Mở rộng giao lưu kinh tế giữa các dân tộc

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 116 - 122)

7. Bố cục luận văn

3.1.2. Mở rộng giao lưu kinh tế giữa các dân tộc

Bên cạnh những tác động về mặt chính trị - xã hội, chính sách của vua Minh Mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung cũng đem lại những tác động khác về mặt kinh tế. Cụ thể là tạo ra sự giao lưu kinh tế giữa các dân tộc với nhau.

Trong chính sách kinh tế đối với các dân tộc thiểu số ở miền Trung, vua Minh Mạng có cho lập các sở, nguồn buôn bán giữa người dân tộc thiểu số với nhau và với người Kinh. Có thể kể đến các nơi như: chợ đồn Ngàn Phố (Cam Lộ), nguồn Chiên Đàn (thuộc Quảng Nam), nguồn Phù Trường (thuộc Bình Thuận) và một số nguồn khác ở Trà Vân và Trà Bình thuộc Bình Định. Chính các tụ điểm buôn bán này đã trở thành nơi giao lưu kinh tế giữa các dân tộc với nhau.

Sự giao lưu kinh tế này không chỉ diễn ra ở những địa điểm chính thức do triều đình thành lập mà còn diễn ra ở các nơi khác. Điều này còn tùy thuộc vào nhu cầu trao đổi buôn bán giữa các dân tộc với nhau chứ không phụ thuộc vào chủ trương của triều Nguyễn. Có thể thấy rõ điều này qua việc buôn bán dọc theo Trường lũy Quảng Ngãi.

Như đã biết, công trình Trường lũy được xây dựng với mục tiêu phòng vệ. Về mặt quân sự, Trường lũy là một công trình kiến trúc phòng vệ dạng trường thành được dựng lên để ngăn chặn sự xâm nhập của các dân tộc Tây Quảng Ngãi xuống cướp phá ở vùng đồng bằng. Đồng thời làm bàn đạp cho các chiến dịch tiến công, áp đặt sự thống trị tại một vùng dân cư rộng lớn mà triều đình cho là phức tạp, nguy hiểm. Thế nhưng, hiệu quả quân sự của Trường lũy lại không cao, vì người Thượng dùng lối đánh du kích ẩn hiện khó lường, quan binh đã từng bị họ đánh thua mấy lần.

Mặt khác, khi đã hình thành và tồn tại thì Trường lũy Quảng Ngãi không chỉ có vai trò quân sự. Một công trình đồ sộ và đứng vững hàng thế kỷ như Trường lũy Quảng Ngãi, trong tiến trình khẳng định sự có mặt, chắc chắn nó sẽ “tác động và tạo nên những biến đổi kinh tế - văn hóa - xã hội sâu sắc cho cả vùng” [76, tr.21].

Trước hết vì Trường lũy chạy dọc theo chân rặng Trường Sơn, vùng đầu nguồn của các con sông. Các sông suối vùng đầu nguồn thường nhỏ hẹp, muốn vượt qua không cần cầu. Bên trong Lũy có đường đi thông suốt từ đầu đến cuối Lũy.

Đường này trở thành con đường giao thương Bắc - Nam tiện lợi. Mặt khác, gần Trường lũy, hình thành các chợ đầu nguồn cùng với hệ thống giao thông Đông - Tây, là mạng lưới giao thương giữa miền biển với miền núi. Vì vậy, trên thực tế tại chính hệ thống Trường lũy đã hình thành hoạt động giao thương buôn bán có tổ chức.

Sách Trường lũy Quảng Ngãi ghi rõ bộ phận quản lý Trường lũy cũng bao gồm quản lý giao thương qua nhiệm vụ quản lý việc thu các loại thuế: “các viên quản lí trong nguồn nào thì chiếu theo các thương hộ mà thu thuế đầu nguồn” [76, tr.87]. Ở Trường lũy có 4 nguồn chính là: Trà Bồng, Cầu Bà, Phụ Bà và Ba Tơ. Trong mỗi nguồn lại có nhiều đạo sở để thu thuế. Mặt hàng được trao đổi ở các sở nguồn cũng được ghi lại khá cụ thể: “Người Thượng trồng trọt chỉ để ăn thôi, nhưng các loại quế, trà, lá dâu, bông vải, mè đậu,…họ không biết sử dụng, mà để trao đổi với người Kinh lấy các thứ nhu dụng khác, nhất là muối” [76, tr.85].

