Kinh tế Văn hóa

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 62 - 67)

7. Bố cục luận văn

2.1.2. Kinh tế Văn hóa

Dựa vào đặc điểm chung về kinh tế - văn hóa của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung, có thể tạm chia ra ba khu vực sau:

- Khu vực các dân tộc ở miền núi Thanh Nghệ, bao gồm hai tộc người chủ yếu

là người Mường và người Thái.

+ Người Mường vốn là tộc người bản địa, sinh sống tại vùng núi Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ và một số tỉnh khác của miền Bắc. Tổ tiên của họ từng là chủ nhân của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Người Mường sống trong các thung lũng chân núi. Trong các thung lũng này, người Mường tạo lập nên hệ thống thủy lợi để làm nông nghiệp lúa nước thâm canh. Ngoài ra, họ còn làm nương, khai thác các sản vật tự nhiên, nghề thủ công chủ yếu là dệt và đan lát, buôn bán kém phát triển [69].

Gia đình của người Mường là gia đình nhỏ, phụ quyền. Phần lớn các dòng họ bình dân đều mang họ Bùi, các dòng họ lang đạo mang họ Đinh, Quách, Bạch, Hoàng. Đặc trưng nổi bật của xã hội Mường là thiết chế mường, mỗi mường gồm một số xóm, đứng đầu mường là các lang đạo, về cơ bản mang tính cha truyền con nối. Đất đai trong mường đều thuộc công hữu, chia cho các gia đình có con trai trong toàn mường. Các gia đình nhận ruộng mỗi năm phải dành một số ngày công để cày cấy, phục dịch cho nhà lang và tu bổ công trình thủy lợi trong toàn mường. Mọi sản vật trong mường, từ trên rừng xuống sông suối đều là của nhà lang nên ai đánh, bắt được của ngon vật lạ đều phải biếu nhà lang một phần. Lang đạo có quyền hành dường như

tuyệt đối cả về thần quyền và thế quyền nên dưới các triều đại phong kiến, triều đình thường tìm cách nắm lấy bộ phận này để dễ bề cai trị các sắc dân thiểu số [69].

Về văn hóa, người Mường đã tạo ra một nền văn hóa khá phong phú. Văn hóa vật thể thể hiện ở các yếu tố: kết cấu làng xóm và ngôi nhà sàn, bộ nữ phục - đặc biệt là chiếc váy Mường có các hoa văn giống như trên trống đồng Đông Sơn. Văn hóa dân gian phát triển với các truyện thơ về tình yêu nam nữ, quá trình lập mường. Người Mường cũng nổi tiếng với các làn điệu dân ca, các hình thức hát đối đáp gắn với các nhạc cụ, các điệu múa, các hình thức diễn xướng, sử dụng cồng chiêng, các hình thức đâm đuống… Người Mường coi trọng thờ tổ tiên, thờ ma mường, thờ Thành hoàng làng, một số dòng họ có tục thờ tôtem và đặc biệt đám tang có lễ thức làm mo, đọc mo [69, tr.125].

+ Người Thái (tộc người di cư đến từ thế kỉ X). Cũng giống như người Mường, kinh tế chính của người Thái là nông nghiệp lúa nước ở thung lũng các chân núi, kết hợp làm nương, khai thác các sản vật tự nhiên, nghề thủ công chủ yếu là dệt và đan lát. Kỹ thuật làm ruộng nước của người Thái khá cao với hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh gồm mương, phai, lái, lin, lốc, cọn [69, 126].

Gia đình của người Thái là gia đình phụ quyền. Dòng họ giữ vai trò quan trọng trong đời sống của các gia đình. Tổ chức xã hội của người Thái là các thiết chế mường - bản với vai trò tuyệt đối về vương quyền và thần quyền của các chúa mường (tạo mường) và sự trợ giúp của bộ phận giúp việc (các tạo bản) dựa trên các qui định của phong tục và luật tục [69, tr.127].

Về văn hóa, gần giống với người Mường chỉ khác biệt về mặt trang phục, đặc biệt là của người phụ nữ (chiếc váy đen thêu hoa văn, chiếc áo ngắn có đính hai hàng cúc bạc ở ngực tôn thêm vẻ đẹp và duyên dáng của người phụ nữ, chiếc khăn piêu) và những bộ chăn đệm rất ấm cúng [69, tr.127]. Người Thái cũng thờ tổ tiên và có các lễ nghi tín ngưỡng giống với người Mường.

