Những chính sách về văn hóa xã hội

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 103 - 107)

7. Bố cục luận văn

2.3.3.3. Những chính sách về văn hóa xã hội

Mặc dù có sự khác nhau cơ bản về phong tục, tập quán, tiếng nói, y phục nhưng theo quan niệm “đồng văn” nên các vua triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng thường dễ dãi đối với người Hoa trong những hoạt động “Nho, Y, Lí, Số” cho đến các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, bang hội.

Không chỉ cho phép những người Minh Hương đang cư ngụ ở miền Trung được xây dựng đền miếu, nhà vua còn đến viếng thăm và cho tiền các đền miếu này. Sách Đại Nam thực lụcđã ghi:

Minh Mạng năm thứ 6 (1825), “xa giá đến phố Hội An… Qua đền Quan Công cho 300 lạng bạc; qua đền Thiên Phi cho 100 lạng bạc; qua xã Hải Châu Chính, cho chùa mới làm của dân ấy (người Minh Hương) đổi tên làm chùa Phúc Hải, sắc cho dinh thần làm biển ngạch cấp cho” [54, tr.428].

Đối với người Thanh sống trong các bang hội, vua Minh Mạng cũng cho phép họ được sinh hoạt theo quy chế của bang hội. Các bang trưởng, hội trưởng chịu trách nhiệm về các thành viên trong bang hội của mình. Chỉ có họ mới chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những trường hợp có động cơ chính trị hoặc có âm mưu chống lại triều đình trung ương thì không thể không bị trừng trị.

Bên cạnh những chính sách dễ dãi như trên, vua Minh Mạng cũng ban hành những chính sách mang tính chất đồng hóa như qui định người Hoa sinh sống ở Việt Nam, lấy vợ Việt thì con cái sinh ra là người Việt; cấm người Thanh không được bện tóc đuôi sam. Đặc biệt là lệnh cấm chở trộm phụ nữ về nước. Sách Đại Nam thực lục

ghi lại:

“Trước kia người Thanh là Đặng Phúc Hưng buôn ở Quảng Nam, lấy người con gái ở phố Hội An làm vợ, ngày về chở trộm người vợ về nước. Việc phát giác, giao xuống bộ Hình bàn, xin chiếu lệ đem người và quân khí ra ngoài địa giới và ra biển, giảm một bậc mà xử tội. Phúc Hưng thì phát đi sung quân ở biên viễn, người vợ thì phát làm nô ở chỗ nhất định”. Nhân đó, đình thần xin vua Minh Mạng lập rõ điều cấm: “Phàm người Thanh đến ngụ ở nước ta, ở phố làm dân, đã đăng vào sổ hàng bang, thì mới được cùng dân lấy vợ lấy chồng, bất kì đến buôn bán thì đều cấm không cho như thế. Làm trái thì đàn ông đàn bà đều bị mãn trượng, và phải ly dị; người chủ hôn đồng tội, người mối lái, người bang trưởng và người láng giềng đều tội giảm một bậc. Quan địa phương biết mà cố ý dung túng thì giáng 1 cấp, đổi đi nơi khác. Nếu nhân thế mà chở đem về nước Thanh thì người đàn ông phát sung quân nơi biên viễn, người đàn bà phát làm nô ở chỗ nhất định, chủ hôn giảm một bậc, người mối, bang trưởng, láng giềng đều tội mãn trượng. Quan địa phương cố ý dung túng, tấn thủ không xét hỏi ra thì quan giáng 4 cấp đổi đi, lính trượng 90, có hối lộ mà dung túng thì kể tang mà trị theo luật nặng” [54, tr.906].

Như vậy, đối với những người Hoa phạm tội thì không những họ bị phạt tội mà cả bang trưởng, các quan địa phương, thậm chí cả láng giềng cũng bị pháp luật xử nặng. Những hình phạt này không chỉ răn đe người Hoa vi phạm pháp luật mà còn ngăn chặn xu hướng “Hán hóa” (duy trì văn hóa của người Hoa trên đất Việt). Điều này cũng nằm trong chủ trương đồng hóa các dân tộc thiểu số của vua Minh Mạng đối với người Hoa nói riêng và các dân tộc thiểu số ở miền Trung nói chung.

Như vậy, đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung, chính sách của vua Minh Mạng thiên về phủ dụ là chính, chủ yếu là vỗ về, yên ủi các dân tộc thiểu số, hết sức hạn chế những biện pháp quân sự.

So với các dân tộc thiểu số ở phía Bắc và phía Nam, chính sách của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có không ít những điểm khác biệt.

Về mặt tương đồng, vì cùng nằm trong chủ trương thống nhất quốc gia, tập trung quyền lực nên ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, chính sách chủ yếu của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số là phủ dụ, lôi kéo các tù trưởng và thổ dân qui phục triều đình, tập trung quyền quản lý các dân tộc thiểu số vào tay chính quyền trung ương và từng bước đồng hóa các dân tộc thiểu số để họ ngày càng “tiêm nhiễm văn hóa của của người Kinh”.

Về mặt khác biệt, như chúng ta đã biết mỗi dân tộc khác nhau đều có những đặc điểm về văn hóa - xã hội khác nhau, các dân tộc cư trú ở những khu vực không giống nhau thì điểm khác biệt này càng lớn. Đó chính là lí do khiến vua Minh Mạng thi hành một số chính sách không giống nhau ở cả 3 miền.

So với thời Gia Long và các triều đại trước đó, chính sách dân tộc của vua Minh Mạng nói chung, chính sách đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung nói riêng cũng có nhiều nét khác biệt. Nhà vua ngày càng rời bỏ dần biện pháp phủ dụ, lôi kéo các tù trưởng, lang cun, lang đạo, cũng từ bỏ luôn con đường gắn kết bằng hôn nhân tiến tới bỏ chế độ thế tập, thực hiện chế độ người Kinh, người Thổ cùng cai trị (ở miền Bắc) và cuối cùng là quan lại người Kinh trực tiếp cai trị (ở Thuận Thành, người Khơme).

Đối với người Hoa, một mặt vua Minh Mạng duy trì những ưu đãi đã được thực hiện trong các thời kì trước đó; mặt khác, nhà vua cũng ban hành những qui định mới về cư trú, thống nhất thuế khóa cho tất cả người Hoa đang cư trú ở Việt Nam; đồng thời can thiệp vào văn hóa cổ truyền của họ.

Những chính sách này chưa từng có trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam và ngay cả Gia Long cũng không dám thực hiện. Đó là một suy nghĩ, một hành động táo bạo và thực tế. Mặc dù có đóng góp lớn vào chủ trương tập trung quyền lực, thống nhất quốc gia của triều Nguyễn nhưng chính sách này cũng gặp

không ít sự phản kháng của các dân tộc thiểu số ở miền Trung nói riêng và ở Việt Nam nói chung đối với triều đại này.

CHƯƠNG 3

ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở MIỀN TRUNG DƯỚI THỜI MINH MẠNG

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)