Kế đến, con đường chạy dọc Trường lũy gần như trùng hoặc đi song song với một đường giao thương cổ, tức là đường thượng đạo - đường miền núi. Ngày xưa, tại miền Trung, con đường thiên lý dọc ven biển, nơi đông đúc dân cư, nhưng vì sông chảy đến gần biển thì mở rộng chỉ có đò ngang, tải trọng rất nhỏ. Vì thế, đường thượng đạo rất tiện lợi để vận chuyển hàng hóa đường dài Bắc - Nam, đồng thời cũng là con đường chiến lược. Con đường này chạy từ Quảng Ngãi ra đến Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Thứ ba là Trường lũy đóng vai trò quan trọng trong “chiến lược điều hòa giao thương đa chiều” ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Kinh - Thượng hàng ngày. Nó nâng trình độ quản lý và các hoạt động kinh tế, sinh hoạt lên tầm cao. Từng bước, nó định hình tiến trình phát triển vùng theo chiều hướng xóa dần những khác biệt… [76, tr.22].

Công dụng của Trường lũy đã vượt xa ý đồ của người cho xây dựng nó. Trường lũy tạo nên sự kết nối các dân tộc với nhau, cùng chia sẻ lợi ích kinh tế văn hóa xã hội. Từ đó, nhân dân hai miền Kinh - Thượng cùng nhau xây dựng và mở ra mối quan hệ đoàn kết, hòa hảo giữa người dân miền ngược và miền xuôi. Trường lũy đã tạo điều kiện cho việc thông thương và giao lưu với mật độ ngày càng cao, theo con đường Đông - Tây và Bắc - Nam ngày càng phát triển, là “cơ sở quản lý và thúc đẩy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa các dân tộc một cách toàn diện” [76, tr.22].

Trong các dân tộc thiểu số ở miền Trung, người Hoa có hoạt động kinh tế phát triển nhất. Cùng với chính sách ưu đãi về kinh tế của các vua Nguyễn, sự giao lưu kinh tế của người Hoa với người Việt diễn ra sôi nổi. Sử cũ còn ghi lại khá nhiều tụ điểm kinh tế của người Hoa tồn tại ở miền Trung vào đầu thế kỉ XIX.

Ở Nghệ An có tụ điểm kinh tế Phù Thạch - Chợ Tràng, khi thành phố Vinh chưa xuất hiện thì đây là nơi phồn hoa đô hội nhất xứ Nghệ. Giao lưu kinh tế giữa người Việt và người Hoa diễn ra nhộn nhịp. Hàng hóa của người Minh Hương thường được bán tại cửa hiệu và tại chợ Tràng gồm các sản phẩm mua từ Trung Quốc như: thuốc Bắc, vải lụa vóc gấm, bút mực, sách, địa bàn, các mão nạo, thuốc nhuộm, chè Ô Long, sâm Cao Ly… Hàng bản tỉnh có các thứ: đồ sắt Vân Chàng, lụa Châu Phong, đồ mộc Thái Yên, quế Phủ Quỳ, xạ hương Thanh Chương, nón thúng chợ Thượng, nón lá chợ Cồ, miến Bùi Xá, tôm cá mắm cửa Hội, tương Nam Đàn, mật Phù Long, rượu Phục Lễ… [9, tr.35].

Ngoài Phù Thạch - chợ Tràng, ở Nghệ An còn có nhiều tụ điểm kinh tế khác có người Hoa sinh sống và buôn bán như Sa Nam, chợ Rộ, Đô Lương, Chợ Rào. Hàng hóa mà người Hoa thường mang đến các tụ điểm này là thuốc Bắc, vì thuốc Bắc ở đâu cũng cần, không lo ế ẩm. Họ buôn từ cái lớn như vải lụa chăn mền Tàu đến những vật nhỏ như kim khâu, chỉ thêu Tàu [9].

Ở Hà Tĩnh, quán xá của người Hoa được lập ở nhiều nơi như Cửa Sót, Cửa Khẩu. Trong thế kỉ XIX, có một số người Hoa không chịu nổi ách thống trị của người Mãn Thanh đã đưa gia đình xuống thuyền sang Việt Nam, tìm đến Cửa Khẩu làm nghề đánh bắt cá tôm để sống. Họ đã xây nhà cư trú lâu dài tại thôn Phú Duyệt huyện Kỳ Anh và đã dựng chùa trên sườn núi Bàn Đô làm nơi sinh hoạt và cầu phúc. Về sau cửa Cảng, nơi họ kinh doanh bị bồi lấp, lại gặp chiến tranh loạn lạc, họ đã dời đi nơi khác. Một số người trong họ đã biến thành những người Việt ở địa phương [9].

