Chính sách dân tộc của vua Minh Mạng ở miền Bắc

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 67 - 73)

7. Bố cục luận văn

2.2.1. Chính sách dân tộc của vua Minh Mạng ở miền Bắc

Rút kinh nghiệm của các triều đại trước và triều Gia Long, đối với các dân tộc

thiểu số phía Bắc, vua Minh Mạng đẩy mạnh các chính sách thống trị truyền thống,

có nghĩa là “vừa phủ dụ, vừa đàn áp, từng bước tăng cường sự kiểm soát của triều

đình trung ương, tiến tới can thiệp trực tiếp vào nội bộ các dân tộc thiểu số” [73,

tr.40]. Chính sách đối với các dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam của triều Nguyễn vào nửa đầu thế kỉ XIX, về cơ bản được đề ra và thực hiện dưới triều Minh Mạng. Các triều vua tiếp theo như Thiệu Trị, Tự Đức vẫn dựa trên chính sách này, mặc dù có điều chỉnh đôi chút nhưng về cơ bản không thay đổi.

Để đẩy mạnh việc cai trị các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chỉ dụ liên quan đến khu vực này. Có thể khái quát nội dung các chỉ dụ như sau:

Về hành chính, vua Minh Mạngxóa bỏ chế độ thổ quan, tiến tới thực hiện biện

pháp người Kinh - người Thổ cùng cai trị.

Do sớm nhận thức tầm quan trọng của vùng biên giới phía bắc, một năm sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng ban bố nghị chuẩn cho tạm đặt các chức cai châu, phó châu và lại mục, chuyên cai quản các châu ở vùng biên cương. Những chức quan này, triều đình cho phép các quan đứng đầu trấn chọn người có năng lực tại địa phương cho làm.

Cũng trong năm này (năm 1821), vua Minh Mạng đã tuần du tới vùng biên giới Việt Bắc. Sử cũ ghi lại: “Nhà vua ngự giá đi tuần thú tới vùng biên giới Việt Bắc.

Khi bọn Thổ tù ở các vùng như Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng, tất cả 53 người ra bái yết Ngài, được Ngài phong chức tri huyện, tri châu, lại mục, để cho họ tự cai quản lấy thổ dân họ, và cung cấp thuế khóa cho quốc gia” [60, tr.279].

Năm 1827, về nguyên tắc, vua Minh Mạng xóa bỏ các chức quan đã đặt ra từ trước như: tuyên úy đại sứ, tuyên úy sứ, chiêu thảo sứ, phòng ngự sử, phòng ngự đồng tri, phòng ngự thiêm sự… để trao cho các thổ tù cai trị phủ, châu, huyện miền núi. Nhà vua cho đặt các chức tri phủ, tri huyện, huyện thừa… như ở vùng người Kinh, nhưng các viên quan này, đều do người địa phương phụ trách, nên có thêm chữ “thổ” ở đằng trước. Đồng thời, nhằm tiêu chuẩn hóa số tù trưởng miền núi này, cùng năm đó, nhà nước ban hành một nghị định, qui định rõ phẩm hàm của các viên chức này: “Thổ tri phủ vào hàm tòng lục phẩm, thổ tri huyện vào hàm tòng thất phẩm, thổ huyện thừa vào hàm tòng bát phẩm, thổ lại mục hàm tòng cửu phẩm” [41, tr.225].

Năm 1828, nằm trong chủ trương hạn chế bớt quyền lực của đám thổ tù và để thống nhất tên gọi, vua Minh Mạng đã bãi bỏ chức thổ tri phủ, từ đây sẽ là: “Thổ tri phủ đổi làm thổ tri châu hàm tòng thất phẩm, thổ cai châu đổi làm thổ tri châu hàm tòng thất phẩm, thổ cai huyện đổi làm thổ tri huyện hàm tòng thất phẩm, cai châu (chưa vào ngạch) đổi làm thổ tri châu hàm tòng thất phẩm, phó châu (chưa vào ngạch) đổi làm thổ lại mục hàm tòng cửu phẩm” [73, tr.40].

