Vấn đề dân tộc thiểu số thời Gia Long

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 55 - 60)

7. Bố cục luận văn

1.3.2.Vấn đề dân tộc thiểu số thời Gia Long

Như đã nói ở trên, bất kì triều đại nào lên nắm quyền ở nước Việt cũng quan tâm tới vấn đề các dân tộc thiểu số và triều Nguyễn cũng không ngoại lệ. Sau khi lên ngôi (năm 1802), vua Gia Long đã chú ý ngay tới chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Nhưng vua Gia Long dành sự quan tâm đặc biệt tới vùng dân tộc thiểu số ở phía

Bắc. Vì “nơi đây vừa là vùng núi non hiểm trở tiếp giáp với Trung Quốc, lại là nơi đất cũ của nhà Lê. Phần lớn các dòng họ thổ tù, lang cun, lang đạo… ở các trấn biên giới phía bắc đều chịu nhiều ân sủng của triều Lê” [73, tr.37].

Thực tế lịch sử cũng cho thấy nỗi lo của vua Gia Long cũng có cơ sở vì phần lớn các cuộc nổi dậy dưới chiêu bài “phục Lê” sau này đều lấy vùng núi non hiểm trở phía Bắc và Bắc Trung bộ làm địa bàn hoạt động, chống lại vương triều Nguyễn.

Tháng 7 - 1802, vua Gia Long đã chính thức ban quan tước cho các thổ tù ở Bắc Hà. Tuy nhiên, biện pháp sử dụng các thổ tù có thế lực tự cai quản lấy địa phương có dân tộc thiểu số thường dẫn đến hậu quả bất lợi đối với triều đình trung ương. “Các thổ tù một khi được ban chức tước, cho phép thế tập, thế lực tất yếu ngày càng lớn mạnh, từ đó, thường nảy sinh xu hướng “ly tâm”, chống đối lại triều đình”. Vua Gia Long cũng lường trước khả năng đó nên đã “đặt chức Phủ Man sứ chuyên đi đánh dẹp và phủ dụ số tù trưởng đầy quyền lực này” [73, tr.39-40].

Nếu như ở miền bắc, vua Gia Long có thể dùng hình thức phủ dụ, mua chuộc các tù trưởng dân tộc thiểu số thì ở miền Trung, vấn đề dân tộc thiểu số khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì đây là khu vực cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, họ cư trú trên nhiều địa bàn rất phức tạp, trải dài dọc biên giới với Ai Lao và Chân Lạp. Trước đó ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn chưa thực sự với tay vào vùng đất này. Do đó, đến vương triều Nguyễn, khu vực này đã trở thành trọng tâm của chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, những bộn bề của người đứng đầu một vương triều mới khiến vua Gia Long không thể quan tâm ngay đến khu vực miền Trung. Hai năm sau khi lên ngôi, nhà vua mới nghĩ đến việc xây dựng chính sách dân tộc ở vùng đất này. Năm 1804, nhà vua cho “thành lập sáu cơ Kiên (Lục Kiên Kỳ), để quản lý, cai trị người Thượng ở miền Trung. Vùng Lục Kiên Kỳ bao gồm miền thượng du tây Quảng Ngãi, bắc giáp tỉnh Quảng Nam, nam giáp tỉnh Bình Định, phân thành 6 cơ Tấn phận. Cách khoảng 400, 500 hoặc 700, 800 trượng lập một bảo, trú quân ở giữ” [76, tr.99].

Vua Gia Long cũng cho đổi vùng Thượng Nam - Ngãi thành một trấn, lấy tên là Trấn Man như dưới thời Huệ Vương và cấp cho Công thần Nguyễn Công Toản làm đất phong hầu vì đã có công bình định vùng sơn cước. Thực tế trong những lần Lê Văn Duyệt dẫn quân đi đánh dẹp giặc Thượng đều nhờ công sức của Nguyễn Công

Toản. Con cháu của ông sau này cũng có công lớn trong việc giúp triều đình cai quản người Thượng ở miền Trung.

Để xây dựng các vùng Thượng, vua Gia Long đã giao cho hai ông Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khắc Tuấn thực hiện chương trình phát triển kinh tế miền núi. Hai ông đã “tổ chức dạy đồng bào Thượng tập cày bừa và làm ruộng sâu để định canh định cư; tổ chức nhiều khu đinh điền và đồn điền, di dân ở các vùng đồng bằng đông đúc đến lập ấp khẩn hoang những khu dinh điền và đồn điền đó, ngoài mục đích phát triển kinh tế còn để làm gương mẫu cho đồng bào Thượng” [17, tr.99].

Năm Gia Long thứ 18 (1819), theo lời tâu của Lê Văn Duyệt, vua Gia Long đã cho xây dựng công trình “Trường lũy” (hay còn gọi là lũy dài) để làm ranh giới cho hai vùng đất Kinh - Thượng và cũng để tiện cho việc khai thác đất công, bổ sung quân dụng. Công trình Trường lũy kéo dài từ ranh giới huyện Hà Đông (Quảng Nam) ở phía bắc đến ranh giới huyện Bồng Sơn (Bình Định). Dọc theo Trường Lũy có hào trồng rào tre gai. Mặt trước phía vùng đất người Thượng để trống, mặt sau lũy, xây dựng 115 đồn bảo. Mỗi đồn bảo bố trí trên dưới 10 lính, cộng cả thảy 1.150 người. Lại tổ chức dân cư các làng ven vùng Thượng thành 27 lân ấp cùng lo việc phòng ngự với các cơ Kiên. Mỗi lân ấp đều có trưởng lân, phó lân, các Tấn phận lại khai khẩn đất đai làm ruộng, mỗi năm lúa thu có cả ngàn, đều sung công nho [76, tr.104].

