Phổ biến văn hóa người Kinh cho các dân Thuộc Man

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 86 - 90)

7. Bố cục luận văn

2.3.1.3. Phổ biến văn hóa người Kinh cho các dân Thuộc Man

Về mặt văn hóa - giáo dục, vua Minh Mạng chủ trương phổ biến văn hóa,

nhở các quan cai trị thổ dân là phải làm cho họ (thổ dân) ngày càng “tiêm nhiễm được phong hóa miền Kinh” [60, tr.343].

Chủ trương trên đây được thể hiện qua rất nhiều chỉ dụ được ban hành dưới triều Minh Mệnh. Sử triều Nguyễn ghi lại:

Năm 1829, Thổ ty chín châu thuộc Cam Lộ vào kinh triều cống. Nhà vua sai thưởng cho họ y phục. Nhân xuống dụ cho bộ Lễ rằng: “Cửu châu là vùng thần thuộc triều đình đã lâu, năm ngoái đây biên phòng có việc lôi thôi, khi họ được hịch văn hiệu triệu đã biết vâng mệnh tức khắc, nay bọn Thổ ty vào triều cống bái lễ lại không sai lễ nghi pháp độ; lòng thành khẩn hướng theo giáo hóa thiệt là đáng khen. Bởi vậy, nên đặc tứ hậu đãi để khuyến miễn họ tiêm nhiễm phong hóa người Kinh, hầu biết cải phong tục vẽ rồng rắn vào người của họ, tới biết ăn bận xiêm áo chỉnh tề” [60, tr.296]. Sau đó, nhà vua đã sai ban cho thêm “3 người Thổ tri châu, 6 người Đại hành, 17 người Thổ lại mục áo sa đều một cặp, 10 người đầu mục áo sa đều một cái” [54, tr.855].

Cùng với đó, vua Minh Mạng còn ban “tên họ” cho các Thổ tri châu. Sách Hội điển viết:

Năm 1829, (vua) xuống dụ: “chín Thổ ty man thuộc đạo Cam Lộ, nguyên lệ thuộc vào bản đồ sổ sách của triều đình, đời đời cung chức cống, trước đã chuẩn cấp sắc mệnh cho, thì là những châu thanh giáo đã thấm nhuần tới. Từ trước đến nay, tục man theo nhau, chỉ theo thế chứ, chẳng biết ở họ nào mà ra. Ôi! Sửa đổi phong tục tất phải dần dần, mà đấng vương giả có dạy không kỳ loài nào. Lần này bọn Thổ ty ấy đã từng theo về phong hóa mặc áo xiêm của ta, nếu cứ để cho có tên không họ, há phải là ý cùng coi là dân cả của trẫm ư?”

Sau đó, nhà vua đã ban cho: “Thổ tri châu châu Mường Vang tên là Kiềm, cho họ là Lâm; Thổ tri châu châu Na Bôn tên là Liết, cho họ là Thạch; Thổ tri châu châu Thượng Kế tên là Phủ, cho họ là Khâu; Thổ tri châu châu Tá Bang tên là Chiêu, cho họ là Lĩnh; Thổ tri châu châu Xương Thịnh tên là Khả, cho họ là Sơn; Thổ tri châu Tầm Bôn tên là Nội, cho họ là Hướng; Thổ tri châu châu Ba Lan tên là Ngân, cho họ là Đồng; Thổ tri châu châu Mường Bổng tên là Huân cho họ là Cốc; Thổ tri châu châu Lang Thì tên là Đốn, cho họ là Thiết; rồi ghi theo họ mới ban cho, viết đổi lại sắc mệnh mỗi người một đạo, phát giao cho bọn ấy nhận lấy, đời đời tuân phụng, để

phân rõ họ hàng, theo luân thường, đều đi đến đạo lớn, khiến cho ngày càng tập nhiễm thói hoa hạ” [43, tr.522].

Như vậy, việc ban xiêm áo cùng với tên họ là để cho thổ dân ngày càng hướng theo “phong hóa”, “nhiễm thói hoa hạ”, tức là hướng theo phong tục tập quán của người Kinh. Chủ trương của vua Minh Mạng là phải sửa đổi phong tục dần dần, không nôn nóng và phải dạy “không kỳ loài nào”, nghĩa là không phân biệt bất kì dân tộc nào, đều cho họ được theo những phong tục tốt đẹp của người Kinh. Hay nói cách khác đây chính là tư tưởng “nhất thị đồng nhân” (xem mọi người ai cũng như ai) của vua Minh Mạng.

Không chỉ ban tên họ cho các Thổ quan, vua Minh Mạng còn ban tên họ cho Thổ dân. Đó là trường hợp ở tỉnh Bình Thuận năm 1832. Sau khi đặt quan cai trị ở tỉnh này, nhà vua dụ cho các quan “dùng đến tên các danh mộc như đào, mai, tùng, liễu… đặt tên cho thổ dân” [60, tr.307].

Ngoài ra, để thực hiện tư tưởng “nhất thị đồng nhân” của mình, vua Minh Mạng cho thực hiện chính sách giáo dục đối với các dân tộc thiểu số trên cả nước. Trong đó có các dân tộc Thuộc Man ở miền Trung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chính sách giáo dục được áp dụng ở vùng dân tộc thiểu số. Vua Minh Mạng là người thiết kế, triển khai và hai vua kế nhiệm là Thiệu Trị và Tự Đức tiếp tục thực thi. Ban đầu, nhiệm vụ giáo dục được giao cho các quan người Kinh được triều đình phái tới, còn các vị quan Thổ chỉ giữ nhiệm vụ cai quản dân và thu thuế.

