7. Bố cục luận văn
2.3.1.1. Phủ dụ và cai quản Thuộc Man
Tư tưởng chủ đạo của vua Minh Mạng trong chính sách đối với các Thuộc
Man là phủ dụ, vỗ yên dân Man, hết sức hạn chế những hành động quân sự.Điều này
thể hiện rõ qua các chỉ dụ sau:
Năm 1825, quan trấn Bình Hòa, các ông Nguyễn Văn Quế tâu rằng: “Dân Mọi thuộc các sách (làng) Phất Tỉnh, Tiết Kinh hiện đã phủ dụ được hai trăm người chịu qui phục làm dân Việt ta, còn độ trên bốn mươi người nữa thì hiện đang phái người đi chiêu dụ mấy Tù trưởng của họ về qui phụ”. Nhân việc này, nhà vua xuống dụ: “Dân Mọi rợ một lúc nào đó tỏ ra ương ngạnh, quan trấn chỉ nên khéo léo phủ dụ họ. Vì chưa phải dùng tới biện pháp quân sự mà bọn đó đã có người chịu về qui phụ ta,
chứng tỏ họ đã biết hối đầu hối cải. Do đó, ta cần phải thi ân tác huệ đối với họ, hầu dẫn dắt họ vào đường thiện lương, tiến hóa” [60, tr.287].
Năm 1826, nhân sự kiện bảy sách Mọi ở trấn Bình Hòa tới nộp thuế, quan trấn tâu lên. Vua Minh Mạng đã dụ: “Đám người Mọi nay đã biết hối cải, thành khẩn tới nộp thuế, lòng thành thật của họ đáng được thể tất. Quốc pháp đã được công bố, vậy ta nên lấy nhân đức mà cưu mang họ” [60, tr.351-352]. Sau đó, nhà vua xuống dụ cho các quan trấn phải thết tiệc, khoản đãi họ tử tế, dùng những lời niềm nở phủ dụ họ trước khi họ lên đường về xứ.
Những ghi chép của Minh Mệnh chính yếu cho thấy rất nhiều lần vua Minh Mạng đã bỏ qua những lỗi phạm của dân Man, nhà vua cho rằng họ đều là tôi con của triều đình, có phạm lỗi vì chưa biết phong tục lễ giáo nên “bất tất phải xét kĩ” mà nên “một phen sửa đổi, để chữa thói man” [43, tr.489].
Bên cạnh biện pháp phủ dụ, nhà nước tiến hành cai trị chặt chẽ hơn những dân
Man từ lâu thuộc quyền quản lí của triều đình phong kiến Việt Nam. Đặc biệt ở
những nơi quyền lực của các tù trưởng hoặc lang cun, lang đạo quá lớn. Điều này được chứng thực qua các sự kiện:
Năm 1822, ở đạo Thanh Hoa thượng (thuộc trấn Thanh Hóa), có ông Hà Công Quỳnh là Chánh trưởng chi dòng họ Hà, Đặng Lưu Thân là tả chánh Trưởng chi, cả hai đều làm việc ở trấn. Vì vậy quan trấn tâu xin cho phép hai ông được tập quản cai trị thổ dân theo tục lệ cha truyền con nối của người thượng du. Nhưng không được nhà vua đồng ý. Vua đã dụ: “Xưa kia Hà Công Thái có nhiều công lao nên mới được phép giữ chức vụ đó. Nay con là Hà Công Quỳnh là người tầm thường không đủ khả năng chinh phục được mọi người dân. Nên để hắn tập quản toàn bộ như cha hắn là việc không thể được, chỉ để cho hắn quản trị một chi thôi cũng đủ rồi” [59, tr.282]. Việc bỏ lệ tập quản của vua Minh Mạng đã đụng chạm đến quyền lực của các tù trưởng, lang cun, lang đạo ở các dân tộc thiểu số. Một vấn đề mà các triều đại trước, ngay cả vua Gia Long cũng chưa dám thực hiện.