Không dừng lại ở những biện pháp nói trên, năm 1829, triều đình đã cho ban hành chính sách khá cứng rắn đối với tầng lớp thổ tù. Đó là ra lệnh cho các viên quan đứng đầu tổng trấn Bắc thành, từ nay bãi bỏ lệ thế tập của các thổ tù, một điều mà các triều đại trước, kể cả vua Gia Long cũng không dám động đến. Nguyên do là vào năm này, các quan ở Bắc thành tâu về kinh rằng: “Lai Châu thuộc Hưng Hóa, Đà Bắc ở Thái Nguyên, Thổ Yên, Hàm Yên ở Tuyên Quang hiện nhiều tri châu, tri huyện đang bị huyền khuyết. Xin gấp rút bổ dụng người tới nhậm chức, mường Thu Châu và Lục Yên thuộc Tuyên Quang, Bảo Lạc và Vị Thủy, người thổ ty ở đó lại đã già yếu bệnh hoạn, xin cho được tập quản.

“Nhà vua xuống dụ: Đặt quan chia chức phải có một chương trình nhất định với tinh thần công bình như nhau, hầu thể hiện ý chí của một nền chính trị vương giả. Các trấn Tuyên Quang, Hưng Hóa thuộc Bắc thành cần phải được đặt Thổ tri châu, Thổ tri huyện, đâu phải chỉ ở Lai Châu, Đà Đắc, Thổ Yên, Hàm Yên mà thôi. Tại sao

lại xin đặt quan mấy chỗ ấy mà các địa phương khác không nói tới. Còn việc xin tập quản lại là một điều sai lầm nữa; vì những nơi đó tuy là ven bờ Mường Mán, nhưng cũng là con đỏ của triều đình; sao lại có thể cho tập quản một cách bừa bãi mà không bàn tới người giỏi kẻ không. Nếu cứ hễ là con cháu em út thì đều cho thừa kế, rồi gặp phải người xấu làm càn; há chẳng phải là làm hệ lụy đến dân ta sao.

“Liền đó, nhà vua bèn sai quan tỉnh (thành thần), phàm các huyện châu thuộc các hạt: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa tùy theo công vụ ít nhiều mà đặt các chức quan tri huyện, tri châu, thừa phái, lại mục. Sau một thời gian sẽ xét ra ai là người có đủ khả năng thì sẽ được bổ dụng. Cho tới các thổ ty cũng không cần phải là người thuộc dòng họ (chi, phái), mà chỉ lựa chọn những kẻ mẫn cán để làm việc, còn như việc thuế khóa họ sẽ trưng thâu rồi đệ nạp tới các quan nha châu huyện sở tại. Từ nay không được phép tập quản (cha truyền con nối) như trước nữa” [60, tr.296-297].

Để tiến tới xóa bỏ quyền lực của các thổ tù, tù trưởng vùng dân tộc thiểu số ở

phía Bắc, vua Minh Mạng đã tiến hành chia nhỏ lãnh địa, địa bàn cư trú cổ truyền

của họ. Chính sách này được áp dụng ở vùng cư trú của người Mường khu vực Hòa

Bình và phía Tây Thanh - Nghệ. Ông chia nhỏ khu vực cư trú của họ ra thành các huyện, xã như ở các vùng đất khác. Bằng biện pháp cứng rắn này, vua Minh Mạng đã hạ thấp vai trò của các lang cun, lang đạo là người có quyền lực tuyệt đối với các dân tộc thiểu số thành các Thổ tri huyện, Thổ lại mục chịu sự quản lý của triều đình trung ương.

Nhưng một chính sách quan trọng hơn cả của triều đình đối với các dân tộc

thiểu số phía Bắc là chế độ “lưu quan”, được ban bố và thi hành từ năm Minh Mạng

thứ 16 (1835) trở về sau. Chế độ này được mô phỏng từ một chính sách đối với dân tộc thiểu số thời Ung Chính (nhà Thanh) nhằm ngăn chặn các dân tộc thiểu số nổi dậy chống lại triều đình trung ương. Vua Minh Mạng đã đặt các quan chức người Kinh lên cai trị các vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để hạn chế và ngăn chặn sự chống đối của đám thổ quan mà ảnh hưởng còn rất lớn, triều đình đã cho phép các “chức thổ quan hiện có trước…hợp lực theo lưu quan để làm việc, sau này có khuyết không phải điền bổ nữa” [41, tr.211].

Đồng thời với việc bổ nhiệm lưu quan người Kinh, vua Minh Mạng còn cho đổi tất cả các mường, động thành xã để thống nhất đơn vị hành chính cấp cơ sở trên toàn quốc. Ngoài ra, giữa xã với các huyện, châu, còn cho đặt thêm một đơn vị hành chính trung gian là tổng như ở miền xuôi. Việc thay đổi các mường, động thành xã được thực hiện cùng một thời gian với việc bổ nhiệm lưu quan. Điều này cho thấy “việc đặt lưu quan người Kinh thay thổ quan người thiểu số ở cấp huyện, châu không chỉ là để cải tổ về hình thức số quan lại cấp này, mà nhằm vào mục đích nắm lấy đơn vị hành chính cơ cở, thông qua đó, triều đình trung ương thu tô, thuế, bắt lao dịch và binh dịch” [73, tr.41]. Đây là một chính sách mà chưa có triều đại nào trước triều Nguyễn có thể làm được.