Ở Quảng Bình, từ đầu thế kỉ XIX, chợ Đồng Hới đã buôn bán đông đúc, hàng hóa thông thương đến trong Nam ngoài Bắc, đồng thời cũng là một tụ điểm có người Hoa sinh sống. Cũng vào thời gian này, một số người Hoa đến tị nạn tại Nhật Lệ, hoạt động dọc các con sông và ven biển, một số trở nên giàu có [9].

Tuy nhiên, địa điểm mà người Hoa cư trú đông nhất và buôn bán sầm uất nhất ở miền Trung là Thanh Hà - Bao Vinh (Huế) và Hội An (Quảng Nam).

Phố Thanh Hà lập vào khoảng nửa sau thế kỉ XVII, khi phủ Chúa Nguyễn rời về Kim Long, Chúa bèn cho phép tiên hiền trong làng kiến thiết khu chợ, tức phố Thanh Hà. Phố cảng Thanh Hà ra đời từ một làng quê, nhưng với vị trí thuận lợi, trên bến dưới thuyền, cư dân sẵn có truyền thống buôn bán, Thanh Hà đã trở thành nơi hội tụ hàng hóa của nhân dân các vùng lân cận. Người Hoa đến Thanh Hà đã góp phần không nhỏ vào sự phồn thịnh của thương cảng này. Thanh Hà nhanh chóng trở thành một thương cảng lớn nhất thời Kim Long - Phú Xuân và là địa chỉ thương mại hấp dẫn của thương khách nhiều nước, trước hết là thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản của châu Á, của các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…

Trong thời kỳ thịnh đạt, phố Thanh Hà phần lớn nằm trong tay Hoa thương nên gọi là “Đại Minh khách phố”. Về mặt hành chính, buổi đầu phố Thanh Hà trực thuộc phố Hội An ở Quảng Nam, đến thời Tây Sơn (1786 - 1801) mới tách riêng thành một đơn vị hành chính độc lập với tên gọi “Minh Hương xã Thanh Hà phố”. Vào đầu triều Nguyễn đặt làm “Thanh Hà - chợ Dinh nhị phố Minh Hương xã” [26, tr.3].

Khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, do sự bồi lấp của sông Hương, thương thuyền lớn không thể cập bến Thanh Hà phố được nữa. Người Hoa dời về Bao Vinh làm ăn. Thanh Hà phố dần dần rơi vào quên lãng. Phố cảng Bao Vinh từ đầu triều Nguyễn đã thay thế vị trí của trung tâm của phố cảng Thanh Hà.

Bao Vinh nằm bên bờ sông Hương, là một thương cảng nhộn nhịp nhất của xứ Huế thế kỷ XIX. Nơi này có đoạn sông sâu, rộng rãi, dễ đậu thuyền. Sau gần một thế kỷ tồn tại, Bao Vinh đã từng được ghi lại như một trung tâm buôn bán sầm uất. Đây là cảng trong đất liền ở Huế, thuyền của người Hoa và người Việt đậu trên khúc sông rộng 150m và sâu từ 4 - 8m. Hàng hoá hết sức đa dạng, ngoài lụa là gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà...[64].

Cùng với Thanh Hà, phố cảng Hội An (thuộc Quảng Nam) cũng sớm ra đời và trở thành một trong những thương cảng lớn nhất của Việt Nam trong các thế kỉ XVI - XVIII. Thương cảng Hội An ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XVI và phát triển mạnh trong thế kỉ XVII, XVIII. Khác với Phố Hiến, hầu như toàn bộ hoạt động buôn bán ở

Hội An đều nằm trong tay các thương nhân nước ngoài, đặc biệt là các thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, mục tỉnh Quảng Nam đã viết về Hội An như sau: “Phố Hội An ở hai bên bờ sông lớn phía nam xã Hội An và Minh Hương, nhà ngói liên tiếp độ hai dặm, người Tàu cư trú có 5 bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Gia Ứng, đều buôn bán hàng Tàu, trong có đình chợ, hội quán, khách buôn tụ tập. Phía nam có đầm Trà Nhiêu làm chỗ cho ghe thuyền nam bắc đến đậu, cũng là chỗ đại đô hội vậy” [26, tr.6].

Một giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đã sống ở Đàng Trong từ 1618 đến 1622, cũng đã viết về Hội An: “Chỉ trong khoảng hơn 100 dặm một chút mà người ta đếm được hơn 60 cảng…Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng…Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán…Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật” [8, tr.91-92].