Sau khi bỏ lệ tập quản, vua Minh Mạng đã tiến thêm một bước bằng cách dụ cho các quan trấn lựa chọn người phù hợp cai trị vùng dân tộc thiểu số. Ban đầu, nhà vua cho phép người dân tộc thiểu số được cai quản dân họ. Tuy nhiên, những vị quan
Thổ này cũng phải đáp ứng được các yêu cầu như phải tốt, “mẫn cán khả kham, được nhân dân tín phục” [60, tr.311].
Về sau, nhà vua còn tiến xa hơn trong việc cai quản dân tộc thiểu số: đó là việc
bổ nhiệm quan lại người Kinh trực tiếp cai trị thổ dân. Nếu như ở miền Bắc, nhà
nước cho thực hiện chế độ “lưu quan”, quan lại người Kinh và người Thổ cùng hợp lực làm việc, thì ở miền Trung triều đình đã cho quan lại người Kinh trực tiếp cai trị. Có thể nói đây là một chủ trương khá táo bạo và khó thực hiện. Bởi vậy, sau khi tiến hành cải cách hành chính trên cả nước, nhà vua mới cho tiến hành thí điểm ở trấn Thuận Thành.
Trấn Thuận Thành là vùng cư trú chủ yếu của dân tộc Chăm, là hậu duệ của nước Chiêm Thành xưa. Vua Minh Mạng cho rằng họ đã thống thuộc triều đình hai trăm năm, đã tiêm nhiễm phong hóa người Kinh nên cho quan chức tới đó cai trị để “biểu thị tinh thần không phân biệt trong ngoài”. Sau đó, nhà vua cho quan thị lang Lê Nguyên Trung đến Thuận Thành kinh lý, “đặt thêm hai huyện: Tuy Phong cho lệ thuộc phủ Ninh Thuận, Tuy Định cho thuộc phủ Hàm Thuận; đặt quan tri phủ, tri huyện, giáo thụ, huấn đạo, phân định chức chưởng chính trị và giáo dục” [60, tr.307]. Cũng trong năm này (1832), triều đình cho đổi trấn Thuận Thành làm tỉnh Bình Thuận. Việc chia đặt các đơn vị hành chính và chức quan ở tỉnh Bình Thuận như các tỉnh khác cho thấy càng ngày triều đình càng can thiệp sâu vào nội bộ các dân tộc thiểu số. Điều này dễ dẫn đến sự chống đối của các dân tộc thiểu số đối với triều Nguyễn. Có lẽ vì thế mà nhà vua chỉ có thể thực hiện ở trấn Thuận Thành mà thôi. Mặt khác, để ngăn chặn sự phản kháng này, vua Minh Mạng cũng tiến hành vỗ yên dân tộc Chăm bằng cách cho kiến thiết miếu điện, cho phép “mỗi năm hai kì xuân, thu” được tế lễ các vị vua Chăm. Ngoài ra, nhà vua còn nhiều lần miễn, giảm thuế cho dân Chăm ở những vùng khó khăn, không nộp thuế đúng hạn.
Ngoài việc phủ dụ và cai trị chặt chẽ những dân Man đã sinh sống từ lâu trên lãnh thổ Việt Nam, vua Minh Mạng cũng thu nhận các vùng đất mới ở phía tây miền Trung vào bản đồ của nước Việt. Sau đó, triều đình cho thay đổi đơn vị hành chính và
đặt quan chức ở những vùng đất này. Sách Hội Điển đã ghi lại việc làm này trong
“Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa, đặt chức tổng trưởng các sách. Hướng Hóa thuộc đạo Cam Lộ (Quảng Trị).
Năm 1823, đổi tên các bộ cống man Sái Nguyên (thuộc Cam Lộ), đổi Tầm Bồn làm Tầm Bôn, Phá Băng làm Tá Bang, Xương Cấm làm Xương Thịnh, Cha Phun làm Na Bôn, Mường Vang, Thượng Kế, Lang Thì đều đọc theo âm chính.
