7. Bố cục luận văn
1.2.2.3. Những thay đổi về quân đội và luật pháp
Ngay từ rất sớm, vua Gia Long đã ý thức xây dựng một lực lượng quân đội mạnh. Chính lực lượng này đã giúp ông đánh bại Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn. Đồng thời cũng dập tắt được những cuộc nổi dậy của các thế lực chống đối khi triều Nguyễn mới thành lập.
Sang thời Minh Mạng, mặc dù tình hình trong nước đã khá yên ổn nhưng nhà vua không bao giờ quên việc chấn chỉnh quân đội: “Việc binh có thể là trăm năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày mà không dự bị” [59, tr.278].
Minh Mạng năm thứ 9 (1828), vua cho đổi quân vệ binh ở kinh đô thành 3 bậc là thân binh, cấm binh và tinh binh. Ở ngoài kinh đô, nhà vua đã cho cải chính sổ binh tịch. Quân đội dưới triều Minh Mạng được tổ chức khá quy củ, trang bị vũ khí đầy đủ, định lệ thi cử rõ ràng, vua còn truyền đem sách Võ kinh dạy cho quân lính, cho soạn sách Thủy chiến để quân lính ngày đêm học tập. Điều này cho thấy quân đội dưới triều Nguyễn nói chung và thời Minh Mạng nói riêng được chú ý phát triển.
Ngoài ra, nhà vua cũng rất chú ý đến việc phòng bị, nhất là các nơi hiểm yếu như biên giới, bờ biển. Vua cũng thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” để đảm bảo
quân số và hậu cần cho quân đội. Quân đội triều Nguyễn bấy giờ so với các nước phương Tây còn thua xa nhưng xét tương quan lực lượng với các nước trong khu vực thì quân đội triều Nguyễn thực sự là một đội quân khá hùng mạnh, không chỉ góp phần ổn định trị an trong nước mà còn đánh tan ngoại bang xâm lược. Thậm chí còn mở rộng ảnh hưởng ra các nước xung quanh.
Về luật pháp, nhà vua đã cho tu sửa thêm một vài điều của Hoàng triều luật lệ cho phù hợp với tình hình trong và ngoài nước. Vua xuống dụ: “Quốc gia dựng pháp luật, định qui chế là muốn để lâu dài về sau…Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta, vâng mệnh trời gây dựng nước. Ngài ngự trị trong khoảng 18 năm, đã từng dựng ra phép cai trị đủ cả. Trẫm tuân giữ hiến pháp đã thành lập mà tu sửa thêm, cũng phải tùy nghi kiến thiết, chấn chỉnh các đại cương, để cho đời sau giữ lấy mà noi theo. Nếu châm chước thêm bớt để đi đến chỗ hay, thì dù đến 40, 50 năm có hại gì” [60, tr.26- 27].
Đối với vua Minh Mạng, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hoàng tử, hoàng thân mà phạm tội thì cũng đều bị xử phạt nghiêm khắc. Những tội bị xử phạt nặng là tội ăn của đút lót và buôn bán thuốc phiện. Vua từng xuống dụ: “quan chức nhận tiền đút lót riêng tư, cũng phải giao cho bộ nghị xử tội” [58, tr.47]. Hoàng thân và quan lớn nhỏ trong triều ngoài quận nếu phạm tội hút thuốc phiện thì “pháp luật quyết không tha” [60, tr.57].
Tóm lại, dưới triều Minh Mạng, pháp luật được thi hành rất nghiêm chính, công bằng. Đó là cơ sở để cai quản một đất nước rộng lớn, đưa quốc gia vào ổn định, trật tự và kỷ cương.