Giữ yên biên giới và mở rộng lãnh thổ

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 113 - 116)

7. Bố cục luận văn

3.1.1. Giữ yên biên giới và mở rộng lãnh thổ

Những gì mà vua Minh Mạng thực hiện đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung đã phần nào đạt được mục đích của chủ trương “phủ biên” và “nhu viễn”. Cụ thể là đã phủ dụ được các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định xã hội, giữ yên biên giới; đồng thời vừa lôi kéo được các dân thiểu số ở nơi khác về qui phục triều đình. Nhờ vậy, dưới thời Minh Mạng, lãnh thổ Đại Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Có thể thấy rõ điều này qua các sự kiện:

Minh Mạng năm thứ 4 (1823), quan trấn Quảng Nghĩa tâu rằng: “Bọn Tù trưởng của đám dân Mọi Diêu gồm bảy sách tới trấn qui phụ”. Nhà vua nói với các quan bộ Binh rằng: “Giống người Mọi vốn dĩ ngoan ngạnh, thường làm rắc rối vùng biên giới. Từ khi Trẫm phái khiển Nguyễn Văn Soạn tới đó cai trị, Soạn là người biết thể theo ý Trẫm, thành khẩn trong việc khai hóa, tuyên truyền giáo dục họ, cho nên bọn Mọi tuy là giống ngu ngoan, nhưng cũng là loài người “có tóc, có răng”, cho nên bây giờ họ đã thấm nhuần đức hóa mà hối cải, thành khẩn qui phục. Trẫm tin chắc từ nay họ sẽ không còn dám phản bội nữa” [60, tr.283].

Như vậy, nhờ việc tuyển chọn và đưa những viên quan tới cai trị đúng theo chủ trương “khai hóa, tuyên truyền giáo dục” của vua Minh Mạng mà một số dân tộc thiểu số ở biên giới Quảng Ngãi đã được ổn định, không còn nổi loạn chống lại triều đình nữa. Kết quả tích cực này cũng được ghi nhận ở phủ Trấn Ninh: Minh Mạng năm thứ 10 (1829), nhà vua sai Quang Cự quyền lãnh chức phủ dụ Trấn Ninh. Khi tới trấn nhậm, Quang Cự đã hết sức nghiêm minh trong việc cai trị, đã cấm trấp được mọi hành động cướp bóc, nhũng nhiễu. Dân Mường hết sức khiếp phục. Thấy được

như vậy, nhà vua đã khen rằng: “Không ngờ Quang Cự lại làm được việc rất hay đó. Trẫm sẽ không còn điều gì lo lắng nữa” [60, tr.298-299].

Ngoài sự ổn định xã hội, chính sách dân tộc của vua Minh Mạng còn đem lại cho các dân tộc thiểu số ở miền Trung sự công bằng tối thiểu. Điều này thể hiện rõ qua việc bãi bỏ việc tập quản của họ Hà ở Thanh Hoa thượng. Vua Minh Mạng cho rằng Hà Công Quỳnh là người “tầm thường không đủ khả năng chính phục được mọi người dân” nên chỉ cho y cai quản một chi mà thôi. Sau đó, nhà vua đã ra lệnh cho các quan trấn phải lựa chọn “những người nào tốt rồi bổ dụng, phân nhiệm cho họ cai trị lấy thổ dân họ”. Ngoài chủ trương hạn chế quyền lực quá lớn của các thổ tù ở vùng núi Thanh Hóa, chính sách trên của vua Minh Mạng cũng tạo điều kiện cho những người Thổ có tài được trọng dụng, ngăn chặn được tình trạng người bất tài nhưng nhờ “thế tập” mà được cai trị thổ dân, tạo ra sự công bằng trong việc “đặt quan chia chức” ở vùng dân tộc thiểu số.

