7. Bố cục luận văn
2.3.2. Những chính sách đối với Thuộc quốc (Thủy Xá và Hỏa Xá)
Nguồn gốc Thủy Xá và Hỏa Xá
Trước khi tìm hiểu về chính sách của vua Minh Mạng đối với hai Thuộc quốc Thủy Xá và Hỏa Xá, cần tìm hiểu về nguồn gốc của hai Thuộc quốc này.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi: “Từ nguồn An Lạc đi đến các thôn Hà Nghiêu, Đất Cày, qua đèo La Hai, giáp đất phủ Phú Yên, đến các xứ sông Lôi, nước Nóng, Thượng Nhà, đến nguồn Hà Lôi là chỗ các sách người Đê, người Man ở (tục gọi Đê là người Chăm, Man là người Mọi), cộng 3 ngày. Lại từ đấy cho người Man tiền bảo họ dẫn đường theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá nước Nam Bàn. Nước ấy có chừng 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương. Thủy vương ở phía đông núi, Hỏa vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày
bằng dao, trồng bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng 5 lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không biết ngày tháng, tuốt xong thì thu thuế” [68, tr.118].
Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi lại: “Hai nước này ở phía trên nước
Nam Bàn, thời Lê Thánh Tôn đánh được nước Chiêm Thành, dựng dòng dõi nước ấy làm nước Nam Bàn, cắt đất từ núi Thạch trở về phía tây ban cho, có độ hơn năm mươi thôn lạc, trong nước có núi Bà Nam rất cao, Thủy vương ở phía Đông núi, Hỏa vương ở phía Tây núi” [49, tr.586].
Từ hai tài liệu trên, một số tác giả đã đoán định rằng Thủy Xá và Hỏa Xá chính là nước Nam Bàn thời Lê Thánh Tông, “một phiên quốc của Đại Việt” [7, tr.324]. Nhưng trên thực tế, cho đến lúc này (thế kỉ XV), chưa có sự phụ thuộc nào giữa các bộ tộc trong khu vực Bắc Tây Nguyên với quốc gia Đại Việt. Đến năm 1540, ông Bùi Tá Hán được cử vào trấn thủ Quảng Nam, trong đó có địa phận Quảng Ngãi. Sau khi dẹp được “loạn Đá Vách”, ông đã đưa ra chính sách nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Đại Việt với các bộ tộc trên cao nguyên như:
- Tổ chức dinh điền, đồn điền và di dân lên lập ấp trên vùng cao.
- Cho phép thương lái lên buôn bán với người Thượng. Ngoài ra còn cho phép nông dân lên vùng Thượng làm ăn, lập nghiệp.
- Tiến cử các vị tù trưởng, thân hào Thượng và xin triều đình nhà Lê phong vương cho 2 vị thủ lĩnh người Giarai là Thủy Xá và Hỏa Xá.
- Khuyến khích người Thượng tham gia vào các hoạt động của quốc gia.
- Đặt ra chức giao dịch người địa phương để đặc trách các công việc trên vùng sơn cước [7, tr.324].
Những chính sách trên của Bùi Tá Hán đã làm cho mối quan hệ Kinh - Thượng trở nên gắn bó mật thiết hơn.
Đến thế kỉ XVII, để mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía Tây, các chúa Nguyễn đã đưa những tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn lên khai phá vùng đất này. Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, từ thời các chúa Nguyễn, Thủy Xá và Hỏa Xá đã mang đồ vật dâng cống: “Bản triều ta buổi đầu cho là địa giới giáp Phú An, nên 5 năm một lần sai người tới nước đó cho các phẩm vật (áo mũ gấm, nồi đồng, sanh đồng và đồ sứ như chén dĩa…), hai nước được ban cho tức thì đem các phương vật (kỳ nam, sáp vàng, lộc nhung, mật gấu và voi đực) sang dâng” [49,
tr.586-587]. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn chưa thể với tay trực tiếp vào vùng đất của Thủy Xá và Hỏa Xá.
Đến cuối thế kỉ XVIII, nhờ công lao của anh em Tây Sơn, mối quan hệ Kinh - Thượng mới trở nên khắng khít. Có thể nói triều đại Tây Sơn đã thành công trong việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về chính sách dân tộc cho đời sau.
Sang thời các vua Nguyễn, quan hệ Việt Nam với Thủy Xá và Hỏa Xá tiếp tục được duy trì. Đầu triều Gia Long, sứ thần của Thủy Xá và Hỏa Xá vẫn sang Việt Nam để dâng cống. Từ thời Minh Mạng trở đi, hai nước này đến cống thường xuyên hơn. Cũng từ đây, triều Nguyễn cũng đề ra nhiều chính sách để quản lý hai nước Thuộc quốc này.