Về kinh tế, vua Minh Mạng bãi bỏ chế độ cống nạp, tiến tới các tỉnh miền núi

cũng thực hiện chế độ tô thuế như ở miền xuôi.

Các biện pháp về mặt chính trị của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số phía Bắc thực chất để đi đến mục đích quan trọng về kinh tế. Cụ thể là thu được tô, thuế, bắt lao dịch, binh dịch một cách thường xuyên, triệt để nhằm tăng thêm thu nhập, củng cố sức mạnh cho triều đình trung ương.

Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, từ nhà Lý cho đến nhà Tây Sơn, chưa có một triều đại nào có thể thu tô, thuế ở vùng dân tộc thiểu số. Các vương triều này thường bắt các tù trưởng nộp cống phẩm hằng năm cho triều đình. Tuy nhiên, không phải lúc nào các tù trưởng cũng thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Điều này có thể giải thích vì sao mãi đến những năm 40 của thế kỉ XIX, triều Nguyễn mới tiến hành thu tô, thuế tại các tỉnh miền núi. Các chính sách về kinh tế rõ ràng phải đi sau các chính sách về hành chính một bước. Phải có đội ngũ lưu quan thì triều Nguyễn mới có thể thu thuế, bắt lao dịch đối với vùng dân tộc thiểu số.

Về thuế ruộng, năm 1840, vua Minh Mạng qui định tại các vùng dân tộc thiểu số như sau: Đối với ruộng công, ruộng nhất đẳng nộp 120 bát/1 mẫu, ruộng nhị đẳng nộp 84 bát, ruộng tam đẳng nộp 50 bát. Đối với ruộng tư, ruộng nhất đẳng nộp 40 bát/1 mẫu, nhị đẳng 30 bát, tam đẳng 20 bát [73, tr.42].

Về thuế nhân đinh, năm 1839, vua Minh Mạng qui định mỗi suất đinh phải nộp 2 lạng bạc mỗi năm, nếu địa phương nào hiếm bạc thì thay bằng tiền.

Để có cơ sở thu tô thuế và quản lý chặt chẽ hơn số ruộng, số đinh, năm 1840, nhà nước cho lập sổ đinh, sổ điền trong vùng dân tộc thiểu số. Trong sổ đinh, dân đinh cũng chia theo lứa tuổi như các tỉnh miền xuôi. Bao gồm 4 hạng:

- Hạng vị cập cách: từ 9 đến 17 tuổi - Hạng tráng: từ 18 đến 55 tuổi - Hạng lão: từ 56 đến 60 tuổi - Hạng nhiêu: từ 60 tuổi trở lên

Về sự kiện này, sách Hội điển cho biết: “Theo nghị chuẩn cho các tỉnh ven biên giới Bắc kỳ…sổ sách nhân đinh phải chiểu theo 5 tỉnh lớn (Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh và Sơn Tây) làm lại…Nhân đinh đều theo hạng biên rõ họ, tên và tuổi khai rõ ràng, tự làm thành 3 bản giáp, ất, bính hạn trong năm nay (1840) đã phải làm xong sổ sách” [73, tr.42].

Về việc lập sổ điền, nhà nước cũng qui định cụ thể: “Sổ sách ruộng đất chiểu theo lệ các tỉnh lớn làm lại phải sao cho các phủ, huyện thuộc hạt ấy chuyển sức cho các tổng lý đều chiểu theo số ruộng đất trong xã, thôn là bao nhiêu, biên rõ mẫu sào, đẳng hạng, tiếp giáp,…lần lượt khai chép rõ ràng, làm thành 3 bản giáp, ất, bính, trích lấy hai bản giáp, ất phát để lên bộ xét duyệt, rồi đem bản ất đưa về tỉnh tuân chiểu” [73, tr.42].

Để đánh thuế cho sát với thực tế, vua Minh Mạng cũng như các vua triều Nguyễn sau này còn ra định lệ: Sổ đinh, sổ điền cứ mỗi năm một lần “tiểu tu”, 5 năm một lần “đại tu” [73, tr.42].