Năm 1827, đặt chức Thổ tri châu ở các châu: Mường Vang, Na Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bôn, Ba Lan, Mường Bổng, Lang Thì. Chín châu này thuộc đạo Cam Lộ, vua cũng chuẩn cấp cho mỗi châu một cái đồ ký (một loại con dấu) bằng đồng, một cái kiềm (con dấu) bằng gỗ. Cũng trong năm này, vua Minh Mạng cho thu nạp phủ Trấn Ninh vào nước Việt. Nhà vua phong tù trưởng Trấn Ninh là Thiều Nội làm chức phòng ngự sử. Đặt chức Thổ tri huyện và Thổ huyện thừa ở 7 huyện thuộc phủ này. Ngoài ra, vua Minh Mạng còn cho đổi các mường Cam Cát, Cam Muộn và Long Phàm Linh, thuộc châu Trịnh Cao, phủ Ngọc Ma, trấn Nghệ An thành các huyện Cam Cát, Cam Muộn và Long Phàm Linh đổi làm huyện Cam Linh, cho đặt chức Thổ tri huyện và ban con dấu kèm theo.
Năm 1828, đổi 3 động Thâm Nguyên, Yên Sơn, Mộng Sơn thuộc phủ Lộc An trấn Nghệ An làm huyện, lấy 3 động này làm phủ Trấn Tĩnh. Đặt chức tuyên úy đồng tri cho Thiều Phì Phọc Khâm, quản lý công việc của phủ. Ở các huyện đặt Thổ tri huyện, Thổ huyện thừa. Cũng trong năm này, đổi mường Lạc Hoàn làm phủ Lạc Biên. Cho man trưởng Phục Bô Lâm làm chức tuyên úy đồng tri, cai quản công việc phủ ấy” [43, tr.519-521].
Đồng thời với việc chia đặt đơn vị hành chính, cử quan lại cai trị ở các vùng dân tộc thiểu số, vua Minh Mạng luôn gắn vấn đề dân tộc thiểu số với vấn đề quốc
phòng và ngoại giao. Điều này xuất phát từ đặc điểm của các dân tộc thiểu số ở miền
Trung nói riêng và cả nước nói chung là họ thường sống ở vùng rừng núi, ven biên giới, có khi cùng dân tộc nhưng lại sống ở hai quốc gia khác nhau. Có những dân tộc có số lượng đông (so với các tộc thiểu số khác), có khu vực cư trú rộng lớn, ổn định nhưng một số khác lại có số lượng ít, thường xuyên bị các dân tộc ở nơi khác ức hiếp. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số ở miền Trung còn bị quân Xiêm quấy nhiễu. Trong những trường hợp đó, vua Minh Mạng phải cho quân triều đình đi dẹp giặc Xiêm, giữ yên biên giới, giúp nhân dân các dân tộc thiểu số được yên ổn, làm ăn sinh sống. Ông
cũng từng dụ quần thần: “những vấn đề quan trọng liên quan đến biên giới. Các quan trấn phải hết sức thi hành chu đáo, chớ để lệch lạc” [60, tr.282].
Trong việc cai trị dân tộc thiểu số, vua Minh Mạng cũng coi trọng vấn đề
thưởng và phạt. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương “phủ dụ là chính”, nhà vua thiên về “thưởng” nhiều hơn. Có thể thấy rõ điều này qua các sự kiện:
Năm 1834, bọn phản loạn (nghịch Huống, nghịch Khuyết) khởi biến, xua đuổi thổ dân và thổ mục đầu hàng giặc Xiêm. Chỉ có một mình viên thổ tri huyện và thừa biện huyện là không theo giặc, bảo toàn được địa phận. Quan tỉnh Nghệ An tâu lên, vua đã “gia cấp” cho tri huyện Liêm làm tri phủ, thừa biện được gia cấp hàm tri huyện. Cũng trong năm này, các quan Thổ ở phủ Trấn Man (thuộc Thanh Hóa) đã ngăn chặn được quân Xiêm quấy nhiễu biên giới. Quan tỉnh tâu về triều, nhà vua khen là “những hành động đạt lý, truyền cho họ tới Thuận Kinh để được ân thưởng theo tài năng và công lao của từng người” [60, tr.314].
