Mở mang văn hóa giáo dục

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 45 - 47)

7. Bố cục luận văn

1.2.2.5. Mở mang văn hóa giáo dục

Với tinh thần “độc tôn Nho giáo”, vua Minh Mạng chủ trương xây dựng nền

văn hóa - giáo dục theo khuôn mẫu của tư tưởng này.

Ngay sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã cho lập Quốc sử quán. Cơ quan này không chỉ có nhiệm vụ chép sử mà còn có nhiệm vụ phổ biến văn hóa, góp phần vào việc giáo dục nhân tài.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua đã cho xây thêm nhà cửa tại Quốc Tử giám, ở giữa làm giảng đường, hai bên tả hữu làm chỗ ở cho tôn sinh, giám sinh. Từ năm Minh Mạng thứ 3, triều đình qui định: từ nay về sau, hàng năm mỗi phủ lấy một cống học sinh và cho năm ấy mỗi huyện lấy một cống học sinh.

Nhưng cải cách quan trọng hơn cả là nhà vua đã cho nâng cấp chế độ khoa cử, mở khoa thi Hội, thi Đình, lấy đỗ tiến sĩ. Vua Minh Mạng cũng qui định 3 năm thi Hội một lần thay cho qui định 6 năm thời Gia Long. Bên cạnh đó, nhà vua cũng sai cấp lương bổng cho các sinh viên học ở Quốc tử giám và định lại nội dung dạy học cũng như nội dung các kì thi Hương, thi Hội.

Ở các phủ, huyện vua cho đặt các chức giáo thụ và huấn đạo, những người này có nhiệm vụ “chuyên giữ việc giảng dạy, tới kì thi Hương, các sĩ tử đều do giáo thụ, huấn đạo sát hạch một lần rồi chuyển lên viên Thượng ty Học chính phú hạch lại” [59, tr.84]. Các sĩ tử ở các tỉnh ngoài đến kinh đô học cũng được đối đãi như các sĩ tử Thừa Thiên.

Đối với các sĩ tử đỗ đạt làm quan được ban thưởng rất hậu hĩ như cấp cho mũ áo, đãi yến, xướng danh; đặc biệt đỗ tiến sĩ, sẽ được khắc tên vào bia đá trong Văn Miếu. Bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), những người đỗ đạt đã được hưởng ân huệ này và đã trở thành lệ cho các kì thi sau.

Từ những sự kiện trên cho thấy vua Minh Mạng rất chú trọng đến việc phát triển nền giáo dục nước nhà. Điều này phát sinh từ nhu cầu cần nhân tài để bổ sung vào bộ phận văn quan, thay thế dần võ quan. Tuy nhiên, hạn chế về nội dung giáo dục dưới thời Minh Mạng do sự câu nệ văn chương dẫn đến công thức, sáo rỗng không còn phù hợp với tình hình hiện tại, không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế nước ta thời bấy giờ.

Bên cạnh việc độc tôn Nho giáo, tôn sùng Nho học, triều Nguyễn nói chung và triều Minh Mạng nói riêng luôn thể hiện sự tôn trọng các tín ngưỡng truyền thống như: thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc, các vị thần linh. Đồng thời, nhà nước cũng dung nạp Phật giáo và Lão giáo như là “một sự hỗ trợ thêm khi cần thiết” [28, tr.27]. Đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần củng cố địa vị của vương triều Nguyễn, ổn định trật tự xã hội và bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Có lẽ vì vậy mà triều Nguyễn nói chung và triều Minh Mạng nói riêng khó chấp nhận một tín ngưỡng xa lạ như Thiên Chúa giáo.

Dưới thời Gia Long, do chịu ơn của các giáo sĩ, đặc biệt là Bá Đa Lộc nên nhà vua vẫn cho Thiên Chúa giáo hoạt động bình thường, không ra một chỉ dụ cấm đạo nào nhưng cũng không khuyến khích Thiên Chúa giáo phát triển thêm. Thực tế, vua Gia Long không ưa gì đạo Thiên Chúa và luôn muốn thoát khỏi “món nợ” với người Pháp. Việc chọn Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) lên nối ngôi thay vì chọn con của Hoàng tử Cảnh là một minh chứng cho điều đó.

Thời gian trị vì của vua Minh Mạng, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp. Đó là sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân và các cuộc khởi nghĩa trong

nước xảy ra liên tục. Trong đó có sự góp mặt của các giáo sĩ. Chính những đặc điểm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách của vua Minh Mạng đối với đạo Thiên Chúa.

Nhà vua có rất nhiều chỉ dụ liên quan đến vấn đề cấm đạo Thiên Chúa. Chỉ dụ đầu tiên ban hành vào năm 1825, khi các giáo sĩ bị trục xuất lén trốn tại Cửa Hàn (Đà Nẵng). Chỉ dụ thứ hai ban hành năm 1827, chủ yếu kêu gọi các giáo sĩ tập trung về Huế để làm nhiệm vụ dịch thuật. Chỉ dụ thứ ba được ban hành vào tháng 1 - 1833, truyền cho các phủ huyện phải khuyến cáo nhân dân từ bỏ đạo Thiên Chúa. Giữa năm đó, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Nam kỳ bùng nổ có sự tham gia của các giáo sĩ người Pháp và giáo dân làm cho vua Minh Mạng tức giận. Một loạt các dụ cấm đạo ngày càng nghiêm khắc hơn được ban hành.

Nếu trước cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, mục đích cấm đạo của vua Minh Mạng được ghi trong các chiếu chỉ là vì Thiên Chúa giáo là tà giáo, không hợp với phong tục tập quán của dân tộc thì sau cuộc khởi nghĩa này, triều Nguyễn xác định mục đích cấm đạo là vì các giáo sĩ ngoại quốc đã đe dọa tới nền an ninh quốc gia. Nhà vua đã xuống dụ: “Nếu là đạo trưởng Tây dương, lập tức phải bắt giải quan, cũng chiếu theo luật trinh sát ngoại quốc vào trong nước mà khép tội chém” [56, tr.838].

Vua Minh Mạng không chủ trương tận diệt đạo Thiên Chúa ngay mà chỉ muốn hạn chế sự truyền bá rộng hơn của đạo Thiên Chúa để thu hẹp tối đa ảnh hưởng của đạo này trong dân chúng. Nhà vua chủ trương dùng biện pháp giáo dục là chính, chỉ dùng đến biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, sau khi cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi nổ ra có sự tham gia của các giáo sĩ và các giáo dân, triều đình đã dùng biện pháp cứng rắn hơn đối với đạo Thiên Chúa. Không chỉ bắt giết các giáo sĩ, nhà vua còn ra lệnh cho các quan tỉnh “khuyến cáo nhân dân bỏ đạo, ai thành thực bước qua cây thập tự thì miễn tội, nhà thờ nhà giảng cho hủy diệt đi, ai cố tình không tuân bị trị tội nặng”. Có thể nói “đây là chỉ dụ cấm đạo khắc nghiệt nhất và cũng thất nhân tâm nhất của vua Minh Mạng” [29, tr.213].

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)