So với các thương nhân nước ngoài khác, người Hoa được các chúa Nguyễn dành nhiều ưu đãi hơn. Các chúa Nguyễn không tách các thương nhân người Hoa ra khỏi cộng đồng mà cho họ sống hòa nhập và đối xử bình đẳng. Những thuận lợi trong hoạt động ngoại thương với Đàng Trong thời kì này đã tạo điều kiện cho các thương nhân người Hoa trở thành lực lượng chi phối ngoại thương Đại Việt và cư trú lâu dài ở Việt Nam, trong đó có Hội An. Họ là một trong những lực lượng quan trọng đưa đến sự phát triển thịnh vượng của Hội An và Đàng Trong trong các thế kỉ XVII- XVIII. Có thể hình dung được sự phát triển này qua lời kể của nhà sư Thích Đại Sán: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập trung của khách hàng các nước. Thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường nhai hai bên hàng phố ở liền nhau khít rịt…Thuốc Bắc hay các món hàng khác tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây…” [27, tr.30].

Từ nửa sau thế kỉ XVIII, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đô thị Hội An sa sút dần, vai trò ngoại thương chuyển trọng tâm về phía Nam tổ quốc. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán vẫn được tiếp tục phát triển. Có thể thấy rõ điều này qua một chỉ dụ

của vua Minh Mạng: “Một giải Hội An ở Quảng Nam tuy không được giàu có bằng trước, nhưng vẫn là nơi người ở đông đúc, hàng hóa tụ tập” [54, tr.427].

Không chỉ buôn bán ở các đô thị, thương nhân người Hoa còn đi vào các buôn làng của người Thượng để mua hàng hóa và các sản vật khác, đặc biệt là quế ở Quảng Nam. Trước thế kỉ XIX, chính người Trung Quốc đã “phát hiện cho người An Nam và người Mọi biết giá trị của sản phẩm có thể lấy từ loại cây này” [39, tr.285]. Dưới triều Gia Long, việc buôn bán quế được hoàn toàn tự do, có thể các thương nhân người Hoa đã bắt đầu độc quyền món hàng này. Sang thời Minh Mạng, nhà vua cho em mình là Kiên An được độc quyền mua bán quế. Và để đảm bảo thu gom đủ số sản phẩm dự tính lấy được từ quyền đó, Kiên An đã xin được một đạo chỉ dụ cho lập các chức lãnh mãi, lái buôn, dịch mậu… Kể từ đó, những người này đã nắm độc quyền mua quế ở vùng Quảng Nam [39, tr.285-286].

Mặc dù bị hất cẳng ra khỏi thị trường buôn bán quế nhưng những thương nhân người Hoa không hề bỏ cuộc: “người Trung Quốc, ban đầu bị xúc phạm nhưng không nản chí trước một biện pháp làm thiệt hại nặng nề đến quyền lợi của họ, đã tỏ ra rất khéo xoay chuyển các khó khăn mà tình hình mới tạo ra cho họ” [39, tr.287]. Ngược lại, họ “hiểu rất rõ những người họ sẽ phải có quan hệ công việc, biết hầu hết đám người này đều là nghèo túng, họ biết cách lừa phỉnh đám này bằng cách vuốt ve những thói xấu của người này và khai thác những thói xấu của người khác, khéo đến mức đám lái buôn trước kia là đại lý của lãnh mãi thì nay dần dần trở thành đơn giản là đại lý cho người Trung Quốc” [39, tr.288].

Sau đó, những thương nhân người Hoa đã lấy lại vị trí ban đầu của mình. Quan hệ buôn bán giữa họ với người Thượng diễn ra khá sôi nổi: “Được người Trung Quốc bán cho các hàng dùng để đổi chác với lời hứa sẽ trả bằng sản vật miền núi, họ (các

lái buôn) đi vào vùng Mọi, cùng với các đoàn phu khuân vác, mang theo cồng chiêng,

vải vóc,…Trở về, họ mang về quế, sáp ong, chàm đay…” [39, tr.288]. Những sản phẩm này sẽ được chuyển đến các bến ở Tam Kỳ và Hội An để bán đi các nước khác [39].

Như vậy, trên lĩnh vực kinh tế, sự giao lưu giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh và giữa các dân tộc thiểu số với nhau diễn ra rất sôi nổi. Ngoài những địa điểm do triều Nguyễn chỉ định, họ còn buôn bán ở những nơi khác. Thậm chí những lệnh

cấm của triều đình cũng không thể ngăn cản được nhu cầu trao đổi, buôn bán giữa các dân tộc với nhau.

Đối với những dân tộc thiểu số ở vùng núi, điều kiện sinh hoạt khó khăn buộc

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 116 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)