Mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 122 - 134)

7. Bố cục luận văn

3.1.3. Mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc

Chính sách dân tộc của vua Minh Mạng không chỉ đem đến những tác động về kinh tế mà còn dẫn đến sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ở miền Trung. Đó là sự giao lưu văn hóa giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số (người Việt) và giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Cụ thể quá trình này như sau:

Giao lưu văn hóa Việt - Mường

Quá trình giao lưu văn hóa Việt - Mường diễn ra khá mạnh mẽ và để lại dấu ấn trên nhiều phương diện.

Trong một thời kỳ dài và đặc biệt dưới triều Minh Mạng, việc di dân đến vùng miền núi xứ Thanh liên tiếp diễn ra và có từ nhiều nguồn, hoặc là người Mường ở Hòa Bình, hoặc là người Việt ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình hiện nay, hoặc từ đồng bằng Thanh Hóa nhất là từ Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc... Nhiều làng được thành lập, trong một số huyện chẳng hạn như huyện Thạch Thành, rất khó biết được người Mường và người Việt, ai là người đến trước. Nhiều gia đình tự cho mình là người Việt, nhưng thực ra là người Mường mới Việt hóa gần đây.

Những làng Việt ở những vùng bán sơn địa, nơi tiếp giáp giữa người Mường và người Kinh còn mang dáng dấp của những làng Mường. Những làng cổ xưa người Việt - Mường hay Mường - Việt phần lớn nằm dọc ven các con sông, nhiều nhất là

sông Mã, rồi đến các sông Hoàng, Cầu Chày, Tống Giang, Hoạt Giang, các huyện miền núi và tiếp giáp miền núi như: Nông Cống, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Hà Trung... có những làng cổ ở chung hai ba thành phần dân tộc. Ví dụ: làng Khổng Quánh (huyện Triệu Sơn) xưa kia có chòm Bừa (Mường), bản Sáo, làng Khổng (người Kinh)… [19, tr.8].

Về lịch sử, mối quan hệ Việt - Mường đã có từ trong cội nguồn. Lịch sử xứ Thanh gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, hầu hết những dấu mốc lịch sử quan trọng ở xứ Thanh đều diễn ra trong không gian văn hóa Việt - Mường. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã xuất phát từ vùng rừng núi Thanh Hóa, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này là Lê Lợi, “từng giữ chức phụ đạo làng Cham, một địa bàn có người Việt và người Mường cư trú đông đúc” [19]. Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi lập ra nhà Hậu Lê.

Những nhà sáng lập vương triều Nguyễn cũng được sinh ra từ trong không gian văn hóa Việt - Mường. Nguyễn Kim, quê ở Gia Miêu ngoại trang - vùng đất Quý Hương, phủ Hà Trung, tổng Thượng Bạn, trước đây cũng nằm trong không gian văn hóa Việt - Mường. Gia Miêu còn được nhắc đến như một miền đất thiêng với những trang thần thoại, truyền thuyết của người Mường và người Việt. Đến nay vẫn còn phổ biến trong phong tục thờ cúng tổ tiên, trong hát xường, hát đúm mùa xuân. Nghĩa Đụng - vùng đất thuộc làng Gia Miêu xưa nơi đồng bào Mường sinh sống vẫn rộn rã cồng chiêng trong những ngày hội mùa, hội làng, tục ném còn, hát đúm mùa xuân đã đem lại hương sắc độc đáo cho vùng quê nơi đây [19].

Về phương diện ngôn ngữ, có nhiều dấu vết Mường qua ngôn ngữ Việt (Kinh). Sách Địa chí huyện Hà Trung viết: “Hà Trung có hai thành phần dân tộc chính là người Kinh và người Mường. Ngoài ngôn ngữ Kinh và Mường còn có ngôn ngữ tiếng Kinh pha Mường. Từ "bái" khá phổ biến trên toàn huyện, nhiều làng đặt tên Bái: Bái Thôn (Hà Lĩnh), Bái Lạt (trước thuộc xã Hà Long, sau cắt về Thạch Thành, Bái Dụ (Hà Tiến), Bái Nại (Hà Ngọc), Bái Sơn, Bái Sậy (Hà Tiến),.. Làng Thạch Lễ (Hà Châu) các cánh đồng toàn tên Bái: Bái Cường, Bái Cống , Bái Mụt, Bái Dưới… Trong tiếng Mường, "bái" là đồng cỏ tranh, bói cỏ tranh, loại cỏ dùng làm tranh lợp nhà” [19, tr.9].