Ngoài đồng bào Thượng cư trú ở vùng Nam - Ngãi - Bình Định, vua Gia Long cũng quan tâm đến các dân tộc thiểu số khác ở phía tây Thanh - Nghệ, tây Quảng Trị và người Chăm ở Thuận - Khánh. Đối với những dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị, vua cho nộp thuế và sản vật địa phương. Đối với người Chăm ở Bình Thuận, Khánh Hòa, nhà vua vẫn để cho họ một số quyền tự trị nhất định, duy trì về mặt hình thức việc tồn tại các dòng họ vua Chăm.

Đối với hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá ở Tây Nguyên, vua Gia Long vẫn duy trì mối quan hệ đã có từ thời các chúa Nguyễn nhưng khá mờ nhạt. Trong thời gian Gia Long trị vì, chỉ có một lần Thủy Xá và Hỏa Xá đến triều cống. Đó là vào năm 1803, “hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá, sai sứ đến qui phục, sứ giả đến Phú Yên. Dinh thần tâu lên, vua sai ban áo gấm và xuyến ngà rồi cho về” [53, tr.556]. Những năm sau của thời Gia Long không thấy sử triều Nguyễn chép gì về hai nước này nữa.

Đối với các dân tộc thiểu số ở miền Nam (chủ yếu là người Khơ me), nhà vua đã áp dụng một số chính sách mang tính tự trị: cho phép các quan lại người Khơme cai quản vùng Khơme, phong chức tước cho họ, duy trì các phong tục, tập quán dân tộc. Không chỉ vua Gia Long mà các vua đầu triều Nguyễn đều duy trì chính sách vỗ về, phủ dụ là chính, hạn chế những biện pháp quân sự ở khu vực này. Sở dĩ như vậy do nhiều nguyên nhân tạo nên: Nam bộ là vùng đất dấy nghiệp của họ Nguyễn, là nơi thấm nhuần “giáo hóa” từ lâu đời; khu vực sinh sống của người Khơme chủ yếu ở vùng biên cương phía nam của Tổ quốc, đây là một khu vực nhạy cảm, thường xảy ra tranh chấp với Xiêm. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến các vua triều Nguyễn giảm phần chú ý hơn so với miền Trung và miền Bắc là “thế lực những người đứng đầu các dân tộc thiểu số (Khơme, Chàm,..) ở vùng đất này không thật mạnh. Họ không thể tạo nên một “giang sơn riêng” tách khỏi sự quản lí của triều đình trung ương” [73, tr.38].

Ngoài chính sách đối với các dân tộc thiểu số ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, vua Gia Long còn ban hành chính sách đối với cộng đồng người Hoa đang cư ngụ ở Việt Nam.

Vào các thế kỉ XVII - XVIII, người Hoa có vai trò rất lớn trong sự phát triển nền kinh tế Đàng Trong, họ góp phần không nhỏ trong việc mở mang đất đai ở Nam bộ. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đối với người Hoa, thực hiện chính sách “nhu viễn” một cách có hiệu quả, bao gồm: chính sách mềm mỏng, khoan hòa đối với người đến từ phương xa; tạo điều kiện cho họ nhanh chóng an cư, lạc nghiệp. Triều đình cho phép người Hoa thành lập những Minh Hương xã, tổ chức theo cách xã thôn cổ truyền của người Việt hoặc theo chế độ bang, hội. Những người đứng đầu được tuyển chọn qua các kì thi và được nhà vua phê chuẩn.

Như vậy, dưới triều Gia Long, vấn đề dân tộc thiểu số được nhà vua chú ý thể hiện bằng cách ban hành nhiều chính sách, biện pháp để thực hiện. Tuy nhiên, đây là vị vua đầu tiên cai quản một quốc gia Việt Nam rộng lớn, chưa có tiền lệ trước đó nên các chính sách đối với dân tộc thiểu số mà vua Gia Long đưa ra còn bất cập và không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hậu quả là các thế lực tù trưởng miền Bắc ngày càng lớn mạnh và chống lại triều đình, các dân tộc thiểu số ở miền Trung, đặc biệt là

Mọi Đá Vách thường xuyên nổi lên quẫy nhiễu, ảnh hưởng không nhỏ tới sự cai trị của triều Nguyễn. Điều này đòi hỏi các vị vua sau này phải có một chính sách phù hợp và hoàn chỉnh hơn để ổn định đất nước, bảo vệ biên cương, giữ gìn độc lập của Tổ quốc.

Tóm lại, hoàn cảnh quốc tế và trong nước trước khi vua Minh Mạng lên ngôi có nhiều chuyển biến lớn. Thừa hưởng nhiều thuận lợi và không ít khó khăn từ vua Gia Long, vua Minh Mạng đã làm được nhiều điều mà vua cha gửi gắm. Trong đó, thành công nhất là cuộc cải cách hành chính. Tuy nhiên, thời Gia Long, vấn đề dân tộc được chú ý nhưng chưa trở thành chính sách thống nhất của nhà nước, phạm vi áp dụng chủ yếu ở miền núi phía Bắc. Đến lượt mình vua Minh Mạng sẽ giải quyết khó khăn này như thế nào? Câu hỏi sẽ được trả lời, làm rõ ở hai chương tiếp theo của luận văn.

CHƯƠNG 2

MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA VUA MINH MẠNG (TỪ NĂM 1820 ĐẾN NĂM 1840)

Một phần của tài liệu chính sách của vua minh mạng đối với các dân tộc thiểu số ở miền trung (Trang 55 - 60)