Văn hóa Thái là yếu tố nổi trội nhất ở vùng Tây Bắc và bắc miền Trung, văn hóa này đã ảnh hưởng lên một số dân tộc thiểu số khác ở miền Trung như: Khơ mú, Kháng, Xinh mun, Mảng, Ơ đu… Những dân tộc này dần dần bị “Thái hóa”, văn hóa của người Thái thể hiện rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của họ, từ nhà cửa, quần áo, ngôn ngữ đến các quan niệm về thần, ma, vũ trụ.

- Khu vực các dân tộc ở miền núi Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng

Nam, Quảng Ngãi và vùng thượng du Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Họ có những

đặc điểm chung, khá thống nhất:

Về kinh tế, các tộc người miền núi từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đều sống dựa vào nương rẫy, khai thác các sản phẩm của rừng núi bằng săn bắt, săn bắn và hái lượm, nghề thủ công và trao đổi kém phát triển, đời sống vật chất thấp kém.

Về xã hội, tồn tại nhiều chế độ xã hội nhưng nhìn chung kém phát triển. Thể chế gia đình của nhiều tộc người còn đang ở chế độ mẫu hệ, gia đình lớn tồn tại như ở các tộc người Êđê, Giarai, Raglai, Cơho, Churu, Mnông, hoặc đang trong quá trình chuyển biến từ mẫu hệ sang phụ hệ. Tư hữu kém phát triển, đất đai thuộc quyền sở hữu của cộng đồng buôn làng, xã hội chỉ mới phân hóa giàu nghèo, chưa phân hóa giai cấp. Đơn vị cơ bản là buôn, già làng có vị trí quan trọng, phong tục tập quán và luật tục là công cụ để quản lí đời sống cộng đồng. Nhà Rông, nhà Gươi hay nhà Dài là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng buôn làng [69, tr.129].

Về văn hóa, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở vùng núi từ Quảng Trị đến Khánh Hòa khá thống nhất trong sự đa dạng của các tộc người. Các dân tộc thiểu số ở khu vực này chủ yếu ở nhà sàn, kiến trúc đơn giản. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là gùi đeo vai. Nhiều tộc người như Êđê, Bana, Giarai,…biết thuần dưỡng voi, đóng thuyền làm phương tiện vận chuyển, đi lại. Trang phục của các tộc người thống nhất về loại hình nhưng được phân biệt bởi màu sắc. Một số dân tộc có tục cà răng, căng tai, xăm mình [69, tr.129-130].

Văn hóa dân gian của các tộc người này phong phú với nhiều hình thức như: truyện thần thoại, cổ tích, sử thi, anh hùng ca, các lời văn vần, các đêm kể chuyện. Nhạc cụ có đàn tơrưng, krông pút, khèn, cồng chiêng, đàn bầu. Về tín ngưỡng, các tộc người đều có các nghi lễ, hội hè liên quan đến đời sống gia đình và cộng đồng buôn làng, đến chu trình sản xuất nông nghiệp như lễ cúng cơm mới, lễ bỏ mả gắn với tượng nhà mồ, lễ đâm trâu… [69, tr.130].

- Khu vực người Chăm ở phía Nam của miền Trung. Người Chăm chủ yếu làm

nông nghiệp, ruộng nước kết hợp với nghề thủ công. Do sống ở vùng biển, có nhiều vũng vịnh nên người Chăm rất giỏi đánh cá và đi buôn trên biển, kĩ thuật đóng thuyền đi biển khá cao. Cơ sở ban đầu của nghề đánh cá và buôn bán trên biển là nền văn hóa

ghe bầu [69, tr.131]. Đây là đặc điểm của cư dân Mã Lai - Nam Đảo, gắn với các hoạt động thương nghiệp trên biển và dọc biển.

Về xã hội, người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Con cái đều theo họ mẹ, phụ nữ chủ động việc hôn nhân, lo thờ cúng tổ tiên, được hưởng quyền thừa kế nên người nào không có con gái được coi là tuyệt tự. Hôn nhân con chú con bác, con cô con cậu được coi là phù hợp (trừ trường hợp con gái cô lấy con trai cậu), cấm ngặt con dì con già lấy nhau. Một dòng họ do một phụ nữ đứng đầu, có kiêng kị riêng, nghĩa địa riêng.

Trong quá trình tiếp thu với các tôn giáo và các nền văn hóa, cộng đồng người Chăm chia làm ba bộ phận:

- Chăm Hroi: sống rải rác ở vùng núi Phú Yên, Bình Định.

- Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận: bao gồm 2 bộ phận Chăm Bà la môn và Chăm Bà ni.

- Chăm Nam bộ hay còn gọi là Chăm Islam (người Chăm theo đạo Hồi).