Người Kinh và người Mường ở Thanh Hoá về mặt địa vực cư trú gần như không chia ranh giới. Vì thế, tiếng Thanh Hoá ngoại trừ ngôn ngữ riêng của thành phần dân tộc, có không ít tiếng Mường trong tiếng Kinh. Có thể thấy rõ điều này ở các huyện thuần tuý người Kinh như: Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hoá… Họ sử dụng vần oóc, oon, oong, âm r thay âm d, âm d thành âm đ, âm g thành c, k… Có thể thấy rõ điều này qua cách phát âm của huyện Nông Cống và Quảng Xương:

Củ đoong (tiếng huyện Nông Cống) Củ dong (tiếng huyện Quảng Xương) Âm rương (tiếng huyện Nông Cống) Âm dương (tiếng huyện Quảng Xương) Tự ro (tiếng huyện Nông Cống)

Tự do (tiếng huyện Quảng Xương)

Con đam (tiếng huyện Nông Cống - con cua đồng) Con dam (tiếng huyện Quảng Xương)” [19, tr.9].

Tất cả những nét đặc trưng của tiếng Thanh Hoá trên đây đều thấy phổ biến ở huyện Hà Trung dường như địa phương này dung nạp tất cả các luồng ngôn ngữ. Đó là “một biểu hiện của giao lưu văn hoá, nếu xét về hiện tượng cũng là nơi bảo lưu được nhiều tiếng Mường - Việt cổ” [19, tr.10].

Như vậy, từ những mối quan hệ trong lịch sử, quá trình giao lưu văn hóa Việt- Mường dưới thời Nguyễn diễn ra khá sâu sắc, trên nhiều lĩnh vực mà rõ nhất là về mặt ngôn ngữ. Đó là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế - văn hóa Việt - Mường cũng như thắt chặt tình đoàn kết giữa hai dân tộc này.

Giao lưu văn hóa Việt - Thượng

So với người Mường, giao lưu văn hóa giữa người Thượng ở phía Tây Quảng

Ngãi với người Việt diễn ra ít sâu sắc hơn.

Như đã biết, dưới thời Gia Long, công trình Trường lũy được xây dựng. Triều đình đã cho người Việt tới sống ở dọc Trường lũy và lập thành 27 lân ấp. Sang thời Minh Mạng, số người Việt ở nơi này ngày càng gia tăng. Cùng với đó, hoạt động trao đổi buôn bán giữa người Việt với người Thượng diễn ra sôi nổi. Và một cách tự nhiên, quá trình trao đổi về kinh tế đã dẫn đến những tiếp xúc về mặt văn hóa. Có thể

thấy rõ điều này qua một vài chi tiết trong phong tục của người Thượng ở phía Tây Quảng Ngãi.

Về mặt ngôn ngữ, qua quá trình trao đổi buôn bán, người Thượng ở Quảng Ngãi đã khắc phục được tình trạng bất đồng về ngôn ngữ. Sử cũ ghi lại như sau: “Người Thượng tính từ nguồn Thanh Cù trở vô nam cho đến cơ Năm ít người rành tiếng Kinh, còn người Thượng Thanh Bồng, La Thụ nhiều người nói được tiếng Kinh” [76, tr.73].

Một số người Thượng khi tiếp xúc với các lái buôn người Kinh đã xưng hô theo họ và gọi tên làng cũng giống như người Kinh: “đến như một vùng dân cư trước kia người dân ở, về sau thành xứ Thượng, bèn nhân đó lấy tên người Kinh ngày xưa đặt cho sách mình, cho nên có những xứ Thượng tên Làng Nông, Làng Mâu,.. vì ngày xưa có những lái buôn đến xứ Thượng làm ăn, nói chuyện về làng thôn mình, người Thượng nghe người Kinh xưng hô thì cũng xưng hô theo, ý cho mình cũng có làng thôn. Các loại tên làng ấy lâu ngày thành quen, thảy đều có nguyên nhân như thế đấy” [76, tr.78].

Trong đời sống hằng ngày, người Thượng còn có tục ăn trầu, thậm chí ăn nhiều hơn cả người Kinh nên răng ai cũng thâm đen mà cứng cáp. Nhiều người nhà giàu mua loại khăn đội đầu bằng lụa có vằn nơi các tiệm Tàu, họ cũng mua nón lá Bình Định mỗi khi đến kì chợ Phiên. Phụ nữ đánh sợi vải rồi dùng xa quay cũng giống như người Kinh, chỉ khác mỗi việc vót tre làm búa khung dệt [76, tr.66-76].

Về hôn nhân, người Thượng ở Quảng Ngãi cũng có một số phong tục giống như người Kinh. Họ “rất coi trọng vấn đề môn đăng hộ đối, thông qua một người mai mối, cũng như người Kinh vậy… Chiếc chiếu hai vợ chồng ngồi làm lễ gọi là chiếu phép, không ai được ngồi vào, kể cả cha mẹ. Đó là lễ hợp cẩn theo tục người Kinh [76, tr.77].