Minh Mệnh chính yếu ghi:

“Năm 1828, trong một buổi đình nghị, các triều thần xin cho đem Tương Dương huyện đặt thành phủ, có quan phủ cai trị và kiêm lý cả việc của ba huyện kia tức là các huyện Kỳ Sơn, Hội Nguyên và Vĩnh Hòa (thuộc Nghệ An). Các huyện này cũng sẽ được tiếp tục đặt chức tri huyện để thời thường tới dạy bảo khai hóa cho dân chúng tập nói tiếng Kinh. Còn về việc ăn mặc và các lễ như Quan, Hôn, Tang, Tế thì quan huyện phải tới nơi bản làng để hiếu dụ cho dân. Nhà vua cho lời đề nghị như vậy là đúng” [60, tr.295].

Về sau, khi các vùng dân tộc thiểu số đã tương đối ổn định, đặc biệt là từ sau cuộc cải cách hành chính, để thống nhất nền hành chính quốc gia, vua Minh Mạng đã cho đặt các chức quan chuyên phụ trách giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số giống như

vùng người Kinh. Năm 1832, nhân việc đình thần tâu xin cho quan chức tới trấn Thuận Thành cai trị, để biểu thị tinh thần không phân biệt trong ngoài. Nhà vua “liền sai quan Thị Lang tên là Lê Nguyên Trung tới địa phương này kinh lý. Nguyên Trung tới trấn trù nghị chia đặt phủ, huyện, sắp xếp mọi tiện nghi rồi tâu về kinh…rồi đặt quan tri phủ, tri huyện, giáo thụ, huấn đạo, phân định chức chưởng chính trị và giáo dục” [60, tr.307].

Theo trình tự cấp bậc trong hàng ngũ giáo quan [44, tr.31] dưới triều Nguyễn, đứng đầu là đốc học, cai quản việc giáo dục của một tỉnh; đến giáo thụ, phụ trách giáo dục trong một phủ; đến huấn đạo quản lý giáo dục của một huyện và cuối cùng là tổng giáo, dạy dỗ con em của thứ dân của một tổng. Việc phân bổ, sắp đặt các giáo chức cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số tùy thuộc vào tình hình học tập và số lượng học trò. Lúc đầu, vua Minh Mạng chưa đặt đốc học ở các vùng dân tộc thiểu số mà chỉ sắp xếp giáo thụ hoặc huấn đạo tùy theo tình hình học tập của từng địa phương.

Năm 1825, triều đình chủ trương bố trí giáo chức cho các địa phương như sau: “Hạt nào văn học hơi nhiều, mà chức huyện giáo phải đặt, thì chuẩn cho các địa phương ấy chọn cử, còn huấn đạo các huyện hiện đã đặt ra, nếu huyện nào văn học ít, chỉ cần quan dạy học ở phủ cũng đủ, thì không phải lại đặt huấn đạo nữa, viên nào thừa cũng nhất luật nói rõ, đợi ban chỉ ngừng đặt” [44, tr.31].

Bên cạnh việc phổ biến giáo dục cho dân tộc thiểu số ở miền Trung, vua Minh Mạng còn lệnh cho các quan ở các tỉnh chọn những người thông thạo tiếng Thổ dân, cho đào tạo để làm việc cho triều đình. Hội điểnđã viết:

Năm 1835, “chuẩn cho tỉnh Nghệ An đi kén chọn rộng, lấy người thông hiểu chữ Man ở trong hạt, cần được nhiều người, rồi sức cho đội trưởng Lê Thái Trực, thông ngôn Lê Thái Vĩ chỉ bảo rõ ràng, cần được thông thạo sớm; sau vài tháng cho tỉnh cấp giấy tờ tư cho Lê Thái Vĩ, nguyên đã phái trước hoặc một người đã chọn là thông hiểu đến kinh để đợi làm việc công” [43, tr.492].

Năm 1836, “chuẩn cho tỉnh Bình Thuận chọn ở thuộc hạt lấy một hai người am tường chữ Chiêm và đạo Bà Ni lại thông hiểu chữ Trung Hoa, chiếu cấp cho mỗi người mỗi tháng là 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo để dạy học và chọn con em sĩ dân lấy năm sáu người có tư chất hơi nhanh nhẹn, cấp cho mỗi người mỗi tháng tiền 1 quan,

gạo 1 phương để chi dùng. Rồi chọn chỗ ở tỉnh thành, để cho các thầy dạy học trông coi các học trò tập tiếng nói và chữ viết” [43, tr.493].

Như vậy, chủ trương của vua Minh Mạng về mặt văn hóa - giáo dục đã giúp các dân tộc Thuộc Man được tiếp xúc với nền văn hóa mới, cải biến dần những tập quán lạc hậu. Mặt khác, cũng thấy rằng: thực chất chủ trương phổ biến văn hóa người Kinh cho các dân tộc thuộc Man là đồng hóa về mặt văn hóa, từ áo quần, tên họ cho đến tiếng nói, chữ viết đều theo phong tục của người Kinh. Chủ trương này đã tác động đến văn hóa lâu đời của các dân tộc Thuộc Man, điều này đã góp phần dẫn đến sự phản kháng của họ đối với triều đình trung ương.

Để ngăn chặn sự phản kháng này, vua Minh Mạng đã đưa ra những biện pháp mang tính chất phủ dụ như vẫn cho một số dân tộc được cử hành việc “Quan, hôn, tang, tế” theo tục lệ của địa phương. Đối với người Chăm, nhà vua cho họ tiếp tục được thờ cúng các vị vua Chăm. Tuy nhiên, chủ trương đồng hóa quá mạnh mẽ, không tôn trọng văn hóa các dân tộc thiểu số đã làm cho những một số chính sách của vua Minh Mạng trở nên phản tác dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thống nhất quốc gia và sự đoàn kết của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc ở khu vực miền Trung nói riêng.

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)