Công bằng xã hội còn được thể hiện trong chính sách giáo dục của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Trước đây, bọn Thổ ty cấm con em nhân dân không được đi học, con em mình thì đón thầy về dạy học. Dưới triều Minh Mạng, giáo dục đã được phổ cập cho tất cả con em các dân tộc thiểu số. Đây là một tác động tích cực về mặt xã hội đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Việc phổ cập giáo dục không chỉ nâng cao được dân trí cho người dân mà còn hỗ trợ đắc lực cho công cuộc cai trị của nhà Nguyễn đối với các sắc dân thiểu số ở miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, chính sách dân tộc của vua Minh Mạng còn góp phần vào việc giữ yên biên giới. Như đã nói ở trên, hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đều cư trú ở vùng rừng núi, gần biên giới nên chính sách dân tộc bao giờ cũng gắn liền với vấn đề yên ổn nơi biên giới. Trước hết là ngăn chặn xung đột giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Minh Mệnh chính yếu ghi lại:

Năm 1831, huyện Trình Cố thuộc trấn Thanh Hoa tranh giành mường Sầm Bôn của châu Ninh Biên thuộc trấn Hưng Hóa về làm nội thuộc của mình. Nhà vua được tấu trình, liền sai Bắc thành, Thanh Hoa các quan chức hội khám. Các quan lập bản án tâu xin lấy sông Mã làm địa giới, phía nam sông thuộc về Thanh Hoa, phía Bắc sông thuộc Hưng Hóa. Xứ mường ấy ở phía nam của sông lại gần Trình Cố mà

xa Ninh Biên. Vậy xin cho lệ thuộc Trình Cố, để chấm dứt mọi sự tranh giành. Án bản tâu lên, nhà vua chuẩn nhận [60, tr.302-303].

Đến năm 1836, châu Mộc Hóa (thuộc Hưng Hóa), lại tự nguyện đem địa phận của mình nhượng lại cho châu Trình Cố. Khi nhà vua hay tin trên, ngài phán rằng: “Bọn người thổ dân từng tranh giành kiện cáo nhau hằng bao nhiêu năm nay, nay họ đã biết tự động tương nhượng như thế, tỏ ra họ đã biết thấm nhuần thuần phong mỹ tục, tự cải biến tục phong mọi rợ, trở nên phong hóa Ngu Nhuế. Thiệt là một việc đáng khen ngợi” [60, tr.284].

Như vậy, từ chỗ tranh giành địa phận với nhau, các dân tộc thiểu số đã biết chung sống hòa bình với nhau, tạo nên sự ổn định cho xã hội cũng là yên ổn nơi biên giới.

Cùng với việc duy trì hòa bình, ổn định giữa các dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của vua Minh Mạng còn góp phần ngăn chặn các thế lực bên ngoài xâm phạm vào vùng các dân tộc thiểu số. Có thể thấy rõ điều này qua một bản tâu của quan tỉnh Thanh Hoa: năm 1834, quan tỉnh Thanh Hoa tâu rằng: “Trước đây ở vùng Nam Chưởng dân thường bị bọn giặc Tiêm tới củ dụ phiến động, đóng giữ đồn Ninh Biên, chúng lại hách truật nhân dân vùng biên giới các huyện thuộc hạt phủ Trấn Man. Các ông Thổ tri huyện, thừa biện biết cùng nhau củ hợp và suất sử thổ dân án ngự và ngăn chặn. Vì vậy đám quân mường không còn dám động tới quấy phá trong vùng như trước” [60, tr.314].

Như vậy, nhờ chính sách dân tộc đúng đắn, được thực hiện có hiệu quả mà các dân tộc ở biên giới miền Trung không chỉ tiến đến chung sống hòa bình với nhau mà còn hợp lực để chống lại giặc ngoại xâm, góp phần giữ yên vùng biên cương của Tổ quốc. Đó là một tác động đáng ghi nhận trong chính sách dân tộc của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung.

Những tác động tích cực này đã trở thành “tiếng lành” và tiếng lành thì đồn xa, không chỉ các dân tộc trong nước xin về qui phục triều đình mà các dân tộc khác ở phía Tây miền Trung cũng xin nộp bản đồ, lệ thuộc vào quốc thổ Việt Nam. Đó là các phủ Trấn Man, Trấn Biên, Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Định, Lạc Biên, và Cam Lộ [43], [60]. Mặc dù sau này, những vùng đất này được trả lại cho Ai Lao nhưng dưới thời Minh Mạng lãnh thổ Đại Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là việc

thắt chặt mối quan hệ với Thủy Xá và Hỏa Xá ở vùng cao nguyên đã tạo điều kiện quản lí tốt hơn các dân tộc thiểu số ở vùng đất này trong các thời kì sau.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 113 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)