Về tín ngưỡng, “họ còn dùng lá cây hoặc miếng tre nhỏ xin âm dương để được một sấp một ngữa. Đó là họ bắt chước tục người Kinh nhưng họ không khấn cầu gia tiên” [76, tr.82].

Như vậy, quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa người Thượng với người Kinh mặc dù còn ít ỏi nhưng đó là tiền đề thúc đẩy quá trình hòa hợp giữa các dân tộc với nhau. Đồng thời khắc phục tình trạng chênh lệch quá lớn về kinh tế và văn hóa.

Giao lưu văn hóa Việt - Hoa

Người Hoa là một trong những tộc người xuất hiện khá sớm ở Việt Nam. Dưới thời các chúa Nguyễn, những người Hoa di cư đến sinh sống ở miền Trung Việt Nam khá đông. Hầu như ở tỉnh nào của miền Trung cũng có sự hiện diện của người Hoa. Tuy nhiên, người Hoa tập trung đông nhất ở Hội An, Thanh Hà. Chính những ưu đãi của các chúa Nguyễn và sau này là vương triều Nguyễn đã giữ chân những người Hoa ở lại làm ăn và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Đây chính là điều kiện thuận lợi đưa đến quá trình giao lưu văn hóa Việt - Hoa.

Tài liệu còn cho biết ở Hội An, Thanh Hà và một số nơi khác, người Hoa mà đặc biệt là các thương nhân, cư trú khá đông đúc. Đến Hội An, để gắn bó với vùng đất này, bộ phận người Minh Hương (người Hoa) đã tiếp thu một số loại hình kiến trúc của người Việt tại Hội An.

Nếu như ở Trung Hoa, ngôi đình có chức năng làm nơi để khách bộ hành nghỉ ngơi, lưu trú khi qua đường, thì tại Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng, chức năng của ngôi đình có sự chuyển hóa là nơi thờ các vị tiền hiền đôi khi thờ Thành hoàng làng. Người Hoa ở buổi đầu của thế kỷ XVII - XVIII, họ không dựng các ngôi đình như người Việt mà cho ra đời các hội quán làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, các hội quán chỉ giữ vai trò liên kết cộng đồng người Hoa như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam... còn ngay như trong mỗi làng Minh Hương thì nhu cầu đó chưa được đáp ứng. Tiếp thu lối kiến trúc và chức năng sinh hoạt cộng đồng của ngôi đình người Việt, người Hoa khi xây dựng hội quán đã đưa các vị thần, các vị tiền hiền vào thờ nhưng vẫn duy trì chức năng vốn có của hội quán: “Người Hoa xây dựng hội quán làm nơi thường trú của khách buôn từ Trung Hoa đến, vừa để thờ tiền hiền cùng Thiên Hậu Thánh mẫu” [25, tr.109].

Không chỉ thừa hưởng các phong cách kiến trúc, cách bài trí mỗi công trình, người Hoa còn có sự lĩnh hội nhằm tạo ra sự hòa hợp giữa công trình kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Điều đó thể hiện rõ nét trong cách trang trí của chùa Chúc Thánh và miếu Quan Công: “Tượng thờ trong chùa Chúc Thánh và trong miếu Quan Công cũng như tượng thần Tài, thổ thần hầu hết làm từ đất, ngoài phủ sơn, trang trí chi tiết, rườm rà nhưng cố bắt chước tự nhiên. Đặc biệt ở đây được dán thêm những dải đất gợi lại cách trang trí và kỹ thuật thể hiện của tượng Khương Ninh Các ở Huế” [25,

tr.100]. Cách trang trí này vừa chi tiết, vừa mang đậm phong cách kiến trúc Huế. Người Hoa không chỉ tiếp thu kiến trúc của người Việt, họ còn tiếp thu cách gọi, cách đặt tên các công trình. Đó là một biểu hiện Việt hóa các tên gọi như đình, chùa, miếu không còn theo nguyên bản trong tiếng Hán.

Người Hoa không chỉ học hỏi kiến trúc người Việt mà còn mang đến Hội An những phong cách kiến trúc đặc trưng riêng. Các kết cấu kiến trúc của người Hoa được người Việt vận dụng một cách linh hoạt, tiêu biểu nhất là lối kiến trúc “vài trính chồng - trụ đội”9