Vua Minh Mạng cũng thưởng rất hậu cho những viên quan có công chiêu tập nhân dân các dân tộc thiểu số, giảm thuế cho những người không theo giặc hoặc đã tham gia làm loạn nhưng biết hối cải.
Có thưởng có phạt, nhà vua cũng trách phạt những vị quan không hoàn thành nhiệm vụ. Có thể kể đến trường hợp Nguyễn Văn Xuân ở Bình Hòa năm 1825. Nguyên do là Nguyễn Văn Xuân cai trị quá tàn ác nên người Mọi ở Đồng Hương và Đồng Nai thuộc trấn Bình Hòa nổi lên trộm cướp. Vua Minh Mạng đã cho quân tới tuần tiễu. Đồng thời, nhà vua cũng dụ họ rằng: “Giống người Mọi ở đấy vốn là cung thuận. Nay bỗng dưng xảy ra biến cố ấy, biết đâu lại không vì lí do các viên chức quan lại biên phòng tư nang nhũng nhiễu, khiến họ phải làm xằng. Bọn các ngươi đã không biết cấm trấp thuộc viên, phủ dụ quần chúng dân Mọi, tới khi xảy ra việc rồi lại không biết tìm hiểu do lai nguyên ủy cho minh bạch, hầu phân biệt đối xử cho đúng đắn công bằng, bằng uy pháp, bằng gia ân, lại nhất nhất phô trương binh lực lính tráng ngựa voi như thế làm gì” [60, tr.285].
Đối với các viên quan được cử cai trị mà phạm lỗi, nhà vua trách phạt nặng. Nhưng các viên thổ quan hoặc thổ dân phạm lỗi, được vua xử nhẹ tay hơn, chủ yếu dùng biện pháp răn đe là chính. Bởi nhà vua cho rằng họ chưa tường luật pháp của triều đình nên mới tha cho, “bất tất phải xét kĩ”. Tuy nhiên, nếu dân Man còn ngoan
cố thì vua Minh Mạng cũng sẵn sàng “tiến hành tiểu phạt, bắt lấy giải đưa về Kinh xét trị, để rõ phép nước” [43, tr.491].
Như vậy, một khi không thể dùng biện pháp hành chính được nữa thì nhà vua mới dùng đến biện pháp quân sự để cai trị các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở vùng núi Nam - Ngãi - Bình Định. Đặc biệt là ở Quảng Ngãi, những người Thượng Đá Vách mà sử triều Nguyễn gọi là “Thạch Bích Man” thường xuyên nổi lên quấy nhiễu, chống lại triều đình trung ương. Chính quyền chúa Nguyễn trước kia và cả triều Nguyễn sau này phải khó khăn lắm mới đánh dẹp được họ. Tác phẩm “Sãi Vãi” của Nguyễn Cư Trinh ghi lại những đoạn thơ nói về tinh thần khiếp nhược của quân sĩ trước quân Đá Vách:
“Đường phương Nam thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá Vách Tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn
Nọ giết người như dế như giun, nọ hại người như rắn như rít Đến đâu là tảo trận, bắt được ắt giết tươi
Đã vào làng cướp của hại người, lại xuống nội đuổi trâu bắt ngựa” [17, tr.93]. Sở dĩ những người “Mọi Đá Vách” có thể gây khó khăn cho triều đình trung ương bởi vì họ thoắt ẩn, thoắt hiện, khi quân triều đình đến thì họ lại trốn vào vách núi đá dựng đứng, quân triều đình không thể vào được, khi quân triều đình đi thì họ lại ra cướp phá.
Dưới triều Gia Long, “Mọi Đá Vách” đã từng quấy nhiễu, nhà vua nhiều lần sai quân đánh dẹp nhưng không ngăn chặn được họ. Vào cuối đời, nhà vua đã cho Lê Văn Duyệt xây công trình Trường lũy để ngăn chặn sự xâm nhập của họ xuống đồng bằng. Sang thời Minh Mạng, công trình Trường lũy tiếp tục được kiến thiết:
“Năm 1822, vua Minh Mạng cho đổi các chức trưởng lân ấp, phó lân ấp đã có từ thời Gia Long thành bát phẩm bách hộ, cửu phẩm bách hộ.