Các tôn giáo có vai trò quan trọng, chi phối cộng đồng người Chăm, tạo nên các sắc thái khác nhau trọng nội bộ tộc người. Ý thức về tộc người của người Chăm rất cao và ý thức về cộng đồng tôn giáo cũng rất rõ nét, nhiều khi tạo nên những mâu thuẫn về chính trị - xã hội giữa các nhóm theo các tôn giáo khác nhau.

Trong quá trình sinh sống, người Chăm cũng tạo ra nền văn hóa độc đáo của riêng mình. Có thể kể đến hệ thống tháp Chăm ở nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguồn thần thoại, truyền thuyết về vũ trụ, về con người, về nguồn gốc tộc người, ca dao, tục ngữ, dân ca của người Chăm rất phong phú.

Là cư dân theo chế độ mẫu hệ, người Chăm coi trọng việc thờ nữ thần. Đặc biệt là thần Thiên Y A Na, thần Mẹ xứ sở, đã sáng tạo ra đất đai, cây cối và dạy người Chăm cách trồng trọt. Là cư dân thạo nghề đi biển, họ còn coi trọng việc thờ Cá Voi (Cá Ông) và có nhiều nghi lễ liên quan đến nghề đi biển như cúng thuyền, các kiêng cữ liên quan đến thuyền. Người Chăm còn thờ những vị vua, những người có công lớn đối với cộng đồng, những người này được thần thánh hóa và thờ trong các tháp Chăm.

Ngoài các tộc người kể trên, khu vực miền Trung còn có sự hiện diện của tộc

người Hoa. So với các dân tộc ít người sống trên mảnh đất miền Trung thì người Hoa

có trình độ phát triển kinh tế - văn hóa cao. Họ chủ yếu cư trú ở đồng bằng, những nơi buôn bán sầm uất ở miền Trung như Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) và một số nơi khác ở miền Trung. Trong các thế kỉ XVII - XVIII, với chính sách ưu đãi của các chúa Nguyễn đối với người Hoa và hoạt động ngoại thương, người Hoa đã góp phần rất lớn trong sự phát triển của nền thương nghiệp Đàng Trong. Nửa sau thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, những đô thị ở miền Trung suy yếu dần, vai trò của người Hoa vì thế bị giảm sút. Tuy vậy, cộng đồng người Hoa ở miền Trung vẫn không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng.

Ngoài lĩnh vực thương mại, cộng đồng người Hoa ở miền Trung còn tham gia các hoạt động kinh tế khác như nông nghiệp, thủ công nghiệp. Có thể thấy rõ điều này qua chính sách thuế của triều Nguyễn đối với người Hoa, bao gồm thuế thực hộ (ở các thôn ấp, phố phường), thuế khách hộ, thuế biệt nạp (hộ có doanh nghiệp), thuế điền thổ (hộ có đất cày cấy). Người Hoa theo chế độ phụ quyền. Lúc sang Việt Nam, họ lấy vợ Việt để thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán.

Về văn hóa, những người Hoa di cư sang Việt Nam không chỉ mang theo gia đình, kinh nghiệm sống, kĩ thuật của ngành nghề mà còn mang theo cả nền văn hóa của họ. Đó là một nền văn hóa cao, được coi là phát triển nhất ở phương Đông. Các nước trong khu vực, kể cả Việt Nam đều coi văn hóa của người Hoa là mẫu mực. Sinh sống ở miền Trung, người Hoa không chỉ phổ biến văn hóa của họ sang người Việt mà ngược lại họ còn tiếp thu những yếu tố mới trong văn hóa Việt tạo nên quá trình giao lưu văn hóa Việt - Hoa.

Như vậy, vùng đất miền Trung dưới thời Nguyễn không còn là vùng “Ô châu ác địa” của thế kỉ XVI, không còn là vùng bị chia cắt bởi chiến tranh phong kiến liên miên của thế kỉ XVII, cũng không còn cơn bão táp của khởi nghĩa nông dân cuối thế kỉ XVIII. Miền Trung đầu thế kỉ XIX yên bình và thống nhất. Ở đó, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lâm thổ sản dồi dào. Ngoài người Kinh còn có đồng bào các dân tộc ít người và cả người Hoa sinh sống. Trong đó, mỗi tộc người đều có những hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội và sinh hoạt văn hóa khác nhau. Điều này đòi hỏi các vua triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng phải có chính sách phù hợp để quản

lý, duy trì sự ổn định quốc gia cũng như bảo toàn được vùng biên cương của Tổ quốc. Nội dung của chính sách dân tộc đó như thế nào? Hiệu quả ra sao? Sẽ được tìm hiểu ở các phần tiếp theo của luận văn.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)