Về văn hóa - giáo dục, vua Minh Mạng chủ trương đồng hóa, đẩy mạnh giáo

dục Nho giáo, tiến tới đào tạo quan lại tại chỗ.

Để đảm bảo cho các biện pháp hành chính, kinh tế đạt hiệu quả, các vua triều Nguyễn nói chung, nhất là vua Minh Mạng cũng chú ý đến việc giáo dục văn hóa, “giáo hóa” con em các dân tộc thiểu số. Cốt lõi của chính sách giáo hóa này là đồng hóa các dân tộc thiểu số theo phong tục tập quán của người Kinh. Điều này được các vua triều Nguyễn công khai thừa nhận và coi đó là biểu thị lòng nhân rộng lớn của họ. Có thể thấy rõ điều này qua sự kiện sau:

Năm 1836, nhà vua cho phép các vị Thổ ty thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Thái Nguyên ở Bắc kỳ vào kinh chiêm bái (chầu

vua). Nhà vua xuống dụ cho các quan Nội Các rằng: “Bọn họ tuy ở nơi biên thùy xa xôi, nhưng cũng là tôi con triều đình… Gần đây, triều đình mới thiết lập các đơn vị hành chính, bổ dụng quan người Kinh tới cai trị, là ý muốn cho họ mau được tiêm nhiễm phong hóa vùng Kinh, thật ra triều đình không có ý kỳ thi, các tỉnh thần nên truyền đạt chỉ thị bảo họ nếu ai muốn tới kinh đô chiêm bái chầu vua, để được ban ân, thảy đều được chuẩn hứa; vì đây là ý chí “nhất thị đồng nhân” của Trẫm” [60, tr.325].

Từ khi đặt lưu quan ở các tỉnh biên giới Bắc kỳ, vua Minh Mạng ban chỉ dụ giao cho các tri huyện người Kinh kiêm nhiệm luôn chức huấn đạo, phụ trách việc giáo dục con em các dân tộc thiểu số. Để đẩy mạnh việc dạy và học theo tinh thần Nho giáo, hằng năm Minh Mạng cho in lại các bộ sách kinh điển của Nho gia và ban phát cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Vào năm 1838, vua Minh Mạng cho phép các tuần phủ, bố chính, án sát các tỉnh biên giới “đều xét con em của thổ quan hoặc nhà dân trong hạt, không cứ học đủ văn thể ba kỳ, ai là người tuấn tú, thông thái thì cho lấy về kinh cho học ở Quốc tử giám” [44, tr.37]. Số người này khi theo học ở Quốc tử giám cũng được gọi là “Cống sinh” như các tỉnh miền xuôi. Và số học sinh này cũng được phát lương, tùy theo mức độ chăm chỉ hay lười biếng, nhưng trung bình là 2 quan tiền, 2 phương gạo và 4 cân dầu thắp hàng tháng. Đây chính là chủ trương đào tạo quan lại tại chỗ của các vua triều Nguyễn. Tất nhiên, những viên quan “thổ” sau khi được đào tạo ở Quốc tử giám có sự thay đổi về “chất” so với số thổ quan thế tập trước đó.

Cũng trong năm 1838, vua Minh Mạng cho đặt chức tổng giáo, phụ trách việc giáo dục cho con em các dân tộc thiểu số ở Bắc kỳ. Tổng giáo là một chức quan nhỏ, vả lại việc học hành thi cử tại vùng dân tộc thiểu số chưa phát triển nên nhà vua đã dụ cho bộ Lễ “chỉ nên chọn học trò Kinh, hơi có học hạnh, cấp bằng tổng giáo, hàng tháng cấp cho tiền một quan, gạo một phương, cũng không phải làm nhà học, cứ tùy tiện trú ngụ để dạy bảo, không cứ con em thổ mục hay thổ dân, đều hàng tháng phải dạy học” [73, tr.43]. Chế độ Tổng giáo này được duy trì đến những năm trước cách mạng tháng Tám mới bãi bỏ.

Như vậy, đối với các dân tộc thiểu số ở miền Bắc, vua Minh Mạng thực hiện nhiều chính sách cứng rắn, can thiệp sâu và trực tiếp vào nội bộ các dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên trong lịch sử, quyền lực của các thổ tù, lang cun, lang đạo bị hạ cấp, điều

này góp phần củng cố sự ổn định vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, những biện pháp quá cứng rắn của vua Minh Mạng, ví dụ như chế độ “lưu quan” và chính sách thuế khóa nặng nề đã vấp phải sự phản đối của các tù trưởng cũng như thổ dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thiểu số diễn ra dưới triều Minh Mạng.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)