Năm 1832, vệ quân Minh Nghĩa (quân đồn trú tại Trường lũy) rút về Nam, đồng thời đổi tên các đơn vị đồn trú. Sáu kiên thành sáu cơ Tĩnh Man, cơ Trung Kiên thành Cơ Nhứt, cơ Tiền Kiên thành Cơ Nhì, cơ Tả Kiên thành Cơ Ba, cơ Hữu Kiên thành Cơ Tư, cơ Hậu Kiên thành Cơ Năm, cơ Nội Kiên thành Cơ Sáu. Các lân ấp dân cư thì vẫn như cũ, quân đội lập thêm hai đồn bảo, cộng cả thảy là 117 đồn bảo do
quân đội quản lý. Lại xem xét tình thế từng vùng đất, cải thiết 31 đồn canh của dân trong khắp sáu cơ Tấn Phận. Như vậy, dọc Trường lũy có cả thảy 148 đồn canh.
Năm 1833, Gia Định có loạn Lê Văn Khôi, triều đình lấy 1000 biền binh (quân chính quy) của sáu cơ Tĩnh Man biên chế thành hai vệ quân là vệ Tráng Uy và vệ Nghiêm Uy, di chuyển vào Gia Định đánh giặc. Quân còn lại giao cho tỉnh, đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của quan lãnh binh tỉnh nhà. Công thự của quan lãnh binh đặt tại làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa.
Năm 1834, triều đình lại lấy tiếp 250 biền binh trong sáu cơ, cộng với 500 lính của tỉnh, biên chế thành vệ quân Hùng Uy, phái vào Phú Yên trú phòng.
Năm 1835, dẹp xong loạn Gia Định, triều đình trả hai vệ Nghiêm Uy, Hùng Uy trở về, điều động vệ Tráng Uy chuyển đến trấn Tây Thành.
Năm 1836, triều đình điều động vệ quân Tráng Uy trở về. Quân đội các cơ được biên chế lại, lấy cơ Sáu đổi thành một vệ là vệ Quảng Nghĩa, còn 5 cơ kia thì qua xem xét cụ thể sắp xếp lại các Tấn Phận để tiện cứu ứng lẫn nhau. Từ phía Nam núi Phước Lộc đến bờ sông là Cơ Nhứt. Từ phía bắc núi Phước Lộc đến bảo Linh Chi là Cơ Ba. Từ phía bắc bảo Linh Chi đến phía nam nguồn Thanh Bồng là Cơ Nhì. Từ bờ sông phía Nam đến núi Thạch Lũy là Cơ Tư. Từ phía nam núi Thạch Lũy đến xã Duyên Trường là Cơ Năm. Mỗi cơ có 8 Đội, 2 Quản, 8 Suất đội. Riêng Cơ Tư có 10 Đội có đủ 500 lính, 10 Suất đội. Từ đó, ruộng đất của công trại bỏ hoang, có nơi dân tại chỗ lãnh trưng, có nơi sung vào công điền thuộc chính quyền địa phương.
Năm 1837, triều đình cho mộ hương binh trong dân 33 trại, ấp, sách thành một đội hương binh nằm dưới sự quản lý của các cơ. Thêm một chức bá hộ cho đội này.
Năm 1839, tỉnh Quảng Nghĩa tâu về việc đã tiến hành rà soát, bỏ bớt đồn bảo ở những nơi dễ, lập thêm đồn bảo ở những nơi khó, hiện có 116 bảo. Trong đó, Cơ Nhất có 22 bảo, Cơ Nhì có 21 bảo, Cơ Ba có 22 bảo, Cơ Tư có 25 bảo, Cơ Năm có 24 bảo” [76, tr.105-107].
Việc xây dựng và kiến thiết công trình Trường Lũy thời Gia Long và thời Minh Mạng cho thấy đây thực sự là một công trình phòng thủ vĩ đại, tốn nhiều công