnh hưởng của lũ lụt, hạn hán. Đất đai của vùng này cũng ít màu mỡ hơn so với những vùng đất khác. Mặc dù ở cao nguyên miền Trung có vùng đất đỏ badan nhưng vào đầu thời Nguyễn, nó chưa được khai thác để trồng trọt. Tuy nhiên, khí hậu nhiệt đới đem lại cho miền Trung nhiều khu rừng phong phú cả về thực vật, động vật và dưới lòng đất nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị lớn.

Về thực vật, rừng miền Trung có nhiều loại gỗ quý như lim, lát, sến, táu, chọ, gụ biển, kiền kiền, kim giao, pơmu, bách xanh, gụ mật, giáng hương,..[68, tr.429]. Những loại gỗ này được sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc ở kinh đô Huế và dinh thự ở các tỉnh. Rừng Quảng Ngãi, Bình Định có nhiều cây dược liệu quý như: sa nhân, hà thủ ô, sâm, thổ phục linh… [69, tr.429]. Trong đó, đặc biệt có quế, là đặc sản nổi tiếng, tập trung ở Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Về động vật, rừng miền Trung có những động vật như voi, hổ, báo, hươu nai, tê giác, công, đại bàng, gà lôi, bìm bịp, đặc biệt là chim yến (ở các đảo ở ven biển) [69, tr.429].

Vùng đất miền Trung cũng là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú như: crôm, sắt, đá vôi, đất sét, cát thủy tinh,…Ngoài ra còn có thiếc, vàng, chì, kẽm, các loại đá ngọc, đá quý,…[69, tr.429].

Những nguồn lợi từ thực vật, động vật và tài nguyên khoáng sản sớm được các nhà nước phong kiến khai thác, tận dụng một cách triệt để và triều Nguyễn cũng không là ngoại lệ. Có thể thấy rõ hơn điều này trong chính sách kinh tế của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung.

 Dân cư

Khu vực miền Trung là nơi cư trú của nhiều thành phần dân tộc khác nhau.

Trong đó, dân tộc Kinh chủ yếu cư trú ở vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông (trừ người Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận). Còn ở vùng rừng núi phía Tây và thượng du là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số [14], [69], [76].

Miền núi phía Tây Thanh Hóa - Nghệ An là nơi cư trú của người Mường, người Thái. Các tộc người theo ngôn ngữ Cơtu - Bru cư trú chủ yếu ở vùng núi Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ở vùng thượng du có các dân tộc Bana,

Xơđăng, Giẻ-triêng, Brâu, Ê đê, Giarai, Mnông, Mạ, Cơho [69, tr.130]. Trong khi đó, người Chăm (hậu duệ của nước Chiêm Thành) thì cư trú chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận, một số rút lên vùng cao nguyên, số khác lại di cư sang miền Tây và đất Chân Lạp [39].

Ngoài ra, còn một dân tộc khác cũng sớm gia nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam là tộc người Hoa. Đến thế kỉ XIX, người Hoa hầu như đã có mặt ở cả ba miền của Việt Nam. Ở miền Trung, người Hoa cư trú chủ yếu ở Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà, Bao Vinh (Thừa Thiên Huế) và rải rác ở các nơi khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…[18].

Tuy cùng cư trú trên cùng một vùng đất nhưng mỗi tộc người thiểu số có những hoạt động kinh tế và văn hóa riêng, đa dạng và phong phú.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)