. Bộ vài này gồm hai loại cấu kiện chính, liên kết nhau vuông góc theo phương tung - hoành. Đó là những thanh gỗ ngang gọi là trính / rường có độ dài không bằng nhau, đặt song song, cách đều nhau theo trật tự ngắn dần về phía nóc. Chúng được liên kết với nhau bằng những thanh gỗ đứng (trụ đội / giả thủ) có kích thước như nhau: chân trụ ăn mộng vào lưng trính dài phía dưới, thân trụ ăn mộng với đầu trính ngắn phía trên và đầu trụ trực tiếp đỡ lấy đòn tay (xà) trên mái. Mỗi bộ vài trính chồng - trụ đội thường có 3 trính và 5 trụ đội, chúng đều được tạo dáng mềm mại, chạm trổ trang trí khá tỉ mỉ, công phu nên bao giờ cũng đặt ở gian tiếp khách – nơi đẹp nhất của mỗi ngôi nhà. Ưu điểm của loại vài này là rất giàu thẩm mỹ nghệ thuật nhưng yếu điểm của nó là khả năng chịu lực không lớn nên chỉ tạo nên bộ khung của những nếp nhà nhỏ hoặc chỉ là những nếp nhà giả trong mái nhà kép, bên trên đã có mái nhà lớn bao che [4, tr.108-109]. Loại vài này được sử dụng xây dựng kiến trúc hội quán cũng như kiến trúc nhà ở của người Hoa. Nó không chỉ có mặt ở Hội An mà gặp ở nhiều nơi khác trên đất nước ta.

Bên cạnh đó, các hình tượng nghệ thuật, các tượng được thờ trong các công trình kiến trúc Hội An mang nguồn gốc tín ngưỡng rất khác nhau song hướng về cái chung là vai trò phù hộ cho công việc làm ăn buôn bán trên sông biển. Trước hết là những “đôi mắt cửa” đầy thâm nghiêm, được gắn trang trọng ngay trên lối đi của mỗi công trình. Đây là hình ảnh có nhiều yếu tố tương đồng với đối mắt “ghe thuyền” khá

9

Trong kiến trúc cổ Hội An nói chung, di sản kiến trúc nhà cổ nói riêng, thường có 4 kiểu vì kèo cơ bản gọi theo thuật ngữ địa phương là: vài luôn, vài chồng, vài trính chồng – trụ đội và vài vỏ cua.

Vài luôn (vì kèo suốt): là vì kèo đơn giản nhất, thường đặt ở không gian có mái không dài lắm như nếp nhà sau, nhà bếp hoặc nhà cầu.

Vài chồng (vì kẻ chuyền): ngược lại với vài luôn, vài chồng thường đặt ở không gian rộng và cao như những nếp nhà chính.

Vài vỏ cua: đây là loại vì thường đặt ở hiên các nếp nhà chính và mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là công năng kiến trúc [4, tr.106-109].

phổ biến ở vùng Trung - Nam bộ trong quan niệm tín ngưỡng: đương đầu với cái xấu, cái ác để bảo vệ sự an lành, hạnh phúc và định hướng cho sự vươn lên, phát triển… Ngoài ra còn có hình tượng con cá chép, tôm, cua, cá, mực… được chạm trổ công phu trên các vì kèo, bàn thờ. Biển không chỉ xuất hiện trong trang trí kiến trúc, biển còn in sâu dấu ấn trong các biểu tượng thờ tự: tượng Thiên Hậu Thánh mẫu - vị nữ thánh bảo hộ các thương thuyền, thương nhân trên suốt hải trình mậu dịch; tượng Phục Ba Tướng quân - vị tướng chinh phục sóng gió, bảo vệ con người trên mênh mông biển cả… [4, tr.145-146].

Trong phong tục cúng ngày tết, trên bàn thờ của người Việt luôn có sự hiện diện của bình hoa, mâm ngũ quả, bánh... Ở bàn thờ của người Hoa, họ sử dụng ngũ cốc. Dần về sau họ thay ngũ cốc bằng mâm ngũ quả”. Bởi vì qua tiếp xúc, giao lưu với người Việt “người Hoa nhận thấy mâm ngũ quả có màu sắc hơn, làm tăng vẻ khang trang cho bàn thờ và có ý nghĩa cầu may, chúc phúc đầy đủ và phát đạt” [72, tr.85]. Trong nghệ thuật ẩm thực, những món ăn độc đáo của người Hoa như bánh bao, hoành thánh, lục tàu xá, xì mà, bánh đậu…cũng được người Việt tiếp thu và bảo tồn cho đến ngày nay. Đó là những ví dụ điển hình cho sự tiếp thu phong tục, nghệ thuật ẩm thực giữa hai dân tộc Việt - Hoa.

Mặc dù dưới thời Minh Mạng, triều đình đã có những qui định khắt khe hơn đối với người Hoa, đặc biệt là chủ trương đồng hóa người Hoa thành người Việt, nhưng những giá trị văn hóa cổ truyền của người Hoa vẫn tồn tại. Hai nền văn hóa Hoa - Việt có tiếp xúc, tiếp biến nhưng không hòa tan.

Giao lưu văn hóa Việt - Chăm

Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ở miền Trung, quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm diễn ra mạnh mẽ nhất.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 122 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)